Tỉnh thức bước chân con về
Kỷ nguyên số xô dạt con người đến gần với sự tiện nghi vật chất lẫn những nhu yếu tinh thần hơn. Ai lại không dám khẳng định, trong chiếc smartphone thân thương, có khả năng dung chứa cả thiên hà đại địa.
Đi rồi, tìm rồi, có thấy những vầng trăng nơi khóe mi của kẻ tình si?
Đã đến, đã về, biết được chăng lòng vẫn băn khoăn vì đa mang thế sự?
Những nhu cầu rất đỗi giản dị như ăn cơm, uống nước, mặc áo, vệ sinh,… thảy đều được đặt lên ngang hàng với cái được gọi là tìm cầu hạnh phúc, lắm lúc lại gọi là trốn nỗi cô đơn; hay lại nữa, theo ngôn ngữ gần đây, gọi với cái tên rất kêu: cắt đôi nỗi sầu. Bình sinh, bất kỳ loài hữu tình nào cũng có hai vấn đề rất ư căn bản: sinh tồn và tự vệ. Con người chúng ta cũng không khác. Vậy ra, nằm sâu dưới hai vấn đề căn bản ấy là một tâm thái muốn được an toàn trước những biến dịch của cõi không gian và khoảnh khắc thiên thu của thời gian; rồi rốt sau, mới là cái an lạc.
Ánh mắt người có bị lung lay nơi ảo tượng phù hoa do chính mình tự tạo? Nào nhà, nào cửa, nào xe, nào cộ,… cái gì làm ta an toàn, rồi an lạc? An là yên, một trạng huống không dao động của tâm. Lạc là niềm vui sâu nhẹ mang tính không cần tìm cầu nữa. Ta vẫn thường nói, tôi có nhà cửa rồi, có xe xịn rồi, có vợ đẹp và con xinh rồi. Có rồi, ừ có tất cả rồi, vậy, có còn cái tâm đi tìm kiếm những gì là an lạc, hạnh phúc nữa chăng? Lắm khi, trước mặt nhau cùng chén thù chén tạc, ta thuận miệng nói: đã an, không tìm nữa; nhưng thực trạng thì mấy ánh đèn lung linh huyền ảo vẫn còn nguyên giá trị làm lay động con tim lắm, chẳng trách sao thiên hạ từng gọi: Sài Gòn hoa lệ…
Biết được, có dăm đôi người, trong chốn phù hư, vén rèm bụi, bước ra tìm màu an lạc, là màu lam, là nâu sồng, là chiếc huỳnh y giản dị bần hàn. Bần hàn là thế mà khi cần, có thể lên đến Sắc cứu cánh thiên, hạ xuống mà tới A-tỳ địa phủ.
Tiếng chuông vừa thỉnh
Lời pháp ngân cao
Trên thông thiên đường
Dưới thấu địa ngục.
(Thỉnh đại hồng chung)
Kẻ chưa quen, còn nghi ngờ nên bước chân cũng e dè nơi cửa Phật. Hắn dợm từng bước, từng bước một, đi vào mà chẳng dám đi nhanh, sợ đâu sẽ bị “dính” vào thứ gì đó làm tâm trí hắn phải suy nghĩ. Con người thường là vậy, với điều gì mới mà lạ, sẽ chẳng mở lòng ngay, mà từ từ dò xét, thẩm định, kiểm tra rồi mới dám chạm vào thực tại. Thế đấy mà cũng lạ, khi quen rồi, nếu hợp tâm hợp tính, có khi lại gắn bó suốt đời. Vậy ra, buổi ban sơ con người ta đến với chùa, với Phật ai cũng e dè như rứa, mà sau cùng, giả dụ có ai kêu bỏ Phật, lắm người chẳng muốn, vì Phật trong tim, Phật trong lòng, Phật như hơi thở vào – ra, Phật hiện diện nơi bước chân tỉnh thức.
Cõi Phật đâu xa? Hãy nghe thiền sư Thiền Lão trả lời vua Lý Thái Tông:
Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.
Trước mắt ta là trúc biếc, là hoa vàng, là trăng trong cùng mây bạc. Cảnh đó có đẹp không? Không cần! Miễn sao đôi mắt mình ôm trọn được thực tại có những thứ ấy là được, vì đẹp cũng là nó, xấu cũng y vậy thôi. Ý thiền sư chỉ có nhiêu: Phật nơi tánh giác, cái thấy toàn chân của chính mình.
Cũng rất đỗi gần gũi, chúng ta hãy điểm qua cõi giới Pháp Hoa tam-muội của Thiền sư Nhất Hạnh:
Chim hót thông reo hoa nở
Trời xanh mây trắng là đây
Ánh mắt thương yêu sáng tỏ
Nụ cười ý thức đong đầy.
(Châu ngọc Pháp Hoa)
Cũng lại là cảnh sắc trời mây. Các vị thiền sư vận dụng cảnh hiện tại trước mắt mình khi ý thức các ngài sáng tỏ, đong đầy chẳng thiếu cũng chẳng dư, vừa đủ gói ghém tất cả tại lòng thiền. Lòng thiền cũng là tịnh. Có tịnh thì có thiền, mà thiền và tịnh lại không khác. Người tu thường quán (anupassanā) thì chẳng thể tìm ra được mảy may nào dấu vết khác biệt giữa thiền và tịnh.
Như đã thưa ở đầu bài viết, nhu cầu thiết yếu nhất mà con người luôn tìm kiếm suốt hàng thiên niên kỷ qua, không khác chính là sự an toàn. Một khi cảm nhận và ý thức về cuộc đời đã quá khổ, quá ngán, quá chông chênh không lối thoát, lắm lúc chỉ muốn dừng lại tất cả, đưa về trạng thái hư vô; thì con người lại muốn tìm về một chốn linh thiêng để tâm hồn có nơi nương náu. Cõi Cực Lạc của đức A Di Đà đã từng, đang từng và sẽ từng là chiếc “phao” cứu cánh tuyệt hảo cho những ai tưởng chừng như cuộc đời mình đang chìm xuống, đang chết đuối trong biển khổ.
Biển ái sóng bao la
Nhận chìm cả Ta Bà
Muốn thoát luân hồi khổ
Phải gấp niệm Di Đà
Cấp thiết nhất là khi nào? Là khi ta cảm thấy mình như sắp chết, hay gần như chết. Đói lả như sắp chết, đau như sắp chết,… vậy ra, trong suốt mấy mươi năm hiện diện, cái chết đến với ta luôn kỳ, bất hạn. Chết để mà sống. Tâm hồn người con Phật thanh thản nhất là khi có Phật. Phật thật, Phật bằng xương bằng thịt mà còn đem được vào trí óc và con tim để thờ phượng mỗi ngày đôi ba lần kia mà. Nhưng, Phật nào quan trọng bằng chính mình là Phật? Chẳng phải, trong kinh A Di Đà dạy rằng, tu về cõi Phật, để tiếp tục tu, lên đến bậc A-bệ-bạt-trí (Avaivarṭikā) hay Nhất sinh bổ xứ (Bậc bất thối chuyển) là coi như được 90% đường tu, sắp viên mãn đạo nghiệp. Còn 10% là gắng thêm để vượt qua hàng Thập địa Bồ Tát mà tiến gần thềm Đẳng giác, Diệu giác – tức là Phật, chẳng khác.
Lòng tin xác quyết của con người mạnh vậy đó mới khả dĩ tạo tác Bát- nhã thuyền mà chở mình và đón người cùng nhau về bờ giác, và chắc chắn một điều, là phải đi bằng những bước chân tỉnh thức.
Đường trần mỏi gối bạc đầu
Tiếng chuông thức tỉnh giọt sầu hóa vui.
(Bùn – Hòa thượng Thích Chân Tính)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm