Tìm trâu trong chuyển đổi số
Đức Phật dạy rằng: “Này các thầy Tỳ-kheo, ở trong tịnh giới phải chế ngự năm thứ giác quan không cho phóng túng vào trong năm thứ dục lạc. Như kẻ chăn trâu, cầm roi mà coi giữ, không cho trâu phóng túng phạm vào lúa má của người...”. Lời Phật từ ngàn năm trước trong thời đại chuyển đổi số hốt nhiên rền vang!
Những lời dạy này về sau được chép trong kinh Di giáo, dựa vào đó, Phật giáo Đại thừa và Thiền tông khái quát hóa con đường tu tập để đạt đến cảnh giới tối thượng theo tông phái của mình, bằng bộ tranh 10 bức nổi tiếng “Thập mục ngưu đồ”.
Tranh trâu - tiểu đồng đại dị
Trâu làm bạn với con người khá sớm. Có lẽ đầu tiên con người cần một người bạn, có thể bảo vệ mình nên đã chọn loài chó. Sau đó vì cần chọn loài để bổ sung nguồn thực phẩm ổn định nên đã chọn heo, gà. Con người thuần hóa trâu ngựa khi cần sức kéo, giúp việc lao động sản xuất nhẹ nhàng hơn. Đến sau nhưng vị trí thân thiết của trâu có lẽ chỉ sau chó. Có lẽ vì thế mà Đức Phật mượn con trâu để ví von chứ không chọn con vật khác. Cho nên hơi bị tự nhiên bộ tranh 10 bức nổi tiếng “Thập mục ngưu đồ” tuy hàm nghĩa uyên áo nhưng gần gũi và không quá khó tiếp cận.
Trong bộ tranh thuộc dòng Đại thừa, con trâu từ đen hoàn toàn dần dần trắng ra từ đầu đến đuôi trọn vẹn, một biểu tượng cho chân tâm thanh tịnh, viên mãn. Có nhiều bộ tranh Đại thừa nhưng về cơ bản chúng giống nhau, mở đầu bằng bức họa có chủ đề Vị mục (chưa chăn) vẽ con trâu chưa được thuần hóa và khép lại là bức Song dẫn, một vòng tròn tượng trưng cho việc tu tập đã thành tựu đến cảnh giới cao nhất.
Có nhiều con đường để đến đích, song tất cả đều không ngoài việc làm chủ chân tâm. Ở đây “tâm” được gởi cả vào hình ảnh con trâu. Vì có trâu nên mới có người thuần hóa, mới phái sinh việc chăn dắt. Mọi nỗ lực của người tu tập chuyên chú vào việc làm sao để khiển được trâu. Khi đã thuần hóa, trâu tự biết việc phải làm, người gọi là đến, đóng ách là cày. Vậy là tốt nhưng vẫn chưa đến mức “lô hỏa thuần thanh”. Vì thế mới có thêm bức diễn đạt nội dung “trâu mất còn người”, kế đó “người cũng mất luôn”, cảnh giới này được diễn tả bằng hai bức Tương vong và Độc chiếu. Cuối cùng là bức Song dẫn diễn tả bằng một vòng tròn viên giác xong xả, thuyền đã đến bến.
Bộ tranh trâu Thiền tông có loại vẽ con trâu đen, có loại vẽ con trâu trắng. Căn bản hai bộ như nhau nhưng loại tranh vẽ trâu đen phổ biến hơn. Tuy nhiên dù trắng hay đen, con trâu Thiền đều giữ nguyên vẹn một màu lông qua các giai đoạn chứ không chuyển hóa như trâu Đại thừa.
