Truyện ngắn: Rác nở hoa
Náng nhìn thằng nhỏ đen nhẻm đang cười hi hi. Người phụ nữ trạc tuổi Náng, hẳn là mẹ nó, đang lui cui xếp mớ ve chai lên chiếc xe ba gác. Cu cậu vừa phụ mẹ, vừa rao ai ve chai bán hôn.
Đến khi chất giọng lảnh lót của hai mẹ con bị những dãy nhà nuốt gọn, Náng vẫn ngồi đó. Lừ thừ. Hai má con nhọc quá! - thì nếu hôm qua, Náng sẽ nói trong bụng vậy. Có hồi còn xăng xái chạy ra sau nhà coi có thau mủ gì để cho người ta. Điều ấy đã không xảy ra, đầu óc Náng coi bộ đang lang thang đẩu đâu, chưa thấy về.
- Cha kêu Hai kìa!
Tiếng thằng Út làm tim cô đánh thót. Giờ đã non tám giờ sáng, hàng đã được lấp đầy thùng. Sửa soạn vài ba chai nước nữa là rồ máy lên Võ Văn Kiệt bỏ hàng. Hàng ở đây thường là bánh xốp, bánh quế do các xưởng ở xóm chế biến, trong tuần thì có một cữ chở quạt lá nhà làm. Cha là người chở chúng lên các chành khu vực Chợ Lớn, bằng chiếc tải Hyundai một tấn hai. Và thường, chuyện phụ ba dỡ hàng, ký sổ… Náng gánh. Chuyện lơ xe từ ngày thôi học, Náng nhận. Mọi ngày, Náng dậy rất sớm để kéo hàng lên xe. Hôm nay, Náng không làm.
Có mối liên kết nào đó đã đứt đoạn. Không ai nói ra nhưng cả hai phía đều cảm nhận được. Có phải tại đài Sài Gòn nói đêm không mưa ngày nắng nóng, có nơi ba sáu độ? Hay do bức tượng Bổn Sư trong phòng Náng bị người ta quẳng vô sọt rác? Hoặc bởi món xôi đậu sáng nay làm cô chột bụng? Náng không chắc. Nhưng muốn đi chùa quá, đó là điều chắc chắn.
Ý muốn ấy càng cào bao tử khi cả ngày hai cha con thưa thớt lời qua tiếng lại. Tiếng chửi thề ù é từ cha có vẻ gắt hơn khi kẹt xe, và khi chủ chành khó dễ, bắt ghi tên chủ hàng vô từng thùng bánh một. Cảm tưởng người đàn ông ấy đang ôm trong bụng cục lửa mà không chịu vứt ra. Đứa con gái câm lặng, bụng nó cũng đang âm ỉ. Lúc hàng ở Chợ Lớn chất lên gần xong, nó vội đi kiếm chỗ bán nước suối lạnh.
"Rác cũng là hoa. Hoa cũng là rác" - sư phụ dạy vậy. Có lần, sư cô phân tích nghịch cảnh, sở dĩ nghịch là nghịch với cái ý của mình thôi, nếu mình tỉnh thì không khổ vì nó. Và chuyển nó thành một cơ hội tốt.
Nhưng phải đến sau này, khi ngẫm lại, Náng mới thấy thiệt-thấm-thía. Dường như cái nóng thiên đỉnh đã làm những lời dạy bốc hơi. Không khí cay cay, dù đội nón, đầu vẫn hầm hập. Mùi nước tiểu và rác rến xộc lên, bắt nghẹt mũi. Náng vớ được bóng cây ban gần đó. Tựa lưng vào thở phì phì. Dù đã chườm chai nước đá lên trán cũng chẳng dịu xuống bao nhiêu. Hình như bóng cây cũng đang cháy, phải không?
Náng bỗng nhớ nhánh tùng bách tự tay cô trồng sát thất của sư phụ, nơi có những tán xoài, những cội bồ-đề, sa-la chắc khỏe chở che. Ngày đất Phật ôm lấy những cái rễ nhỏ xíu, Náng đã gửi vào đó chút kỳ vọng.
Những vạt áo vàng màu đất mẹ và nụ cười tối giản hòa vào dòng người trang nghiêm trong không gian khoáng đạt lễ tắm Phật, với ánh nhìn nhiều phần trọng vọng của những kẻ áo lam. Cô thấy mình ở đó, với cái đầu tròn trịa xinh xẻo, đều nhịp gióng chuông đại hồng.
Từ hồi bé, không hiểu sao Náng đã khoái tiếng chuông chùa. Những buổi chiều đạp xe đi ngang chùa trong lòng thị trấn, Náng thường đứng lại và hít thở. Thanh âm như gió thốc vào hang động, không thanh như chuông nhà thờ, không mập như trống khai giảng, nó trầm hùng và chắc khỏe.
