Truyện Phật giáo: Vòng luân hồi của người ngu si
Vào thời kỳ mà Tăng Chúng quá đông, thiện nam tín nữ dâng cúng quá nhiều thực phẩm, trưởng giả Cấp-cô-độc phải cho xây dựng thêm nhiều kho lẫm ở Tịnh xá Kỳ Viên để chứa đựng và phân phối.
Tỷ-kheo Dabhamalla được Tăng Chúng chỉ định công việc này. Ngài cầm cán cân phân phối thực phẩm rất phân minh và chu đáo. Với số hạ lạp như vậy được gạo hoặc thực phẩm tương đương. Và thường thường số gạo xấu, phẩm chất thô là phần cho các vị còn trẻ hoặc sơ tu. Đấy là thứ tự hình thức, là lễ giới cần thiết trong giáo pháp của Đức Tôn Sư.
Hôm kia, tỷ-kheo Udāyi mặc dầu hạ lạp khá cao nhưng nhận được gạo xấu liền làm rộn lên trong phòng phát thẻ. Người ta biết vị đó còn nhiều phàm phu tính nên ai nấy đều giữ im lặng.
Ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa, tỷ-kheo Udāyi vẫn nhận được gạo xấu, vì thật ra gạo tốt không còn bao nhiêu, phải để dành cho các vị Đại trưởng lão niên cao, lạp lớn. Tỷ-kheo Udāyi mặc dầu biết vậy, vẫn nói nặng lời với tỷ-kheo Dabhamalla, chỉ trích và phỉ báng vị ấy.
Tỷ-kheo Dabhamalla im lặng như cái mõ bể, chỉ lo tròn bổn phận mình, không hề cãi lại. Nhưng có một số tỷ-kheo sơ tu, tập khí còn nhiều, nội tâm chưa ổn định, tham sân và uế trược chưa lắng dịu... cũng nhân cơ hội ấy mà la ó lên, làm cho căn phòng phát thẻ ồn ào như vỡ chợ.
- Ngài Dabha không công bằng, nghỉ việc đi!
- Đề nghị ngài Udāyi làm thay!
Giáo hội của Đức Tôn Sư là tập thể dân chủ; lại biết phân công các vai trò quản lý hay các chức vụ điều hành sinh hoạt, nên cũng dễ hiểu thôi, sự đề nghị tỷ-kheo Udāyi thay thế chức vụ ấy được Tăng Chúng chấp nhận ngay.
Cuộc phát gạo đã xong, tỷ-kheo Dabhamalla mang thẻ đến, trao vào tay tỷ-kheo Udāyi:
- Bây giờ đến phiên hiền giả gánh vác tránh nhiệm này. Tôi có một lời khuyên đến hiền giả. Hiền giả phải biết tôn kính bậc nên tôn kính. Hiền giả phải biết vị nào nhiều công đức và vị nào ít công đức. Đây là việc làm không thể chiếu lệ, đại khái, mà cần sự sáng suốt, định tĩnh và nghiêm túc. Nó cần sự tinh tấn, cần mẫn, chăm chuyên và chịu khó. Không thể cẩu thả, làm biếng, thiểu trí và vô trách nhiệm được đâu. Hiền giả Udāyi thân mến! Hiền giả phải biết như vậy.
Udāyi bực mình hét toáng lên:
- Sao tôn giả lại quá nhiều lời? Tôn giả có phải là Đạo Sư của tôi đâu. Tôi biết việc mình phải làm, đâu cần phải quá nhiều giáo giới của tôn giả!
Biết cái cứng đầu và ngu si của vị ấy, tỷ-kheo Dabhamalla bỏ đi với ý nghĩ: “Hy vọng ông ta học được bài học và giác ngộ được vài điều trong khi làm công việc này! Chắc chắn Đức Đạo Sư biết rõ là lúc nào đúng thời để thuyết giáo đến ông ta”.
Thế rồi đến phiên tỷ-kheo Udāyi phát thẻ phân phối gạo. Ông ta không cần biết đến số hạ lạp và tuổi tác của một ai; không cần biết vị nào nhiều công đức, vị nào ít công đức. Ông ta ghi những cái dấu trên sàn hoặc trên tường để chỉ rõ hàng này bao nhiêu người, hàng kia bao nhiêu người. Và ông ta cứ y vào đấy, y cứ vào những cái dấu của mình mà phân phối gạo.
Đến ngày sau, dĩ nhiên là thường có một số tỷ-kheo ra đi và có một số tỷ-kheo khác mới đến. Do vậy, số người nhận gạo thường phải thay đổi luôn, cả số thẻ và hàng. Tỷ-kheo Udāyi lại không để ý đến điều đó, cứ theo cái dấu của mình mà phát. Bởi thế, có những người không nhận được gạo, và gạo tốt không vào tay các vị Đại trưởng lão. Người ta phản ánh với Udāyi điều đó. Tỷ-kheo Udāyi nói:
- Sao các tôn giả không tự động đứng theo những cái dấu của tôi? Tại sao tôi lại tin lời các tôn giả? Tôi tin vào cái dấu của tôi hơn.
Thế rồi Udāyi gạt phăng chư vị ra một bên bằng cánh tay lực lưỡng thô bạo của mình.
Có vị tỷ-kheo có ý thức, nắm tay Udāyi lại, rồi kéo qua một bên:
- Này bạn, liệu hồn đấy! Có rất nhiều vị trưởng lão không có phần, và các ngài đã không nói gì, lặng lẽ ra đi như chiếc bóng.
Udāyi sừng sộ nói:
- Tôi không cần biết là ai. Tôi đã có những cái dấu của tôi!
- Bạn vừa nói gì? Một giọng quát lớn - Bạn xúc phạm đến chúng tôi thì được. Nhưng bạn vừa nói gì đó? Bạn dám đụng đến các bậc trưởng lão đáng kính trong giáo pháp này? Tôi với cái nắm tay, cái mũi của bạn sẽ như trái cà chua đỏ, và cái miệng của bạn sẽ méo qua một bên như trái xoài dập!
Tỷ-kheo to lớn kia nói xong liền bước lại. Các vị khác can ra. Ồn áo, huyên náo thế là xảy ra trong phòng phát thẻ.
Bậc Đạo Sư lúc ấy đang đi kinh hành, quay lại hỏi ngài Ānanda:
- Như một cái chợ đang họp trong phòng phát thẻ. Chuyện gì vậy?
Một lát sau, Đại Đức Ānanda trình bày tự sự lại với Đức Thế Tôn. Bậc Đạo sư yên lặng giây lát rồi nói:
- Này Ānanda! Hãy lấy đó làm gương, lấy đó làm bài học, lấy đó làm điều để giác ngộ. Có người chỉ giết một sinh mạng mà phải lấy năm trăm mạng liên tiếp để trả quả. Có những chúng sanh bị những tật, những nghiệp, những kiết sử dầu lớn, dầu nhỏ mà trải qua vô lượng kiếp chúng vẫn không làm cho nó nguội tắt đi, tốt đẹp hơn, thanh lương hơn! Nó chỉ nguội lạnh đi, tốt đẹp hơn, thanh lương hơn khi chúng thấy rõ, giác ngộ được bài học ấy. Còn nếu không thì cứ mãi mãi, liên tục bị trả quả, mãi mãi liên tục bị khổ đau và phiền não.
Như kẻ Udāyi ngu si kia! Nó làm mất phần gạo của các vị trưởng lão, làm cho số đông tỷ-kheo bị thiệt thòi. Không phải chỉ ngày nay mới thế thôi đâu, mà một kiếp lâu xa kia, nó cũng làm cho nhiều người khác bị thiệt thòi rồi. Từ đấy biết bao nhiêu là quả đau khổ mà nó phải gánh chịu. Tuy nhiên, nó vẫn không giác ngộ được bài học.
Thế rồi Đức Đạo Sư kể chuyện về quá khứ đã bị che lấp như sau.
Thuở xưa, ở nước Kāsi, Bồ-tát là vị quan đại thần chuyên trách việc đánh giá của cải, tài sản, châu báucho quốc độ. Bồ-tát biết đúng giá trị của từng hiện vật, từng loại hàng hóa nên sự định giá không bao giờ lầm lẫn, cố tránh sự thiệt thòi cho người này hay thiệt hại cho người kia.
Nhưng Đức Vua vốn là kẻ tham lam, bao giờ cũng muốn lợi về phần mình, nên tỏ vẻ không bằng lòng sự công bình đúng mức của vị quan đại thần nọ. Do vậy, Đức Vua luôn cố tìm một kẻ tín cẩn, kẻ tri kỷ, kẻ cùng một tâm địa, kẻ cầm cán cân nghiêng về một bên.
Hôm kia, giả dạng thường dân để cùng du hành với Bồ-tát, Đức Vua quan sát, theo dõi một người đang đánh giá một món hàng trước cửa hiệu của y. Hàng là một bao sắn to nặng của người nhà quê lam lũ, nghèo khổ.
