Chủ nhật, 22/05/2016, 15:17 PM

Tìm hiểu về "hương" trong Phật giáo

Cũng cần lưu ý, hóa chất trong hương khi gặp nhiệt độ cao sẽ tạo khói có chứa độc nên khi hít vào nhiều sẽ gây ung thư! Vậy nên, người sử dụng cần tìm chọn loại hương (nhang) có tiêu chí 3 không: “không độc hại, không hóa chất và không hương liệu” để bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân…

Trong văn hóa dân gian, làn khói hương tượng trưng cho việc truyền tín hiệu từ thế giới thực tại đến cõi tâm linh (thần linh, cửu huyền) khi muốn thông báo một sự việc hoặc cầu xin điều gì đó, vì thế mà hương còn được gọi là “hương tín”. Nói cách khác, đó là nhịp cầu kết nối giữa thế giới hữu hình và vô hình.

Với người phật tử, nén hương khi dâng trước Phật cũng mang ý nghĩa “hương tín”, hiểu theo nghĩa đang báo tin đến chư Phật, Bồ-tát rằng: “Con đang đứng trước hình tượng của Ngài và nguyện tu học theo hạnh nguyện của Ngài”. Tuy nhiên, trong đạo Phật, ngoài ý niệm truyền tin, hương còn giữ vai trò lớn hơn thế.
 
Thật vậy, tầm ảnh hưởng của hương được thể hiện khi có mặt trong hầu khắp các nghi thức như: tụng kinh, ngồi thiền, lễ tắm Phật, lễ khai quang, cầu an, phóng sanh,… Cũng vì thế, đứng đầu “LỤC CHỦNG CÚNG DƯỜNG” chư Phật, Bồ Tát phải kể đến hương, gồm: hương, đăng, hoa, đồ, quả, nhạc.

Điều này thật dễ hiểu bởi khi Đức Phật còn tại thế đã có truyền thống dâng hương cúng Phật, tức là thắp (đốt) nén hương khi đảnh lễ (1). Vậy nên với người phật tử, dâng hương lên Tam Bảo là cách thể hiện cái tâm thành kính, vì “dâng” là đưa (một cái gì đó) lên theo cách thức cung kính. Chẳng thế mà có bài kệ (2):

Nguyện thử diệu hương vân,
Biến mãn thập phương giới,
Cúng dường nhất thiết chư Phật, Tôn Pháp, Bồ Tát,…

Từ công năng của việc đốt hương…

Đối với người xuất gia tu hành hoặc phật tử, việc dâng hương trước Phật không quan trọng ở số lượng nhiều, khói tỏa mịt mù (dễ gây nhiễu sự thanh tịnh) mà chỉ cần một nén hương, khói bay nhẹ nhàng, mùi thơm phảng phất nhưng tôn quý.

Tuy nhiên, dù tôn quý đến mấy, loại hương ta thắp vẫn không thể bay ngược gió, nên không thể đi vào Pháp giới và không thể sánh với hương của người có đức hạnh, hoặc Giới hương (3).

Dù vậy, nén hương khi dâng trước tượng Phật sẽ làm tăng dần độ cảm nhận về vẻ đẹp của Ngài, và đến lúc nào đấy, khi tâm trí quán chiếu, tâm hồn định tĩnh và lòng thành cao độ, ta sẽ cảm như Phật cốt của bức tượng tan biến và hiện ra là Đức Phật khả kính (4).

Vì thế, đốt hương, dâng hương là một phương thức quan trọng để giữ cho tâm hồn được trong sáng, nhắc nhớ thực hành điều lành để giữ đức hạnh, và bước đầu mở ra cánh cửa vào Đạo pháp.

Đốt nén tâm hương trước Phật đài,(5)
Ngũ phần dâng trọng Đức Như Lai,
Đốt nén tâm hương cúng Phật Đà,
Lòng thành gởi tận chốn bao la,
Đốt nén tâm hương ở Ta Bà,
Nhớ lời di huấn Đức Thích Ca,
… đến công đức của việc dâng hương

Kinh điển có ghi lại việc trưởng giả Phổ Nhãn Diệu Hương giảng “pháp môn khiến tất cả chúng sinh hoan hỷ phổ môn” chủ trương thắp hương cúng dương chư Phật, cứu hộ chúng sinh, hay như Thanh Liên Hoa trưởng giả “giỏi biết chư hương pháp môn” chuyên giảng chủng loại và của các thứ hương, bao gồm hương xông cho Phật được xem là một loại công đức (6). Điều này đã cho thấy, việc dâng hương, nhất là hương quý là một việc làm luôn được khuyến khích.

Trầm hương và kỳ nam hương, loại hương tôn quý nhất khi cúng Phật
Trong các loại hương dâng Phật thì hương trầm được suy tôn như mùi “hương của Niết-bàn”, đặc biệt là loại hương kỳ nam. Khái niệm Niết-bàn là một danh từ khó có thể giải thích toàn vẹn bằng lời, nhưng hết thảy người xuất gia hoặc phật tử đều hiểu, Niết-bàn là mục tiêu chính yếu của Phật giáo và cũng là mục tiêu cuối cùng của người tu Phật. Chính vì lẽ ấy, khi nói hương trầm là mùi “hương của Niết-bàn” đã cho thấy đây quả là một mùi hương vô cùng tôn quý.

