Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 11/09/2017, 09:20 AM

Tỉnh dậy đi thôi, các bạn xuất gia trẻ

Thầy Nhất Hạnh đã trở về thăm quê cũ và sau 9 ngày thầy đã lặng lẽ ra đi. Nhân dịp này, chúng tôi lật lại chồng báo cũ (Lá thư Làng Mai) đọc được bức thư tâm tình thầy gửi cho các đệ tử xuất gia trẻ của thầy. Nội dung thầy nhắn gởi các bạn trẻ xuất gia hãy từ bỏ lối mòn xưa cũ, từ bỏ lối học từ chương, để thành ông thầy cúng, hay giữ những chức vụ lỉnh kỉnh trong Giáo hội, những danh xưng và địa vị càng ngày càng bị lún sâu; hay nói một cách khác hãy từ bỏ lối tu học của Phật giáo Tổ sư Trung Quốc buổi sáng tụng chú, buổi tối Niệm A Di Đà. Nay xin chia sẻ cùng quý độc giả không luận xuất gia hay tại gia.

Các con thân mến,

Hồi Thầy mới vào chùa năm 16 tuổi, trên phương diện danh từ thì mình đã được gọi Bụt Sakyamuni là Bổn Sư (Nam Mô Đức Bổn Sư Bụt Sakyamuni). Bổn Sư (tiếng Bắc là Bản Sư) có nghĩa là Thầy tôi. Nhưng kỳ thực đức Bụt mà mình được gặp khi mới vô chùa không phải là một vị Thầy đích thực mà là một nhân vật rất huyền thoại, đầy phép lạ, đầy thần thông, rất xa cách với con người. Mình không được gặp Bụt của đạo Bụt nguyên thủy mà cũng không được gặp Bụt của đạo Bụt tiểu thừa. Hình ảnh Bụt nguyên thủy là một vị Thầy ăn mặc rất đơn sơ, trải bồ đoàn tọa cụ ngồi trên đất, ngồi pháp đàm, nói pháp thoại và ăn cơm với các Thầy. Mình không gặp được hình ảnh đó, vì vậy trên phương diện danh từ mình được gọi là Thầy tôi nhưng kỳ thực giữa mình với đức Sakyamuni có một khoảng cách rất lớn. Đó là một nhân vật hoàn toàn thần thoại, đầy phép lạ.

Mãi cho đến mấy chục năm sau, Thầy mới tìm ra được hình ảnh của một vị Thầy đích thực, một vị Bổn Sư. Bổn Sư chỉ có nghĩa là "Thầy của tôi" thôi. Giống như nói là Bổn Tự thì có nghĩa là chùa tôi, bản tỉnh có nghĩa là tỉnh của tôi. Cho nên sau đó nhiều thập niên, khi khám phá ra được con người thật của Bụt rồi, Thầy mới nuôi giấc mộng là viết một cuốn sách để cho người ta thấy rằng Bụt không phải là một vị thần linh đầy phép lạ mà là một vị Thầy. Do đó Thầy đã để hết tấm lòng của mình để viết cuốn Đường Xưa Mây Trắng, để lột ra khỏi Bụt những vòng hào quang, những vòng thần bí, để Bụt có thể hiện rõ như một con người, một vị Thầy mà mình có thể tiếp cận được. Cho nên Thầy nghĩ cuốn Đường Xưa Mây Trắng có công đức rất lớn. Nó giúp phục hồi được hình ảnh của một vị Thầy sống đơn giản, không sử dụng quyền phép mà chỉ sử dụng tuệ giác và từ bi để giải quyết tất cả mọi vấn đề.

Đức Bụt mà Thầy gặp năm 16 tuổi là đức Bụt của Mật tông. Hồi đó tại các chùa ở Việt Nam có hai thời công phu. Thời công phu sáng hoàn toàn là Mật tông, trì tụng những chú như Lăng nghiêm, Đại bi và mười bài chú khác. Còn buổi chiều thì đó là đạo Bụt A Di Đà. Trong đạo Bụt A Di Đà thì hình ảnh của Bụt Thích Ca bị lu mờ. Đứng trước hình ảnh của Bụt Di Đà, Thầy không có cơ hội gặp được Thầy của mình trong giáo lý tịnh độ. Nhưng vì hồi đó mình ham tu quá, có một tấm lòng rất háo hức, sôi nổi, muốn tu tập để chuyển hóa. Thành thử tuy đó là một vị Bụt xa cách như vậy nhưng mà Thầy vẫn chấp nhận được. Hơn nữa bài kinh mở đầu thần chú Thủ Lăng nghiêm tụng mỗi buổi sáng mà chư Tổ đã chọn là một bài rất là cảm động. Sư chú nào, sư cô nào mà đọc lên bài ấy đều rất cảm động. Đó là những lời phát nguyện của Thầy A Nan muốn thành Phật để độ chúng sinh. Những cảm động đó lôi cuốn Thầy đi, cho nên Thầy không thấy được những mâu thuẫn, những phương pháp giáo dục nhồi sọ nằm trong cách giáo dục của các Thầy ngày xưa.

Có những câu kinh rất cảm động như:

Nguyện kim đắc quả thành Bảo Vương
Hoàn độ như thị hằng sa chúng
Tương thử thâm tâm phụng trần sát
Thị tắc danh vi báo Phật ân.

Những câu này có nghĩa: Bây giờ đây con mong mau chóng chứng quả để trở thành một vị Bụt, để có thể đi vào ngay trong cuộc đời, hóa độ chúng sinh nhiều như hằng sa. Con mong đem hết tất cả tấm lòng sâu xa của con để phụng sự tất cả các cõi. Tại vì con nghĩ như vậy mới tạm xứng đáng để báo đáp được công ơn của Bụt.

Đọc những câu đó, người tu trẻ thấy rất cảm động. Thầy A Nan hồi đó cũng là một người trẻ. Có những câu hồi đó Thầy chỉ biết tụng và nghe theo thôi, Thầy không thấy được những mâu thuẫn ở trong đó. Như trong bốn câu:

Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh,
Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập.
Như nhất chúng sinh vị thành Phật,
Chung bất ư thử thủ nê hoàn.

Có nghĩa: Xin đức Thế Tôn chứng minh cho chúng con. Trong cuộc đời đầy khổ đau, ngũ dục, độc ác và bạo động này, con sẽ là một trong những người đầu tiên tình nguyện đi vào để cứu độ. Chừng nào còn có một chúng sinh chưa thành Phật thì chừng đó con chưa chịu chứng Niết Bàn. Câu chót này mãi đến mấy chục năm sau Thầy mới thấy sai. Câu này có nghĩa là: chứng Niết Bàn chắc là khỏi phải làm gì nữa hết; vì vậy cho nên khoan chứng Niết Bàn, để làm việc cứu độ chúng sinh đã. Chứng Niết Bàn rồi thì rong chơi thôi. Đó là một quan niệm rất sai lầm về Niết Bàn. Theo nguyên tắc, khi đạt được tuệ giác sâu sắc thì mình tiếp xúc được với bản tính vô sinh - bất diệt, phi khứ - phi lai, phi hữu - phi vô và đó là thế giới của lắng dịu, an lạc và hạnh phúc. Đó là Niết Bàn. Nếu mình không hưởng được những cái ấy thì sức mấy mà mình đủ sức mạnh để tiếp tục cứu độ chúng sinh. Cho nên nói rằng con chưa chịu chứng Niết Bàn đâu, con phải làm việc cho cực nhọc để độ sinh đã. Đó là một điều sai lầm mà Thầy không thấy được tại vì Thầy đang còn trẻ.

Điều này cũng do sự hiểu lầm phổ biến về Niết Bàn. Có quan niệm về hữu dư y Niết Bàn và vô dư y Niết Bàn. Vô dư y Niết Bàn là Niết Bàn trong đó không còn có những tàn dư như Năm uẩn. Nhưng nếu trong Niết Bàn mà không có Năm uẩn thì làm sao ta hưởng được cái vui, an lạc và lắng dịu của Niết Bàn? Hữu dư y Niết Bàn là đã chứng đạo, đã chứng Niết Bàn nhưng vẫn còn mang hình hài Năm uẩn. Còn mang hình hài Năm uẩn thì có khi còn nhức đầu, đau bụng, mỏi chân, mỏi tay, vì vậy đó chưa phải là vô dư y Niết Bàn. Đó là một quan niệm rất sai lầm. Quan niệm cho rằng hạnh phúc và khổ đau là hai cái hoàn toàn không cần tới nhau, có thể chỉ có hạnh phúc mà không cần khổ đau, và chỉ có thể có khổ đau mà không cần hạnh phúc. Đó là quan niệm lưỡng nguyên không đúng với tinh thần tương tức của đạo Bụt.

Trong đạo Bụt có sự phân biệt Năm uẩn và Năm thủ uẩn. Thực ra thì Năm uẩn là những gì rất mầu nhiệm, nhưng nếu mình đem tâm để nắm bắt Năm uẩn, cho Năm uẩn là một cái ta, hay là một vật sở hữu của ta thì Năm uẩn trở thành Năm thủ uẩn. "Thủ" tức là nắm bắt và đối tượng của nắm bắt. Niết Bàn không phải là nơi không có Năm uẩn mà là nơi không có Năm thủ uẩn. Năm uẩn hết sức mầu nhiệm, ví dụ như Năm uẩn của Bụt.

Sau đây là hình ảnh đức Sakyamuni của Mật tông mà người trẻ mới xuất gia được tiếp cận trong bài tụng mở đầu cho chú Lăng Nghiêm: "Nhĩ thời Thế Tôn, tùng nhục kế trung, dõng bách bảo quang, quang trung dõng xuất thiên diệp bảo liên, hữu hóa Như Lai, tọa bảo hoa trung. Đỉnh phóng thập đạo, bách bảo quang minh, nhất nhất quang minh, giai biến thị hiện thập Hằng Hà sa Kim cang mật tích, kình sơn trì xử, biến hư không giới. Đại chúng ngưỡng quan, úy ái kiêm bão, cầu Phật ai hựu, nhất tâm thính Phật vô kiến đảnh tướng, phóng quang Như Lai tuyên thuyết thần chú."

"Lúc bấy giờ từ nhục kế trên đỉnh đầu, đức Như Lai phóng ra một luồng ánh sáng. Trong luồng ánh sáng đó có trăm châu báu. Trong luồng ánh sáng ấy của đức Như Lai phóng ra xuất hiện một hoa sen ngàn cánh và ngồi trên hoa sen ngàn cánh là hóa thân của một vị Bụt, và trên đỉnh đầu của vị Bụt hóa thân này cũng phóng ra mười đạo hào quang và đạo hào quang nào cũng có đầy trăm thức quý báu. Trong các đạo hào quang này hiện ra biết bao nhiêu là vị Kim Cương mật tích, số lượng nhiều như số cát sông Hằng. Vị nào cũng một tay nâng ngọn núi, một tay cầm một cái chày bằng kim cương và họ đang có mặt tràn đầy trong không gian. Đại chúng nhìn thấy như vậy, một mặt thì vừa sợ một mặt vừa thương, ai cũng nhìn đức Thế Tôn, khẩn cầu đức Thế Tôn xót thương, che chở và mọi người đợi lắng nghe đức Thế Tôn. Lúc đó đức Thế Tôn phóng ra một hào quang từ nơi đỉnh đầu và bắt đầu tuyên thuyết thần chú Thủ Lăng Nghiêm."

Trong đạo Bụt nguyên thủy và cả trong đạo Bụt tiểu thừa làm gì mà có cảnh tượng như vậy, Bụt đâu phải là một vị thần linh đầy dẫy phép lạ, đầy dẫy hào quang, xa cách con người như vậy.

Kim cương mật tích tức là những vị thần Dạ Xoa đi theo tu học với Phật và nguyện đem hết sức mình để bảo hộ Phật Pháp. Hình ảnh của một vị kim cương mật tích là hình ảnh của một người đang cầm một cái chày bằng kim cương gọi là kim cương xử và nếu ai động tới Phật Pháp thì chỉ cần một cái chày đó thôi cũng đủ tan thân nát thịt rồi. Khi Bụt phóng hào quang thì đại chúng nhìn lên thấy các vị kim cương mật tích cầm chày kim cương có mặt đầy tràn trong không gian. Một mặt đại chúng rất khiếp sợ, một mặt rất thương kính và do đó tất cả đều lắng nghe Bụt để Bụt bắt đầu tuyên thuyết thần chú Thủ Lăng Nghiêm. Đây là Phật giáo của Mật tông. Tuy là ở Việt Nam các chùa được gọi là cửa Thiền nhưng thực ra phần lớn chỉ tu Mật tông và tịnh độ mà thôi. Buổi sáng tụng chú, buổi tối niệm A Di Đà.

Hình ảnh một vị Bụt ngồi phóng hào quang và làm xuất hiện vô số các vị kim cương mật tích đầy dẫy khắp hư không, tuyên thuyết một bài linh chú dài tới hai mươi phút, hình ảnh đó không thể nào là đối tượng của niềm tin cho giới trẻ và trí thức ngày nay. Cũng như hình ảnh của một vị thượng đế, một ông già râu dài đang ngồi trên trời và quyết định những gì xảy ra trên trần thế, hình ảnh ấy không còn là đối tượng của niềm tin cho giới trẻ thời nay. Ấy vậy mà buổi khuya nào mình cũng vẫn tụng đi tụng lại cái hình ảnh của một vị thần linh như thế. Thử hỏi một đạo Bụt như thế có còn thích hợp với thời đại của chúng ta nữa hay không?

Trong bài tựa lời phát nguyện của đức A Nan mở đầu cho thần chú Thủ Lăng Nghiêm, có câu ca tụng thần chú Thủ Lăng Nghiêm như sau:

Thủ Lăng Nghiêm Vương thế hy hữu
Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng,
Bất lịch tăng kỳ hoạch Pháp thân.

"Định Thủ Lăng Nghiêm này trên đời rất hiếm có. Nó có khả năng giúp con làm tiêu diệt những tri giác sai lầm, chổng ngược được tích lũy trong cả ngàn ức kiếp và con cũng không cần trải qua một thời gian quá dài mới đạt được pháp thân".

Điên đảo tưởng là những tri giác chổng ngược, như trắng mà nói là đen, khổ thì nói là vui, vô thường thì nói là thường, vô ngã thì nói là có ngã. Đó là những tri giác sai lầm gọi là những tri giác điên đảo. Danh từ "điên đảo" này cũng có ở trong Tâm Kinh: "Viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn", là xa lìa những mộng tưởng điên đảo, tức là tiêu diệt được những tri giác chổng ngược đầu lại.Tứ điên đảo là bốn cái thấy chổng ngược. "Điên đảo" trong tiếng Anh gọi là "upside down". Bất tịnh mà mình cho là tịnh, khổ mình cho là vui, vô thường mình cho là thường, vô ngã mình cho là có ngã. Đó gọi là Tứ điên đảo. Và các Thầy ngày xưa đã dạy mình một cách rất nhồi sọ. Trong Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm (thân, thọ, tâm và pháp). Quán thân trong thân, quán thọ trong thọ, quán tâm trong tâm, quán pháp trong pháp thì phải thấy thân là bất tịnh, thọ là khổ. Thân không thể nào là tịnh được, còn thọ chỉ có thể là khổ, tâm chỉ là vô thường và các pháp chỉ là vô ngã. Mình được học thuộc lòng một cách rất là nhồi sọ: Thân bất tịnh, Thọ thị khổ, Tâm vô thường, Pháp vô ngã. Đó là chân lý bất di bất dịch mình không thể nói ngược lại được. Trong mười hai nhân duyên, thọ là khổ, nhưng nếu mà thọ chỉ là khổ thì làm sao có thể đưa tới ái? Phải có những cảm giác dễ chịu cho nên người ta mới sinh ra tham đắm, vướng mắc.

Ngay trong thời Bụt còn tại thế đã có danh từ Pháp thân rồi. Hôm đó Bụt đến thăm Thầy Vakkhali, Thầy đang hấp hối.

Thầy được Bụt hỏi: Thầy còn tiếc nuối gì nữa không?

Thầy Vakkhali nói: "Bạch đức Thế Tôn: con không còn tiếc nuối gì nữa cả. Con chỉ còn một tiếc nuối duy nhất là vì bệnh quá nên mỗi khi đức Thế Tôn thuyết pháp trên núi Thứu thì con không được lên để nhìn ngắm và chiêm ngưỡng đức Thế Tôn".

Ai cũng biết ngày xưa Thầy có vướng mắc với Bụt, cho nên Bụt không cho làm thị giả nữa.

Bụt nói: "Này, nhục thân của tôi đây, hình hài của tôi đây là vô thường, thế nào cũng có ngày tiêu hoại. Nếu Thầy có được pháp thân của tôi thì Thầy đâu còn thiếu thốn gì nữa mà tiếc nuối".

Đó là câu nói chứng tỏ trong thời Bụt đã có danh từ Pháp thân. Pháp thân là cái hiểu của mình về giáo pháp, trong đó có Tứ đế, Bát chánh đạo, Thất giác chi… và những phương pháp tu tập có khả năng chuyển hóa những niềm đau, nổi khổ đem lại Hỷ, Lạc để nuôi dưỡng mình và những người khác, để cuối cùng mình có thể giải thoát cho mình khỏi hệ lụy, chuyển hóa phiền não, có khả năng độ đời.

Hồi đó chưa có danh từ Tăng thân. Phải đợi tới hai mươi mấy thế kỷ về sau, danh từ Tăng thân mới xuất hiện ở Làng Mai. Trong bộ ba: Phật thân, Pháp thân, Tăng thân thì Tăng thân vô cùng quan trọng. Nếu không có Tăng thân thì chí hướng của một người tu không bao giờ được thành tựu. Cho nên sau khi đức Sakyamuni thành đạo, việc đầu tiên mà Ngài nghĩ tới là đi tìm những người bạn tu để thành một Tăng thân sáu người. Bụt thấy rất rõ là nếu không có một Tăng thân thì sự nghiệp của Bụt không thành tựu được.

Những người tu trẻ của mình khi mới tu, tâm bồ đề rất hùng tráng, rất vững chãi. Chí nguyện của mình là muốn tu để trở thành một vị Thầy lớn, có khả năng giải thoát cho mình và độ đời, đem lại nhiều an lạc, giải thoát cho đoàn thể tu học của mình. Phải xây dựng Tăng thân xuất gia như thế nào để Tăng thân xuất gia ấy có khả năng tổ chức tu học và độ cho những đoàn thể tu học của người cư sĩ. Cho nên trong bài tụng mở đầu cho chú Lăng Nghiêm, lời phát nguyện của Thầy A Nan rất cảm động. Đó là giấc mơ lớn của Thầy A Nan mà cũng là của bất cứ ai muốn tu để trở thành một vị Thầy lớn.

Cũng như bài Phát Nguyện Văn (Sám Quy Mạng) của Thiền sư Di Sơn là một giấc mơ lớn của người tu. Đọc Sám Quy Mạng mình thấy rõ ràng là người tu có một giấc mơ rất lớn, muốn trở thành một vị đạo sư lớn để giúp đời trên mọi phương diện. Trong những năm đầu thì mình tự ru mình bởi những chí nguyện đó. Nhưng vì ở trong chùa, mình không có cơ hội để học hỏi những pháp môn có khả năng xử lý những cảm thọ và những cảm xúc khổ đau, không được học những phương pháp chế tác Hỷ và Lạc để tự nuôi dưỡng mình, sử dụng các phương pháp lắng nghe và ái ngữ để tái lập lại truyền thông với huynh đệ, do đó mình không có khả năng xây dựng được một tăng thân xuất gia. Mình không có một phương tiện thiết yếu để thực hiện được chí nguyện của một người tu.

Dầu mình có cơ hội đi học các trường Phật học, nhưng tại các trường Phật học, dầu là sơ cấp, trung cấp hay cao cấp thì các Thầy, các vị giáo thọ cũng không dạy mình những pháp môn căn bản, mà chỉ dạy giáo lý để mình học thuộc rồi dạy lại cho các thế hệ tương lai thôi. Cái học của mình là cái học từ chương như vậy. Mình phải thay đổi cách học. Các vị Thầy, các vị giáo thọ phải dạy cho mình những phương pháp thở, đi, ngồi, điều phục những tâm hành: giận, buồn, ghét, ganh tị, xử lý được những niềm đau, nổi khổ, làm lắng dịu những cảm thọ, cảm xúc lớn. Khi mình biết làm những chuyện ấy rồi thì mình mới có thể giúp cho huynh đệ mình cũng làm được, và mình mới có thể dạy cho sinh viên của mình làm được những chuyện đó.