Bộ tranh trâu Thiền tông có một điểm khác là vòng tròn viên giác - bức họa thứ 10 của Đại thừa, qua bên Thiền tông lại ở vị trí thứ 8, diễn giải nghĩa “trâu và người đều quên”. Hai bức kế tiếp lần lượt là “trở về nguồn cội”; “thõng tay vào chợ”. Bài kệ đi kèm bức tranh cuối diễn ý có đoạn như sau: “chỉ biết vác lè kè nậm rượu vào trong phố, xong rồi chống gậy về ngôi nhà nơi mình ẩn dật. Cảm hóa được dân quán rượu hàng cá, giúp tất cả bọn họ thành Phật”.
Thoạt tiên việc tu tập của hai tông phái cơ bản giống nhau, nhiều người cũng cho rằng “đại đồng tiểu dị”. Tuy nhiên thật ra không hẳn vậy, thậm chí ngược lại - “tiểu đồng đại dị”! Ở Đại thừa người tu tập có thể chuyển hóa, tiếp cận chân lý từng nấc một, nói nôm na là có thể thành Phật mỗi ngày một chút và không thể có chuyện đốt giai đoạn. Khác với Đại thừa, Thiền tông tin rằng, người tu tập thành Phật - là thành ở nội tâm, tự nhiên mà thành, không phải theo từng giai đoạn chuyển hóa. Đặc biệt có thể trong một nháy mắt, sau một tiếng hú hoát nhiên thành Phật.
Năm Sửu nói chuyện chăn trâu: Thập mục ngưu đồ
Tìm trâu trong thế giới số
Cứ cho rằng chúng sinh đã đạt đến sự tinh khiết và hoàn thiện trong đạo đức, trí tuệ, từ bi vô hạn với mọi chúng sinh khác, không phân biệt đối tượng thông qua nỗ lực của bản thân, thì liệu có cảnh giới nào, hiện chân nào khác, ngoài Phật không? Hay đó cũng chỉ là một cách gọi tên? Đã có giả thuyết cho rằng thế giới chúng ta đang sống, mọi thứ mà não ta đang cảm nhận được là sản phẩm của những siêu thuật toán; nói cách khác, chúng ta đang ở trong giả lập, trong ma trận. Nếu không thể phủ định điều này, cũng không thể cho rằng “cảnh giới nào, hiện chân nào khác, ngoài Phật” là báng bổ.
Sau thời đại Lý-Trần ở ta, Thiền tông khuất lấp trong đời sống, nhìn vào Phật giáo gần như chỉ thấy Đại thừa. Xin nhắc lại ngay ở đây, tôi không thảo luận về tôn giáo mà muốn từ Phật giáo gợi mở một góc nhìn khác - xem ra trong thời đại số, hay “trend hơn” là chuyển đổi số, nếu cứ tìm trâu như tranh Đại thừa chắc không biết đến bao giờ mới thành chánh quả. Với những quốc gia có điểm xuất phát như Việt Nam, con đường Thiền tông, tỷ lệ cơ may xem ra có nhiều hy vọng hơn.
Nhiều năm trước, chúng ta đã cổ vũ cho xu hướng “đi tắt đón đầu” nhưng rồi đến nay mọi thứ xem chừng vẫn cứ lúng ta lúng túng. Mạng miếc nét niếc xem ra để giải trí nhiều hơn là để học hành; những nội dung chủ đề tìm kiếm phần nhiều theo những chuyện để thỏa mãn tính hiếu kỳ hơn là học tập, nghiên cứu.