Thực vậy, trong bộ kinh Minlindapanha – Di Lan Đà vấn đạo, hay Na-tiên tỷ khâu kinh (xuất hiện khoảng 100 năm sau khi đức Phật nhập Niết Bàn và được Phật giáo Miến Điện xếp vào hàng Thánh điển và Phật giáo Srilanka xếp chung với năm bộ Nikàya để tôn thờ) nói về những câu hỏi – đáp giữa vua Milinda (Di Lan Đà) và tỳ kheo Nàgasena (Na-tiên), ở phần đề cập đến Niết Bàn, ngài Na-tiên đã khéo léo vận dụng sự so sánh để mô tả về Niết Bàn, trong đó có sự so sánh về trầm hương như dưới đây:

Trầm hương có 03 đặc điểm là:

1. Thật khó mà tìm được.
2. Mùi thơm tuyệt đối.
3. Tất cả ai ai cũng ưa chuộng và ca tụng.

Cũng như Niết Bàn có 03 đặc điểm là:

1. Thật khó mà tìm thấy và khó mà gặp được.
2. Mùi thơm của Tam học (Giới – Định – Huệ) là mùi thơm tuyệt đối.
3. Là nơi của các bậc Thánh nhân an nghỉ.

Bởi thế, khi dùng trầm hương để dâng lên Tam Bảo (Phật – Pháp – Tăng) chính là cách mà người phật tử thể hiện lòng tôn kính hết mực. 

Một số điều thú vị về kỳ trầm và lợi ích của việc sử dụng/dâng cúng trầm

- Phật giáo Tây Tạng sử dụng trầm hương để tăng cường sự tập trung, yên tĩnh sâu và thanh lọc tinh thần, làm cho giác quan trở nên nhạy bén và giúp khai mở hiểu biết, luân xa.

- Văn bản tôn giáo được viết trên vỏ cây của Srimanta Sankardev (nhà thông thái và tôn giáo quan trọng của Ấn Độ vào thế kỷ 15 – 16) đã khẳng định trầm hương là một trong những mùi hương (góp phần) đáp ứng (hiện thực hóa) mong muốn của con người khi đảnh lễ và cầu nguyện.

- Kỳ nam thuộc diện “siêu đắt” do giá trị tâm linh và mùi hương tôn quý. Thông thường, kỳ nam chỉ được dùng trong các nghi lễ quan trọng.

Bên cạnh đó, việc sử dụng trầm hương còn giúp người học Phật luôn cố gắng tu tập theo Giới – Định – Huệ, mà đây lại là pháp môn thực hành tối quan trọng, như lời dặn của Cố lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh: “Người học Phật muốn thoát khởi Ta-bà thì cần tu Giới, Định, Huệ” (7).

Tích xưa cũng thuật lại rằng, cách đây vài ngàn năm ở Ấn Độ có một vị thánh tên là Vipasyi. Khi còn tại thế ông đã ngộ Niết-bàn và phát ra năng lực êm dịu, trí huệ rực sáng, vì vậy mà có nhiều người tìm gặp ông và mong được cúng dường cho ông mỗi ngày. Trong số này có cả đức vua và một thương nhân giàu có tên là Njemay.

Do tức giận trước việc Njemay mời được Ngài Vipasyi trước, nên nhà vua đã hạ lệnh cấm buôn bán gỗ để gia đình Njemay không thể đun nấu và dâng cúng những bữa ăn mỗi ngày cho Vipasyi. Thế nhưng nhờ sự hữu duyên, Njemay đã tìm ra một phương án thay thế, đó là việc đốt từng thỏi trầm lớn để nấu những bữa ăn tuyệt vời dành cho Vipasyi.

Ngày qua ngày, mùi hương của trầm lan tỏa khắp thành phố, kể cả thành phố bên cạnh, khiến cho chính thành phố ấy sau này trở thành một thành phố hành hương. Riêng bản thân Njemay, nhờ công đức trên mà được tái sinh vào cõi trời mang tên là A-la-hán Anga, tức “đạo sư đốt trầm”(8).

Nguồn gốc và cách nhận biết về trầm và kỳ nam

Trầm hương được phân thành nhiều hạng, trong đó trầm hương hạng nhất thường gọi là Kỳ nam. Theo Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn ghi lại: “Kỳ nam hương, xuất từ đầu núi Quảng Nam, Phú Yên và Quy Nhơn do cây dó kết thành.

Dó có 3 loại: Dó lưỡi trâu thì thành khổ trầm, dó niệt thì thành rầm hương, dó bầu thì thành kỳ nam hương. Người ta thấy cây già lá vàng và nhỏ, thân cây nhiều u bướu, biết ngay có hương, chặt mổ để lấy. Họ Nguyễn trước đặt đội Am Sơn, hằng năm cứ tháng 2 thì đi kiếm, tháng 6 thì trở về, số được nhiều ít không nhất định… ” (Họ Nguyễn là ý chỉ chúa Nguyễn Hoàng khi mới vào trấn nhậm Phú Xuân). Thời bấy giờ, chúa Nguyễn còn có nguồn kỳ nam là cống phẩm của người Chăm.

Muốn phân biệt trầm với kỳ nam thì lấy hình chất khí vị để so sánh. Trầm thì cứng, nặng, ít thơm, sắc nhạt, vị đắng. Kỳ nam mềm nhẹ, hơi có dầu, thơm mát, vị gồm đủ ngọt, cay, chua, mặn, đắng và mùi của kỳ nam cũng đậm hơn, thanh cao hơn. Xông trầm thì khói kết xoáy rồi sau mới tan, xông kỳ nam thì hơi khói lên thẳng mà dài.

Kỳ namtrầm hương hạng nhất, được chia thành 4 loại: Bạch kỳ: sắc trắng ngà, xám nhạt, vô cùng quí hiếm, ít khi có, đắt giá nhất. Thanh kỳ: sắc xanh xám, ánh lục, rất quý hiếm, đắt giá sau bạch kỳ. Huỳnh kỳ: Sắc vàng sẩm, vàng nâu, quý hiếm và đắt giá sau thanh kỳ. Hắc kỳ: Sắc đen chàm, hắc ín, quý và đắt giá sau huỳnh kỳ. Sách xưa xếp loại kỳ nam: Nhất Bạch, nhì Thanh, tam Huỳnh, tứ Hắc.

Trầm hương hạng 2 mới gọi là trầm, được xếp thành 6 loại và giá trị thấp dần:

Loại 1: sắc sáp trắng.
Loại 2: sắc xanh đầu vịt.
Loại 3: sắc sáp xanh.
Loại 4: sắc sáp vàng.
Loại 5: sắc vằn lông hổ.
Loại 6: sắc vàng đốm dầu. 

Trầm hương hạng 3 được gọi là tốc, vì có mức nhiễm dầu ít hơn trầm, được xếp thành 4 nhóm:

Tốc đĩa: mức độ nhiễm dầu nhiều trong các thớ gỗ, dạng nhỏ, cỡ ngón tay, đầu đũa con hoặc như con đĩa.
Tốc dây: mức độ nhiễm dầu xen, tạo nhiều vòng giữa các thớ gỗ, thường có dạng tròn, dài, dáng rễ cây.
Tốc hương: mức độ nhiễm dầu dạng mảnh, mùi thơm nổi trội hơn các loại tốc khác.
Tốc pi: mức độ nhiễm dầu mỏng, bao quanh bên ngoài các thớ gỗ theo dạng hình tháp hoặc hình ống lớn (9).

Thay lời kết

Hương là vật phẩm tâm linh không thể thiếu của Phật giáo, và việc dâng hương mang ý nghĩa và hình tượng rất quan trọng, đặc biệt là loại hương trầm hoặc kỳ nam (vốn được xem là tuyệt đỉnh của dòng hương tâm linh).

Tuy nhiên, do giá thành của nguyên liệu trầm, kỳ nam là đắt đỏ, nên rất nhiều loại mang danh là “hương trầm” nhưng kỳ thực, đó chỉ là loại hương làm từ mùn cưa, vỏ trấu và hóa chất tạo hương trầm. Cũng cần lưu ý, hóa chất trong hương khi gặp nhiệt độ cao sẽ tạo khói có chứa độc nên khi hít vào nhiều sẽ gây ung thư!

Vậy nên, người sử dụng cần tìm chọn loại hương (nhang) có tiêu chí 3 không: “không độc hại, không hóa chất và không hương liệu” để bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân…

Thế nên mới thấy, trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, người làm hương rất cần đến “tâm Phật” để làm ra sản phẩm “Hương Trầm” có chất lượng và đúng nguyên liệu trầm, vì đây là sản phẩm tâm linh, nên càng cần được trân trọng, thành kính, và không giả dối.

Đức Hạnh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 3/2016
-
(1) Trường A-Hàm Kinh, quyển 2: Kinh Du Hành.
(2) Kinh Phổ Môn.
(3) Kinh Pháp Cú (54-55).
(4) Lược giải bổn môn Pháp Hoa kinh – phẩm Nguyện hương (HT. Thích Trí Quảng).
(5) Sđd.
(6) Kinh Hoa Nghiêm, quyển 49.
(7) Pháp Ngữ Vạn Đức (HT. Thích Trí Tịnh).
(8) Sư Tử Tuyết Bờm Xanh – chương 14 (Surya Das).
(9) Báo cáo của Hoàng Cảnh, nhân 2 năm thành lập Hội Trầm Hương VN (2006).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần

Nghiên cứu 14:00 30/11/2024

Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.

Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước

Nghiên cứu 08:45 25/11/2024

Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Xem thêm