Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 06/07/2021, 15:11 PM

‘Trời là ta ở tột cùng nhân bản’ - Sức chứa giá trị của một tập sách

Trời là ta ở tột cùng nhân bản gồm 16 truyện ngắn viết về cùng một đề tài trẻ tự kỷ, trẻ trầm cảm - đây là một đề tài còn khá mới mẻ với văn học Việt Nam mà Kiều Bích Hậu có lẽ là một trong số ít tác giả đầu tiên khai phá.

Đọc Trời là ta ở tột cùng nhân bản, tôi mới vỡ nhẽ ra rằng, chứng bệnh tự kỷ không chỉ biểu hiện một kiểu “đơ đơ, ngô ngố” như bấy lâu nay tôi quan niệm mà diễn ra ở rất nhiều trạng thái. Kiều Bích Hậu đã dành thời gian thâm nhập khá sâu vào thế giới của trẻ em tự kỷ, trầm cảm. Chị đến từng gia đình, bệnh viện, trường học để tìm hiểu, bám sát từng trẻ em tự kỷ, trầm cảm, rồi bằng một bút pháp khá vững, chị đã tạo nên những truyện ngắn gọn gàng, xinh xắn nhưng lại chuyển tải nội dung có sức nặng về cuộc sống con người và giá trị nhân văn.

Tập truyện ngắn ‘Trời là ta ở tột cùng nhân bản’ của Kiều Bích Hậu (NXB Hội Nhà văn, 2021)

Tập truyện ngắn ‘Trời là ta ở tột cùng nhân bản’ của Kiều Bích Hậu (NXB Hội Nhà văn, 2021)

Có một truyện ngắn được đặt tên hơi dễ dãi: Vượt qua, cái tên lộ ý tưởng như tên một bài báo, nhưng khi tôi đọc lại thấy nội dung không đơn giản một chút nào. Một gia đình nọ, chồng tên Tần, vợ tên Vân, cả hai đều là cán bộ công nhân viên chức nhà nước. Sau khi sinh đứa con thứ nhất là gái, tên Linh, thì họ sinh tiếp đứa thứ hai là con trai, tên Võ, khiến không chỉ hai vợ chồng lấy làm viên mãn mà cả họ tộc hai bên đều mừng rỡ, hân hoan. Nhưng Võ càng lớn càng có những biểu hiện khác thường. Bữa ăn hàng ngày nó chỉ thích một món thịt. Mới ba tuổi mà mỗi ngày nó xơi hàng ki-lô-gam thịt. Nếu phần thịt dành cho nó ăn không đủ, nó ăn tranh sang phần của bố, của mẹ, của chị. Nếu ai ngăn lại là nó đánh. Nó vớ bất cứ vật gì phang vào đầu người cản nó. Khi đứa chị tên Linh bị thằng Võ đánh, rồi lại chứng kiến Võ đánh cả bố mẹ, cô bé vốn dịu dàng cũng phải thốt lên: “… Em ác như con quỷ ấy. Con không muốn có em đâu! Mẹ mang em cho nhà người khác đi. Con ghét nó!”. Người bị Võ đánh nhiều nhất là Vân. Lo sợ Võ nổi cơm thèm thịt sinh ra phá phách, Vân đã phải xin nghỉ việc ở công sở về nhà trông coi chăm sóc, nhưng “càng gần con, chị càng chịu trận ác liệt nhất. Mặt chị luôn tím bầm vì bị con đấm, tát. Cánh tay chi chi chít vết răng cắn của con…”. Đã có lúc Vân nghĩ tiêu cực: phải chăng kiếp trước chị nợ con quá nhiều nên bây giờ gánh nghiệp chướng? Vân càng bi quan hơn khi đang đêm bác sĩ nhắn tin thông báo: thằng Võ con trai chị bị chứng tự kỷ! “Đó là thứ bệnh quái quỷ chung thân, hiện chưa có giải pháp nào thực sự hữu hiệu để chữa lành”. Bác sĩ nói thế.

Đau đớn hơn cả là Tần. Vì cần tiền để chữa bệnh cho con, anh xin chuyển công tác từ Quảng Ninh về Hà Nội để được hưởng bậc lương cao hơn. Vậy rồi một ngày, Vân nhận được một cú điện thoại từ chính cái máy điện thoại của Tần: “Chồng chị bị xe container cán trên đường quốc lộ 5, đoạn phố Nối, chị đến ngay, tôi chỉ là người đi đường, lấy điện thoại của anh để báo thôi!”.

Chồng mất, lại sợ con gái sẽ bị Võ đánh, Vân phải gửi Linh sang cho bà nội nuôi. Bây giờ chỉ còn một mình Vân đối diện với con. Rồi chính Vân cũng mang nỗi canh cánh sợ con đánh. Cuối cùng nghe theo lời khuyên của bạn bè, Vân đã mang Võ đến một trung tâm giáo dục đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ. Khi ở nhà nó đánh chị đòn nào cũng đau choáng váng “… vậy mà kỳ lạ thay, khi con đi, chị lại nhớ con cuồng dại…”. Đó chính là tấn bi kịch, nỗi thống khổ cùng tận của một người mẹ. Nhưng Vân đã không gục ngã, bởi nhờ những người thầy ở ngôi trường đặc biệt ấy và bằng những cố gắng không biết mệt mỏi của bản thân, mấy tháng sau Vân đến trường thăm con, thằng Võ đã sấn đến ôm lấy chị, và lần đầu tiên nó cất lên tiếng nói của con người, dù còn ngọng nghịu: “Mẹ Vơn!”.

Cuốn sách 'Trời là ta ở tột cùng nhân bản' của nhà văn Kiều Bích Hậu.

Cuốn sách "Trời là ta ở tột cùng nhân bản" của nhà văn Kiều Bích Hậu.

Trong truyện ngắn Bí mật của chồng, nhân vật chính cũng là một bé trai, tên Cam, bị bệnh tự kỷ, nhưng bệnh của Cam lại biểu hiện khác Võ: muốn đòi hỏi ở người khác điều gì đó hoặc khi xúc động trước một hiện tượng nào đó, Cam thường tự đập đầu vào tường, vào thành bàn, tay ghế hoặc đập vỡ tất cả những gì nó nhìn thấy. Cam thích nghe tiếng đổ vỡ như người bình thường thích nghe âm nhạc, nhất là tiếng đổ vỡ của thủy tinh. Ban đêm Cam không bao giờ ngủ mà chỉ la hét. Nhà trường cũng ngại nhận nó. Còn mẹ nó, khi sinh nó ra cũng âu yếm yêu thương nó như bao bà mẹ có tình mẫu tử khác, nhưng khi nhận ra Cam với thói manh động dữ dằn khác thường thì chị ta đã lặng lẽ bỏ bố con nó mà biến mất tăm. Người cha của Cam, tên Hiến, lấy người vợ thứ hai, tên Huyền, vì quá lo sợ người phụ nữ này sẽ đối xử với Cam tệ bạc như mẹ đẻ nó nên trước khi đính hôn Hiến ra một điều kiện: Huyền không được động chạm đến Bí mật của chồng. Huyền chấp thuận. Những ngày đầu họ sống với nhau rất hạnh phúc. Nhưng rồi Huyền phát hiện ra cứ ngày nghỉ cuối tuần Hiến lại vắng nhà mà không rõ lý do. Huyền căn vặn Hiến thì anh nói, đấy chính là điều bí mật của anh, Huyền không có quyền được biết như đã cam kết. Nhưng đã là vợ Hiến, Huyền đâu chịu sống trong những mối hoài nghi triền miên để rồi đau khổ quá sức chịu đựng! Huyền đã có cách để cuối cùng Hiến phải công khai điều bí mật ấy. Hiến đưa Huyền đến thăm ngôi trường dành cho trẻ tự kỷ ở ngoại thành Hà Nội mà cuối tuần anh thường đến đây thăm nuôi Cam. Quá bất ngờ trước sự thật này, Huyền bị sốc, rồi chuyển sang tâm lý đau khổ giằng xé và cuối cùng là sự thấu hiểu và cảm thông. Sở dĩ Cam không bị ngôi trường này từ chối bởi ở đây có những người thầy giáo có tình thương vô bờ bến, có phương pháp giáo dục trẻ tự kỷ như thầy Tâm, cô Trang - người mà Cam gọi bằng tiếng “Mẹ” rất thân thương.

Xin dẫn ra hai truyện ngắn như thế để thấy, cho dù là những truyện mang cùng một đề tài nhưng qua ngòi bút Kiều Bích Hậu, nó không sơ lược, đơn giản. Trong một tập truyện ngắn, nếu của một nhà văn có nghề khi sáng tác nhà văn ấy sẽ có ý thức viết mỗi truyện mang một chủ đề, một kiểu kết cấu, một dạng nhân vật, thậm chí một giọng văn... khác nhau, như thế người đọc mới không bị nhàm chán, nhưng tôi đọc cả tập Trời là ta ở tột cùng nhân bản lại thấy không nhàm chán chút nào bởi mỗi truyện tác giả lại có một “câu chuyện” mà không có sự lặp lại đáng tiếc nào. Kiều Bích Hậu thực hiện tập truyện này không chỉ bằng tình thương yêu trẻ em khuyết tật mà còn bằng ý thức xã hội và trách nhiệm rất cao với ngòi bút của mình. Câu văn của Kiều Bích Hậu thường không rườm rà, gọn gàng mà có sức hàm chứa, không thể đọc lướt. Có thể nói tập truyện này là một thành công mới của tác giả.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?

Tư liệu 15:36 02/11/2024

Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?

Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng

Tư liệu 15:06 02/11/2024

Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.

Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm

Tư liệu 08:10 01/11/2024

Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.

Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa

Tư liệu 13:20 29/10/2024

Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.

Xem thêm