Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 07/05/2017, 08:47 AM

Tinh thần cầu nguyện chân chính

Đạo Phật không chú trọng và đặt nặng đến ước muốn van xin, nhờ vào tha lực bên ngoài, mà chủ trương hành động thực tiễn trên nền tảng nhân quả.

Cho nên, trong đạo Phật có nhiều bài kinh dạy về cách thế nào để đạt được an lạc và hạnh phúc ngay trong cuộc sống hiện tại, cũng như cách thức tu tập để được sinh về các cảnh giới an lành của chư Phật. Phương tiện cầu an và cầu siêu mục đích nhằm xoa dịu bớt nỗi đau bất hạnh cho tha nhân. Nếu ta không biết mà lạm dụng quá đáng có thể gây hiểu lầm đạo Phật là đạo của cầu nguyện, van xin và ỷ lại vào tha lực, như một số người chưa đủ niềm tin vào chính mình, nên mới có thái độ mong muốn, cầu nguyện, van xin như thế.

Về hình thức cầu an và cầu siêu mới có sau này trong căn nhà Phật giáo Việt Nam. Cầu an có nghĩa là cầu cho một người nào đó được tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ và sống bình yên, hạnh phúc. Trong khi đó, cầu siêu có nghĩa là cầu cho người chết được siêu sinh thoát hóa, được sanh về cõi an lành của chư Phật.

Như vậy, cầu an là sự mong muốn, là ước vọng được khỏe mạnh, an lạc và hạnh phúc. Để được khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi và sự an lạc nội tâm, thì mỗi người phật tử phải tự rèn luyện đời sống đạo đức, trí tuệ bằng cách giữ gìn năm giới, mở rộng tấm lòng giúp đỡ mọi người và sẵn sàng chia vui, sớt khổ để san sẻ nỗi khổ, niềm đau và cùng vui hưởng niềm an lạc, hạnh phúc.

Có một vị Phạm chí hỏi đức Phật rằng, “đệ tử của Ngài sau khi chết có thể cầu nguyện cho họ được lên thiên đàng hay không?”. Đức Phật nói, “không thể được”!

Rồi Phật hỏi lại vị Phạm Chí, “vậy những người tu theo Ngài sau khi chết lỡ đọa địa ngục, ngài có cầu cho họ được lên thiên đàng không?”. Vị Phạm Chí khẳng định, “được!”

Phật đưa ra một câu hỏi, “thí dụ, có một tảng đá lớn đem quăng xuống giếng, ông cho tất cả người Phạm Chí đến cầu nguyện để tảng đá được nổi lên có được hay không?”

Vị Phạm Chí nói, “tảng đá nặng đương nhiên phải chìm dưới nước, dù có cả ngàn người cầu cũng không thể nào làm nổi lên được?”

Phật bảo, “cũng vậy, một người khi đã tạo mười nghiệp ác thì không thể cầu cho họ lên thiên đàng được”.

Để làm sáng tỏ thêm tinh thần cầu nguyện, Phật hỏi tiếp, “thí dụ như, dầu đem đổ xuống nước, ông cho ngàn người đến cầu cho dầu bị chìm xuống nước được không?”

Phạm Chí nói, “dầu nhẹ hơn nước làm sao cầu cho nó chìm xuống được?”

Phật bảo, “cũng vậy, khi một người đã làm mười nghiệp thiện, dù cả ngàn người có cố cầu cho họ xuống địa ngục cũng không thể được”.

Vị Phạm Chí nói, “hay thay, Cồ Đàm đã khai mở tâm trí cho con, xin cho con được quy y Phật, Pháp, Tăng, và con nguyện trọn đời theo Phật học đạo”.

Đây là một bài kinh ngắn gọn, súc tích, nhưng đầy đủ giá trị thiết thực, nêu cao tinh thần làm chủ bản thân qua triết lý nền tảng của nhân quả, mình làm việc thiện lành tốt đẹp sẽ được hưởng quả báo an vui, hạnh phúc; mình làm việc xấu xa, tội lỗi thì bị sa đọa, khổ đau. Đi ngược lại các truyền thống từ xa xưa, đạo Phật ra đời nhằm đem lại quyền làm chủ bản thân cho con người, họa hay phúc đều do mình tạo lấy, không ai có thể ban phước, giáng họa.

Họa hay phúc do mình tạo lấy

Bây giờ, chúng ta thử làm một thí dụ thực tế ngay trong đời sống hằng ngày, quý phật tử có bệnh đi tới phòng khám của bác sĩ. Khi khám xong, bác sĩ định bệnh và cho toa để ta mua thuốc uống. Nhưng ta lại không chịu như vậy mà nói rằng, “bác sĩ cứu giùm tôi cho hết bệnh”. Rồi ta nhất quyết, nằng nặc đòi như vậy. Chắc bác sĩ nói người này bệnh tâm thần rồi kêu xe chở vào nhà thương điên gấp. Nếu thật sự ta có bệnh thì yêu cầu bác sĩ khám bệnh, rồi cho toa. Chúng ta mua thuốc uống, thì bệnh mới lành. Nhưng đằng này, chúng ta không chịu khám bệnh, không chịu mua thuốc uống, mà cứ đòi bác sĩ giúp cho hết bệnh, đó là việc không thể nào làm được.

Việc tu hành cũng lại như thế, chúng ta ngày nay đến chùa cứ một bề xin Phật, Bồ-tát dang tay tế độ cho con giống y như những người bệnh đến với bác sĩ, không bắt mạch, hốt thuốc uống, mà muốn mạnh khỏe. Phật đã từng nói, “ta không có quyền ban phước, giáng họa cho ai. Ta chỉ là vị thầy dẫn đường chỉ cho mọi người biết được điều hay, lẽ phải, điều tốt, lẽ xấu, còn làm được hay không là do sự quyết tâm của họ”. Chính vì vậy, một số người không biết, chê Phật dở quá, vì không ban giúp gì được cho hàng đệ tử.

Như trường hợp ở trên, Phật đưa ra thí dụ, một tảng đá lớn nếu bỏ xuống nước bị chìm sâu dưới đáy, rồi cho ngàn người tu hành cầu để tảng đá nổi lên, vậy có được hay không? Chắc chắn là không, vậy mà quý phật tử hễ đến chùa là xin đủ thứ, Phật làm sao giúp được chỗ này.

Đây là điểm quan trọng và thiết yếu của người tu hành theo đạo Phật, quý vị cần phải có thời gian chiêm nghiệm và suy xét cho kỹ càng, mới thấu rõ lời Phật dạy. Rõ ràng, sự thật của cuộc sống này là gieo nhân tốt thì được quả tốt, gieo nhân xấu thì bị quả xấu, chớ không ai có quyền áp đặt, định đoạt, hoặc chen vô chỗ này hết.

Đó là một chân lý, một lẽ thật mà chúng ta không chịu tin. Tại sao ta không tin, vì ta quá tham lam và mê muội, muốn ngồi không mà hưởng thụ cho nhiều, nên cuối cùng trở thành tín đồ của mê tín, cuồng si.

Chúng ta đến với đạo Phật là đến với tinh thần từ bi và trí tuệ, muốn có trí tuệ thì phải biết quán chiếu, xem xét, để biết sự thật của kiếp người, mà cố gắng dụng công tu hành, không phải đến với đạo Phật bằng cách cầu khẩn, van xin như một số người thường hay làm như vậy. Quý phật tử hãy nhớ cho rõ ràng, từ hồi biết đi chùa cho tới bây giờ, mình bắt chước tu theo Phật hay là cầu xin Phật ban cho? Đó là điều rất đáng buồn trong căn nhà Phật giáo của chúng ta.

Nếu ai đến với đạo Phật cũng đều cầu xin như thế thì đạo Phật trở thành mê tín, dị đoan hết rồi. Cho nên, nhiều người đi chùa đã hơn mười năm, thậm chí có người hơn hai mươi năm nhưng phiền não tham, sân, si ngày càng thêm nhiều, làm cho người thân trong gia đình và mọi người mất tín tâm. Đi chùa nhiều như thế thì đâu có lợi ích gì cho mình và người.

