Trách nhiệm của người Phật tử tại gia
Lý nhân duyên đã cho ta thấy trong vũ trụ không có một vật nào đơn độc tự sống. Ðã có sống tức liên hệ nhau, giữa mình và mọi người, mình và vạn vật. Bởi sự liên hệ ấy, người Phật tử không thể tự tu riêng mình, buộc phải cảm hóa những người chung quanh mình cùng tu.
Cảm hóa gia đình
Những người gần gũi nhất với Phật tử tại gia là cha mẹ, anh em, vợ con. Tuy mỗi người có quyền tôn thờ một lý tưởng riêng, nhưng trong gia đình mà lý tưởng khác nhau là cái cớ khiến tình thương lợt lạt. Phật tử cố gắng cảm hóa gia đình không phải là độc tài, cái gì mình theo bắt trong gia đình phải theo, mà vì muốn đem lại tình thương và hạnh phúc cho gia đình. Cha mẹ là bậc bề trên, kẻ làm con thương cha mẹ không gì hơn khuyên cha mẹ hướng về đạo đức. Nếu cha mẹ đã Quy Y Tam Bảo, người con phải tạo những trợ duyên tốt cho cha mẹ tiến lên trong việc đạo đức. Nếu cha mẹ chưa biết Phật pháp, người con cố gắng khuyên giải và tự mình thể hiện những cái đẹp Phật giáo để cha mẹ trông thấy cái hay mà trở về đạo pháp.
Tình cốt nhục muốn được sâu đậm thiết tha là anh em phải chung thờ một lý tưởng. Nếu anh, em chưa biết Phật giáo người Phật tử nên hướng dẫn đến với đạo. Nhưng trước tự bản thân mình phải theo, sống thực theo các hạnh từ bi, nhẫn nhục... để anh em nhìn vào ta thấy được cái gì cao đẹp. Những nét đẹp nơi ta sẽ chuyển hóa tâm hồn huynh đệ ta hướng về Phật giáo.
Ðối với vợ hoặc chồng, người Phật tử sẽ áp dụng Phật giáo cư xử trong gia đình khiến vợ hoặc chồng cảm thấy Phật giáo đem đến cho gia đình một ân huệ quý báu. Không nên bắt buộc vợ hoặc chồng theo Phật giáo mà phải tự mình làm cao đẹp Phật giáo để bạn mình cùng chuyển hướng theo.
Con cháu trong nhà, người Phật tử phải khéo huấn luyện dạy dỗ chúng những gương hay hạnh tốt trong Phật giáo khiến chúng thấm nhuần Phật giáo từ thuở bé. Nhất là Pháp Lục Hòa, hằng giảng dạy chúng ăn ở cư xử với nhau thành nếp hòa thuận, tin yêu, không nên hững hờ cho chúng còn bé không cần biết đạo đức, đến khi chúng khôn lớn chưa từng biết gì về đạo Phật nghe ai nói gì hay theo, chừng ấy kẻ làm cha mẹ hối hận đã muộn.
Hương vị đạo đức cá nhân thấm dần vào gia đình đến khi toàn cả gia đình đều bát ngát mùi hoa Ưu Ðàm, đó là Phật tử tại gia đã thành công một nhiệm vụ gần.
Phật tử tại gia nên trì Kinh nào để có được hiệu quả tốt nhất?
Cảm hóa láng giềng
Hương vị đạo đức của từng gia đình các Phật tử sẽ nhiễm lây sang hàng xóm. Trong xã hội tương quan này, cái gì hay dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng đến những người chung quanh, cái gì dở cũng thế. Cho nên Phật tử lấy đạo đức thực tự bản thân, gia dình cảm hóa người lân cận là điều căn bản chân chính. Chúng ta không cần kheo khoang Phật giáo hữu ích, cao siêu... chỉ cần các Phật tử biết sống thực theo Phật giáo. Phàm làm việc gì người ta mong kết quả lợi ích, theo Phật giáo cũng thế. Phật tử tại gia muốn cảm hóa những gia đình bên cạnh mình hướng về Phật giáo, trước phải đem Phật giáo làm lợi ích thiết thực trong gia đình mình thì sự cảm hóa mới có hiệu quả. Ngược lại, nếu người mà nhìn vào gia đình của Phật tử dẫy đầy một màu thù hận, buồn khổ thì khó mong kết quả. Dù Phật tử ấy học thuộc lòng năm mười quyển Kinh, tài hùng biện tuyệt diệu đi nữa cũng không thể hướng dẫn người chung quanh mình đến đạo được. Muốn lợi tha quyết định trước phải tự lợi.
