Trong thời đại ngày nay, người đệ tử Phật với tôi đang hiện diện với sứ mệnh là một vị hộ pháp. Chúng ta đoàn kết với nhau để giữ vững mạch nguồn Phật pháp. Đừng im lặng, chúng ta hành động để bảo vệ những giá trị tốt đẹp, những lời răn dạy của đức Phật đang bị “xuyên tạc”bởi một số đối tượng.
Một người bạn đã hỏi tôi: “Là một Phật tử có thấy xấu hổ không?”. Khi tôi hỏi lý do vì sao, bạn nói rằng Đạo Phật hiện nay đang “rơi” vào thời mạt pháp khi có quá nhiều tin tức tiêu cực. Từ việc các sư thầy không giữ nghiêm giới luật đến các vụ án kinh hoàng xảy ra ngay chốn thiền môn thanh tịnh. Không chỉ có vậy, nhiều người còn núp bóng đạo Phật để thực hiện hành vi lừa đảo dưới hình thức “giả sư”. Nguy hiểm hơn, hiện nay còn có nhiều đối tượng “mượn” lời dạy của đức Phật để phục vụ cho các hành vi mê tín dị đoan của họ.
Dẫu vậy, nhưng tôi chưa bao giờ thấy xấu hổ khi là một Phật tử. Tôi không xấu hổ không phải vì tôi tin tưởng hay cuồng tín tôn giáo của mình. Với tôi, những vụ việc không tốt trên chính là hồi chuông phản tỉnh nhắc nhở những phật tử như tôi phải nỗ lực và tinh tấn tu tập.
Có một câu chuyện tôi từng đọc có nhan đề “Người tốt, kẻ xấu”. Chuyện kể rằng:
“Ở xứ nọ, một hôm nhà vua cho gọi nhà hiền triết đến hỏi:
- Trong đất nước của ta, người tốt nhiều hơn hay người xấu nhiều hơn?
Nhà hiền triết trả lời:
- Người tốt nhiều hơn.
Vua không hài lòng, cho rằng nhà hiền triết nói để lấy lòng ngài.
- Nhà ngươi nói người tốt nhiều sao ta chỉ nghe toàn chuyện chỗ này trộm cắp, chỗ kia giết người cướp của…
Thay vì trả lời, nhà hiền triết lấy ra một ly nước đầy và một giọt mực.
- Người tốt nhiều như ly nước. Kẻ xấu chỉ như giọt mực.
Nhà hiền triết nói và cho giọt mực vào ly nước.
Một lát, ly nước biến thành màu xám đen.
- Người xấu tuy ít nhưng cũng đủ làm cho đất nước của ngài biến thành màu xám.
- Vậy làm thế nào để hết người xấu?
Bấy giờ, nhà hiền triết nhỏ thêm nhiều giọt nước vào ly nước màu xám. Ly nước dần dần trong lại.
- Ta hiểu ý ngươi. Người xấu thời nào cũng có. Vấn đề là làm sao để người tốt ngày càng nhiều hơn”.
Phật giáo ngày nay cũng như vậy. Một vài tin tức tiêu cực có thể không khiến chúng ta bận tâm nhưng lâu dần những tin tức ấy sẽ làm xấu đi hình ảnh của Phật giáo trong mắt mỗi người. Nếu không kịp thời cải thiện hình ảnh ấy thì lòng tin của tín đồ phật tử sẽ bị lung lay và trong nhiều trường hợp chính họ là những người phỉ báng lại tôn giáo của mình.
Khi đức Phật còn tại thế Người cũng gặp phải những đối tướng chống phá, đả kích, xuyên tạc nhằm hạ thấp vị trí của Phật giáo trong dân chúng. Đã có những thời kỳ Phật giáo tưởng như suy tàn, không thể trụ lại trên trần thế nhưng nhờ có lòng tin vững chắc nên những giáo lý ấy vẫn còn sức sống để tồn tại và phát triển đến tận ngày này.
Phật giáo Việt Nam tồn tại hơn 2500 năm, đã trải qua biết bao thăng trầm lịch sử; Giáo hội Phật giáo Việt Nam với 35 năm thành lập đã chứng kiến biết bao đổi thay của dân tộc. 35 năm tưởng chừng là quãng thời gian ngắn nhưng để có thể đứng vững được như ngày hôm nay là biết bao sự cố gắng, nỗ lực của các vị minh sư, của tín đồ phật tử và cả sự hỗ trợ nhà nước.
