Tinh thần hoằng Pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Chính tinh thần nhập thế của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tạo ra ảnh hưởng lớn trong đời sống đạo đức xã hội, đem lại sự thái bình an lạc cho muôn dân và làm cho đất nước được hòa bình thịnh trị.
Một trong những sự nghiệp lớn của vua Trần Nhân Tông còn để lại cho đời, không thể không nhắc đến đó là sự hoằng truyền chánh pháp, chấn hưng đạo Phật. Từ cuối thời Lý, Phật giáo Việt Nam đã có những dấu hiệu suy thoái, tín ngưỡng quyền năng đưa con người vào vòng mê tín dị đoan. Trước tình hình đó, Phật hoàng Trần Nhân Tông đi khắp mọi nẻo thôn quê để giảng kinh thuyết pháp, lập chùa, dựng Tịnh xá, khai giảng các lớp học để tiếp Tăng độ chúng. Có lúc Phật hoàng Trần Nhân Tông đi đến các nước lân bang phía Nam để giáo hóa, nhờ đó mà Ngài biết được vua nước Chiêm Thành, cũng từ đó có sự kết giao thân thiện giữa hai nước. Vậy tinh thần hoằng pháp của Ngài được thể hiện như thế nào? Người viết sẽ trình bày ở phần dưới đây..
Trên cương vị người đứng đầu đất nước, Trần Nhân Tông là vị vua hiền luôn lấy dân, lấy nước làm trọng để củng cố vị thế quốc gia. Ngài là nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc đã đoàn kết quân dân Đại Việt hai lần chiến thắng giặc Nguyên Mông, là nhà ngoại giao, nhà văn hóa có nhiều công lao trong việc mở mang bờ cõi, củng cố quốc gia Đại Việt và để lại nhiều tác phẩm có giá trị văn hóa và lịch sử.
Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn - chuyện thơm còn mãi
Năm 1293, Ngài xuất gia và dấn thân hoằng pháp, là nhà hoằng pháp vĩ đại ở thế kỷ XIII. Theo Thánh Đăng Lục ghi “ Để xiển dương chánh pháp, Điều Ngự lập ra Tịnh xá Chi Đề giảng pháp độ Tăng. Những người hâm mộ tu học quy tụ về đây rất đông. Sau đó Điều Ngự mời các bậc danh Tăng về chùa Phổ Minh – Phủ Thiên Trường, mở ra các khóa giảng, trải qua mấy năm ở chùa Phổ Minh, Điều Ngự vân du đây đó, rồi đến trại Bố Chính lập am Tri Kiến”. Điều này cho ta thấy, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã miệt mài hành đạo, vân du khắp đó đây khuyến khích dân chúng xây dựng chùa chiền, bên cạnh việc xây dựng lại các cơ sở hạ tầng bị chiến tranh tàn phá. Ngài còn khuyên dân chúng:
“ Dựng cầu đò, giồi chiền tháp
Ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu
Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi
Nội tự tại kinh lòng hằng đọc”
Ngoài những việc trên, Ngài còn khai mở dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử mang đậm chất thiền học Việt Nam, đối tượng quan trọng mà Phật hoàng hướng tới trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Đại Việt là chư Tăng. Bởi đó là lực lượng nồng cốt, gánh vác sứ mệnh hoằng truyền Phật pháp sau này. Vì thế chúng ta có quyền tự hào, con đường Phật thiền của Ngài Trần Nhân Tông chính là đạo Phật Việt Nam, là con đường chấn hưng Phật giáo Việt Nam, góp phần xây dựng đời sống an lành, cho mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Đặc biệt, ở nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông, đọng lại ba con người sáng chói, làm ngọn hải đăng chỉ lối cho hành giả tu thiền Việt Nam. Đó là con người hiện thực, con người hướng thượng và con người nhập thế.
1. Con người hiện thực:
Như chúng ta đã biết, vua Trần Nhân Tông là một nhân vật lịch sử của nước Việt. Dù xuất thân từ bậc đế vương, nhưng cốt cách của Ngài là bậc xuất trần thượng sĩ. Từ nhỏ, thân không thích lụa là gấm vóc, tâm không đắm luyến dục lạc của thế gian, lớn lên xem cung vàng điện ngọc như đôi dép rách, cho nên Ngài đã trốn lên Yên Tử nhưng không thành, đành phải miễn cưỡng lên ngôi vua. Tại vị 13 năm, ở ngôi Thái Thượng hoàng 6 năm, sau đó mới thực hiện được hoài bão xuất gia, làm sơn tăng đầu núi và trở thành Đệ nhất Sơ tổ Trúc Lâm Yên Tử, khai sáng ra dòng thiền nước Việt. Điều đó cũng đủ cho ta thấy “chất vua” và “chất Phật” cùng hiện hữu trong con người của Ngài. Bởi thế, vua Trần Nhân Tông được mọi người xưng gọi với tôn hiệu “Phật hoàng” .
Có thể nói, Ngài là vì sao sáng trong bầu trời Đại Việt, cho dù lịch sử dù có sang trang nhưng vị trí và công đức của Ngài vẫn không hề thay đổi trong lòng dân tộc. Dòng máu Thích tử Như Lai đã âm thầm chảy mãi trong trái tim của Đại sĩ, nuôi dưỡng một tình thương và ánh sáng tuệ giác vô biên. Dòng máu ấy đã đánh thức nhà vua từ chốn tột đỉnh của quyền lực, danh vọng, sự nghiệp đế vương… nhưng cũng lắm nỗi thăng trầm của cuộc đời vô thường thay đổi. Chính dòng máu này đã chuyển hóa nhà vua từ một con người bằng xương bằng thịt vượt lên những ham muốn thường tình, trở thành Thiền Tăng sống đời thanh đạm, ý chí cao nhàn.
2. Con người hướng thượng:
Khi còn là thái tử, Ngài Trần Nhân Tông được vua cha cho thọ giáo tham thiền với Tuệ Trung Thượng Sĩ. Thượng sĩ vốn khí lượng thâm trầm, phong thần nhàn nhã. Lúc còn để chỏm, Ngài đã chuộng cửa Không, lớn lên đến chỗ Thiền sư Tiêu Dao lãnh hội được yếu chỉ, thâm nhập cốt tủy thiền tông, lấy thiền duyệt làm thú vui thường nhật, không ưa công danh sự nghiệp ở đời. Được thân cận một bậc đại thiện tri thức như vậy, lại thêm chủng Phật sâu dày nên Trần Nhân Tông sớm nhận ra con đường Phật đạo mới đích thực là con đường của mình. Vì vậy không dừng lại ở phước báu của một bậc đế vương, vua Trần Nhân Tông đã hướng đến chân trời cao rộng, thệ nguyện “ Phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”. Lấy vô trụ xứ làm quốc độ, lấy tâm bất sanh bất diệt làm chỗ quy hướng.
Một hôm, vua Trần Nhân Tông hỏi Thượng sĩ về bổn phận tông chỉ, Thượng sĩ đáp: “Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được”. Nghe xong, thái tử thông suốt đường vào, bèn tôn Thượng sĩ làm thầy. Từ đó, Ngài sử dụng câu nói ấy làm phương châm tu hành, thành lẽ sống hướng thượng trên chặng đường tu đạo và hành đạo. Theo tông chỉ của Thiền phái Trúc Lâm "quay lại chính mình" là bổn phận gốc của người tu. Đây không những là cương lĩnh của Thiền tông đời Trần mà cho tới bây giờ vẫn là kim chỉ nam duy nhất cho hành giả tu thiền Việt Nam. Ngày nào chưa phản quan, ngày ấy ta chưa nhận ra được bản lai diện mục, chơn tâm thật tánh thì ngày ấy chưa thể sống an vui tự tại, viễn ly sanh tử được.
3. Con người nhập thế:
Sơ Tổ Trúc Lâm sau khi ngộ đạo, Ngài đã dành hết cuộc đời còn lại của mình đi khắp nhân gian giảng dạy Thập thiện, khuyến tấn dân chúng bỏ ác làm lành. Do vậy, “Nền Phật giáo mà Ngài thiết định là nền Phật giáo nhập thế, phục vụ dân tộc và xây dựng một xã hội lành mạnh theo nền tảng Kinh Thập Thiện”. Tùy duyên giáo hóa, tùy cơ tiếp dẫn, cả một đời không biết mệt mỏi vì lợi lạc quần sinh.
Tinh thần tu tập của Ngài vừa xuất thế lại vừa nhập thế, sau khi xuất gia Ngài dành thời gian chuyên tu, khi ngộ đạo Ngài mới hòa lẫn vào đời, cứu giúp chúng sanh thoát ly đau khổ. Nghiên cứu Phật pháp đến chỗ uyên thâm mới thỏa mãn, tu hành đến ngộ đạo mới đi hoằng hóa. Đó chính là tính cách của Phật hoàng Trần Nhân Tông, một con người hiện thực mà siêu thực, hướng thượng mà chẳng bỏ hàng hạ căn thiểu trí, nhập thế mà chẳng nhiễm trần.
Như vậy, quan điểm của Phật hoàng là phải tùy tục, hòa quang đồng trần, tùy duyên nhập thế để làm lợi ích cho đời. Chính tinh thần nhập thế của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tạo ra ảnh hưởng lớn trong đời sống đạo đức xã hội, đem lại sự thái bình an lạc cho muôn dân và làm cho đất nước được hòa bình thịnh trị.
Tóm lại, hơn bảy trăm năm đã trôi qua, kể từ ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch, nhưng những gì Ngài để lại cho đời, cho Phật pháp thật sự có một ý nghĩa vĩnh cửu. Trong quá trình tiếp nhận và hoằng truyền chánh pháp đối với một nền Phật giáo mang tính dân tộc. Song song đó, có rất nhiều bài viết về cuộc đời và đạo nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông, về tư tưởng thiền học, về tinh thần nhập thế...Trong đó tinh thần hoằng pháp của Ngài là một nét son sáng ngời trong trang sử Việt. Cũng từ đó Phật giáo Việt Nam như được làm sóng dậy và đúc kết thành một mô hình hoằng pháp có ý nghĩa thiết thực cho đến ngày nay. /.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?
Kiến thức 06:10 23/12/2024Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Xem thêm