Người chủ hiệu nói:
- Giá nó chỉ bằng bốn trái cam! Cam ăn mát mẻ, thanh nhiệt, bổ dưỡng, còn sắn của ngươi chỉ ăn nặng bụng, thường dành cho heo cho chó mà thôi.
- Thưa chủ! Người nhà quê khép nép nói - Không được đâu! Cam nhà cháu cũng có đấy nhưng không thể ăn no. Đây là cả một bao sắn to, ăn cả trăm người không hết.
Người chủ hiệu gắt:
- Mày mà biết gì nào? Sắn kia chỉ để cho súc vật ăn. Cam là để cho người ăn. Thế ra mày bảo súc vật giá trị hơn người sao? Quân này láo!
- Cháu không dám, cháu có nói thế đâu!
- Thế hãy để hàng lại. Và đây là hai đồng xu tiền vàng - hai xu māsaka kia đấy! Nhiều lắm rồi, hãy xéo đi!
Nói xong người chủ hiệu sai người vác bao sắn vào nhà và quẳng xuống chân người nhà quê hai đồng xu. Người nhà quê đứng chết lặng, miệng há hốc ra.
- Chê vàng à? Người chủ hiệu quát - Thế ra mày chê vàng à? Mày chê vàng không có giá trị bằng sắn? Chao ôi! Sắn thì sắn mốc, sắn meo, có xương không có thịt. Còn cam của ta kìa! Tươi roi rói, mọng mọng vàng, ngọt lịm kìa! Chê ít à? Xem chừng hai xu còn nhiều quá đấy. Một xu thôi! Nếu không lấy mà đi thì ông kêu lính bắt!
Người nhà quê kinh hãi:
- Cháu có tội tình gì?
- Sao không tội? Người chủ hiệu hăm dọa - Muốn tội là có tội ngay thôi. Mày chê vàng - thế là mày đã chê giá trị mà Đức Vua anh minh xứ Kāsi này đã định đặt. Thế không phạm pháp luật quốc độ là gì?
Người nhà quê xanh mặt, cúi xuống lượm hai xu rồi hốt hoảng đi như chạy không dám ngoái lại.
Bồ-tát đau lòng chảy nước mắt nhìn cảnh bất công, nhưng Ngài biết rõ, can thiệp vào lúc này là không có lợi; đành phải ẩn nhẫn thôi, chờ một dịp nào đấy, sẽ đem đến lợi ích toàn diện cho mọi người bằng công pháp nghiêm minh hơn chứ không phải bằng tình cảm nhất thời.
Bồ-tát biết rằng, người bán hàng tội nghiệp kia, nếu không chịu lấy hai xu thì sẽ còn bị thiệt hại nữa. Và nếu không bán cho người chủ hiệu này, thì dẫu cho y có đi cùng thành phố Kāsi, hàng cũng không bán được. Đấy là luật “đen”, luật “bất thành văn”, luật “phi pháp” vốn đã được thỏa thuận ngầm với nhau của giới con buôn, bọn thương gia bất hảo. Lại nữa, chuyện hăm dọa cho lính bắt, không phải là không thể xảy ra. Khi lòng tham đã chế ngự lương tâm thì trí óc của nó đã biến thành sự quỷ quyệt, lật lường của loài chồn cáo!
Trong lúc Bồ-tát thở dài, chán ngán thay cho lòng người thì Đức Vua mặt mày hớn hở, tươi như hoa, miệng không ngớt tủm tỉm cười.
- Tuyệt! Tri kỷ! Thật là tri kỷ! Với người đánh giá này, xoài chín sẽ thành xoài thối, cam tươi sẽ thành cam sống, vàng mười sẽ thành vàng non, chuối mật mốc sẽ thành chuối hư! Ta mà có y thì chẳng mấy chốc, vương quốc ta sẽ giàu có nhất châu Diêm Phù Đề. Lại nữa, y còn biết bảo vệ luật pháp của quốc độ. Một công dân toàn hảo như thế mà sao từ lâu ta không biết kìa?
Ngày hôm sau, đột ngột, Bồ-tát nhận được giấy ban khen của nhà vua với một số tiền phụ cấp hưu dưỡng. Và người chủ hiệu tri kỷ của Đức Vua được phong quan to, thế chân Bồ-tát.
Việc tái sinh có thật hay không?
Vị quan đánh giá là người có bổn phận đánh giá hàng, là người cầm cán cân thương mại cho cả nước. Quan đánh giá như thế nào thì hàng đó trị giá như vậy. Đấy là luật pháp của quốc độ mà mọi người phải tuân theo.
Vị tân quan từ khi nhậm chức đã tỏ ra khả năng “siêu quần bạt tụy” của mình trong lĩnh vực này. Y đánh giá tùy sở thích, tùy cảm hứng vui buồn của mình. Không đếm xỉa gì đến sự thua lỗ của người khác hoặc giá trị đích thực của món hàng như thế nào. Tất cả, miễn là có lợi ích cho Đức Vua là được. Đôi khi vì tức giận vô cớ, y như cướp không của người ta bằng giá cám bèo rẻ mạt. Cho nên, chẳng bao lâu, tài sảncủa Đức Vua cứ tăng lên vùn vụt như nước của trăm con sông chảy tràn vào. Người ta bắt đầu sợ hãikhông đem đến bán, thì đích thân vị quan đánh giá “mẫu mực” này cho xe đi thu mua chỗ này, chỗ khác với lính tráng tiền hô hậu ủng. Mỗi ngày tài sản đổ về cho công khố mà Đức Vua không phải tốn kém bao nhiêu giá trị hàng trao đổi.
Hôm kia, từ một nước ở phương bắc, một lão lái buôn “vô phước” dẫn đến Đức Vua năm trăm con ngựa. Đấy là ngựa thuộc nòi giống tốt. Vua rất thích bèn kêu vị quan đánh giá tri kỷ của mình đến.
Vị quan đánh giá nhìn biết ngay là giống ngựa tuyệt hảo, một số được lai với ngựa rừng, lai với nòi giống Sindhu tối thượng. Tuy nhiên, y bắt đầu chê. Y chê con này mập quá, con này gầy quá, con kia quá cao cẳng, con này quá thấp cẳng, sắc lông con này quá hung, quá nhạt, quá bù xù, lông đuôi quá ít, bụng quá tóp, ngực quá gồ... rồi y đánh giá như sau:
- Trị giá năm trăm con ngựa tồi tệ này chỉ bằng một đấu gạo, tâu Đại Vương. Mặc dầu ngựa xấu, nhưng dẫn ngựa đi quá xa xôi mệt nhọc, ta nên đánh giá nới tay một chút kẻo tội nghiệp!
Nói xong, vị quan đánh giá sai người đem cho lão lái buôn một đấu gạo rồi dẫn ngựa vào chuồng, trao người chăn giữ.
Lão lái buôn chết sững, đứng im như hóa đá, không biết nói năng gì, chẳng biết khiếu nại cùng ai. Sau đó, y tức giận, đau khổ đi thất tha thất thiểu như người điên. Biết chuyện ấy, người trong thành phố Kāsi ai cũng thương tình, khuyên lão lái buôn nên đến gặp Bồ-tát xin ngài bày cho phương kế lấy lại ngựa.
Sau khi nghe chuyện, Bồ-tát trầm ngâm giây lâu rồi nói:
- Vị quan đánh giá kia chỉ là một gã tiện dân tham lam, không có trí. Đối với y, tiền là tối mắt, có tiền thì bảo sao nó nghe vậy.
- Trăm sự nhờ Ngài - lão lái buôn van vỉ - Nhờ Ngài tìm phương kế cho chứ con e không sống nổ khi sự nghiệp tiêu tan. Và hiện giờ con chẳng còn một trinh, một hào dính túi! Ngài hãy cứu con!.
Bồ-tát đưa mắt ra xa, nói như nói một mình:
- Sự bất công, ngu muội, đảo điên xảy ra khắp nơi. Tất cả đều do tham lam, sân hận và si mê mà ra cả. Dẫu ta có tìm phương cách đối trị mọi bất công trên xã hội thì nó cũng có giá trị tạm thời. Phải có một phương thuốc nhiệm mầu hơn, vĩnh cửu hơn có thể chẩn trị tận căn gốc, tận nguyên nhân, lúc ấy mới chấm dứt được tất cả mọi đau khổ, trầm thống của chúng sanh. Vì lòng từ với sanh loại, ta phải tìm racon đường bất tử.
Rồi Bồ-tát nói với lão lái buôn:
- Trường hợp mất ngựa của ngươi không khó lắm đâu. Hãy bình tĩnh, hãy an tâm. Ta sẽ cứu ngươi. Tuy là ta cứu ngươi nhưng đồng thời, ta cũng cứu luôn cho cả quốc độ. Từ lâu ta vẫn chờ cơ hội. Nay cơ hội đã đến. Đức Vua sẽ tự thấy xấu hổ mà ngưng đi sự tham lam ngu si của mình.
Bồ-tát đứng dậy, trao cho lão lái buôn thêm một bọc tiền vàng rồi nói: Ngươi hãy đến trao tận tay vị quan đánh giá kia bọc tiền vàng này và nói với y rằng: “Cúi xin quan đánh giá cho thật tốt, cho thật lớn vào giá trị của đấu gạo trước mặt Đức Vua. Chỉ có thế thôi. Làm như vậy, quan chẳng mất gì mà lại còn được vàng nữa”. Ngươi hãy nói với y như thế, là ngươi sẽ lấy lại được ngựa. Ta sẽ gặp nhau vào ngày mai, tại triều đình.
Lão lái buôn ngần ngừ không dám nhận bọc tiền vàng. Bồ-tát mỉm cười nói:
- Đấy chỉ là cái mồi, nhử con rắn tham lam đi ra khỏi cái hang của nó. Bắt được rắn, ta lấy mồi lại chứ không mất đâu!
Lão lái buôn tin tưởng vào Bồ-tát nên vui mừng đến sa nước mắt. Y quỳ xuống ôm chân Bồ-tát với lòng tri ân vô hạn.
Quả nhiên, với bọc tiền vàng, vị quan đánh giá vâng dạ đủ điều.
Hôm sau, trước đầy đủ tai mắt của bá quan văn võ, có cả Bồ-tát, lão lái buôn quỳ lạy Đức Vua xong rồi nói:
- Tâu Đại Vương chí tôn! Con đã biết giá trị năm trăm con ngựa bằng một đấu gạo, nhưng giá trị một đấu gạo là bao nhiêu con cũng chưa rõ. Vậy Đại vương hãy cho quan đánh giá xác định trị giá của đấu gạo để con dễ bề tính toán lúc trở về.
Đức vua cũng không phải là người có trí, nên không thấy cái mồi câu, cái lưỡi câu con rắn tham lam nằm ở đâu, bèn chuẩn tấu.
- Này ái khanh! Ái khanh hãy lập lại trị giá năm trăm con ngựa cho trẫm nghe nào!
- Là một đấu gạo tâu Đại Vương
Đức Vua gục gặc đầu rồi tiếp:
- Vậy trị giá một đấu gạo là bao nhiêu, hãy cho lão lái buôn này rõ, hỡi quan đánh giá hiền thiện!
Chỉ thấy túi vàng, không thấy Đức Vua mà cũng chẳng thấy ai nữa cả, vị quan đánh giá đáp:
- Trị giá một đấu gạo thì quá lớn, quá nhiều, tâu Đại Vương! Nó bằng cả kinh đô Ba-la-nại và cả vùng ngoại ô cộng lại!
Lúc bấy giờ toàn thành Ba-la-nại dài đến mười hai do tuần. Còn nội ngoại thành Ba-la-nại rộng lớn mỗi bề đến ba trăm do tuần. Cho nên khi vị quan đánh giá xong, tất cả bá quan văn võ đồng “ồ” lên một tiếng. Có nhiều vị đã cất tiếng cười chế nhạo, châm biếm, xem vị quan đánh giá như một gã hề trên sân khấu.
Có một quan đại thần thanh liêm chính trực, là bạn thân của Bồ-tát, cảm thấy xấu hổ trước lão lái buôn là người nước ngoài, nên nói to với giọng mỉa mai, cốt ý cho Đức Vua nghe:
- Trước đây tổ tiên chúng ta nói quốc độ là vô giá. Nhưng nay chúng ta biết rằng nó có giá hẳn hòi. Ai cũng có thể mua được Đức Vua chí tôn và quốc độ một cách dễ dàng. Vì chỉ cần một đấu gạo, ta có thể mua nội ngoại thành Ba-la-nại, dĩ nhiên là có cả Đức Vua, Hoàng hậu, ba cung, sáu viện, điện ngọc lầu vàng, quốc khố, quốc bảo cùng của cải tài sản của lương dân trăm họ! Ôi! Vị quan đánh giá này thật là bậc đại siêu việt, thật là bậc đại trí tuệ!
Bá quan văn võ được dịp cười thật hả dạ.