Tôn giáo nào cũng vậy, không thể tránh khỏi lúc thịnh lúc suy, khi thăng khi trầm. Và đạo Phật cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Có thể thấy, đây vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức đối với Giáo hội nói chung và người phật tử nói riêng.
“Đời không giông tố tâm không sáng
Đạo chẳng phong ba đạo chẳng thành”
Chúng ta không thể vì cái nhìn phiến diện mà dễ dàng buông xuôi hay mất lòng tin vào chánh pháp. “Y pháp bất y nhân”. Với tôi, đạo Phật chính là người thầy và cũng là người bạn đồng hành với tôi trước mọi biến cố trong cuộc sống. Đâu thể vì vài lời dèm pha, nói xấu của miệng đời mà tôi dễ dàng trách cứ người thầy hay người bạn đã gắn bó với mình biết bao năm qua. Việc gì chúng ta cũng phải nghe bằng hai tai, nhìn rõ bằng đôi mắt của chính chúng ta. Hãy tự mình kiểm chứng, tự mình lắng nghe để đi tìm cội gốc của sự thật. Như nhà triết học Đức từng nói: “Một nửa chiếc bánh mì là bánh mì, một nửa sự thật không phải là sự thật”.
Trong thời đại ngày nay, người đệ tử Phật với tôi đang hiện diện với sứ mệnh là một vị hộ pháp. Chúng ta phải đoàn kết, đồng lòng với nhau để giữ vững mạch nguồn Phật pháp. Đừng im lặng, chúng ta phải nói và hành động để bảo vệ những giá trị tốt đẹp, những lời răn dạy đầy tình thương của đức Phật đang bị “xuyên tạc” và làm xấu đi bởi một số đối tượng.
Quan trọng hơn cả, trước mọi vấn đề liên quan đến Phật giáo chúng ta phải quán chiếu bởi tuệ giác. Có như vậy mọi việc mới thông suốt và sáng rõ. Trí tuệ và từ bi vốn là cốt tủy của Phật giáo, không bao giờ đổi thay.
Những phật tử như chúng tôi vẫn đang ngày ngày cố gắng hết sức mình qua từng lời nói, từng hành động và cả ngòi bút để bảo vệ đạo Phật – người thầy khả kính mà chúng tôi luôn kính trọng. Ngưỡng mong Giáo hội Phật giáo Việt Nam hãy mạnh mẽ và quyết đoán hơn nữa trong việc công bố thông tin cũng như giải quyết các vụ việc tiêu cực còn đang tồn đọng để chúng tôi có thể giữ vững lòng tin vào chánh pháp.
Sắp tới đây vào ngày 7 tháng 11, Giáo hội sẽ bước sang tuổi 40. Thiết nghĩ ở tuổi này Giáo hội không còn ở vị thế của một “chàng trai mới lớn” nữa mà đã là độ tuổi của bậc cha, bậc chú với sự từng trải và kinh nghiệm nhất định. Chính vì vậy, Giáo hội cần phải mạnh mẽ và tự tin đứng trên đôi chân của mình để giải quyết tận gốc những vấn đề bất cập đang xảy ra.
Giáo hội – tín đồ Phật tử và Phật giáo giống như chiếc kiềng ba chân, nếu một chân bị gãy thì lúc đấy chiếc kiềng sẽ lung lay, khó đứng vững được như ban đầu.
Tôi hi vọng Giáo hội hãy luôn “nhìn thẳng, nói thật” để phát huy tinh thần bao đời nay của mình là “hộ quốc, an dân”, giúp Phật giáo nước ta ngày một vững mạnh. Nếu Giáo hội luôn giữ được sự minh bạch và công tâm thì tôi tin rằng tất cả mỗi người con phật đều tự hào nói: “Tôi không bao giờ xấu hổ khi là một phật tử!”
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn riêng của tác giả.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi
lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào
sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp
một lần hoặc hàng tháng.
Tôi vác ba lô trên lưng trở về sau chuyến hành trình nơi đất khách, trong hành trang tôi mang vài thứ từ quê xa làm quà cho anh em. Vừa bước vào cổng chùa nghe hơi lạnh… thoáng mùi chia ly.
Trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Đạo Phật xuất hiện như một ánh sáng soi đường, giúp con người thấu hiểu chính mình và hoàn thiện bản thân.
Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.
Đã nhiều lần tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ nói xấu người khác, thế nhưng đâu cũng lại vào đó, cứ hễ tụm năm tụm ba là không nói chuyện của người này cũng nói người khác, hoặc khi ai đó nói về chuyện của người khác dù không nói ra nhưng vẫn có những ý nghĩ xấu, không tốt về họ.