Tôi tin Phật
Với tôi, tôi tin Phật, tin Tam bảo, tin nhân quả, tin các pháp do duyên mà sinh, do duyên mà diệt. Vì sao? Vì tôi biết rằng Phật là bậc đại giác ngộ.
Trong cuộc sống này, hầu như ai trong chúng ta cũng cần nội tâm vững chắc để làm chỗ dựa tinh thần, đó là nội tâm. Mà nội tâm đó được thể hiện qua lòng tin. Nếu không có lòng tin thì người đó dần dần chết đi như cây thiếu nước, lá rụng cành khô, vì cảm thấy cuộc sống chẳng có ý nghĩa và nhạt nhẽo vô cùng rồi dẫn đến buồn bã, tẻ nhạt và đau khổ. Đối với tôi, tôi cũng có một niềm tin. Tôi tin Phật, tin Tam bảo, tin nhân quả, tin các pháp đều do duyên sanh và các pháp đều do duyên mà diệt. Lòng tin đó giúp tôi trở thành niềm hi vọng, mà hi vọng đó giúp tôi sống tốt hơn, ý nghĩa hơn, có niềm tin và sự khác nhau được sống trong cuộc đời nó sẽ luôn tồn tại mãi trong thời gian vô tận và không gian bao la.
Tất cả chúng ta hầu như một khi gặp phải những điều khó khăn hay hạnh phúc đều cần có một niềm tin. Ví như khi chúng ta bị khủng hoảng về tinh thần hay tình cảm thì chúng ta thường không làm chủ được chính mình để ngoại cảnh chi phối rồi buồn bã, thất vọng, lại nghĩ đến cái chết vì không thấy được hi vọng cuối cùng nào để bám víu, nương tựa mà sống. Lòng tin rất cần thiết trong đời sống, chúng ta cũng như những người nông dân làm lúa, tin rằng mùa này sẽ trúng vụ to vì lúa rất xanh tươi tốt lại trổ rất nhiều bông lúa, chắc hạt nên từ đó họ nghĩ đến cái ăn cái mặc, sẽ không lo sợ thiếu thốn nữa nên tâm trạng họ rất vui vẻ. Một cậu học trò học hành chăm chỉ, nỗ lực, cậu tin rằng mình sẽ đỗ đạt cao. Và một người tu sĩ tin rằng mình rồi đây sẽ thành Phật nếu chịu học và thực hành theo lời Phật dạy… Cho nên dù bất cứ hoạt động nào trong đời sống của chúng ta cũng cần có một niềm tin.
Giáo pháp của Đức Phật là toa thuốc trị liệu mọi nỗi khổ đau của nhân sinh
Với tôi, tôi tin Phật, tin Tam bảo, tin nhân quả, tin các pháp do duyên mà sinh, do duyên mà diệt. Vì sao? Vì tôi biết rằng Phật là bậc đại giác ngộ. Ngài là một vị A-la-hán – Chánh Đẳng Giác, Ngài có đầy đủ công hạnh tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Ngài là bậc thầy của nhân loại, là một con người lịch sử có thật trong cõi Ta bà này. Cách đây hơn 2500 năm, Ngài là con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma-gia, có vợ là Gia-du-đà-la, con là La-hầu-la. Ngài từ bỏ mọi thứ vui trong cuộc đời, nào là cung vàng điện ngọc, cha mẹ, vợ con, danh vọng, địa vị thái tử,…. Vì Ngài muốn tìm ra chân lý của cuộc đời, tìm ra cách để thoát khỏi sự sinh già bệnh chết,… để giúp cho chúng sinh thoát khỏi sự khổ đau của kiếp người. Từ đó, Ngài đã rời bỏ hoàng cung đi tầm sư học đạo qua sáu năm khổ hạnh rừng già mà không có kết quả, Ngài tiếp tục bỏ cách tu khổ hạnh đó. Rồi Ngài trải qua 49 ngày đêm tư duy thiền định. Cuối cùng Ngài chứng đạo giác ngộ chân lý của sự giải thoát, trở thành một vị Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Khi chuyển pháp luân, Ngài đã hóa đó năm anh em Kiều Trần Như, qua bài pháp Tứ diệu đế và bài kinh Vô ngã tướng. Nên tôi tin Phật, vì Ngài là bậc thầy sáng suốt của tất cả chúng sinh đi ra khỏi sự tối tăm của tội lỗi.
Ngài là một vị Vô Thượng Y Vương trị lành tất cả các căn bệnh của chúng sinh. Ngài dẫn dắt tất cả chúng sinh đến với ánh sáng của trí tuệ và từ bi, thẳng bước lên con đường thánh thiện an lạc và hạnh phúc ở hiện tại dẫn đến tương lai. Dù bạn là ai, hay một tên bạo chúa, một người giàu có nổi tiếng keo kiệt, những người tạo tội ác thiên cổ, những cô gái giang hồ lẳng lơ, những người nghèo khổ bị người khinh bỉ, những học gia lừng danh hay những người bị xã hội chà đạp xem thường… tất cả đều được lợi lạc bởi những lời dạy của Thế Tôn đầy thiết thực về lòng từ bi và trí tuệ của Ngài đem lại.
Mọi người thử nghĩ xem, một xã hội hiện nay có đầy rẫy những cạm bẫy, xảo trá và lừa lọc… ta biết tin ai đây? Nếu tin bạn bè thì bị bạn bè lừa lọc, tin anh chị em cũng chưa chắc, tin cha mẹ cũng chưa chắc lắm,… Ấy là nói vậy, chứ tôi không có vơ đũa cả nắm. Để tôi kể một vài câu chuyện, các bạn đọc cho vui nhé và từ đó có thể học được bài học và rút ra những kinh nghiệm sau này khi có dịp thì lấy nó ra mà thực hành cho vui. Xem có kết quả hay không. Lúc tôi còn học trung học, có một số bạn học rất là thân quen với tôi, họ thường xuyên nói chuyện với tôi. Họ nói rất là hay và hấp dẫn, có thể làm cho chúng ta bị lôi cuốn vào những câu chuyện mà họ kể. Họ nói đủ thứ chuyện, miễn làm sao mà ta động lòng bỏ tiền ra cho họ mượn mà thôi. Cho nên người thế gian có câu nói lái vui: “Lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho lòi tiền ra” là vậy. Họ nói cho mình mượn một ít tiền để mình đi mua cái này rồi mai mốt họ sẽ trả tiền lại cho bạn. Họ hứa đủ thứ rồi khi có tiền rồi họ lại đi mất. Khi mình gặp lại, mình nhắc họ nhớ trả tiền thì họ lại cảm thấy không vui, họ còn cáu gắt, thái độ giống như là kẻ thù vậy. Họ cứ nói mai mốt sẽ trả, và rồi cứ viện đủ mọi lý do như thế làm mình khó xử, mất cả niềm tin về bạn bè luôn. Mỗi khi người bạn khác lại mượn tiền nữa thì lúc đó mình chẳng biết làm sao, cho hay không cho đây? Bạn đó lừa mình như những người bạn khác hay không? Tâm mình lúc đó lại đắn đo rất khó xử nếu không cho thì không được mà cho thì sợ người ta không trả. Nếu là bạn, bạn sẽ làm sao? Và khi tôi học Phật rồi thì tôi biết nếu không cho mượn thì thôi, còn nếu cho mượn thì có trả hay không cũng chẳng cần nữa, miễn sau này mình cảm thấy mình tin tưởng rằng người đó đang gặp khó khăn nên chưa trả được, mình có thể thông cảm chẳng sao cả. Kiếp này không được thì kiếp sau họ trả mình, có gì đâu vì tôi tin nhân quả.
Còn tin anh chị em người thân, cha mẹ trong gia đình thì cũng chưa chắc cho lắm, vì đôi lúc những nguời thân trong gia đình họ giấu mình chuyện này chuyện nọ. Như trong cuộc sống làm ăn, có đôi lúc tôi nhờ họ một số việc thôi rất nhỏ rồi họ cũng bàn tới bàn lui rồi cũng không chịu làm. Lúc đầu họ hứa việc này, việc kia nhưng chưa thực hiện. Họ sợ những rắc rối, sợ cực khổ. Đôi khi tôi tin họ rồi lại hụt hẫng bởi sự thờ ơ không quan tâm vì không phải lợi ích cá nhân của họ.
Còn đối với cha mẹ tôi thì tôi cảm thấy thương họ hơn, vì cha mẹ tôi thường khuyên tôi cưới vợ, họ dụ tôi rất nhiều bằng lời nói hay ngon ngọt nhưng tôi không chịu. Tôi biết nếu tôi không tu nữa thì cha mẹ tôi cũng không buồn đâu. Trái lại họ rất vui đấy. Tôi nhớ có lần, mẹ tôi lên chùa thăm tôi. Mẹ tôi bật khóc khi nhìn thấy tôi, mẹ tôi khóc mà tôi cảm thấy thương mẹ. Nhưng tôi cố không khóc để khuyên mẹ. Tôi cười để trấn an tâm lý mẹ. Nếu như lúc đó tôi cũng khóc thì chắc chắn mẹ tôi sẽ dẫn tôi về luôn quá! Mẹ tôi vừa nói vừa khóc: “Mày ốm quá vậy? Mặt mày xanh xao quá vậy? Mày về nhà tao nuôi, chứ mày ở đây tao đau xót quá”. Tôi cố cười để mẹ tôi đừng buồn. Mẹ tôi khóc và nói rất đúng, vì sao? Vì lúc đó tôi rất ốm và xanh xao vì tôi đang trong giai đoạn thực hành thử nghiệm một ngày ăn một bữa. Tôi biết tình thương của mẹ thật là cao cả, cho nên người ta mới ví “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Nước mà ở trong nguồn thì làm sao mà hết được các bạn? Mẹ vĩ đại quá, dám hi sinh tình cảm đó để bồi đắp cho lý tưởng của con mình.
Tôi thật sự rất thương mẹ, thương nhiều lắm! Tôi thương những hành động, những lời nói việc làm suốt cả cuộc đời mẹ dành cho tôi. Suốt cả cuộc đời này tôi kể cũng chẳng hết mà cũng trả không xong. Tôi muốn làm một việc vĩ đại để dâng tặng hai đấng sinh thành, đó là tôi sẽ cúng dường tôi cho Phật và nguyện đem tất cả thân tâm này hồi hướng phước báu cho cha mẹ được nhiều sức khỏe sống cùng với con trên cuộc đời này và đời sau. Tôi biết chỉ có xuất gia mới là con đường hạnh phúc thật sự. Còn con đường thế gian thì chỉ là giả tạm mà thôi và tôi cũng dùng nhiều thời gian để giúp mẹ hiểu về sự lựa chọn của tôi. Còn cha thì tôi thấy có lúc ông cũng yếu đuối và khóc nữa. Cha thương tôi lắm! Vì lúc chưa sinh tôi ra cha tôi làm đủ mọi phước đức đến chùa, đi nhiều nơi để sau có được một đứa con trai để nối dõi tông đường vì lúc đó cha tôi sinh cha đứa con gái mà chẳng sinh được đứa nào là con trai cả nên khi sinh tôi rồi cha rất thương. Đi đâu cha cũng dẫn tôi đi cùng, cha thường ẵm hoặc cõng tôi trên lưng, và hát cho tôi nghe. Tôi thấy cha khóc ở buổi làm lễ xuất gia. Cha khóc khi mùa tết tôi về thăm gia đình. Cha khóc khi say rượu nữa, những lúc uống rượu cha thường gọi tên tôi và khóc. Tôi thương cha lắm, tôi phải cố gắng không làm cha thất vọng, tôi dám chứng minh những việc làm lời nói của tôi là đúng, con đường của con là con đường hạnh phúc chứ không phải đau khổ đâu. Tôi giúp cha hiểu lợi ích Phật pháp và còn khuyên cha quy y Tam bảo và thọ trì Ngũ giới. Có lẽ đây là sự thành công ban đầu của tôi. Tôi muốn làm nhiều điều để chứng minh rằng cha hãy tin tưởng ở con, con sẽ khiến cha tin tưởng về những hành động việc làm và suy nghĩ của con mình là tốt đẹp, ngày càng hoàn thiện về nhân cách và đạo đức của một con người trong xã hội này.
Dần dần về sau, mỗi khi tôi về quê thì cha không còn khóc nữa, mà cha lại cười cười. Trong tiếng cười vì được nở mày nở mặt với láng giềng.
Cho nên vì sao tôi tin Phật mà tôi không tin những người thân vì Phật sáng suốt thanh tịnh, không còn tham sân si,… còn người thế gian thì thiếu sáng suốt, thiếu sự thanh thịnh, còn nhiều tham sân si nên tôi không tin tưởng họ là vậy. Họ vẫn còn luẩn quẩn trong vòng sinh tử không biết đường ra khỏi. Chỉ có Phật, Ngài đã ra khỏi đường sinh tử và chỉ dẫn chúng ta ra khỏi đường ấy. Vậy ta không tin Phật thì tin ai bây giờ? Suốt cuộc đời này tôi chỉ tin Phật, Pháp, Tăng, tin nhân quả, tin các pháp đều do duyên sanh và các pháp cũng đều do duyên mà diệt. Vì sao? Vì Phật đã giác ngộ, Ngài đại diện cho tình thương và sự sống. Đức Phật không phải là một thần linh hay thượng đế mà Ngài chỉ là một con người bình thường mà thôi. Tất cả những gì Ngài có được không phải là thần linh hay thượng đế ban cho mà hoàn toàn do sự nỗ lực và trí tuệ của một con người. Ngài dám nói lên sự thật, phá tan những tà kiến của ngoại đạo, khiến thiên ma phải quy phục khi nghe đến Ngài. Ngài đã dỡ bỏ màn đêm vô minh mờ ám của kiếp luân hồi và chỉ dạy cho chúng sinh đến bờ giải thoát, an vui, bằng sự tu tập, thực hành những lời dạy của Ngài.
Tôi tin pháp và vì pháp là “mẹ đẻ của chư Phật”, trong kinh Hoa Nghiêm có nói: “Lòng tin là cội nguồn, là mẹ của mọi công đức, nó làm sống mạnh mọi pháp lành, diệt trừ bao mê muội”. Và Luận Trí Độ có viết: “Phật pháp như biển cả mênh mông, những ai có lòng tin là vào được. Lòng tin như người đi vào nơi báu, tìm những thứ quý nhất mà có giá trị nhất rồi dùng bàn tay để hốt về”. Một khi chúng ta có niềm tin vào biển Phật pháp thì tha hồ hốt về với những báu, nào là tuệ giác, thiền định, pháp vô lậu… nếu không có lòng tin thì làm sao hốt về được? Một ngày nào đó không xa, khi nhân duyên đầy đủ, phước báu đầy đủ khi thực hành lời dạy của Thế Tôn. Tôi luôn tin rằng, mình cũng có khả năng vào biển Phật pháp mà có thể chứng đạt các quả vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán.
Tôi tin vào Tăng. Vì Tăng là bậc thầy thanh tịnh, hòa hợp và những vị xuất trần thượng sĩ, những bậc đại diện cho Phật nói lên sự thật về chân lý nhiệm mầu, phá trừ mọi tà kiến mê lầm của chúng sinh, ra khỏi biển vô minh. Tăng là bậc có giới hạnh, giới đức, xứng đáng là bậc thầy gương mẫu của chốn nhân gian này, là phước đức cho chúng sinh nương nhờ.
Tôi tin vào giáo lý nhân quả. Vì lý nhân quả giúp tôi hiểu tường tận mọi sự đau khổ hay vui sướng đều xuất phát từ chính bản thân mình chứ không phải một ai khác đem đến giáng họa và ban phước gì cả. Đức Phật dạy chính ta là chủ nhân của nghiệp, là người thừa tự nghiệp, mọi hoạt động đều đem đến kết quả. Nếu ta nghĩ xấu, nói xấu và làm xấu thì chúng ta sẽ nhận lấy những quả báo xấu. Ta nghĩ thiện, nói thiện, làm thiện thì kết quả tốt đẹp sẽ đem đến sự tốt lành. Từ đó, tôi không còn hờn trách hay yêu cầu gì cả bởi vì những gì mình có được như ngày hôm nay dù đó là thiện hay ác, giàu sang hay nghèo khổ là đều do quá khứ. Chúng ta đã tạo nghiệp, nên ngày nay ta phải chịu lấy quả báo từ nghiệp đã gieo.
Một con người có thân tướng tốt đẹp, ăn nói lịch sự, hòa hợp, trí tuệ sáng suốt, khi đối nhân xử thế rất được mọi người kính trọng là do quá khứ họ đã có những hành động thiện, lời nói thiện, ý nghĩ thiện. Họ biết kính trọng đối với những người lớn hơn và khiêm hạ những người nhỏ hơn, họ biết kính trên nhường dưới, từ tốn lắng nghe học hỏi,… nên có thiện nghiệp, đời nay có đức tướng trang nghiêm và trí tuệ rộng lớn lại được mọi người tôn trọng kính mến. Ngược lại là bất thiện đối với những người xấu xí, trí tuệ kém, đi đâu cũng bị mọi người xem thường. Đấy là do họ không tin nhân quả, không tin tội phước, đối xử với mọi người tệ bạc và coi thường người khác nên có kết quả xấu ở đời này là vì vậy.
Tôi tin vào lời Phật dạy: “các pháp do duyên sanh và cũng do duyên mà diệt” nên trong cuộc sống tôi có cái nhìn thoáng hơn, cởi mở hơn. Lúc chưa học Phật và thực hành theo lời Phật dạy, mỗi lần thấy người thân mất, tôi rất buồn và đau khổ. Khi đã biết và thực hành theo lời Phật dạy thì tôi mới phát hiện một điều: Sự thật của cuộc đời này là có sinh ắt có tử, có hợp tức có tan. Dù bạn có chấp nhận hay không chấp nhận thì nó vẫn diễn ra như vậy theo quy trình của nhân duyên. Tất cả các pháp đều là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã, nó không bao giờ trường tồn mãi mãi. Như kinh Kim Cang có dạy: “Cái gì có hình tướng thì đều bị hư hoại” là vì vậy. Đây là nói cho người có học, có trí tuệ sáng suốt mới hiểu, mới biết mà thực hành. Còn những người có học mà không chịu thực hành, thì cho dù học suốt cả cuộc đời cũng không thể giác ngộ được chơn lý đức phật đã truyền trao. Mình phải hiểu rõ và thực hành nó đúng như thật, chứ không thực hành mà chỉ nói thôi thì không có lợi ích gì cả. Dù bạn có học cho nhiều, biện minh cho giỏi để phản biện lại chân lý thì chân lý vẫn là chân lý, thì không có ai có thể thay đổi được cả. Phật chỉ là người giác ngộ ra chân lý, còn chân lý nó vốn là sự thật không ai có thể bóp nát hay bẻ cong được.
Tóm lại, tôi tin Phật và hiểu được những gì Ngài muốn truyền trao. Để từ đó giúp tôi có được nhận thức và làm những điều có lợi ích trong đời sống thực tại, phải sống đúng với lương tâm, sống hết mình và hãy nỗ lực tu tập thực hành giới định tuệ; siêng năng học tập văn tư tu để tiến lên con đường giác ngộ; thân khẩu ý phải thanh tịnh không nên làm cho nhiễm ô, thường xuyên làm các hạnh lành, không làm các việc ác. Còn đối với các bạn thì sao? Nếu bạn tin Phật thì tôi chắc bạn sẽ luôn thực hành theo lời đức Phật dạy. Vì Phật luôn dạy cho chúng sinh nên từ bỏ mọi thói hư tật xấu, làm những việc tốt lành. Ngài giúp cho con người từ kẻ phàm phu tiến lên bậc Thánh, từ ác làm thiện. Ngài chỉ cho chúng ta con đường tu học tiến đến sự nghiệp giác ngộ giải thoát. Chính vì vậy nên tôi tin Phật là như thế!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hóa nhân thuyết pháp
Kiến thức 10:52 15/11/2024Vua Đường Văn Tông rất thích ăn sò ốc, dân chúng ven biển ngày nào cũng bắt dâng nộp triều đình. Có một lần, người đầu bếp đang luộc ốc, thấy có một con ốc hả miệng ra, trong vỏ có hình dáng giống như Bồ-tát Quán Âm, đầy đủ tướng thanh tịnh, hết sức trang nghiêm.
Một lần nổi giận, ba ngày chưa hồi phục
Kiến thức 10:30 15/11/2024Có người ra bên ngoài nói lời thị phi hủy báng tôi, có đồng tu đến nói với tôi, người đó nói xấu thầy, hủy báng thầy. Họ vừa mở lời, tôi liền không cho họ nói thêm nữa, họ cảm thấy vô cùng kinh ngạc! Họ hỏi, vì sao vậy?
Tu ba loại nhân, nhất định cảm được ba loại quả báo
Kiến thức 09:00 15/11/2024Trước lúc thiên tai chưa xảy ra, nên cố gắng tu nhân, như vậy mới là hành động đúng đắn nhất. Nên giữ tâm cho tốt, làm việc tốt, nói lời hay, làm người tốt. Như vậy nhất định có quả báo tốt đẹp.
Chuyển đổi số phận
Kiến thức 08:30 15/11/2024Đại sư Vân Cốc bảo: Những người không có ý chí, không chịu sửa đổi, chẳng biết tu tâm, làm phúc, lại gây nhân xấu thì bị số mạng cột chặt không thể thoát ra. Nếu ông quyết chí, ta dạy ông phép cải đổi số mệnh, chuyển xấu thành tốt, hưởng phú quý muôn đời, nếu cầu giải thoát, sẽ thành tựu giác ngộ.
Xem thêm