“Trẻ em xứng đáng được đảm bảo quyền học tập và vui chơi an toàn thay vì lăn lộn mưu sinh”
Tôi đã cố gạt bỏ lý trí để mong mỏi khoảnh khắc Hạo Nam được đưa ra từ cọc bêtông, xây xẩm toàn thân, thất thần, nhưng vẫn còn thở.
Dẫu vậy, mọi hy vọng tắt ngúm khi nhà chức trách, cuối cùng đã công bố nhận định của họ rằng khả năng cháu bé còn sống là bằng không, mọi nỗ lực còn lại là để đưa cháu về lo tang sự.
Đến nước này, một đồng nghiệp nữ vẫn nghẹn giọng chia sẻ với tôi: "Giá như bây giờ đột nhiên thằng bé chui ra từ một ngóc ngách nào đó khác, chứ làm sao nó lại sa chân vào cái hố đó được anh?". Nhưng camera công trường, tôi xem đi xem lại, không chừa ra hy vọng nào như thế cả. Cậu bé 10 tuổi, nặng chỉ hơn 20 kg đã lọt vào cọc bêtông rỗng ruột, đường kính 25 cm, đóng sâu xuống đất 35 m.
Xui rủi khó ngờ đã xảy đến, phơi bày mọi sự tắc trách thường thấy trên các công trường xây dựng, thách thức mọi nỗ lực cứu hộ vốn sơ sài, chậm trễ và lúng túng ở Việt Nam. Sau khi hoàn tất cứu hộ, nhà chức trách sẽ còn nhiều việc phải làm để tìm hiểu lại nguyên nhân, xác định trách nhiệm các bên liên quan, thực hiện các công việc nhân đạo nhằm an ủi hương linh Hạo Nam. Và theo tôi, điều quan trọng nhất là tìm giải pháp để hạn chế những hiểm hoạ đang rình rập trẻ em.
10 ngày trước tai nạn của Hạo Nam, tại Đồng Nai, một bé gái 5 tuổi rơi xuống hố ép cọc bêtông sâu khoảng 15m tại một công trường ở gần nhà, may mắn được cứu sống sau 20 phút mắc kẹt. Ở huyện Tây Sơn, Bình Định từng xảy ra sự việc hai cháu bé 4 và 5 tuổi tử vong khi rơi xuống hố nước sâu 1,1m được đào để đặt cống nước thoát công trình. Cách đây không lâu, một bé khác ở Hải Dương cũng tử vong khi rơi xuống hố sâu chứa nước tại công trường.
Đó chỉ là một số trường hợp trong hàng trăm nghìn vụ tai nạn hàng năm đang xảy ra ở Việt Nam. Tỷ lệ tai nạn thương tích ở trẻ lớn đến mức báo động. Thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế cho biết, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ em Việt Nam bị tai nạn thương tích. Trong đó, số trẻ tử vong là 6.600, chiếm 35,5% trong tổng số trẻ tử vong do tất cả nguyên nhân. Bình quân, mỗi ngày có 18 trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích.
Phía sau nỗi đau của bé Hạo Nam và gia đình, còn nhiều số phận đáng thương của những trẻ em khác. Không chỉ ở Đồng Tháp, nhìn rộng ra các tỉnh miền Tây Nam Bộ, không khó để nhìn thấy rất nhiều trẻ em trong độ tuổi ăn học phải lăn lóc ra đời mưu sinh với đủ mọi nghề, từ phục vụ quán ăn, việc nhà, nhiều nhất là trẻ em bán vé số, nhặt phế liệu như Hạo Nam.
Hạo Nam trượt chân lọt vào cọc bêtông, khi đang cùng ba bạn nữa vào dự án xây cầu Rọc Sen ở xã Phú Lợi, cách nhà gần một km, nhặt phế liệu. Vốn đã luôn ám ảnh về những đứa trẻ vất vưởng miền Tây bươn chải mưu sinh, tôi thấy nhói đau khi nghe mẹ em chia sẻ: Nam cần 60 nghìn đồng để học võ, nhưng cha mẹ không có. Cháu đi nhặt nhạnh phế liệu bán lấy tiền, đã gom được 21 nghìn... Con đường đi học của Nam xa và sâu hút.
Ngoài nguyên nhân trực tiếp, bề nổi, dễ thấy, rằng tai nạn trẻ em xảy ra có nguyên nhân bất cẩn, không tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn của những người có trách nhiệm, tôi cho rằng, cần nhìn vào một nguyên nhân sâu xa khác: cái nghèo.
Tây Nam Bộ, nơi có vùng quê Đồng Tháp của Hạo Nam, là rốn nghèo của cả nước, với chỉ 11,4% số lao động từ 15 tuổi trở lên qua đào tạo, đang làm việc trong nền kinh tế. Tỷ lệ học sinh bỏ học ở ba cấp của vùng này cao gần ba lần cả nước. Kinh tế khó khăn, chi phí học hành lớn là nguyên nhân chính khiến học sinh bỏ học. Miền Tây lại thiếu trầm trọng việc làm tại chỗ, người trẻ tuổi bị "đẩy" ra khỏi vùng, lên TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Không ít cặp vợ chồng phải chấp nhận để con cái ở lại quê nhà, không học hành, vất vưởng kiếm ăn hoặc lang thang chơi trên những bờ sông, con rạch... Tôi đã nhìn thấy rất nhiều đứa trẻ như thế, hồn nhiên lớn lên trong sự run rủi của số phận.
Bị cái nghèo đẩy vào hiểm hoạ không phải là tình trạng riêng của Việt Nam mà có thể bắt gặp ở những nước thu nhập trung bình hoặc thấp. Ấn Độ từng chấn động vì hàng loạt vụ tử vong của những đứa trẻ bị rơi vào các giếng khoan bỏ hoang, hố ga hoặc các cọc bêtông công trình được che đậy sơ sài. Nhà chức trách đã phải gấp rút ban hành hàng loạt văn bản siết chặt quy định an toàn khi sử dụng giếng khoan. Trong khi đó báo chí nước này đồng loạt cảnh báo về việc đảm bảo quyền và nâng cao chất lượng sống cho trẻ, hạn chế tình trạng lang thang kiếm ăn hoặc vui chơi trên những khu vực không đủ an toàn.
Ở Việt Nam, công trường là nơi vô cùng thu hút những đứa trẻ nghèo ở các khu vực nông thôn, hẻo lánh. Đó là một thế giới lạ lẫm với bọn trẻ, đầy những thứ tò mò để vui chơi, thậm chí, đầy những thứ còn nhặt nhạnh được để bán, so với những cánh đồng đã xác xơ, cạn kiệt.
Những câu cảm thán "giá như" của người lớn, sẽ luôn là quá chậm với sinh mệnh những đứa trẻ nghèo.
Cái chết của Hạo Nam thức tỉnh cả xã hội một điều cốt lõi: Trẻ em xứng đáng được đảm bảo quyền học tập chính đáng và vui chơi an toàn thay vì lăn lộn mưu sinh.
Niệm Phật để giúp bé trai rơi xuống ống cọc bê tông được siêu sinh Tịnh độ
* Trần Hữu Hiệp - Tiến sĩ Kinh tế, Thạc sĩ Luật học.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm