Tông Tào Động ở Việt Nam và sơn môn Hồng Phúc Hòe Nhai
Tông Tào Động là một trong năm phái Thiền quan trọng tại Trung Quốc trong hệ thống Ngũ Gia Thất Tông; khởi từ Lục tổ Huệ Năng. Tông Tào Động được sáng lập khoảng cuối đời Đường.
I. Nguồn gốc Thiền phái Tào Động
Tổ đầu tiên của Thiền tông là ngài Ma Ha Ca Diếp – người được đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni truyền trao Tâm pháp và Y bát ở Ấn Độ.
Năm Canh Tý (520) ngài Bồ Đề Đạt Ma – Tổ thứ 28 Thiền tông Ấn Độ theo chỉ dạy của sư phụ Bát Nhã Đa La, đã vượt biển sang Trung Quốc. Sau 9 năm diện bích ở chùa Thiếu Lâm, núi Tung Sơn, tỉnh Hà Nam, môn phái quay mặt vào tường “Thiền định tĩnh lự, tiêu trừ tạp niệm, đốn ngộ thành Phật” của Ngài đã lôi cuốn được nhiều đệ tử và trở thành Thiền học, mà Bồ Đề Đạt Ma là Sơ tổ Thiền tông Trung Hoa.
Tào Động tông là một trong năm phái Thiền quan trọng tại Trung Quốc trong hệ thống Ngũ Gia Thất Tông; khởi từ Lục tổ Huệ Năng[2].
Tông Tào Động được sáng lập khoảng cuối đời Đường. Động Sơn Phổ Lợi Thiền tự là nơi khai sinh ra tông Tào Động – nơi thiền sư Động Sơn Lương Giới (năm 807 – 869) trụ trì và Viện Hà Ngọc do thiền sư Tào Sơn Bản Tịch (năm 840 – 901) sáng lập. Nhưng, pháp mạch của ngài Bản Tịch chỉ truyền được năm đời rồi dứt. Khoảng thế kỷ XI, Thiền phái Tào Động gần như bị thất truyền, vị tổ đời thứ 6 (ngài Thái Dương Cảnh Huyền) không có đệ tử thừa kế; Ngài đem giày cỏ, y bát, ấn tín của Tông phái nhờ sư Phù Sơn Pháp Viễn (nối pháp Lâm Tế tông) đại phó sau khi tìm được người thừa kế. Thiền sư Đầu Tử Nghĩa Thanh (1032- 1083) tham học ngài Pháp Viễn – đã được ngài Pháp Viễn truyền lại Tâm pháp của tông Tào Động – sư Đầu Tử Nghĩa Thanh trở thành người thừa kế chính thức, là vị Tổ thứ 7 của Tào Động ở Trung Quốc.
Gần ba thế kỷ thời Bắc Tống (năm 960 – 1127), tông Tào Động không phát triển như các tông phái khác. Thiền sư Phù Dung Đạo Khải (1043 – 1118) vị Tổ thứ 8 đã vực dậy tông Tào Động, xiển dương tông phái này phát triển.
Sau nhiều thăng trầm biến thiên của lịch sử, thiền phái Tào Động cũng có lúc hưng thịnh, cũng nhiều khi lặng lẽ. Thời nhà Minh, Thiền tông yếu dần, nhường chỗ cho Tịnh Độ tông, không ít vị thiền sư Tào Động Trung Quốc đã nỗ lực hoằng pháp, giữ gìn tông phái. Sau này, thiền sư Nhật Bản – ngài Đạo Nguyên Hi Huyền sang Trung Quốc học đạo, đắc pháp với thiền sư Thiên Đồng Như Tịnh. Sư đã nỗ lực hoằng dương xiển pháp khắp đất nước mặt trời mọc về tông phái này.
Thiền sư Thích Thanh Từ: Người phục hưng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
II. Ngài Thủy Nguyệt – Sơ Tổ Tào Động ở Việt Nam
Thế kỷ thứ XVII, sư Thủy Nguyệt (1636 – 1704) đã qua Trung Quốc tham thiền với thiền sư Phượng Hoàng Nhất Cú Tri Giáo tại Nhân Vương Hộ Quốc Thiền tự, thuộc núi Phụng Hoàng ở Hồ Châu. Thiền sư Nhất Cú Trí Giáo là Tổ đời thứ 35 của tông Tào Động tại Trung Quốc, là Tổ Thiền thứ 72 tính từ Tổ Sơ Thiền Ma Ha Ca Diếp. Ngài đã ấn chứng truyền đăng Tào Động Chính tông cho sư Thủy Nguyệt sau 6 năm khai ngộ tu hành. Xếp trong danh mục Tổ Sư Thiền, ngài Thủy Nguyệt là Tổ thứ 73, trong Pháp mạch Tào Động Trung Quốc ngài là Tổ thứ 36. Ngài được Thầy ấn chứng truyền pháp đem Tào Động tông truyền sang Việt Nam. Tích sử ghi rằng: “Một hôm, Hòa thượng Tổ sư gọi vào Phương trượng để xem ngài đã kiến tính chưa! Sư Thủy Nguyệt làm lễ, đọc bài kệ trình thầy, tạm dịch: “Viên Minh thường ở giữa hư không/ Bị đám mây mờ vọng bủa vây/ Nhờ được gió xua mây sạch hết/ Hằng sa pháp giới chiếu quang thông.” Nghe xong, Hòa thượng Tổ sư liền giơ tay điểm vào trong tóc của ngài Thủy Nguyệt 3 cái, ban cho hiệu là Thông Giác Đạo Nam Thiền Sư (hoặc tên gọi là Thiền sư Thủy Nguyệt Thông Giác Đạo Nam Quốc sư) và bài kệ gồm 28 chữ, cho đem về An Nam lấy đó làm “Động Tông Nam truyền” – là một phái phụ của tông Tào Động từ đó, bài kệ rằng:
Tịnh trí thông tông
Từ tính hải khoan
Giác Đạo sinh quang
Chính tâm mật hạnh
Nhân đức di lương
Tuệ đăng phá chiếu
Hoằng pháp vĩnh trường
Ngài Thủy Nguyệt Thông Giác Đạo Nam Quốc sư đã từng giáo hóa Thiền khắp đất Bắc và kiến lập tùng lâm ở Nhẫm Dương, Hạ Long… để độ chúng một thời hưng hiển thịnh hành. Môn đệ tôn xưng ngài là Sơ tổ Tào Động tại Việt Nam. Tổ sư trụ thế 68 năm. Khi ấy nhằm ngày 6 tháng Ba năm Giáp Thân (1704) niên hiệu Chính Hòa thứ 20 triều Hậu Lê. Hay tin ngài viên tịch, Vua Lê Hy Tông sai sứ giả Ngân Đang đem chức “Hòa thượng” về phong tặng Sơ Tổ Tào Động Việt Nam Thiền Sư Thủy Nguyệt – Nhục Nhân Bồ Tát. Chùa Nhẫm Dương (nay ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) là nơi phát tích, chốn Tổ của phái Tào Động Việt Nam.
Ngài Sơ Tổ đã truyền Y pháp cho thiền sư Chân Dung Tông Diễn – đệ tử xuất sắc của ngài – kế tục pháp mạch Tào Động tại miền Bắc Việt Nam.
III. Nhị Tổ Thiền Tào Động ở Việt Nam – ngài Tông Diễn thiền sư
Phái Tào Động ở phía Bắc Việt Nam do ngài Sơ Tổ Thủy Nguyệt Giác Thông, và ngài Nhị Tổ Chân Dung Tông Diễn (1638 – 1709) đã lưu lại ảnh hưởng hoằng pháp rất thịnh hành từ cuối thế kỷ XVII và trong thế kỷ XVIII.
Chuyện về ngài Chân Dung, trước khi gặp thiền sư Thủy Nguyệt vốn đã là một vị tăng nhiều năm tu học. Ông là người Đông Sơn, nghe ngài Thủy Nguyệt hành đạo ở gần, ông đến tham vấn đúng lúc Sơ Tổ đang nghỉ, Tổ nói: “Tôi đang nghỉ ngơi, chẳng biết lúc nào mới có tin tức”. Ngài Chân Dung trả lời: “Giờ Dần mặt trời mọc, giữa Ngọ trời đứng bóng”. Sơ Tổ ngạc nhiên vì câu trả lời giản dị, ngài hỏi: “Vậy thì gìn giữ ra sao?”. Ngài Chân Dung đọc bài kệ:
Đã có gì cũng có
Khi không gì cũng không
Khi có không nhào xuống
Mặt trời mọc đỏ hồng
Nghe bài kệ, Sơ Tổ nói: “Dòng Tào Động chủ trương Ngũ Vị Quân Thần, nhà ngươi đúng là người phải thừa kế môn phái này”. Sơ Tổ đã trao cho ngài Chân Dung bài kệ và đặt pháp danh là Tông Diễn, nội dung bài kệ tạm dịch: “Không có pháp nào sinh/ Không có pháp nào diệt/ Sen nở trên lưỡi người/ Chuyện tương truyền ta biết.”
