Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 28/06/2024, 17:10 PM

Truyện ngắn: "Mẹ tụi nó không bằng!"

“Không. Dứt khoát là không. Mấy đứa con của tôi không cần chữ nghĩa mà vẫn sống khoẻ mạnh, khôn lanh chẳng thua kém con nhà ai trong xóm này!”

Giọng bực tức, điệu bộ bất cần của Hương như thau nước lạnh buốt tạt vào mặt Quyên. Nén lòng, Quyên cố giữ điềm tỉnh để nói hết ý hết lòng mình cho người hàng xóm hiểu:

“Mù chữ thì không thể khôn lanh với ai được chị ạ. Bây giờ còn nhỏ thì thấy không cần, sau này khi các cháu lớn lên mới thật sự thấy cái lợi ích to tát vô cùng của sự học.”

Xua tay, lắc đầu, Hương cười mỉa mai:

“Khỏi, khỏi. Con tôi chỉ cần biết cộng trừ, đủ để tính toán tiền nong là tốt quá rồi. Chị đừng thuyết phục cho mỏi miệng. Nhưng dù sao… tôi cũng cảm ơn lòng tốt của chị khi đã quan tâm đến mấy đứa con tôi, cảm ơn…”

Cô giáo Quyên vẫn kiên nhẫn:

“Chị nghĩ lại đi, tôi tự nguyện dạy kèm cho các cháu, không lấy một xu học phí, sách vở bút mực tôi cũng sẽ cung cấp cho các cháu mà.”

Hương cười khẩy nhìn trời nói trổng trổng:

“Chuyện đó mà ai biết được?”

Mím chặt đôi môi, Quyên cố kềm nén cơn tức giận, đôi bàn tay rung lên nhè nhẹ, rồi thở dài ngao ngán:

“Thôi vậy, nhưng nếu chị nghĩ lại, cứ gọi tôi một tiếng, các cháu sẽ được học ngay.”

“Chắc là tôi không có thì giờ để nghĩ đi nghĩ lại về chuyện học hành vớ vẩn này đâu. Chị đừng có hi vọng gì nữa. Chào chị!” Hương chua chát.

Hai tiếng “chào chị” của Hương dường như đồng nghĩa với “cút đi”, khiến cho Quyên thấy xót xa. Cô giáo vội bước nhanh đi như bị ma đuổi, đến khúc quanh đầu hẻm thì đứng lại lấy tay áo chùi nước mắt …

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

***

“Tại sao em lại từ chối lòng tốt, thiện chí của người ta?”

Hương buông từng tiếng chắc nịch:

“Chưa chắc là lòng tốt. Chưa chắc là thiện chí.”

Hoàng trợn mắt nhìn vợ như nhìn một quái nhân dị vật, anh đứng bật dậy khỏi chiếc ghế, bực tức:

“Sao lại chưa chắc?”

“Không phải tự dưng mà tốt như vậy. Cô ta chắc phải có mưu đồ gì đó.”

“Sao em lại nghĩ vậy?”

“Vì … vì cô ta là người yêu cũ của anh.”

Hoàng sửng sờ. Hương buông một tiếng cười khô khốc, lườm đôi mắt sắc ngọt nhìn chồng:

“Cô ta vẫn còn yêu anh. Vì còn yêu nên mới quan tâm đến mấy đứa nhỏ con nhà mình. Từ ngày vợ chồng mình về đây sống, chui rúc trong cái xó xỉnh đất từ đường dòng họ nhà anh, dường như cô ta mừng, sướng bụng lắm, vì được nhìn thấy người yêu năm xưa, được trò chuyện với người bạn tình hàng xóm thuở hai người mới lớn…”

“Im đi. Đừng có ngồi mà tưởng tượng, đem bụng mình đoán bụng người khác.”

“Anh sợ nghe sự thật à? Em biết cô ta là loại người chung thuỷ, trong tim chỉ có một tình yêu duy nhất dành cho anh, chính vì vậy mới ở giá bao năm qua.”

“Đừng xúc phạm người khác. Cô im không?”

 “Cô ta đang từng bước lấy lòng vợ chồng mình, anh biết không? Cứ cho quà mấy đứa nhỏ, nay còn định làm cô giáo cho mấy đứa nhóc với cái cớ xoá mù.”

Hoàng đập bàn cái rằm, gằn giọng:

“Đừng có chọc cho tôi nổi sùng lên. Yêu, yêu, yêu cái con khỉ mốc gì? Từ ngày cưới cô làm vợ, về ở rể sáu năm trời, nay lại về thành phố tìm kế mưu sinh, hỏi thử tôi còn cái gì mà yêu với thương?”

“Anh vẫn còn là anh. Có mất cái thân xác đâu?”

“Còn à? Còn một thằng tay trắng chai sần. Còn một thằng đầu bù tóc rối quần quật suốt ngày đêm ở chợ. Còn một thằng cha vô trách nhiệm với con cái, không đủ sức lực lẫn tài trí để lo toan cho con cái được ăn học đàng hoàng như con cái hàng xóm. Còn một thằng đàn ông bất tài vô dụng, chỉ biết cắm đầu cắm cổ kiếm từng đồng mà chắc bóp tiện tặn để lo cơm áo cho vợ con, quên lo cái thân mình…”

“Thôi, anh đừng có kể công, đừng có than thở trách móc.” 

“Có con khùng con điên mới còn yêu, còn tưởng nhớ đến cái thằng mạt máu này. Quyên không phải là thứ khùng điên, mà là một thiền sinh nghiêm túc bao năm theo đạo tràng tu thiền ở chùa của thầy Thông Kiến, thiền tự Viên Quang, Chuyện này tôi nói đi nói lại hoài mà cô không nhớ. Cô đứng có ghen tuông mù quáng!”

“Không yêu thương thì mắc mớ gì phải xin dạy không công cho mấy đứa nhỏ nhà mình? Mấy đứa con nhà mình cứ quấn quít, mở miệng ra là cô Quyên, cô Quyên, làm như mẹ tụi nó không bằng.”

“Sao cô không nghĩ ra một điều: cô ta đang làm thay cho cô, cho tôi, những gì mà cô và tôi đã không làm được cho con cái. Mình phải xấu hổ, phải cảm ơn cô ta chứ!”

Cuộc tranh cãi giữa hai vợ chồng vẫn tiếp tục diễn, chưa có hồi kết thúc. Những ngày sau đó, không thấy cô giáo Quyên qua lại nhà vợ chồng Hoàng-Hương nữa …

***

Như mọi ngày, cứ đến chạng vạng, bốn chị em Linh, Liễu, Long, Lân gặp nhau ở công viên thiếu nhi gần biển, tính toán tiền nong, rồi cùng nhau đem vé số bán không hết đến Công ty Xổ số Kiến thiết gần đó giao trả. Xong, chúng hớn hở đem tiền chạy ra chợ nộp hết cho mẹ. Hai đứa lớn ở lại phụ giúp mẹ bán hàng, mua thức ăn cho bữa cơm tối. Hai đứa nhỏ lật đật về nhà nấu cơm, quét dọn nhà cửa. Buổi chều hôm nay cả bốn đứa cùng nôn nóng, bồn chồn mong đến tối, nên mọi việc từ trong nhà ngoài chợ đều được chúng vui vẻ hăng hái làm xong nhanh chóng. 

Đúng 6 giờ 30 chiều, khi cả bốn đứa con đã về nhà lo tắm rửa, Hoàng đẩy chiếc ba-gác về đến hàng của vợ, phụ giúp vợ dọn hàng với nét mặt khác lạ. Nhìn chồng với áo quần lấm lem nhơ nhớp, tóc tai rũ rượi, nhưng miệng cứ luôn huýt sáo âm điệu quen thuộc của bài hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, Hương không khỏi ngạc nhiên, tò mò hỏi:

“Dường như chiều nay có chuyện gì lạ thường mà em để ý thấy anh, với mấy đứa nhỏ, vui tươi hẳn lên vậy?”

Hoàng làm bộ ngớ ngẩn:

“Đâu có gì? Kiếm được tiền nhiều hơn hôm qua, thì vui vẻ chút vậy mà.”

Hương vẫn ngờ vực, nhưng không hỏi nữa. Hai vợ chồng chất hàng lên xe, cùng đẩy về nhà. Bốn đứa con từ trong nhà chạy ra, săng sái phụ giúp cha mẹ dọn hàng vào. 

“Có chuyện gì mà mấy đứa bây ăn mặc đẹp, sạch sẽ như ngày Tết vậy?” Hương hỏi các con.

Liễu cười tủm tỉm, huých tay vào hông Long. Long ấp úng:

“Dạ… hôm nay là ngày… là ngày…”

Hoàng khoá chiếc xe ba-gác bằng sợi dây xích to, bước lại lớn tiếng át đi tiếng của con trai lớn:

“Ngày gì thì vào trong nhà rồi biết.”

Vợ chồng con cái kéo nhau vào trong nhà. Giữa nhà, trên chiếc bàn con cũ kỹ đã được trải tấm nhựa hoa hoè sặc sỡ, đang có một chiếc bánh kem hai tầng nằm giữa những ly chén muỗng đũa, và mấy chiếc phong bì trắng. Hương trố mắt kinh ngạc, nhìn những thứ lạ lẫm trên bàn, rồi nhìn chồng, nhìn từng đứa con với một nỗi sung sướng râm ran… 

Rưng rưng nước mắt, Hương ngắm nhìn chiếc bánh kem trắng điểm những đoá hoa hồng chạy quanh hàng chữ “Kính mừng sinh nhật lần thứ 35 của mẹ, ngày 29 tháng 5”. 

Như đang đi vào chiêm bao, những ngón tay đầy cảm xúc của người mẹ ban mặt con run nhẹ lên để rút từng tấm thiệp đầy hoa ra khỏi phong bì. 

“Mừng sinh nhật của mẹ, kính chúc mẹ được dồi dào sức khoẻ!”, dòng chữ nắn nót bằng bút mực tím của đứa con gái đầu tên Linh. 

“Kính chúc mẹ được trẻ mãi không già”, dòng chữ run rẩy vụng về của đứa con trai tên Long.

Và đây, thật là như trong mơ khi con nhỏ Liễu đề thơ trên thiệp: “Ba mươi lăm cái mùa xuân, mẹ như dòng nước từ nguồn chảy ra!”, làm cho Hương phải phì cười trong nước mắt. 

Thằng út Lân thật phi thường với mấy chữ to rõ: “Con hun mẹ một tỉ cái, mẹ đừng đánh con đau nghen mẹ!”. 

Hương nuốt nghẹn, nhìn các con, rồi dang rộng hai cánh tay ra đón đợi, cả bốn chị em lập tức sà vào lòng mẹ. Hương xoa đầu từng đứa con, nước mắt lăn dài. Đã lâu lắm rôi, kể từ ngày sinh thêm thằng nhỏ Long, hôm nay người mẹ tảo tần vất vả này mới có lại được một tiệc sinh nhật. Hương nhìn chồng. Hoàng đang ngồi lặng thinh bên bàn, mắt đỏ hoe. Hương hỏi các con:

“Ai viết thiệp chúc mừng giùm các con vậy?”

“Con tự viết. Con biết viết, con biết đọc rồi mà.” Cả bốn chị em đồng thanh

Hương chùi nước mắt, hỏi:

“Ai dạy các con học? Các con học hồi nào?”

“Cô giáo Quyên dạy cho tụi con vào mỗi trưa và tối, tụi con giả bộ xin mẹ đi chơi, rồi kéo đến nhà cô học. Học được năm tháng rưỡi rồi mẹ ạ.” Nhỏ Linh mau miệng.

Người mẹ bàng hoàng ngẩn ngơ, đưa mắt nhìn về một nơi mơ hồ xa xăm. Hoàng cười nữa miệng lên tiếng:

“Còn tiệc sinh nhật là do anh bày vẽ ra đó. Có trách la thì trách la anh đây, đừng trách la tụi nó.”

Hương âu yếm nhìn chồng, cười rạng rỡ nói:

“Không. Em vô cùng sung sướng, vô cùng cảm ơn anh và các con, đã cho em những giờ phút tuyệt vời nhất đời!”

Rồi Hương bước lại bên cạnh bàn, nhìn ngắm từng thứ, xúc động nói:

“Tiệc vui này thiếu vắng một người. Các con ơi, mẹ đang muốn có mặt một thượng khách chung vui với nhà mình… Các con hãy đi mời cô Quyên sang đây, cô không đi cũng kéo cho cô đi, nói rằng ba mẹ đang chờ chỉ mình cô thôi!”

Bốn chị em dường như chỉ chờ được nghe bấy nhiêu, lập tức chạy ùa ra ngoài vui tươi như đàn chim ríu rít. Hương nhìn theo, rồi nhìn chồng, lắc đầu nói:

“Mẹ tụi nó không bằng!”

Hoàng tươi tắn, bật chiếc quẹt gaz. Ngọn lửa xanh rờn châm sáng ba ngọn đèn cầy lớn màu hồng, cùng năm ngọn đèn cầy nhỏ màu xanh là cây. Chiếc bánh sinh nhật sáng lên. 

Ánh sáng dường như toả khắp bên trong căn nhà tồi tàn ẩm thấp của gia đình nghèo khổ, sưởi ấm từng ngóc ngách, và sưởi ấm lòng nguội lạnh của con người. Ánh sáng của tình thương rộng lớn, của trí tuệ quang minh, soi vào vùng tối tăm mê muội.

Mừng sinh nhật vui vẻ!

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tuổi nào cho em

Góc nhìn Phật tử 13:43 22/11/2024

Tôi vác ba lô trên lưng trở về sau chuyến hành trình nơi đất khách, trong hành trang tôi mang vài thứ từ quê xa làm quà cho anh em. Vừa bước vào cổng chùa nghe hơi lạnh… thoáng mùi chia ly.

Đạo Phật là lối sống đẹp để hướng đến việc hoàn thiện bản thân

Góc nhìn Phật tử 10:24 22/11/2024

Trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Đạo Phật xuất hiện như một ánh sáng soi đường, giúp con người thấu hiểu chính mình và hoàn thiện bản thân.

Để Sư nấu

Góc nhìn Phật tử 10:06 22/11/2024

Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.

Nói xấu người

Góc nhìn Phật tử 09:51 22/11/2024

Đã nhiều lần tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ nói xấu người khác, thế nhưng đâu cũng lại vào đó, cứ hễ tụm năm tụm ba là không nói chuyện của người này cũng nói người khác, hoặc khi ai đó nói về chuyện của người khác dù không nói ra nhưng vẫn có những ý nghĩ xấu, không tốt về họ.

Xem thêm