Cư xử với bạn đạo
Chúng ta muốn cảm hóa người chưa biết đạo trở về với Phật giáo, nếu trong tình đạo hữu cùng nhau mà cư xử bất nhã, hoặc giận hờn thù nghịch nhau thì người ngoài làm sao dám bước chân vào đạo. Cho nên, người Phật tử biết thương đạo, thương quý thầy, là bạn đạo phải cư xử với nhau rất hòa mục, thương yêu nhau như con một nhà. Tuy rằng bạn đạo không phải tình cốt nhục, nhưng cùng thờ một lý tưởng, cùng tôn Ðức Thích Ca là Từ Phụ thì đâu khác tình cốt nhục. Những điều chia rẽ buồn phiền nhau là làm nhục cho đạo, làm đau khổ cho quý Thầy, người Phật tử chân chánh không nên có. Ðã là phàm phu như nhau, làm gì tránh khỏi những ưu điểm và khuyết điểm. Anh em một cha chưa hẳn tánh tình giống nhau, huống chi bạn đạo là con nhiều nhà mà có thể giống hệt nhau được. Biết như vậy, khi gần nhau chúng ta nên thấy những điểm tốt của bạn nhiều hơn và sẵn sàng tha thứ những điều dở của bạn. Huynh đệ hạp ý nhau được phần nào tốt phần ấy, đừng tham lam muốn bạn mình giống hệt mình. Chung lo việc đạo phải đặt lý tưởng lên trên hết, những tự ái cỏn con gắng dẹp qua một bên. Biết thương yêu nhau, đùm bọc nhau là Phật tử làm đẹp cho Phật giáo khiến những người ngoài thèm muốn đến với đạo. Phật sự quan trọng là Phật tử phải sống hòa thuận vui vẻ với nhau.
Tham gia việc từ thiện
Phật tử biết tu theo hạnh Từ Bi của Phật đối với những kẻ sẵn sàng thương xót. Phật tử tùy khả năng cứu giúp những người chung quanh mình khi họ gặp những hoàn cảnh khổ đau. Cứu trợ người là hành động đẹp khiến người ta cảm mến trở về với Phật giáo. Ngoài ra, Phật tử tùy sức sẵn sàng góp công vào những việc từ thiện xã hội. Lòng từ bi bao giờ cũng vui vẻ chia cơm sớt áo cho người đói rách cùng khó. Có người tụng kinh rất sành, niệm Phật rất nhiều, nhưng gặp người nguy khổ đến nhờ cứu giúp thì gương mặt lạnh lùng như sắt đá. Chúng ta không phải tu với Phật và chỉ nhớ cảnh cực lạc ở phương tây, mà phải tu với chúng sanh, nhớ cảnh đau khổ của chúng sanh ra tay cứu giúp. Gặp người đau khổ, chúng ta nên đặt mình trong hoàn cảnh của họ để cùng thông cảm nỗi khổ đau với họ. Sự giúp đỡ nhiều ít không quan trọng, quan trọng ở chỗ thông cảm nỗi khổ của họ hay không. Tuy giúp của ít mà thông cảm nỗi khổ đau của họ, còn hơn là giúp nhiều mà lạnh lạt vô tình. Bố thí là phương tiện đầu hướng dẫn người về với Phật giáo.
Ðối với Tam Bảo
Người Phật tử đã làm bổn phận trong gia đình, ngoài xã hội, còn có trách nhiệm gần gũi liên lạc với ngôi Tam Bảo.
1. Tránh hai thái độ cực đoan
Sự liên lạc giữa Phật tử với Tam Bảo là lẽ dĩ nhiên không thể thiếu được. Nhưng tới lui lo lắng phải có chừng mực, giới hạn không nên đi quá trớn.
Có một ít Phật tử tại gia thuần tín đối với Tam Bảo: Hoặc là chồng thì ỷ quyền chồng trọn ngày chạy lo Phật sự, bỏ phế việc làm ăn nhà cửa, chẳng thiết đến vợ con để vợ con sống cơ cực nheo nhóc. Ðó là cái cớ khiến vợ con phiền trách chán nản đạo đức, đôi khi khởi ác ý đối với Tam Bảo là khác. Hoặc là vợ ỷ tay cầm chìa khóa xuất phát cúng kiếng bất chấp chồng con, nhiều khi quên cả sự đủ thiếu no đói trong gia đình, có bao nhiêu đều đóng góp vào chùa cả đến khi chồng con hay được đâm ra oán trách Tăng, Ni lánh xa Phật giáo. Thế là mất cả lòng tin tưởng trong gia đình, sống trong cảnh ngờ vực nhau. Tuy nhiên, cúng chùa lo Phật sự là có phước, nhưng phước chỉ riêng mình để vợ hoặc chồng con hủy báng Tam Bảo, lánh xa Phật giáo, phước nhỏ ấy đâu đủ bù tội lớn kia. Hơn nữa, người láng giềng nhìn vào gia đình đạo Phật mà buồn tẻ, cắng đắng như vậy, cón ai dám theo Phật giáo. Thế là, vô tình Phật tử xúi dục người xa lánh Ðạo Phật.
Ngược lại, có một ít người tin Phật mà bất chấp chùa chiền, không cần biết đến Tăng, Ni, chỉ ở nhà tụng kinh niệm Phật cho thế là đủ. Ðành rằng tu là tự sửa đổi tâm tánh, hành động của mình cho tốt đẹp, đi chùa không phải là làm cho mình tốt. Nhưng, ly khai chùa chiền, Tăng, Ni nhờ ai chỉ dạy phương pháp sửa đổi tâm tánh? Lại nữa, người Phật tử tại gia mà không liên lạc với chùa chiền, Tăng Ni thì không phải là Phật tử. Vì trong kinh Phật đã dạy, cư sĩ là người gần gũi phụng sự Tam Bảo. Tam Bảo là chỗ y cứ cho mọi người hướng về Phật giáo, nếu ta tách rời chùa chiền, Tăng, Ni tức nhiên liên lạc truyền bá Phật giáo bị cắt đứt. Hệ thống truyền bá không còn, nhất định Phật giáo sẽ đi đến tiêu diệt. Như vậy, chúng ta tin Phật mà trở lại làm tiêu diệt Phật giáo.
Tóm lại hai hạng người trên: Một bên tín ngưỡng nồng nhiệt chỉ biết chùa mà không biết đến gia đình; một bên chỉ biết gia đình, không cần biết đến chùa, hai thái độ đều mang đến Phật giáo sự hoại diệt. Phật tử chân chánh dè dặt đừng dẫm dấu hai hạng người này.
2. Tránh quan niệm danh tướng
Cúng chùa, làm Phật sự ta nên gạt bỏ danh, tướng ra ngoài. Nếu người còn ôm ấp danh tướng trong lòng ra lo việc đạo, khi bị khai thác trúng chỗ thì làm việc quay cuồng, cúng dường bất kể, rủi gặp việc bất mãn thì không thèm bước chân đến chùa có khi phỉ báng Tam Bảo là khác.
Công đức cúng dường Tam Bảo thênh thang vô lượng không nên hạn cuộc nó trên tấm bảng nhỏ hẹp, trong những lời khen dễ dàng. Phật tử làm việc đạo là vì bảo vệ Tam Bảo thường còn ở thế gian, vì truyền bá đạo pháp lợi ích chúng sanh không phải vì danh vì tướng. Cúng Chùa, lo đạo là do lòng chân thành mộ đạo phát tâm của Phật tử, đừng vì những lời tán thưởng, vì cho người khác biết mình có đạo tâm. Ðẹp đẽ thay! những người thầm lặng lo việc đạo. Bỉ ổi nhất, những kẻ ôm cái ngã to tướng đội lốt hy sinh Phật sự. Thật là Phật tử lo đạo thường thường mà thật tâm vì đạo, còn hơn những người cả ngày chạy lo Phật sự mà vì danh tướng của mình. Có khi người ta bỏ được danh lợi ở đời, mà bị kẹt cái danh trong đạo, thật đáng thương!
3. Tư cách Phật tử chơn chánh đối với Tam Bảo
Tư cách đúng đắn của Phật tử, khi ra làm việc đạo không nghĩ đến cái ngã của mình không bao giờ thấy mình là người có công lớn. Không vì tiếng khen mà cố gắng, không do lời chê mà thối lui. Vui vẻ phấn khời làm Phật sự chỉ vì Tam Bảo mà thôi. Khi lo việc đạo do sự đồng ý vui vẻ trong gia đình, không qua mặt khuất lấp người trong nhà, lúc nào cũng giữ thái độ đường đường chánh chánh, kính trọng Tam Bảo là điều kiện cho mọi người quy y hướng về Tam Bảo, không phải làm sang trọng Tam Bảo mà mọi người đều xa lánh khinh thường sự thịnh suy còn mất của ngôi Tam Bảo, người Phật tử chân chánh thấy vui khổ như sự thành bại trong gia đình mình. Người biết quý kính Tam Bảo là phải thương chúng sanh, vì chúng sanh là nhân duyên chánh Tam bảo xuất hiện. Chỉ biết Tam Bảo mà không biết chúng sanh là một sai lầm lớn của Phật tử, Phật tử cố gắng khêu sáng ngọn đèn Tam Bảo để chúng sanh thấy mà hướng về.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm