Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 04/04/2021, 10:42 AM

Tình thương là nhựa sống

Con người luôn luôn cần tình thương. Con người sinh ra, lớn lên bằng tình thương của cha mẹ, anh chị em, bạn bè, thầy cô giáo và bà con hàng xóm. Ta mở lòng ra để tiếp nhận và nuôi dưỡng bằng tình thương trong đời sống hằng ngày thì ta mới có khả năng thương.

‘‘Trẻ thơ thiếu tình thương thì không lớn lên được; người lớn thiếu tình thương thì cũng không lớn lên được.’’[1] Ta sẽ cằn cỗi, héo mòn và cô độc. Một em bé sinh ra, lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương, vỗ về, chiều chuộng, săn sóc thì em bé không thể nào có hạnh phúc và khi lớn lên sẽ không biết thương yêu chính mình và người khác. Do đó hầu hết các đứa bé mồ côi thường hay mang những mặc cảm thiếu thốn, tủi thân và cô độc.

Bé Minh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chẳng ai biết rõ bố mẹ của Minh ở đâu bởi vì Sư Cô trú trì chùa Quan Âm đã đem bé về chùa để nuôi dưới hình thức của một chú tiểu. Bé qua Làng Mai lúc mười tuổi từ trại tỵ nạn, đã được Sư Ông, Sư Cô và đại chúng cưng chiều và thương mến. Một chú tiểu ba vá trông thật xinh đẹp và thông minh thì làm sao người khác không thương yêu được? Tuy thế tính tình của cháu quá nghịch ngợm và khó thương, có lẽ mồ côi từ lúc còn tấm bé nên cháu đã thiếu sự dạy dỗ và chăm sóc một cách đàng hoàng và kỹ lưỡng. Cháu rất khao khát tình thương nhưng lại không có khả năng tiếp nhận tình thương từ người khác. 

Nuôi dưỡng tình thương khi làm việc

Với những chất liệu thương yêu như nhựa sống trong cây, ta sẽ sống hạnh phúc và vui tươi. Ảnh minh họa.

Với những chất liệu thương yêu như nhựa sống trong cây, ta sẽ sống hạnh phúc và vui tươi. Ảnh minh họa.

Năm 1993, cháu ở chung với tôi một phòng. Tôi chưa bao giờ biết săn sóc cho một cậu bé, bởi vì tôi cũng đang tu tập để học chăm sóc cho chính mình, cho nên bé Minh là một thử thách lớn cho tôi.  Mỗi tối cháu đều muốn dựa vào lưng của tôi thì mới chịu ngồi yên để làm bài. Tôi không cảm thấy thoải mái trong sự xúc chạm ấy nhưng vì thương nên tôi đành chiều cháu. Năng lượng của cháu rất động và cháu ưa phá phách cũng vì muốn có sự chú ý từ người khác. Bên cạnh đó, cháu có một khối nội kết và giận hờn đối với người lớn nên cháu thường nghi ngờ tình thương của họ. Có thể thời thơ ấu, cháu đã đau khổ nhiều, thiếu sự săn sóc ngọt ngào của mẹ, thiếu tình ấm áp của cha và thiếu không khí hạnh phúc của gia đình. Mỗi khi giận hờn, cháu tìm cách trả thù bằng những lời nói và hành xử không dễ thương. 

Có lần tôi đang làm vườn để gieo hạt, bé Minh dùng vòi nước xịt ướt hết áo quần của tôi. Tôi nhìn vào cháu và hỏi tại sao cháu làm như vậy? Cháu bảo: ‘‘cháu muốn thử xem sư chú có nổi sân si hay không?’’ Nhiều lúc cháu nói thật hỗn hào và bậy bạ. Người ta có thể không hiểu nổi tại sao lời nói của chú bé lại khó nghe đến thế? Tuy được ở trong tu viện một thời gian mà cháu vẫn không thay đổi chút nào, càng ngày càng lì lợm, nghịch ngợm và hỗn xược. Có một lần cháu đặt xô nước trên cánh cửa thiền đường Nến Ngọc của Xóm Hạ, Làng Mai, có một sư cô đẩy cánh cửa để vào ngồi thiền thì cả xô nước ụp vào người sư cô.  Cháu lấy chuyện nghịch ngợm như thế làm niềm vui và hạnh phúc. Đó là tâm trạng của những người khổ đau. Họ đau khổ nên họ cũng muốn những người khác khổ đau thì họ mới sướng, mới hả dạ. Nó là tâm lý trả thù và trừng phạt có mặt trong mọi người. 