Náng cũng khoái hình ảnh các cô Ni chân trần lặng lẽ ôm bát vào chợ, hoặc trôi dọc theo con đường cái đầy bụi thị trấn, gợi cho Náng sự thân thuộc. Nếu nói mỗi cuộc đời là mỗi vai diễn, Náng cảm được mình từng vào vai này, không chỉ một lần, từ hồi xưa, xưa, xưa lắm. Ý niệm này đôi lần như gió mùa xuân, Náng khoan khoái, nhưng có khi cô thấy nó bất khả thi vô cùng. Vì gia đình. Vì khoảng cách giữa mơ mộng và thực tế.
Còn lúc này, lần đầu trần lao ép chị đứng ở ngã ba.
Tối đó, bàn thờ trống trơn. Ba-lô thì đầy. Lòng đã vẽ một cuộc ra đi.
Mặt trời đã nhô cao quá nóc chánh điện. Trong tri khách đường, mấy sư cô đang lau dọn bàn ghế. Ở bếp, mọi người đang tất bật. Náng đi ngang trai đường, đứng từ chỗ này có thể thấy thất của sư phụ. Có thể thấy cây tùng bách đang căng mình đón nắng. Những giai điệu nhẹ nhàng này làm lòng Náng mềm mại trở lại, một chút.
Cô Huệ cười thiệt ngọt đón Náng, khều cô vào. Ngày này mọi tuần sư phụ hay đi giảng ở thiền thất ngoài Bà Rịa. Hôm nay đủ duyên Náng mới gặp sư cô ở thiền thất. Bày ít bánh dừa, cô nói bánh này Phật tử ngoài Bến Tre cúng. Mấy người ở đó thấy mấy sư cô ở xa tới… cưng dữ lắm, cô tếu táo kể lại.
- Giá mà con lúc nào cũng vui vẻ như thầy - Náng nói.
Ngày còn cắp sách đến trường, đám bạn ít qua lại với Náng. Tụi nó kêu Náng chảnh, mặt lúc nào cũng chù ụ. Cô cũng biết mình dễ cáu gắt, muốn nhịn mà không được. Từ hồi mẹ về đất, Náng đã thiêu thiếu cái gì đó. Rất bình thường, mà cũng rất quan trọng. Chắc là cái gã cán mẹ, lúc tranh thủ vọt, đã cắp nó đi, để cô và xác mẹ nằm lại, ngơ ngác. Náng kể chi tiết ấy với bác sĩ, ông nói cô mắc bệnh thời đại, uống thuốc này thuốc này, chịu khó vận động, rồi sẽ hết. Nhưng cóc có hết. Ông thầy châm cứu khuyên cô nên vô chùa học thiền, tìm một người xuất gia để làm tri kỷ.
Người tri kỷ ấy đang rất gần Náng. Nhưng sao cuống họng Náng vẫn chua đắng. Trong ánh mắt hơi ngạc nhiên của cô Huệ, Náng mở ba-lô. Lúc bức tượng nằm trong tay sư phụ, Náng không kềm nổi. Uất ức mấy ngày trời cứ theo từ ngữ mà ọe ra, lấp đầy ngôi thất nhỏ. Náng quả quyết mình muốn kiếm chỗ nào yên tĩnh. Ở trong nhà không ai tin Phật. Cứ ngồi thiền là phải lén lút vô phòng khóa cửa, để cha thấy, cha sẽ nói mầy làm trò pháp sư gì vậy, giọng rất mỉa mai.
Cô Huệ lắng nghe từng chút một. Hồi xưa, cô rất thích Bồ-tát Quán Âm, muốn sau này được như Ngài nên xuất gia theo Hòa thượng. Sư cô có người đệ tử, bây giờ là thủ bổn chùa ngoài Long Thành, tâm sự lúc trước cổ chưa từng nghĩ chuyện đi tu, nhưng từ ngày vào đại học rồi đi làm, cổ nhiều lần đặt câu hỏi: Không lẽ cuộc đời người con gái chỉ quanh quẩn việc học, đi làm, lấy chồng, sinh con… Cổ tự vấn mình gần như liên tục. Cuối cùng, cổ vô chùa, nói muốn đi tu để trả lời cho vướng bận trong tâm. Cô hỏi Náng thử ngẫm lại xem động cơ thiệt sự của mình. Tại nếu buồn đời mà đi tu, sẽ không bền.
Náng giậm mạnh chân xuống đất:
- Nhưng sao con ghét quá. Cha con tuần nào cũng đi lễ đọc kinh mà làm ba cái chuyện không coi được!
Đứa học trò gần như khóc. Sư cô đưa tay xoa xoa đầu nó. Như thoa dầu vào vết bầm trước khi nắn bóp. Thương quá! Con nhỏ như cái gương, nhìn vào thấy lại thuở mình mới vào cửa chùa, cũng dễ cáu giận. Rơi lên rớt xuống. Vì sự bất như ý nó quá nhiều.
Bản thân sư cô cũng không nhớ mình đã đằm lại từ lúc nào. Thử nghiệm. Thất bại. Nỗ lực. Vượt qua. Một chuỗi liên tục, bền bỉ. Con bé, nó đang cần mình! Cô từ tốn nói với Náng:
- Có lần sang chùa Tăng, thấy có đám con nít leo lên mấy cây xoài phá… chơi, bị mấy ông thầy rượt bán sống bán chết. Có đứa bị túm lại nhéo tai la bai bải. Riêng cô, cô nhủ trong bụng, hồi xưa mình cũng vậy thôi. Quậy có khi còn hơn tụi nhỏ. Nghĩ vậy, cô thông cảm. Mình thông cảm với người ta thì đâu hận thù gì nữa. Mình lo sửa mình trước. Tự dưng tình người sẽ nảy nở. Người này thấy rác là rác, quẳng đi. Mấy anh môi trường thấy rác lại khoái, đem chế biến lại xài. Đồng là một sự việc mà hai cách nhìn khác nhau. Náng thấy cách nào hay hơn?
Đâu dễ ăn, phải không sư phụ? Náng có vẻ dè dặt. Nhưng thật lạ, mắt Náng đã bớt bỏng rát. Náng nghe được tiếng kẻng cơm, tiếng tụi chim gọi nhau chíu chít. Náng thấy được nhịp thở của mình.
- Cô cũng không mong Náng đùng cái làm được liền đâu.
Bình minh chưa gõ cửa. Tiếng mưa bước đi nhè nhẹ. Những trái ban chín già thi thoảng hạ cánh nghe cộp cộp. Trong phòng Náng chỉ có ánh đèn sân le lói rọi vào. Náng giật mình mở mắt. Có ai đó. Bóng dáng người đàn ông gầy guộc, vẻ bươn chải, đang vói tay tỉ mẩn lau bức tượng Bổn Sư mà Náng đặt trên tủ kính. Tay lau, tay xịt một thứ gì đó thơm nồng mùi quế, trầm.
Náng lặng lẽ quan sát. Cố mở mắt te hé, không động đậy, để ông tưởng cô vẫn đang ngái ngủ. Ai quen quá. Náng nhận ra ngay. Đúng là người đó. Người đã từng làm Náng phiền khổ. Người Náng thương hết mực, sau nhiều quá trình tìm lại sự cảm thông.
Cha khẽ bước xuống cầu thang. Chầm chậm, chầm chậm. Ngoài kia, chú gà đầu tiên đã tỉnh giấc. Nó bắt đầu chấm phá vào bức tranh trầm lạnh.
Khoảnh khắc ấy, Náng chắp tay xá Bụt.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kiếp người, nếu không chịu tu tập sẽ không còn kịp nữa
Tư liệu 19:45 30/11/2024Tôi nghĩ mình nhờ có chút thiện căn, những kiếp trước cúng dường Tam Bảo, xuất gia tu hành tinh tấn, nỗ lực hoằng pháp độ sinh, nên đời nay phước duyên đó khiến tôi sớm được gặp Phật pháp tu hành.
Phát huy vai trò của Ni giới trong xã hội
Tư liệu 09:26 30/11/2024Phật giáo cho rằng đạo đức là nền móng vững chắc Nhất để xây dựng tôn giáo của mình. Đức phật là người đầu tiên trong lịch sử khởi xướng phong trào bình đẳng nam nữ trong xã hội. Với quan điểm Này thì đức phật là Người đặt những những hòn đá tảng đầu tiên để xây dựng nên lâu đài bình đẳng giới.
Long vương và tiếng chuông chùa tiêu trừ ác tâm
Tư liệu 13:15 28/11/2024Trên đỉnh núi Hy Mã có một cái ao lớn, trong ao có rất nhiều rồng trú ngụ, chúng thường hay làm mưa nổi gió nhổ bật cây cối, gây nguy hại cho nhân dân ở dưới núi. Bởi vậy, dân chúng ở dưới núi than khổ dậy trời, phần lo dọn dẹp, phần thì chết chóc. Một vùng hoang tàn thê lương.
Kinh Bách dụ giảng giải: Để xác trong nhà
Tư liệu 16:15 27/11/2024Người ngu có bẩy người con, chết mất một, người ngu định để xác con trong nhà, rồi dọn đi nơi khác. Có người khuyên, sao không đem xác chết đi chôn, mà lại để trong nhà, rồi phải dọn đi nơi khác ở.
Xem thêm