Chúng ta đến với đạo Phật là để tu, để chuyển hóa, chừa bỏ những thói quen, tật xấu có tính cách hại người vật. Vậy mà ta đi chùa lâu, rốt cuộc những thói hư, tật xấu vẫn cứ sờ sờ ra đó, thật là khó coi. Lỗi tại ai? Tại vì chúng ta không chịu tu mà cứ lạy lục cầu khẩn, van xin hoài, vì ta tham lam quá đáng. Người quá tham thì càng tu càng sân si, vì tham không được thì sinh nóng giận, nên buồn quá không đến chùa luôn. Vì vậy, khi nghe ai đồn rằng miếu Bà, miếu Ông gì đó linh lắm, xin gì cũng được, ta liền mướn xe đi mua hoa quả, thậm chí có người mua luôn heo quay, tới cúng để cầu xin. Vì hay xin nên ta dễ dàng lạc vào đường tà mà trở thành kẻ tín đồ mê tín, dị đoan.

Tích lũy thiện nghiệp không bị đọa 3 đường xấu

Khi chúng ta biết tu rồi, hãy ứng dụng lời Phật dạy và tin sâu nhân quả, thì lần lần sẽ dứt bớt khổ đau mà được an vui, hạnh phúc, chớ nên xin xỏ, tìm cầu đâu xa. 

Ngày xưa, vua Ma Ha Nam, con của Cam Lộ Phạn Vương, em nhà chú bác với đức Phật. Ma Ha Nam tu theo hạnh cư sĩ tại gia, giữ năm giới, tu mười điều lành, thọ bát quan trai... Một hôm, ông hỏi Phật, “bạch Thế Tôn! Bình thường con tu giữ năm giới, thọ bát quan trai, tu mười điều lành, giả sử con chết bất đắc kỳ tử bởi một tai nạn xảy ra, sau khi chết con sẽ đi về đâu?”

Phật trả lời bằng một ví dụ, “có một cây thân và cành nghiêng về một bên. Vậy khi cưa, thân cây sẽ ngã về bên nào?”

Vua Ma Ha Nam đáp, “dĩ nhiên là cây sẽ ngã về phía mà nó đang nghiêng ạ”.

Phật dạy tiếp, “cũng vậy, bình thường ông hay làm các việc thiện lành, tốt đẹp; khi chết bất đắc kỳ tử, nhờ nghiệp thiện tích lũy nhiều sẽ hướng ông đến chỗ thiện lành, tốt đẹp. Không sao! Đừng sợ, mặc dù có khủng hoảng đôi chút”.

Vậy, chủ yếu của việc tu hành để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc thì hiện tại, ta phải tạo nghiệp lành thuần thục trong lúc còn mạnh khỏe, đến lúc gần chết, tâm niệm cũng phải lành, thì ta tin chắc chắn rằng ta sẽ đi đến cõi lành. 

Đức Phật dạy, “tất cả chúng ta muốn được quả lành thì phải gieo nhân lành. Chúng ta muốn quả dữ, quả ác thì gieo nhân ác. Nhân lành sẽ đưa đến quả lành, nhân ác sẽ đưa đến quả khổ”. Như vậy, cái khổ, cái vui đều do chúng ta tạo mà ra, chớ Phật không làm thế được chỗ này. Như người đã gieo nghiệp thuần thiện, tức là đã tích lũy nghiệp lành sâu dày, dù ai có cố tình dùng bùa phép để trù ém hay cầu cho người đó bị đọa địa ngục cũng không thể nào được. Vì sao? Vì nhân quả rất công bằng và sòng phẳng, làm lành thì được quả tốt, làm ác phải chịu khổ đau. 

Vì vậy, tinh thần cầu nguyện nhằm giúp cho một số người chưa đủ niềm tin và hiểu biết đúng đắn trong cuộc sống, bởi số đông chưa thấm nhuần và tin sâu đạo lý nhân quả. Do đó, sự cầu nguyện chỉ giới hạn ở một mức độ nào đó thôi, ta không nên ỷ lại vào tha lực mà chính yếu vẫn là tự lực.

Có những cái rất thực tế mà không ai chịu nhìn nhận là ta có hiểu biết, ta có suy nghĩ, ta biết tư duy, ta biết quán chiếu, ta có nhận thức sáng suốt nếu mình chịu khó học hỏi và thực hành. Muốn biết thì phải học, muốn giỏi thì phải kiên trì, bền bỉ, nghiên cứu làm việc; chỗ này đâu có ai có thể giúp cho ta được, có chăng chỉ là hướng dẫn bước đầu, còn ta phải chịu khó học hỏi thực hành.