Mỗi năm, vào mùa hè, các cháu thiếu nhi về làng tu tập rất đông. Làng Mai là quê hương thứ hai của các cháu, nơi đây các cháu có thể tìm lại tiếng hát, tiếng hò, bụi tre, hàng nước... Có lần bé Minh đã tuột quần của một em bé trước bao nhiêu đứa trẻ khác cho nên không có đứa nhỏ nào ưa thích bé Minh. Sư Ông Làng Mai biết tất cả những tính nết của bé nhưng Sư Ông rất kiên nhẫn. Sư Ông bảo với đại chúng rằng: “Bé Minh là đối tượng để cho ta tu tập. Nếu ta thành công với bé này thì ta có thể hóa độ cho tất cả những em bé khác.”

Xin hãy thương nhau khi còn nhìn thấy nhau

Thỉnh thoảng tôi bực mình với bé nhưng mỗi khi ý thức về quá khứ đáng thương và thiếu thốn tình thương trầm trọng của cháu thì tôi có thể chấp nhận được những hành xử và lời nói không dễ thương của cháu. Sau này cháu phải rời làng để đi vào trường nội trú, mỗi lần về thăm làng, hai chú cháu nói chuyện với nhau rất thân thiết. Bây giờ cháu Minh đã trở thành một chàng trai bảnh bao và thông minh. Càng lớn cháu càng biết tiếp nhận tình thương nhưng hạt giống khổ đau hồi nhỏ đã đưa cháu đi lầm đường lạc lối, đã chìm sâu trong cuộc đời bi lụy của dục vọng và không người nào có thể cứu cháu ra được. Bao nhiêu năm ở trong tu viện cháu đã không biết tu tập thì làm sao có thể đối diện với lực lượng thiếu thốn, cô đơn và khổ đau trong tâm. Sư Ông đã gieo rất nhiều hạt giống tốt vào trong tâm thức của cháu, hy vọng một ngày nào đó những hạt giống sẽ được nở hoa.

Tình thương là một nhu yếu rất cần thiết để con người lớn lên một cách khỏe mạnh. Cũng giống như thân cây cần nhựa sống để lớn lên một cách xanh tươi, khỏe mạnh, đơm hoa và kết trái cho cuộc đời. Ở Làng Mai có một số cây tùng bị thắt ngang bởi một sợi dây điện.  Sau một thời gian cây lớn lên, vỏ cây bị sợi dây điện ấy cắt đứt do đó nhựa sống không thể đi lên phần trên để nuôi cây. Do vậy chỉ sau một thời gian ngắn những cây tùng ấy tự nhiên chết đi làm cho mọi người trong Làng cảm thấy vô cùng thương tiếc. Con người thiếu tình thương cũng sẽ chết dần chết mòn như những cây tùng thiếu nhựa sống. Nhờ tình thương gia đình, ta mới lớn lên một cách mạnh khỏe, trái tim mới biết rung động để xót thương được con người và cuộc đời. Ta cảm thấy xót xa mỗi khi bắt gặp bà cụ già yếu đuối đang đi khập khiễng. Lòng xót thương ấy thúc đẩy ta tìm cách giúp đỡ bà cụ tận tình và lân mẫn. Ta cảm thấy thương xót tràn ngập trong trái tim mỗi khi thấy một em bé tật nguyền đang đi bên đường, và ta đã cố dấu mẹ để cho em bé một bát cơm. Ta không nỡ dùng thuốc giết gián, giết kiến, giết muỗi trong nhà mà tìm cách đưa chúng ra ngoài sân rồi dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa để chúng không trở lại.

Lúc mới về Làng Mai tôi ưa cuốc đất nơi vườn rau xanh và vườn hoa. Mỗi lần cuốc đứt một con giun, tôi cảm giác đau xót như một phần thân thể mình bị cắt đứt. Tôi bỏ cuốc xuống để cầu nguyện cho con giun ấy. Tôi niệm danh hiệu của Đức Bồ Tát Quan Thế Âm và Bồ Tát Dược Sư. Tôi cảm thấy xót thương và hối hận vô cùng. Tôi đem hai khúc thân thể giãy giụa của con giun vùi xuống ở một mảnh đất mềm mại và ẩm ướt hơn. Người ta nói rằng con giun bị cắt đứt làm đôi sẽ lành lại và có thể trở thành hai con giun mới nhưng tôi vẫn cảm thấy đau xót mỗi khi lỡ tay cuốc vào nó. Nhiều khi tôi cố tình dùng cây chĩa năm thay vì dùng cuốc làm công việc xới đất để khỏi cắt đôi những con giun đáng thương và vô tội.

Vào mùa Xuân và mùa Thu ở bên Pháp có rất nhiều con ốc sên không vỏ (slug). Mấy chàng ốc sên này rất ưa ăn những ngọn lá xà lách xanh non và ngọt ngào do tôi trồng. Tôi cũng thông cảm cho chúng bởi vì đa số những rau cải khác trong vườn vừa cay, vừa đắng và vừa dai chứ xà lách ăn rất ngọt, ngon và dòn. Có lúc tôi bực mình với những chú ốc sên này bởi vì những cây xà lách con tôi vừa trồng tối hôm qua, ngày hôm sau đã bị mấy chàng ăn trụi luôn cả lá lẫn đọt. Anh em chúng tôi phải tìm nhiều cách để ngăn ngừa các chàng ốc sên vào vườn rau xanh, nhất là vườn xà lách. Vậy mà mỗi khi đi trên đường từ xóm Thượng xuống xóm Hạ để nghe pháp thoại, hễ thấy con ốc sên nào bò trên đường cái thì tôi không thể nào vô tâm và làm lơ bước chân đi. Bởi vì tôi đã thấy những con ốc sên bị xe hơi cán dập nát ra từng mảnh. Thật là tội nghiệp. Tôi thường dùng đôi que cây gắp các chàng đang bò trên đường bỏ ra hai bên bãi cỏ non để cho chúng được sống an toàn. Sau khi đã cứu những con ốc sên tội nghiệp ấy, tôi mới không cảm thấy cắn rứt lương tâm. 

Lương tâm là tiếng nói rõ ràng và trung thật nhất về tình thương. Không có lương tâm, sự sống của ta đã chết rồi. Đôi khi tiếng nói lương tâm làm cho ta đau khổ, bức rức nhưng sự khổ đau này rất cần thiết. Nó giúp cho ta lớn lên, làm cho trái tim ta mền ra để xót thương mà không còn chai sạn. Ta rung cảm và nhạy bén tới sự sống của mọi loài chung quanh nên ta không nở dẫm lên con sâu con kiến. Ta cẩn thận và chú ý tới sự sống của muôn loài để bảo vệ và che chở.  Có lúc tôi nói với những con ốc sên không vỏ rằng các em hãy bò ra hai bên đường kẻo xe hơi nghiến nát đấy, ở trong bãi cỏ xanh chắc chắn sẽ được an toàn.

Chất liệu xót thương đã chứa sẵn trong từng mạch máu, từng tế bào và tuôn tràn trong trái tim bởi vì ta đã được nuôi dưỡng bằng tình thương của ba mẹ và gia đình. Sau khi xuất gia, ta lại được nuôi dưỡng bằng tình thương của tăng thân, Thầy và Bụt để những hạt giống thương yêu trong ta liên tục lớn lên. Với những chất liệu thương yêu như nhựa sống trong cây, ta sẽ sống hạnh phúc và vui tươi. Ta sẽ không còn cảm thấy thiếu thốn, cô đơn và lạc loài.

[1] Bông Hồng Cài Áo

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cách ăn chay tốt cho sức khỏe tim mạch

Sống an vui 16:50 22/11/2024

Chế độ ăn chay có thể tốt cho huyết áp, cải thiện mức cholesterol và duy trì cân nặng khỏe mạnh, tất cả đều giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nên biết cách ăn chay phù hợp để mang lại những lợi ích sức khỏe.

Những cảnh giới cao nhất

Sống an vui 13:15 22/11/2024

Cảnh giới cao nhất của sự nghiệp, của kỷ luật, của tình bạn, tình yêu và cảnh giới cao nhất trong sinh mạng con người là gì, bạn có biết không?

Buông xả những nỗi lo âu

Sống an vui 11:00 22/11/2024

Ta hay nhân danh sự bận rộn, bổn phận, trách nhiệm để cho phép mình rời bỏ chính mình bất cứ lúc nào. Khi thức dậy là ta đã bắt đầu phóng tâm đi lang thang bên ngoài, tìm kiếm cái này, nắm bắt cái kia.

Học chim làm tổ

Sống an vui 07:30 22/11/2024

Nhìn những chú chim cần mẫn siêng năng tước từng cọng cây, ngọn lá về đan tổ, chúng ta học được rất nhiều đạo lý.

Xem thêm