Trong sách “Tào Động tông Nam truyền Tổ sư Ngữ lục”[3] phần viết về Tổ đệ nhị “là Hòa thượng Chân Dung, pháp húy Tông Diễn, Đại Tuệ Thiền sư, Vua Lê Dụ Tông tặng phong ngài là “Đại thừa Hóa thân Bồ Tát”. Theo điển tích, Tổ đệ nhị Tào Động ở Đàng Ngoài là người đã dụng tâm trí để thuyết phục Vua Lê Hy Tông bỏ lệnh: “Bất cứ nơi nào có tăng ni trụ trì, nhất loạt đều đuổi vào hết trong núi rừng”! Vua cảm được cái thần thế của Tổ Đệ nhị từ “Đạo Phật là viên ngọc minh châu của cả nước, há lại không sử dụng hay sao? Các vị tăng có thể khuyên răn mọi người làm điều thiện, vì sao lại bỏ xa? Chẳng bằng cho phép làm việc khai đạo giáo hóa cũng là phương tiện tốt bổ trợ cho sự cai trị”. Lành thay! Vua sáng, sư hiền đã được ghi lại trong lịch sử Đại Việt về một thời mà Vua Lê – Chúa Trịnh gắn bó với Nhị Tổ Tào Động cùng học và xiển dương đạo Phật, Vua đặc ban danh hiệu “Hòa thượng” và ngài được phép ngồi trước Vua trong Chính điện. Ngài Tông Diễn đã làm việc không ngơi nghỉ. Ngài cho khắc bản Kinh Hoa Nghiêm để ở chùa Báo Thiên, cho khắc bản Kinh Pháp Hoa tại chùa Khán Sơn. Thời ấy, có bà quốc nhũ quê ở Hòe Nhai thỉnh Quốc vương phát tâm đại hưng công, ban cho Thiền sư Tông Diễn trùng tu lại chùa Hồng Phúc ở phố Hòe Nhai. Ngài phụng mệnh sớm hoàn thành Hồng Phúc tự, còn dư tịnh tài lập chùa Cầu Đông; Rồi sau đó, ngài chỉ xin lưu giữ chùa Hồng Phúc – ngôi chùa trở thành địa chỉ của Tông Tào Động Việt Nam cho đến bây giờ.
Sau ba năm việc hiếu tròn đủ với Tôn sư Thủy Nguyệt, ngài Tông Diễn giao hai vị thiện hữu, một vị lo đèn thiền chùa Nhẫm Dương, một vị trụ trì chùa Hạ Long, còn ngài thường ở chùa Hồng Phúc lúc giảng giải nghĩa huyền, khi tuyên dương thần chú. Trong danh mục nhà Thiền, ngài là Tổ thứ 74 và tính Pháp mạch Tào Động Trung Quốc là Tổ thứ 37; Pháp mạch truyền thừa tại Việt Nam là Đệ nhị Tổ sư.
Rồi đến lúc, hiểu rõ thế sự vô thường, giác ngộ báo thân đã mãn, Đệ Nhị Tổ Tào Động Việt Nam Tông Diễn thiền sư dặn dò, truyền trao Y pháp cho đệ tử là Từ Sơn Hành Nhất. Ngài lặng lẽ viên tịch trên thiền sàng, hôm ấy là ngày 16 tháng Bảy năm Ất Sửu, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 5, triều Lê Dụ Tông (1709). Nhị Tổ sư Tào Động thọ thế 72 tuổi. Hoàng thượng nghe tin Đệ nhị Tổ sư viên tịch đã ở nhà xấu để tang ngài, Vua sai quan trong triều đem chiếu rồng đến ban thụy cho Tổ sư là “Đại thừa Bồ tát” và cùng quan trong triều lo y pháp trà tỳ.
Đặc tính tư tưởng của thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam
IV. Tông Tào Động trong sơn môn Hồng Phúc Hòe Nhai
Tam Tổ Tào Động Việt Nam – Thiền sư Từ Sơn Hành Nhất Tăng Thống (1681 – 1737) đã kế thừa Tông phái Tào Động ở đất Bắc không hổ danh là học trò của các vị Tổ sư. Chùa Hòe Nhai và một số ngôi chùa: Trấn Quốc, Hàm Long, Quảng Bá (Hà Nội) đã có một lịch sử thâm hậu hành thiền, học pháp theo tông phái này. Người đời sau vẫn thường nhắc về hai vị Tổ sư Thủy Nguyệt và Tông Diễn hoằng đạo phái Tào Động hưng vượng, thịnh hành ở Đàng Ngoài trong gần hai thế kỷ.
Chùa Hòe Nhai – Hồng Phúc tự, tọa lạc ở 19 phố Hàng Than, Ba Đình, Hà Nội, là chốn Tùng lâm lâu đời của đất Thăng Long; là một trong những chốn tổ của phái Tào Động, trong sử sách còn ghi về ngài Nhị Tổ Tông Diễn – còn gọi là Tổ Cua – sau khi cảm hóa được Vua Lê Hy Tông, giải cứu pháp nạn, ngài lui về Hồng Phúc tự để hoằng pháp. Tương truyền ngôi chùa cổ này có từ thời nhà Lý. Chùa là chốn đại tổ đình của Phật giáo miền Bắc, và của cả nước từ thế kỷ XVII. Kể từ đời Sơ Tổ Thủy Nguyệt đến nay, đã có 48 vị Tổ sư ở chùa Hòe Nhai, trong đó có nhiều vị Tổ được triều đình phong sắc. Hiện ở nhà Tổ của chùa còn trưng bày một đại sắc niên hiệu Cảnh Hưng thứ 11 (1750) do vua Lê Hiển Tông phong cho Sư Trần Văn Chức. Hòe Nhai (Hồng Phúc tự) là ngôi chùa có 5 vị Tăng thống, Pháp chủ xuất thân, trụ trì – là điều hiếm có ở các chùa Việt Nam. Đó là các vị: Tăng Thống Tịnh Giác Từ Sơn Hành Nhất Thiền Sư; Tăng Thống Hải Điện Mật Đa Thiền Sư; Tăng Thống Khoan Dực Phổ Chiếu Thiền Sư; Thiền gia Pháp chủ Thích Thanh Hanh Đại lão Hòa thượng (1840 – 1936), ngài xuất gia từ năm 10 tuổi với sư tổ họ Nguyễn ở đây; Pháp chủ Thích Đức Nhuận Đại lão Hòa thượng (1897 – 1993), ngài trụ trì chùa Hòe Nhai giai đoạn 1980 – 1993.
Chùa Hòe Nhai hiện được tu bổ khang trang, không chỉ là nơi hoằng pháp, nơi tu tập của đông đảo phật tử Hà Nội; mà còn là điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương, khách du lịch trong và ngoài nước. Tỳ kheo Thích Tâm Hoan hiện trụ trì ngôi chùa nhiều dấu ấn lịch sử này. Chùa Hòe Nhai đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1989.
Chùa Hòe Nhai: Nơi có bức tượng Phật ngồi lưng vua độc nhất tại Việt Nam
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận: Chương 23: Thiền phái Tào Động tới Việt Nam – Nxb Văn học, 1994.
2. Nguyễn Đại Đồng, Chùa Quán Sứ, Nxb Tôn giáo, 2011.
3. Tào Động Tông Nam truyền Tổ Sư ngữ lục – Nxb Hồng Đức, 2015.
4. Thiền Uyển Kế Đăng Lục – Nxb Hồng Đức, 2015.
Chú thích:
[1] Trụ trì chùa Linh Quang, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
[2] Huệ Năng: sinh năm 638 mất năm 713. Thường gọi là dòng thiền Tào Khê, 5 chi phái thiền xuất phát từ Tào Khê gồm: tông Lâm Tế, tông Tào Động, tông Quy Ngưỡng, tông Vân Môn và tông Pháp Nhãn. Chỉ có tong Lâm Tế và tong Tào Động truyền sang Việt Nam.
[3] Tào Động tông Nam truyền Tổ sư Ngữ lục do Tăng thống Đạo Nguyên Thích Khoan Dực biên soạn, Tào Động môn nhân Đức Nguyên Thích Tiến Đạt dịch, Nhà xuất bản Hồng Đức, ấn hành năm 2015.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần
Nghiên cứu 14:00 30/11/2024Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.
Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước
Nghiên cứu 08:45 25/11/2024Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Xem thêm