Hai mươi năm là không phải nhiều trong một đời người, từng đó chỉ là một sát-na trong vô hạn thời gian. Nhưng chỉ trong 20 năm ta đã kịp chứng kiến Amazon, Facebook, Google từ zero trở thành những gã khổng lồ như thế nào. Cùng với từng đó, thời gian ta cũng chứng kiến sự suy thoái của những tên tuổi lẫy lừng Yahoo, Nokia, Blackberry…
Vậy tại sao trong danh sách những kẻ thành công rất hiếm những tên tuổi đến từ châu Á và không có mẩu nhỏ nào của Việt Nam? Hay là chúng ta đã vụng tu quá nhiều kiếp? Bí mật của những tên tuổi thành công kể trên kia là gì? Câu trả lời của các chuyên gia công nghệ được nhiều người tán thành hóa ra khá đơn giản, đơn giản y như “tìm trâu” vậy. Thứ nhất, cách thức họ tư duy hoàn toàn khác với phần còn lại, trong đó có chúng ta. Họ, chẳng những đã tư duy nhanh hơn mà còn vượt xa chúng ta. Đã vậy họ còn thay đổi và thích ứng cực nhanh với sự biến đổi đầy linh hoạt của hoàn cảnh. Chính từ đó và bằng sự vượt lên, họ đã dẫn dắt phần còn lại. Cũng phải thôi, những người thành chánh quả tự nhiên sẽ đứng vào vị trí dẫn dắt chúng sinh, kinh điển đã chỉ ra như thế mà thực tế cũng đã như thế rồi.
Hình bóng con trâu qua ca dao, tục ngữ Phật giáo Việt Nam
Như vậy ở thời đại chuyển đổi số, tức là dùng sức mạnh công nghệ để thay đổi mô hình kinh doanh, cách thức kết nối, từ đó có thể kiến tạo ra cơ hội, giá trị mới, thậm chí trước đó chưa hề tồn tại. Hay nói như “ngưu đồ” đã chỉ, ta sẽ ở vòng tròn thứ 8.
Trở lại với “Thập mục ngưu đồ” bạn nhé. Phật giáo cho rằng ai cũng có thể thành Phật và Phật là một chúng sinh đã đạt đến sự tinh khiết và hoàn thiện trong đạo đức, trí tuệ, từ bi vô hạn với mọi chúng sinh khác, không phân biệt đối tượng thông qua nỗ lực của bản thân trong rất nhiều kiếp sống. Thêm nữa, Thiền tông có thuật ngữ “ngộ” dùng để chỉ sự “trực nhận”, “thấu hiểu xuyên suốt”, “nhận thức” - đây không phải là sự hiểu biết thông thường hoặc nhận thức theo các hệ thống kinh nghiệm mà là sự trực nhận chân lý. Cùng với ngộ còn có “đại ngộ”, “hoát nhiên đại ngộ” để chỉ sự giác ngộ đến tột cùng chỉ trong một tích tắc sát-na.
Một sát-na thì không dám mong. Nhưng hy vọng với chiến lược chuyển đổi số tốt, chúng ta sẽ tiến nhanh cùng thế giới. Thậm chí còn có thể nhân việc khống chế dịch bệnh Covid-19 tốt như vừa qua để tranh thủ “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc” trong chuyển đổi số.
Đừng nghĩ đó là mơ mộng hão! Trước dịch, có nằm mơ cũng không thể hình dung một shipper lái chiếc xe máy cà tàng nhận thanh toán qua tài khoản, xủng xẻng ví điện tử; những bà nội trợ chọn nhoay nhoáy rau cỏ trên các trang web, ung dung chờ nhận giỏ hàng theo phương thức COD, rồi chạm một cái mã QR là xong! Tất cả những điều như vậy đã thành hiện thực hết rồi, chỉ sau chưa đầy 12 tháng của “năm Covid ngươn niên”! Trước đó các chuyên gia của ta từng tính toán rất chi tiết để trả lời câu hỏi - cái cảnh ấy mất bao nhiêu năm nữa mới thành hiện thực ở Việt Nam? Bạn đoán xem? 20 - 22 năm nhé! May mắn sao thực tế đã chứng minh các chuyên gia dự báo trật. Có thể hiểu các shipper, các bà nội trợ đã “thấu triệt thanh toán không dùng tiền mặt”, đã “giác ngộ số” rồi đấy, bạn thân mến! Giờ đến phần của chúng ta!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần
Nghiên cứu 14:00 30/11/2024Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.
Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước
Nghiên cứu 08:45 25/11/2024Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Xem thêm