Trồng một nụ cười: Cùng trẻ thực hành chánh niệm
Quá trình trưởng thành của một đứa thực sự là một chuyến phiêu lưu dài. Và chắc chắn bạn không bao giờ biết hết được điều gì đang chờ đợi mình phía trước, có những vấp ngã, cám dỗ trẻ sẽ phải trải qua.
Khi trẻ đã thực hành chánh niệm thì ý thức được những gì đang diễn ra mỗi phút giây hiện tại, hoàn toàn tập trung vào đó trong tầm kiểm soát. Nó báo trước sự trưởng thành rực rỡ đến không ngờ của con bạn, như mùa xuân chợt đến không một lời báo trước.
Chánh niệm cho phép chúng ta nhận diện những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại. Thực tập chánh niệm không đòi hỏi chúng ta phải đi tới một nơi nào đặc biệt. Chúng ta có thể thực tập chánh niệm trong phòng hoặc trên đường đi từ nơi này tới nơi khác. Chúng ta có thể làm những việc mà mình vẫn thường làm – đi bộ, ngồi chơi, làm việc, ăn uống, nói chuyện, chỉ khác ở chỗ là chúng ta làm những việc đó với ý thức trọn vẹn về những gì mình đang làm.
Chánh niệm là một loại năng lượng
Chánh niệm là một loại năng lượng mà chúng ta có thể tự chế tác cho bản thân. Ai trong chúng ta cũng đều có khả năng thở vào, thở ra trong chánh niệm. Ai cũng có khả năng bước đi trong chánh niệm. Sống chánh niệm là điều mà ai cũng có thể làm được, cho nên điều này không có gì quá xa lạ với chúng ta. Trong chúng ta đã có sẵn hạt giống chánh niệm.
Nếu chúng ta biết thực tập, hạt giống chánh niệm ấy sẽ lớn lên và mỗi khi cần đến, năng lượng chánh niệm sẽ có mặt ở đó cho chúng ta. Thực tập chánh niệm sẽ làm cho chất lượng học tập được gia tăng và đồng thời nâng cao phẩm chất cuộc sống của chúng ta. Chánh niệm giúp chúng ta chăm sóc những nỗi khổ, niềm đau trong ta, mang lại bình an, hiểu biết và thương yêu. Chánh niệm còn giúp chúng ta tái lập truyền thông và đưa tới khả năng hòa giải, nhờ đó chúng ta có thể tìm lại được niềm vui sống.
Và chính trẻ em cũng có nhu yếu tâm linh. Các em hoàn toàn có khả năng học hỏi và lớn lên trong đời sống tâm linh ấy. Khi sự thực tập tâm linh được truyền đạt một cách đơn giản và dễ hiểu, các em sẽ nếm được niềm vui và cảm nhận được lợi ích của nó, từ đó tưới tẩm những hạt giống đẹp và lành trong trẻ lớn lên từng ngày.
Lợi ích của việc thực hành chánh niệm cùng trẻ em
Thực tập chánh niệm giúp các em biết chú tâm, qua đó nâng cao kỹ năng học tập lẫn kỹ năng cảm xúc – xã hội của các em. Chánh niệm giúp giảm căng thẳng một cách hiệu quả và thúc đẩy “chức năng điều hành” của não bộ, tức khả năng tổ chức công việc, quản lý thời gian, đặt ra ưu tiên và đưa ra quyết định.
Trẻ em – kể cả các em bị chẩn đoán là mắc các chứng rối loạn liên quan đến căng thẳng – có thể hưởng lợi từ việc học cách tập trung chú ý, trở nên bớt tăng động và phát triển tình thương với chính mình cũng như với người khác.
Chúng ta cho các em không gian để nhận biết những cảm xúc của mình và chấp nhận những cảm xúc đó như nó đang là. Chương trình sinh hoạt dành cho thiếu nhi được tổ chức tại các trung tâm thực tập chánh niệm của Làng Mai mang các em đến gần nhau hơn, tạo một cảm giác gắn kết và thân thiết hơn. Đó là nơi mà các em có thể cảm nhận được bầu không khí vui tươi và đầy tình thương. Mục đích của chương trình sinh hoạt dành cho thiếu nhi là chăm sóc, chia sẻ và giúp các em gắn kết với nhau dựa trên chánh niệm, trí tuệ và tình thương.
Hiểu và thương
“Con xin hứa mở rộng lòng thương và tìm cách bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài, cỏ cây, cầm thú và đất đá.
Con xin hứa mở rộng tầm hiểu biết để có thể thương yêu và chung sống với mọi người, mọi loài, cỏ cây, cầm thú và đất đá.”
– Hai lời hứa Để thương, bạn cần phải hiểu, bởi vì tình thương được làm nên bởi sự hiểu biết. Nếu bạn không hiểu một ai đó, bạn không thể thương được. Thiền tập là nhìn sâu để hiểu những nhu yếu, những niềm đau, nỗi khổ của người kia. Khi bạn cảm thấy mình được hiểu, bạn cũng sẽ thấy tình thương thấm vào trong bạn. Đó là một cảm giác rất tuyệt vời. Tất cả chúng ta ai cũng cần được hiểu, được thương
Có thể tất cả chúng ta đều mang trong mình những vết thương, những niềm đau mà ta đã tiếp nhận từ hồi còn ấu thơ. Vì vậy, con đường trị liệu những vết thương này sẽ giúp chúng ta dễ dàng tiếp xúc, hiểu và thương được những đứa trẻ xung quanh ta. Nếu chúng ta không chuyển hóa được những vết thương đó thì chúng ta sẽ tiếp tục trao truyền cho con em của mình hoặc học trò của mình. Khi đó, khổ đau của chúng ta sẽ trở thành khổ đau của các em. Đó là lý do vì sao sự thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày lại quan trọng đến vậy. Sự thực tập chánh niệm không những giúp cho chúng ta có được sự bền bỉ, không bị kiệt sức, mà còn đồng thời giúp chúng ta chuyển hóa trong chiều sâu tâm thức. Nếu như ta trao truyền sự thực tập này cho một người trẻ thì có khả năng ta cứu vớt được cuộc đời của họ.
Hiểu và thương là hai điều quan trọng nhất mà Bụt đã dạy. Nếu ta không cố gắng để mở lòng, để hiểu sự khổ đau của người khác, ta sẽ không thể thương và sống hòa thuận cùng nhau được. Chúng ta cũng nên cố gắng hiểu và bảo vệ sự sống của các loài động vật, cỏ cây và đất đá để chung sống thuận hòa với chúng. Nếu ta không hiểu thì ta không thể thương được. Bụt dạy ta đem đôi mắt hiểu thương để nhìn tất cả mọi loài. Và điều quan trọng là ta nên học cách để thực hành lời dạy ấy.
Mong rằng cuốn sách Trồng một nụ cười sẽ giúp bạn tưới tẩm và nuôi lớn hạt giống chánh niệm trong khu vườn tâm của mình cũng như của những đứa trẻ mà bạn nuôi dưỡng. Chúc bạn cùng gia đình, trường học và cộng đồng của mình gặt hái được nhiều hoa trái của bình an, hiểu biết và thương yêu.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cuốn sách sáng tỏ những đóng góp của Phật giáo với dân tộc
Sách Phật giáo 17:16 18/12/2024Cuốn sách “Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay” do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, đã khái quát vai trò của Phật giáo thời Lý, đồng thời khẳng định những giá trị của Phật giáo.
Tu không phải để thành tiên, thành Phật
Sách Phật giáo 09:31 12/12/2024Sách “Con đường chuyển hóa” tập trung vào cách để mọi người tu tâm và tu trí - hai mục đích cốt lõi của người tu theo đạo Phật.
Thiền như một Phật tử
Sách Phật giáo 10:07 11/12/2024Vì sao những doanh nhân, người nổi tiếng gần đây lựa chọn thiền? Họ không nhất thiết là tín đồ Phật giáo, thiền vẫn tuôn chảy vào cuộc sống, giúp họ quét sạch tâm trí và cân bằng cảm xúc.
Thượng toạ Thích Đức Thiện đồng chủ biên sách về Phật giáo
Sách Phật giáo 09:31 08/12/2024Sách "Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay" do Thượng toạ Thích Đức Thiện và thạc sĩ Nguyễn Thái Bình đồng chủ biên, góp phần đánh giá những đóng góp của Phật giáo với sự phát triển dân tộc từ thời nhà Lý.
Xem thêm