Chủ nhật, 30/10/2016, 11:31 AM

Tin kính Tam Bảo

Đúng vậy, tín ngưỡng Tam Bảo là nội dung rất riêng biệt của Phật giáo. Các tôn giáo thần quyền, hoặc là chỉ tin Thượng đế, (như đạo Do Thái, đạo Hồi), hoặc là tin chúa cha, chúa con và chúa Thánh Linh (như đạo Cơ Đốc) hoặc là sùng bái thêm Thánh Mẫu nữa (như Đạo Thiên Chúa). 

Phật giáo vì là vô thần, cho nên không sùng bái Phật như thần linh, cũng không xem Phật là có một không hai, lại càng không xem Phật là chúa sáng tạo vạn vật và xá miễn tội ác cho nhân loại. Phật giáo xem Phật cũng như học sinh đối với thầy giáo. Thầy giáo có thể dạy học sinh, giúp học sinh thay đổi phẩm cách, tăng trưởng tri thức, tu dưỡng thân tâm, nhưng không thể học tập thay cho học sinh, lên lớp, nghe giảng thay cho học sinh được.
 
Vì vậy, tín ngưỡng Phật giáo mang tính chất thuần lý tính, thuần luân lý. Sự sùng bái Phật Đà giống như lòng hiếu kính của con cái đối với cha mẹ, xuất phát từ lòng biết ơn.

Một phật tử chính tín, sùng bái Phật, quyết không phải là để được phúc tránh họa, nguyện lực của Phật có thể do sức mạnh tâm lý của người cầu nguyện mà phát sinh cảm ứng linh nghiệm, nhưng đó chủ yếu là do bản thân người cầu nguyện. Nếu định nghiệp của mình đã chín muồi và hiện hành thì dù có cầu nguyện mấy, Phật cũng không làm gì được.

Nếu biết dựa vào chính Pháp của Phật giảng mà hành động, như bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, nỗ lực, tu định, phát huệ thì có khả năng thay đổi nghiệp lực quá khứ, tội nặng nhưng chịu quả báo nhẹ; tội nhẹ thì được khỏi quả báo; bởi vì, nghiệp lực hiện hành thụ báo, cũng giống như hạt giống nẩy mầm và sinh trưởng, phải nhờ vào sự hỗ trợ của nhiều nhân duyên.

Một hạt giống nhờ có các điều kiện thuận lợi như ánh nắng, không khí, nước, đất, phân bón và công phu của nhà nông, mà sinh trưởng nhanh chóng. Trái lại, nếu thiếu những trợ duyên đó hay thậm chí không có những trợ duyên đó thì hạt giống sẽ sinh trưởng chậm, thậm chí không nẩy mầm được. Phật giáo xem việc tạo nghiệp thiện, ác và thụ báo cũng theo một đạo lý như vậy. Tính vĩ đại của đức Phật không phải ở chỗ Phật tạo ra vạn vật và xá tội cho chúng sinh. Vì về căn bản, không có ai xá tội cho ai được - Quan niệm xá tội của tôn giáo thần quyền chỉ là sản vật hỗn hợp của thần quyền và độc tài. Đức Phật tự mình đã chứng ngộ đạo lý giải thoát và đem đạo lý giải thoát đó giảng cho mọi chúng sinh đều rõ, dựa vào đạo lý ấy mà tu hành và cũng được giải thoát, đạt tới quả vị Phật, không khác gì Phật.
 
Vì vậy mà tín đồ Phật giáo, đôi khi không ưa gọi mình là Phật giáo đồ, mà ưa tự xưng là học trò Tam Bảo! Bởi vì người khai sáng ra Phật giáo tuy là đức Phật, nhưng điều mà Phật giáo coi trọng là Pháp chứ không phải là Phật. Vì Phật không thể giải thoát thay cho người được, còn Pháp thì có thể giúp cho người tự giải thoát. Sùng bái Phật là sùng bái ân đức của Phật đã chứng ngộ và thuyết pháp. Đức Phật, trải qua ba vô lượng kiếp, tu hành đạo Bồ Tát mà chứng ngộ được đạo lý giải thoát, và sau khi chứng ngộ, đã thuyết giảng tường tận đạo lý ấy cho chúng ta. Ân đức ấy có thể nói là vĩ đại và cao quý hơn hàng nghìn trăm vạn lần ân đức thế gian, mà không chỉ là hơn trăm vạn lần, thực ra ân đức ấy không thể ví dụ được, nghĩ bàn được.
 
Thế nhưng, sự truyền bá Phật Pháp, lại phải dựa vào các cán bộ của Phật, tức là tăng sĩ. Trong hàng tăng sĩ có Bồ tát tăng như Văn Thù, Di Lặc, Quan Âm, Địa Tạng v.v… có Thanh Văn tăng như các vị A La Hán : Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp v.v…, có phàm phu Tăng như tất cả mọi Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni, giữ giới thanh tịnh, tu học chính pháp và thuyết pháp độ sinh. Vì tăng si có khả năng đem đạo lý giải thoát của Phật, giảng giải truyền bá cho chúng ta, cho nên ân đức của tăng sĩ cũng là vô lượng.
 
Việc hoằng dương Phật Pháp không phải là sự nghiệp của riêng tăng sĩ. Phật tử tại gia cũng hoằng dương Phật Pháp; trụ trì Phật Pháp thì phải là người xuất gia, nói trụ trì Phật Pháp có nghĩa là đại biểu cho Phật Pháp, tượng trưng cho Phật Pháp, khiến Phật Pháp an trụ được ở thế gian này. Người bình thường, gặp một người xuất gia thì liên tưởng ngay đến Phật giáo, nhưng nếu gặp một Phật tử tại gia thì không có ngay ấn tượng đó (trừ phi là người phật tử tự mình nói ra, nhưng ít có trường hợp phật tử tự xưng mình là phật tử, khi gặp một người lạ).
 
Vì vậy, khai sáng ra Phật giáo là Phật Đà. Trọng tâm của Phật giáo là Pháp. Phật giáo an trụ ở thế gian là tăng chúng. Chính vì lẽ đó mà Phật giáo gọi Phật, Pháp, Tăng là ba của báu. Tam Bảo, chủ yếu là Pháp bảo, giúp cho người lìa khổ được vui. Pháp bảo do Phật tự chứng và thuyết giảng, và do tăng chúng giữ gìn truyền bá, cho nên đều gọi là Tam Bảo. Khi Phật còn sống, Phật giáo lấy Phật làm trung tâm, làm nơi quy ngưỡng. Sau khi Phật diệt độ, Phật giáo lấy tăng chúng làm trung tâm làm nơi quy ngưỡng. Quy y Tam Bảo là để học Pháp bảo. Muốn học Pháp bảo thì phải được Tăng bảo hướng dẫn, kể cả 2 mặt trao truyền tư tưởng và nêu gương sáng trong hành vi. Vì vậy mà sau khi Phật diệt độ, đối tượng cúng dường Tam Bảo nặng về Tăng Bảo. Lại vì Phật giáo chủ trương "Y pháp bất y nhân" (dựa vào pháp, không dựa vào người) coi trọng việc truyền bá và quy y Phật Pháp, cho nên thường xem hành vi sinh hoạt của tăng sĩ là chuyện cá nhân của họ. Chỉ miễn là tăng sĩ có kiến giải đúng đắn, có khả năng thuyết pháp, thì dù có phạm cấm giới, cũng vẫn được người thế tục cung kính cúng dường. Đó là yêu cầu về mặt đạo đức, cũng như câu "Trong thiên hạ, không ai là không phải cha mẹ chúng ta". Cũng như ông thầy dạy tiểu học, chưa từng học đại học, nhưng học sinh tốt nghiệp đại học không thể phủ nhận ông thầy xưa của mình ở cấp tiểu học.
 
Vì vậy, đối với một phật tử chính tín, sùng bái Phật bảo là vì Pháp bảo; và để tiếp thu được Pháp bảo thì phải sùng bái Tăng bảo. Sùng bái Bồ tát cũng là cung kính đối với Tăng. Đối với các bậc Thánh tăng Đại Bồ tát, tất nhiên phải cung kính cúng dường. Đối với phàm phu tăng có trì giới thanh tịnh và biết thuyết pháp cũng phải cung kính, cúng dường. Ngay đối với những tăng sĩ không giữ giới thanh tịnh, nhưng có kiến giải đúng đắn, biết thuyết pháp cũng phải cung kính cúng dường (vì điều quan trọng là có kiến giải đúng đắn và biết nói chính pháp). Sự thực, trong thời đại cách Phật diệt độ đã xa, Thánh Tăng rất khó gặp. Đối tượng kính tăng thường là phàm phu tăng, tỷ khiêu và tỷ khiêu ni. Trong kinh cũng nói cúng dường Thánh Tăng và cúng dường phàm phu Tăng không có khác biệt, đều có công đức vô lượng, không thể nghĩ bàn được.
 
Phật giáo tuy là cao minh vĩ đại, nhưng hai chữ "Tam Bảo" có thể bao quát hết. Do đó, tin Phật giáo tức là tin Tam Bảo, kính ngưỡng Tăng bảo. Vào thời Phật còn tại thế hay hiện nay, ở các nước như Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan được xem là chuyện đương nhiên. Nhưng, ở Phật giáo Trung Quốc, quan niệm kính tăng trước nay chưa hình thành một tập tục phổ biến, do phẩm cách của tăng ni không đồng đều, cao tăng chỉ chiếm số ít trong tăng chúng mà thôi. Người lớp trên thì kính trọng đạo đức và học vấn của cao tăng. Người lớp dưới thì mù quáng sùng bái cao tăng như thần linh. Do tập tục kính ngưỡng cao tăng, cho nên sinh ra tệ nạn có một số tăng sĩ, giả dối và làm chuyện bậy bạ, vẫn được sùng bái như thần linh. Đó là những quan niệm đòi hỏi phải gấp được sửa đổi, làm một phật tử chính tín thì không được có quan niệm như vậy.

Trích "Phật giáo chính tín" - HT.Thánh Nghiêm

Nguồn: http://thuvienhoasen.org/p21a7278/16-phat-tu-vi-sao-lai-phai-tin-nguong-tam-bao

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Theo Phật giáo, con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?

Hỏi - Đáp 17:46 18/12/2024

Thưa Ngài, theo triết học cuả Phật giáo thi con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?

Cảnh giới của "Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” như thế nào?

Hỏi - Đáp 12:27 18/12/2024

Kinh Vô Lượng Thọ có đoạn: “Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” (mạng chung mộng thấy Đức Phật A Di Đà), xin giải thích cảnh giới này như thế nào? Nếu ở trong mộng gặp A Di Đà Phật, chẳng may bị người thân quyến thuộc gọi tỉnh giấc, có phải là đánh mất cơ hội vãng sanh rồi không?

Lưu thông sách về Tây phương cực lạc sẽ tạo nghiệp ác?

Hỏi - Đáp 12:15 18/12/2024

Con đem sách Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Du Ký giới thiệu nhưng có đồng tu nói sách đó nói không đúng sự thật, lưu thông sẽ tạo nghiệp, xin lão Hòa thượng khai thị.

Dọn cơm cúng thế nào cho đúng?

Hỏi - Đáp 11:14 08/12/2024

Tôi thường thấy lúc cúng vong, có ba chén cơm để ngang nhau...

Xem thêm