Truyện ngắn: Má khóc
Đêm nào bà Y cũng bán vé số về rất khuya. Những bước chân xiêu vẹo của tuổi chín mươi tưởng như chực ngã bất cứ lúc nào trên đường đi. Bà Y mặc kệ lời can ngăn của con cháu về việc bán vé số.
Bà vẫn ngày ngày theo đuổi mục đích cuối đời của mình. Bà ăn uống qua loa, chi tiêu rất tiết kiệm. Chìu theo ý má, cuối cùng chị Hàn cũng lãnh một trăm tờ kiến thiết mỗi ngày để cho má bán dạo quanh phường Bình Trưng.
Lúc đầu chị Hàn còn kêu con trai chạy xe đi tìm bà ngoại về ăn trưa, chiều. Người nhà thấy bà Y lúc thì ăn cơm trắng ở quán cơm tấm đầu hẻm, khi thì ăn ổ bánh mì đã khô quắt nhăn nhúm, cố nhai trệu trạo. Con gái chị Hàn có lần nói: “Bữa trước bạn học con thấy bà ngoại đi bán vé số ngay quán ăn nhà bạn ấy. Con ngại quá”. Con trai lại nói tiếp: “Tuần rồi, xong việc cơ quan, chiều mấy anh em rủ nhau làm vài chai bia. Đang nhậu ngon lành trong quán thì bà ngoại chìa xấp vé số ra mời, mà mời nhằm ngay con mới chết chứ”. Không ít lần những người quen ghé tiệm tạp hóa của chị Hàn kề tai chia sẻ chuyện bà già đi bán vé số. Có lần chị Hàn nghe được câu chuyện mà mẹ từng kể với người ta ở chợ là mẹ nhịn ăn hai ngày cũng có sao đâu, nhưng nhịn bán vé số một buổi là người cứ như bị run, bị cúm. Chị Hàn đem những điều khó chịu, bực dọc ấy ra cằn nhằn bà Y. Còn bà Y thì cứ coi như chưa từng nghe những lời bực tức ấy.
Chị Hàn thường hay kiểm tra vé số và tiền giùm cho bà Y. Có lần, chị Hàn la toáng lên: “Lần nào cũng mất vé số với tiền hai, ba trăm. Bữa nay thì mất tới sáu trăm, mất luôn vốn. Mắt mũi lèm nhèm không biết buôn bán sao nữa. Chắc bà bị mấy thằng ăn nhậu nó lường gạt rồi hay bị ai móc túi hả? Trời ơi! Bán buôn kiểu này thì thà ở nhà sướng hơn. Bà ở nhà đi, mỗi ngày con cho bà một trăm bỏ túi xài. Bà đi bán mưa gió nắng nôi rồi ăn uống thất thường sao đảm bảo sức khỏe. Còn mấy đứa nhỏ nữa, bạn bè nó thấy… bà hổng tội cho tụi cháu nó sao… má ơi là má…”. Chị Hàn khóc trong đêm. Bà Y bỏ ra nhà sau rửa ráy rồi ngồi thu lu trong buồng mở bọc tiền ra đếm, đếm tới đếm lui không biết bao nhiêu lần mới chịu ngủ.
Sáng Chủ nhật, chị Hàn thông báo cả nhà: “Bữa nay cả nhà nghỉ ngơi, không buôn bán gì hết. Ăn bữa cơm gia đình cho nó ngon miệng”. Mấy đứa con của chị Hàn tán thành. Bà Y miễn cưỡng ở nhà với con, cháu. Chị Hàn đi chợ siêu thị định làm món lẩu chua và một vài món khác nữa. Chị Hàn muốn má có bữa ăn ngon và nghỉ ngơi. Khi cơm trưa dọn lên mùi thơm bay khắp nhà, không ai thấy bà Y đâu cả. Chị Hàn ngồi đờ đẫn, trời cuối tháng Sáu những đụn mây đen cứ thấp tè, lúc nào cũng như sắp nhảy bổ táp vào mặt mình. Con trai, con gái chị Hàn lại dắt xe ra phố tìm bà ngoại.
Mưa rào như cắt phố làm đôi mảnh, một bên mưa còn bên kia đường thì ráo hoảnh. Hai con chị Hàn thất thểu trở về. Chị Hàn lại bàn thờ nhìn di ảnh cha và chồng. Màu quân phục đầy bản lĩnh của họ, theo năm tháng vẫn thể hiện sự uy nghiêm trên nét mặt của hai người đàn ông yêu thương đáng kính ấy trong lòng chị Hàn. Chị thắp nén nhang và giọt nước mắt buồn cứ buông rơi trên má người góa phụ ấy.
Thật ra hôm nay là sinh nhật lần thứ chín mươi mốt của bà Y. Chị Hàn muốn má vui. Chị Hàn muốn các con gần gũi mình hơn. Chị Hàn muốn sống lại cảnh sum vầy gia đình. Nhưng những cơn mưa như xát muối làm chị đau.
Con trai, con gái chị Hàn tiến về gần phía bờ sông vì thấy một dáng dấp có vẻ hệt như bà ngoại. Bà cụ ấy đang tiến ra bờ sông. Hai anh em hoảng quá, phóng nhanh xuống định giữ bà ngoại lại vì sợ ngoại đi gặp bà thủy hoặc là ở tuổi cao như vầy chắc có lúc cũng dễ lẩn thẩn. Đến gần, thì ra là một bà cụ khác, tay đang cầm bộ quân phục đã sờn màu, bà ta định giặt lại bộ đồ đó ở bờ sông. Hai anh em lắc đầu, thất thểu trở về nhà.
*
Nghe tiếng dép quen thuộc của má, Hoàng khó nhọc trở mình ngồi dậy. Bà Y âu yếm nhìn con trai lớn của mình. Lần nào gặp con, đôi mắt bà cũng ươn ướt. “Vợ con chưa về à?”. “Dạ chưa. Nghe Mân nói làm thêm một giờ nữa mới về. Hôm nay người ta thuê tiếp dọn nhà, thành ra làm thêm giờ”. “Con ăn uống gì chưa?”. “Mân có dọn cơm để sẵn trong mâm cho con từ sáng”. Bà Y thở dài, nhìn con trai hai mắt không thấy bẩm sinh, hai chân teo cơ như hai que củi. Vậy mà nhờ trời thương tình, còn có Mân chịu làm vợ, tuy cô ta chỉ có một tay nhưng chịu khó làm thuê làm mướn để nuôi chồng.
Bà Y nhìn trời đang giăng mưa dày ngoài hiên cửa, bà nói với Hoàng mà như tự trải lòng: “Má có năm đứa con, chết hai, một đứa bỏ nhà đi tu khi đang tuổi trăng tròn, một đứa tật nguyền như con làm cho má đau lòng biết bao. Con Hàn lần nào cũng rầy má, không muốn má bán vé số. Nhưng không lẽ má lại xin tiền nó lo cho cuộc sống vợ chồng con. Khó kham nổi. À quên, bữa nay lấy ba trăm xài tạm nghen, con”.
Anh Hoàng lắc đầu: “Mân nói, mai sẽ có xe lăn cho con ngồi đi bán vé số rồi má. Mân cũng đi bán với con luôn. Từ nay má khỏi lo tiền cho con, cực má nhiều lắm rồi”. Hoàng ôm mặt rấm rứt khóc, đâu đó theo gió có sợi tóc lốm đốm muối tiêu bay là đà trên chiếc giường âm ẩm hăng hăng mùi mồ hôi của người tật nguyền.
Ngoài trời, mưa vẫn chưa chịu dứt.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Những nốt thăng trong cuộc đời
Góc nhìn Phật tử 15:23 07/11/2024Con à! Nếu có ai đến xin gạo, con đừng múc lưng lon gạo, nhớ múc đầy vun nghe con! Trước khi ra khỏi nhà, mẹ hay dặn ba chị em Mai như vậy.
Chính ngữ: giải pháp phòng, chống bạo hành bằng lời nói
Góc nhìn Phật tử 14:12 07/11/2024Đức Phật đã coi việc rèn luyện chính ngữ rất quan trọng đến sự phát triển cá tính và tâm linh.
Truyện ngắn: Mưa đêm xào xạc
Góc nhìn Phật tử 13:18 07/11/2024Xóm giờ vắng người, mái lá lưa thưa nằm êm đềm ven dòng sông chảy qua trước mặt chia xóm làm hai nửa. Bên này sông là nhà, bên kia sông là rẫy ngô rẫy cải, xa xa thấp thoáng mái chùa cổ kính. Trời đã vào mưa.
Yêu những điều không hoàn hảo
Góc nhìn Phật tử 10:19 06/11/2024Trong hành trình tu tập, tôi đã gặp gỡ và học hỏi nhiều điều từ những người xung quanh, những người mà cuộc đời không cho họ sự hoàn hảo. Và chính sự bất toàn, những khiếm khuyết đó lại khiến tôi nhận ra vẻ đẹp thực sự của cuộc sống.
Xem thêm