Đức Vua hổ thẹn quá không biết dấu mặt vào đâu, tức giận tên đánh giá ngu si nên nổi cơn thịnh nộ, quát mắng liên hồi, rồi sau đó, tước bỏ chức vị, lấy hết gia sản của nó rồi tẩn xuất ra khỏi quốc độ.
Tuy thế, khi quay lại, Đức Vua thấy rõ trăm quan vẫn nhìn mình với đôi mắt thiếu thiện cảm, khinh bỉ thế nào, bèn hối lỗi:
- Trẫm có lỗi thật sự, hỡi các khanh! Trẫm nguyện sẽ chừa bỏ. Vì lòng tham nên Trẫm đã u tối lương tri. Từ rày về sau, Trẫm sẽ đốt lên một ngọn đèn. Ngọn đèn này sẽ thường trực chiếu sáng để soi dẫn mọi hành động hợp với đạo đức, hợp với lẽ phải, hợp với tình người.
Bá quan đồng phủ phục lạy mừng, cảm kích thái độ cải hối sáng suốt của Đức Vua. Rồi họ đồng thanhtâu xin cho Bồ-tát phục hồi chức cũ để nắm cán cân công minh cho sơn hà xã tắc.
Đức Vua thân hành đến nắm hai tay của Bồ-tát, cất giọng đầy xúc động:
- Chỉ có khanh, không những là ngọn đèn cho Trẫm mà còn là ngọn đèn cho cả quốc độ. Khanh phải được tạc tượng bỏ lên bệ thờ cho mọi người ngưỡng mộ và tôn thờ mới phải.
Từ đó, Bồ-tát phục hồi chức cũ, dẫn dắt cả vương quốc theo lẽ công bằng, tự do và hạnh phúc.
Mệnh chung, Bồ-tát đi theo nghiệp của mình.
Kể xong chuyện quá khứ, Đức Đạo Sư nói với Ānanda:
- Tên chủ hiệu đánh giá ngày xưa chính là Udāyi ngày nay vậy. Thuở ấy, nó đâu thèm để ý đến sự thiệt thòi của người khác thì nay vẫn cứ vậy. Cái ngu si cứ chồng chất ngu si, lặp lại sự ngu si mãi hoài như vậy mà nó vẫn không nhận chận được bài học. Những kẻ như vậy thì vòng tử sinh thống khổ sẽ còn trầm luân, tiếp diễn mãi mãi.
Còn Như Lai, tức vị quan đánh giá công minh, từ vô lượng kiếp trước cho đến vô lượng kiếp sau, luôn luôn đi tìm phương thuốc nhiệm mầu, bất tử để chữa trị tận căn gốc mọi đau khổ trầm thống của chúng sanh. Và nay Như Lai đã tìm ra...
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kiếp người, nếu không chịu tu tập sẽ không còn kịp nữa
Tư liệu 19:45 30/11/2024Tôi nghĩ mình nhờ có chút thiện căn, những kiếp trước cúng dường Tam Bảo, xuất gia tu hành tinh tấn, nỗ lực hoằng pháp độ sinh, nên đời nay phước duyên đó khiến tôi sớm được gặp Phật pháp tu hành.
Phát huy vai trò của Ni giới trong xã hội
Tư liệu 09:26 30/11/2024Phật giáo cho rằng đạo đức là nền móng vững chắc Nhất để xây dựng tôn giáo của mình. Đức phật là người đầu tiên trong lịch sử khởi xướng phong trào bình đẳng nam nữ trong xã hội. Với quan điểm Này thì đức phật là Người đặt những những hòn đá tảng đầu tiên để xây dựng nên lâu đài bình đẳng giới.
Long vương và tiếng chuông chùa tiêu trừ ác tâm
Tư liệu 13:15 28/11/2024Trên đỉnh núi Hy Mã có một cái ao lớn, trong ao có rất nhiều rồng trú ngụ, chúng thường hay làm mưa nổi gió nhổ bật cây cối, gây nguy hại cho nhân dân ở dưới núi. Bởi vậy, dân chúng ở dưới núi than khổ dậy trời, phần lo dọn dẹp, phần thì chết chóc. Một vùng hoang tàn thê lương.
Kinh Bách dụ giảng giải: Để xác trong nhà
Tư liệu 16:15 27/11/2024Người ngu có bẩy người con, chết mất một, người ngu định để xác con trong nhà, rồi dọn đi nơi khác. Có người khuyên, sao không đem xác chết đi chôn, mà lại để trong nhà, rồi phải dọn đi nơi khác ở.
Xem thêm