Khi mình biết sử dụng ái ngữ, lắng nghe, tái lập được truyền thông, đem lại sự hòa giải, mình mới có thể xây dựng được một Tăng thân. Tăng thân là phương tiện căn bản để có thể thực hiện được chí nguyện và sự nghiệp của một đời tu. Mình không được học những cái ấy ở trường Phật học. Đó là chuyện rất là thiếu sót. Mà chính các Thầy dạy mình, các vị giáo thọ cũng không biết thì làm sao dạy? Cho nên trong chúng, đôi khi chỉ có năm ba huynh đệ mà sống cũng không hòa hợp với nhau. Mỗi người có một giấc mơ riêng. Trong đời sống hằng ngày chỉ làm những việc như: cung cấp những nhu yếu tín ngưỡng, tín mộ, những tiện nghi tình cảm cũng như tinh thần cho giới bổn đạo mà thôi. Những người nào biết làm chuyện đó thì có cuộc sống dễ dãi hơn những người khác. Nhất là những Thầy có khả năng tán tụng và đi cúng thì sẽ có một cuộc đời thoải mái hơn các Thầy khác. Và cũng hay bị những người khác ganh tị.

Rồi cuối cùng đa số đều ước muốn được làm trụ trì một ngôi chùa, có đồng vào, đồng ra, có đủ bổn đạo để chăm sóc chùa của mình, và một vài vị đệ tử để tiếp nối công việc của mình và giúp mình trong công việc ứng phú, cúng đám. Cho nên giấc mơ chưa bao giờ thực hiện được, giấc mơ vẫn còn là giấc mơ. Khuya nào cũng tụng bài tựa của Thầy A Nan, khuya nào cũng tụng bài Phát Nguyện Văn của Thiền sư Di Sơn, mà rút cuộc là giấc mơ chưa bao giờ được thực hiện. Điều này đã xảy ra cho trên chín mươi lăm phần trăm những người tu trẻ và rốt cuộc họ chỉ trở thành những ông thầy cúng. Rồi những chức vụ lỉnh kỉnh trong Giáo hội, những danh xưng và địa vị càng ngày càng làm họ lún sâu.

Chỉ có một số vị, ít hơn một phần trăm, trở thành học giả. Học giả tuy rất quý, nhưng không làm được công việc đứng ra xây dựng tăng thân và hóa độ đồ chúng. Trong lịch sử Việt Nam cận đại, chúng ta có được một số vị cao tăng có khả năng dựng tăng và hóa độ đồ chúng, như Thiền sư Phước Huệ, chùa Thập tháp - Bình Định, Thiền sư Trí Thủ trụ trì chùa Ba La Mật - Huế, Thiền sư Thiện Hòa giám đốc phật học đường Nam Việt chùa Ấn Quang - đường Sư Vạn Hạnh, Sài Gòn, Thiền sư Thiện Hoa trụ trì chùa Phước Hậu - Trà Ôn và Thiền sư Trí Tịnh của Phật học đường Liên Hải...

Đó là tình trạng của Phật giáo Việt Nam hiện tại. Xin các con thấy được điều đó mà tỉnh dậy. Mục đíchcủa người tu không phải là đi tìm những tiện nghi vật chất và tình cảm mà để trở thành một vị Thầy lớn có khả năng dựng tăng, độ đời, thành tựu được sự nghiệp của một người tu và thực hiện được như tâm bồ đề hùng mạnh của mình lúc ban đầu.

Quan niệm về Pháp thân ban đầu của Phật giáo nguyên thủy chỉ là cái hiểu về giáo lý căn bản của Bụt và những phương pháp cụ thể để tu tập, xử lý niềm đau, chế tác hỷ lạc và giải thoát cho mình, cho mọi người. Pháp thân chỉ có nghĩa đó mà thôi và pháp thân có thể trường tồn nếu mình biết cách trao truyền lại cho các thế hệ tương lai.

Nhưng cho đến khi truyền thống Yogacara ra đời (khoảng thế kỷ thứ năm, thứ sáu) thì bắt đầu phát hiện ra quan niệm Thân tịnh Pháp thân Tỳ lô giá na Phật (Vairocana tathagatha). Pháp thân ở đây không còn là cái hiểu và phương pháp tu học nữa mà chính là vũ trụ (cosmic body), là Pháp giới thân. Bụt không còn là cái hiểu và cái hành, mà chính là vũ trụ. Nếu mình lắng nghe tiếng gió, tiếng chim, quan sát cây cối, chim chóc thì thấy rằng tất cả những hiện tượng ấy đều đang thuyết pháp. Nếu mình biết lắng nghe thì mình sẽ nghe Tứ đế, Bát chánh đạo, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát thánh đạo phần. Bụt vẫn còn đó, chưa bao giờ tiêu diệt cả và Bụt vẫn tiếp tục thuyết pháp qua vũ trụ. Như vậy Bụt chính là vũ trụ, mà Bụt cũng là Thượng đế tạo ra vũ trụ. Điều này đưa quan niệm pháp thân tới rất gần với quan niệm Thượng đế của các tôn giáo khác. Nó cũng có cái rất hay, vì đã tạo ra một nguồn cảm hứng thi ca rất lớn trong Phật giáo Đại thừa. Trúc tím, hoa vàng, trăng trong, mây bạc đều là những biểu hiện cụ thể của pháp thân và tất cả những hiện tượng mầu nhiệm đó đều đang thuyết pháp cả. Đó là tính cách nên thơ rất lớn của Phật giáo Đại thừa.

Tiếp theo là quan niệm về Báo thân. Trong Duy Biểu, người ta nghĩ rằng Bụt là người có công hạnh rất lớn. Không có lẽ báo thân của Ngài chỉ là một con người nhỏ bé, cao một trượng sáu như vậy thôi hay sao? Và vì vậy người ta tưởng tượng báo thân Bụt rất lớn, lớn đến hàng trăm trượng. Mà chỉ có người chứng đạo mới thấy được báo thân Bụt. Ba mươi hai tướng đẹp, tám mươi tướng tốt, rất mầu nhiệm, đó là Bụt ở trên trời. Và đó mới chính là Bụt. Còn cái con người nhỏ bé, một trượng sáu, ngồi kiết già trên tọa cụ ở trong rừng chẳng qua chỉ là một hóa thân của Bụt thôi, chưa phải là Bụt. Điều này cũng đã ảnh hưởng tới kinh Pháp Hoa.

Kinh Pháp Hoa nói: Bụt không phải chỉ là đức Sakyamuni đang ngồi thuyết pháp cho đại chúng ở núi Thứu, mà Bụt có hóa thân đầy giẫy khắp nơi trên thế giới, và nếu cần Ngài có thể gọi hàng triệu ngàn ức hóa thân của Ngài trên khắp thế giới trở về, cho nên con người nhỏ bé này không quan trọng gì mấy. Vì vậy người ta bị cuốn theo, bị chìm đắm ở trong quan niệm Pháp thân và Báo thân mà coi thường Bụt như là một con người.

Trong bài Trường ca Avril, Thầy cũng đã có một câu "bông hoa vẫn chưa ngưng lời hát ca". Bông hoa trong rừng sâu cũng là Bụt của pháp thân, và bông hoa chưa bao giờ từng ngưng thuyết pháp, chưa bao giờ ngưng lời hát ca. Đó cũng là ảnh hưởng của ý niệm về pháp thân của Bụt.

Bụt là vũ trụ. Vũ trụ là thân, là pháp giới thân của mình, gọi là cosmic body. Điều này cũng đúng. Ví dụ tất cả các đám mây hay tất cả các đợt sóng đều có thân đại dương của mình. Mình không phải chỉ là một đám mây, mình không phải chỉ là một đợt sóng. Mà mình chính là đại dương. Điều này cũng là sự thật. Cho nên khi người tu trẻ đi vào trong chùa thì không được gặp Bụt như một con người, mà chỉ được gặp Bụt như một Thanh tịnh pháp thân Tỳ lô giá na, hay một Viên mãn báo thân Lô xá na (Locana). Ngay trong bài cúng dường quá đường, tất cả đều bắt ấn cát tường và tụng "Cúng dường Thanh tịnh pháp thân Tỳ lô giá na Bụt, viên mãn báo thân Lô xá na Bụt ", rồi mới đến "thiên bách ức hóa thân Thích ca mâu ni Bụt".

Thầy nhớ hồi đó ở chùa Ấn Quang có sinh viên các trường Đại học như cô Chi, cô Nhiên, cô Bích, cô Phượng và các anh Bá Dương, Huệ Dương, Chiểu, Khá, Cương… tới thăm Hòa thượng Thanh Từ. Thầy Thanh Từ hồi đó còn trẻ lắm và vẫn chưa bắt đầu nghiên cứu Thiền. Thầy Nhất Hạnh có chép ra một số bài kệ Thiền của các vị Tổ Thiền tông Việt Nam đời Lý, đời Trần và tặng Thầy. Hòa thượng Thanh Từ hồi đó còn là một vị Giáo thọ trẻ, rất thích những bài kệ này và từ đó mới bắt đầu nghiên cứu về Thiền.

Thầy ngồi đó nghe mấy thầy trò họ nói chuyện. Cô Phượng (tức là sư cô Chân Không) nói rằng: Bạch Thầy, Thầy dạy là Thân này là bất tịnh, ở trong đó có đàm, có dãi, có phân, có máu, có tanh, có hôi… mình không nên thương. Nhưng khi con quán chiếu, con cũng có thấy trong Thầy cũng có phân, có nước tiểu, có đàm có dãi… nhưng tại sao con vẫn thương? Tại sao vậy? Thầy cười mà Thầy không hề trả lời cho đám sinh viên này. Thành ra câu hỏi đó chứng tỏ rằng quán thân bất tịnh không có hiệu nghiệm. Tuy miệng thì cứ lặp đi lặp lại "thân bất tịnh, thân bất tịnh" hoài, vậy mà tâm vẫn thương như thường, vẫn bị vướng mắc như thường. Điều này cũng đúng với chuyện thọ thị khổ, như ăn ớt cay, cay quá nhưng vẫn cứ ăn.

Thầy nhớ hồi đó cô Phượng, cô Nhiên, cô Chi, cô Bích, cô Nga và nhiều người khác tới thăm Thầy Thanh Từ, thấy Thầy có một hộp bánh bích quy. Mấy chị em mới nói nhỏ với nhau: "Thầy không biết là trong bánh này có trứng, có bơ thành ra mình để cho Thầy ăn cái này là tội. Mình nên rủ nhau ăn hết đi thì Thầy khỏi ăn, khỏi tội".Và rứa là mấy đứa cứ mở hộp ra ăn. Còn dư mấy chục cái thì đem về luôn, không cho Thầy ăn. Còn Thầy thì hồi ở Princeton, có lần đi lớp học thì mở cửa sổ rộng ra và đi xuống lầu. Trong khi Thầy vắng mặt thì có một con sóc nhảy từ cây phong đi vào phòng Thầy và tự động mở hộp bánh bích quy của Thầy và ăn gần hết. Thầy về tới thì không còn bao nhiêu bánh trong hộp nữa. Chắc nó cũng sợ Thầy ăn bánh bích quy tội nên đã ăn giúp Thầy.

Ban đầu thì giáo lý Bất tịnh để trừ khử quan niệm về Tịnh. Nhưng mình cứ cho Bất tịnh là một chân lý tuyệt đối mà không biết rằng đó chỉ là một phương pháp khử độc. Còn "Thọ là khổ" có nghĩa là cái cảm thọ hạnh phúc mà anh đang có không thực sự là hạnh phúc đâu, mà chỉ là đau khổ thôi. Những cái mà anh đang cảm nhận đó nó có thể có cái bề ngoài là vui, kỳ thực tất cả Thọ đều là khổ. Thọ là khổ đã trở thành một giáo điều rất nặng. Trong khi đó, trong Tâm lý học Phật giáo nói Thọ có ít nhất là ba loại: Khổ thọ, Lạc thọ và Xả thọ. Tại sao mình lại nhồi sọ mình như thế? Với lại mình không biết rõ rằng cái khổ và cái vui đều có liên hệ với nhau. Nếu không có cái này thì không có cái kia. Ví dụ như mình không biết lạnh là gì thì đến khi mình được mặc vào một cái áo len rất ấm thì mình đâu có thấy hạnh phúc? Vì vậy không có cái khổ thì không có cái vui, không có khổ đau thì không có hạnh phúc, hai cái tương tức với nhau. Điều này rất rõ trong Phật giáo Đại thừa sau này. Phật giáo đại thừa khám phá ra được những viên ngọc bị chôn vùi trong Phật giáo nguyên thủy, mà Phật giáo Tiểu thừa không thấy được.

Cho nên cái học trong chùa lâu nay có tính cách nhồi sọ rất nhiều. Đạo Bụt là một truyền thống rất cởi mở, nói rằng trong khi học hỏi mình phải dùng trí tuệ của mình để phán xét chứ đừng học như một con vẹt, đừng bị kẹt vào những giáo điều, dầu là những giáo điều Bất tịnh, Khổ, Vô thường và Vô ngã.

Ngày xưa là một vị giáo thọ trẻ, nhờ có óc phán xét, phê phán cho nên Thầy thấy có những điều bất ổn ngay trong các kinh văn, chứ đừng nói gì đến trong các bộ Luận. Tính cách giáo điều, nhồi sọ khá nặng. Nhưng mình là người có lòng rất là hiếu kính đối với các thế hệ tổ tiên, đối với chư tổ, cho nên mình không dám nói. Nhưng trong lịch sử, thỉnh thoảng có những vị Thiền sư dám nói, như Thiền sư Lâm Tế chẳng hạn. Ngài nói: "Tụi bây là đồ ngu, tụi bây muốn ra khỏi Tam giới hả? Ra khỏi Tam giới thì tụi bây đi đâu?" Không có nghĩa là không có những người thông minh, không có những nhà cách mạng trên phương diện tư tưởng.

Cũng vì thái độ hiếu kính đó cho nên tuy Thầy thấy những điểm sai lầm trong Kinh và trong Luận nhưng Thầy tìm cách cắt nghĩa khác hơn để tìm cách cứu chữa cho các vị mà không dám động tới, không dám nói rằng các vị sai. Nhưng trong thập niên gần đây thì Thầy thấy rằng Thầy không còn sợ nữa. Mình cũng đã lớn tuổi rồi. Mình phải nói ra những cái mà mình thấy. Cho nên trong năm, sáu mùa an cư kiết đông vừa qua, Thầy đã thẳng thắn nói ra những điều Thầy thấy là sai lầm, ngay trong các kinh văn căn bản như là Tâm Kinh Bát Nhã. Nhất là sau khi mình khám phá ra được những câu kinh quý như vàng, quý như ngọc ở trong kho tàng Phật giáo Nguyên thủy. Ví dụ trong Như Thị Ngữ (Itivuttaka) hay Vô Vấn Tự Thuyết (Udàna) và ngay chính trong Pháp cú Hán tạng có những câu như sau:

"Này các vị tỳ kheo, trên đời có cái có sinh, có diệt nhưng mà cũng có cái không sinh, không diệt. Trên đời có cái có và có cái không nhưng mà cũng có cái không có cũng không không. Trên đời có những cái tạo tác và được tạo tác, nhưng mà cũng có cái không tạo tác và những cái không cần được tạo tác. Trên đời có những cái gọi là hữu vi và vô vi nhưng mà vẫn có cái không hữu vi cũng không vô vi".

Những câu kinh như thế rất quý. Ngoài ra còn có những câu kinh khác như câu trong kinh Ca Chiên Diên (Katyàyana), Bụt nói rất rõ: "Phần lớn người đời thường bị kẹt vào ý niệm có hoặc là ý niệm không". Những câu kinh tuy rất ngắn nhưng chính nhờ những câu kinh căn bản đó mà mình có thể chữa lại những sai lầm trong toàn bộ kinh điển.

Mình có phải là tri kỷ của Bụt không? hay chỉ là một người đi theo Bụt một cách mù quáng, nói cái gì thì nghe cái đó? Muốn là người tri kỷ của Bụt thì phải có óc phán đoán, không phải là ai nói cái gì là mình nghe cái đó, dầu đó là lời của một vị tổ sư. Cho nên những cuốn sách như Tri Kỷ Của Bụt không hẳn là một cuốn giáo khoa Phật học. Có thể gọi là giáo khoa Phật học, nhưng đó là giáo khoa cao cấp. Tại vì đây không phải một cuốn sách có công dụng giải thích, cắt nghĩa, làm rõ ý, mà còn có tinh thần phê phán, chỉ ra những chỗ nào đúng, chỗ nào sai, chỗ nào liễu nghĩa và chỗ nào không liễu nghĩa. Vì vậy các con phải biết sử dụng như thế nào để có thể làm sống dậy tinh thần phê phán sáng suốt của đạo Bụt.

Ở trong kinh Kalàma có một lần nhóm người trẻ tới hỏi Bụt: Vị đạo sư nào đi ngang qua đây đều nói rằng giáo lý của họ là hay nhất, đúng nhất. Chúng con biết tin vào ai? Bụt dạy: các em đừng có vội tin một điều gì, dầu điều đó đã được chép trong kinh, hoặc do một vị đạo sư rất nổi tiếng nói ra. Những điều mình nghe, mình phải dùng Văn, Tư, Tu để mà xét lại cho kỹ, phải đem ra áp dụng. Nếu áp dụng mà thấy giải tỏa được những khó khăn, đau khổ, thấy rõ ràng đó là sự thật thì khi đó mình mới tin, chứ đừng vội tin vào bất cứ một cái gì mình mới nghe.

Rõ ràng là những kinh như vậy đã chứng tỏ đạo Bụt là một truyền thống rất cởi mở, rất thông minh, rất có tính phê phán. Nếu mình biến đạo Bụt trở thành một tôn giáo đầy giáo điều như các tôn giáo khác thì điều này rất là tội cho Bụt. Mình đã đánh mất phần tinh túy của Bụt và mình không còn là tri kỷ của Bụt nữa.

Nội viện Phương Khê, ngày 27/09/2014
Thầy Nhất Hạnh

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm thế nào để thực hành tâm từ (Mettā) khi gặp khó khăn

Ứng dụng 17:20 11/11/2018

Thiền Tâm từ (Mettā) không phải là một pháp thuật hay ma thuật mà có thể giúp người dân Hoa Kỳ có đời sống tinh thần lạc quan và tốt đẹp hơn nhưng không hề sử dụng bất kỳ sự đàn áp hay quyền lực nào. Thiền Tâm từ (Mettā) tịnh hóa trái tim và tâm trí của người thực hành bằng sự kiên nhẫn.

Sử dụng của cải một cách hợp lý

Ứng dụng 16:49 11/11/2018

Đối với đa số, một người, một cộng đồng hay một quốc gia, giàu có có nghĩa là 'giàu có' trong ý nghĩa có nhiều tài sản hay tiền bạc do sự đạt được từ vật chất. Nghĩa chữ của cải nguyên thủy là trạng thái hạnh phúc. Khối cộng đồng thịnh vượng mang ý nghĩa ấy. Nhưng bây giờ người ta sử dụng danh từ này vào ý nghĩa tài sản thường để khuyếch trương phúc lợi vật chất hơn là mở mang trạng thái tinh thần.

Tu hành là tìm lại bản lai diện mục...

Ứng dụng 15:55 30/10/2018

Tu đạo là vì giải thoát, không bị chìm đắm trong luân hồi. Coi bạn có thể tu đến chỗ "Ngũ Uẩn" sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều "Không" chăng?

Quán niệm vô thường để xả ly, buông bỏ

Ứng dụng 21:53 26/10/2018

Vô thường là không có gì thường hằng, tồn tại mãi mà phải thay đổi. Đổi thay từ hình thức đến nội dung, từ vật chất cho đến tinh thần, từ hiện tượng cho đến bản chất. 

Xem thêm