Con người vì quá tham lam, nên làm cái gì cũng muốn cho thật nhiều; do đó, tham được thì thêm tham, tham không được thì sinh ra oán giận, thù hằn, tìm cách trả đũa nhau, nên cuộc đời không bao giờ có được bình yên, hạnh phúc thật sự.

Quy y Tam bảo như thế nào mới đúng cách và để trở thành phật tử chân chính?

Một số người hễ cứ nghĩ đến chùa làm lễ quy y là Phật sẽ ban cho hết tất cả, nên họ nhờ người khác ghi tên dùm và lấy lá phái. Bởi trong lá phái có câu quy y Phật rồi khỏi đọa địa ngục, quy y Pháp rồi khỏi đọa ngạ quỷ, quy y Tăng rồi khỏi đọa súc sanh.

Trong nhà Phật có nói ba đường khổ là địa ngục, ngạ quỷ , súc sanh. Nếu quy y Phật rồi khỏi rơi vào địa ngục, quy y Pháp rồi khỏi rơi vào loài ngạ quỷ , quy y Tăng rồi khỏi rơi vào loài súc sanh. Nếu Phật làm được điều đó thì đâu có khuyên chúng ta, “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp”.

Chánh pháp ở đây có nghĩa là lời dạy của Phật, muốn không bị đọa địa ngục thì chúng ta phải không nóng giận, không thù hằn, không cuồng tín, không si mê, tà kiến, không cướp của, giết người, không sát sinh, hại vật, không trộm cướp, lường gạt…

Như chúng ta đã biết, Phật là bậc giác ngộ sáng suốt hoàn toàn, không còn mê lầm, khổ đau. Quy y Phật tức là trở về con đường thanh tịnh, sáng suốt. Như một số người vì tin lầm, mê bậy, cuồng tín cho rằng giết người được lên thiên đàng, nên họ khủng bố, giết chóc, dã man. Thế giới này từng có những hạng người như thế, hỏi sao không đọa địa ngục cho được? Họ tưởng làm vậy sẽ được sinh thiên, nào dè bị đọa chỗ u mê, tối tăm, không có ngày ra khỏi.

Cũng vậy, khi chúng ta phát nguyện quy y tu theo Phật, có nghĩa là chúng ta phải tin sâu nhân quả và quyết tâm gìn giữ không gieo nhân xấu ác, để từng bước đi tới quả giác ngộ, giải thoát. Nhưng trong quá trình từ nhân đến quả, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực liên tục, phải cố gắng thực tập hạnh buông xả và kiên trì, bền bỉ tu hành, mới được kết quả như lời Phật dạy.

Quy y Pháp khỏi đọa vào loài ngạ quỷ , ngạ quỷ tức là loài quỷ đói. Vì người tu theo đạo Phật phải có tấm lòng rộng lớn, từ bi, thương yêu, bình đẳng với mọi người. Khi ta có lòng từ bi thì ai khổ đau, bất hạnh, chúng ta luôn tìm cách san sẻ và giúp đỡ. Nhờ lòng từ bi nên chúng ta không nỡ gian tham trộm cướp, hiểm độc lường gạt của ai, hay tìm cách bòn rút của người khác, mà còn sẵn sàng chia vui, sớt khổ bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.

Vì có lòng từ bi nên ta không có tâm tham lam, bỏn sẻn, tâm keo kiệt, ích kỷ và ác độc với ai. Vì ta không gieo nhân như thế, nên không bao giờ bị đọa làm loài quỷ đói. Bởi vì chúng ta đã gieo nhân tốt thì làm sao bị quả xấu được. Cho nên, khi quy y Pháp rồi thì quý vị tránh khỏi làm loài quỷ đói, nhờ biết gieo nhân thương người, cứu vật bằng tất cả tấm lòng. Vì vậy, khi đã quy y, chúng ta phải thực hành lời Phật dạy, để phát triển tâm từ bi rộng lớn, mà cùng nhau chia vui, sớt khổ theo tinh thần của Bồ-tát Quán Thế Âm, dấn thân đi vào đời để phục vụ chúng sinh bằng 33 ứng thân.

Quy y Tăng rồi khỏi đọa làm loài súc sinh. Tại sao? Vì súc sinh là từ nhân si mê mà ra. Phật đã nhập Niết Bàn từ lâu, bây giờ còn lại chư Tăng đang kế thừa con đường của Phật, vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn cho chúng ta biết đâu là điều thiện lành, tốt đẹp, đâu là điều xấu ác, đâu là tội, đâu là phước, đâu là chánh, đâu là tà. Khi chư Tăng đã chỉ cho mình biết rõ rồi, thì mình phải khôn ngoan, sáng suốt, tránh tội làm phước, tránh ác làm lành, và tránh tà làm chánh. Như vậy, từ nhân đến quả ta không gây tạo nhân si mê thì làm sao bị đọa làm loài súc sinh cho được.

Chúng ta đến với đạo Phật là để tu, có nghĩa là sửa, là bỏ, là chừa những thói quen tật xấu, nên Phật dạy lấy nhân quả làm nền tảng trong sự tu hành chuyển hóa. Khi chúng ta gieo nhân tốt rồi, còn phải cố gắng duy trì bền bỉ, bảo vệ dài lâu, thì sẽ được kết quả tốt đẹp. Nếu chúng ta gieo nhân xấu thì phải đọa vào chỗ khốn cùng, đó là một sự thật. Như vậy, người phật tử chân chính phải biết sáng suốt chọn lựa nhân tốt để gieo, tránh không làm những việc xấu ác. Đó là chúng ta biết tu theo lời Phật dạy.

Bước đầu tu theo Phật là quy y Tam Bảo, tức chúng ta tạo ba chánh nhân thiện lành, tốt đẹp. Nhân thứ nhất là nhân sáng suốt để giúp ta không bị u mê, tối tăm che mờ; do đó, không bị đọa vào địa ngục. Nhân thứ hai là nhờ có lòng từ bi, thương yêu nhân loại bằng trái tim hiểu biết, nên không bao giờ bị đọa vào chỗ ngạ quỷ . Nhân thứ ba là nhờ quán chiếu, chiêm nghiệm, xem xét, nên ta phát sinh trí tuệ; do đó, không bao giờ bị đọa vào chỗ súc sinh. Ba chánh nhân này như cái đỉnh ba chân giúp ta đứng vững trên đường tu học, không bị phong ba, bão táp làm chướng ngại nhờ thanh tịnh, sáng suốt, từ bi và trí tuệ soi rọi.

Muốn không đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thì ta phải giữ giới không giết người, hại vật, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, lường gạt và không uống rượu say sưa, hay dùng các chất độc hại như là xì ke, ma túy, thì chúng ta tránh khỏi bị người thù hằn oán giận, tránh khỏi nhân giết hại lẫn nhau, tránh khỏi nhân si mê và tù tội. Giữ được đầy đủ những giới như vậy thì hiện tại chúng ta không bị người thù oán, rình rập giết lại, không phải bị tù tội vì vi phạm pháp luật, không bị ai phá hoại hạnh phúc gia đình, không bị ai lường gạt, hãm hại và không si mê, tối tăm để làm các việc xấu ác.

Cho nên, chúng ta đến với đạo Phật, nếu biết tu thì được hưởng nhân nào quả nấy tốt đẹp, còn không biết tu thì phải chuốc lấy khổ đau. Ai muốn đi tới chỗ tốt, hưởng điều tốt, thì phải làm những gì Phật dạy. Từ nhân đi đến quả chớ không có cái ngẫu nhiên, cũng không có ai ban phước, giáng họa cho ta hết.

Tất cả quý phật tử nghĩ cho kỹ xem, đức Phật dạy ta muốn hưởng quả tốt thì phải gieo nhân tốt, đó là sự thật; nhưng vì ta quá tham lam, nên không chịu tu, muốn xin cho khỏe. Do đó, tinh thần cầu nguyện chỉ là phụ thôi, vì nó rất giới hạn để đạt được điều ta mong muốn; nhưng tinh thần cầu nguyện không thể thiếu trong đời sống của nhân loại, vì đó là nhu cầu chung để giúp cho nhiều người chưa đủ niềm tin về nhân quả mà vượt qua lo âu và sợ hãi.

Thích Đạt Ma Phổ Giác
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm