TT. Thích Nhật Từ chỉ dạy về việc tu học Phật đến Tăng đoàn và hàng trăm Phật tử tại chùa Giác Ngộ
Đêm 13/07/2022 (nhằm ngày 15/06 Âm lịch), nhân dịp lễ tưởng niệm ngày Đức Phật chuyển Pháp Luân, TT. Thích Nhật Từ đã có những lời chỉ dạy sâu sắc về việc tu học Phật đến Tăng đoàn và hàng trăm Phật tử tại chùa Giác Ngộ (TP.HCM).
Thượng tọa cho biết, theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, ngày rằm tháng 6 âm lịch là ngày Đức Phật lăn chuyển bánh xe pháp và thuyết giảng ba bài kinh đầu tiên, đó là Kinh Chuyển Pháp Luân, Kinh Vô Ngã Tướng và Kinh Thế Gian Bốc Cháy. Và trong Kinh Tập, thuộc Tiểu Bộ Kinh, bảy tuần lễ đầu tiên sau khi giác ngộ, Đức Phật tiếp tục ở lại Bồ Đề Đạo Tràng để hình thành nên các học thuyết quan trọng nhất.
Tuần lễ đầu tiên, Ngài ngồi tại cội cây bồ đề để trải nghiệm an lạc siêu việt của Niết-bàn mà Ngài đã chứng đắc. Tuần lễ thứ hai, Ngài bày tỏ lòng biết ơn đối với cây bồ đề đã che mưa, che nắng cho Ngài trú ngụ, là nơi giúp Ngài an tâm thực tập thiền định, thiền quán để đạt được tuệ giác lớn. Tuần thứ ba, đức Phật hình thành học thuyết nhân sinh quan, lấy con người làm trọng tâm biểu đạt qua 6 giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý); 6 đối tượng nhận thức của giác quan (hình thái đối với mắt, âm thanh đối với tai, mùi hương đối với mũi, vị đối với lưỡi, sự xúc chạm đối với thân thể, sự hình dung của tâm về mọi thứ) và 6 nhận thức của giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, ý thức). Trên nền tảng đó, Đức Phật đã giải thoát con người khỏi ách nô lệ của Thượng đế và thần linh. Bởi vì khổ đau hay hạnh phúc của con người hoàn toàn phụ thuộc vào sự thất bại hay thành công trong việc quản lý các giác quan của mình.
Ở tuần lễ thứ tư, Đức Phật hình thành học thuyết về thế giới quan, về quy luật hình thành, vận hành, phát triển, thay đổi và hoại diệt của các sự vật, hiện tượng trên đời. Hay còn được gọi là học thuyết duyên khởi, phủ định các thuyết duy tâm, duy vật, duy thần. Tuần thứ năm, học thuyết đạo đức quan được Ngài hình thành qua việc khẳng định giá trị của con người phụ thuộc vào những đóng góp cao quý mà người đó mang lại cho bản thân và tha nhân, chứ nó không phụ thuộc vào giai cấp, giới tính, màu da, sắc tộc, tôn giáo,… Tuần lễ thứ sáu, đức Phật hình thành về kỹ năng vượt qua nghịch cảnh bằng sự điềm tĩnh, không khủng hoảng, sợ hãi bằng trải nghiệm thực tại. Trong tuần lễ cuối cùng, hai ngôi tâm linh, Nhị Bảo được hình thành, với Phật Bảo chính là Ngài và Pháp Bảo là chân lý Ngài truyền dạy khi Ngài hóa độ cho hai thương gia. Sau đó, Ngài đã rời khỏi cội bồ đề để đi đến vườn Nai.
Việc đức Phật chọn vườn Nai làm nơi lăn chuyển bánh xe chân lý về sự giác ngộ, giải thoát có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thứ nhất, theo tư tưởng, quan niệm của người Ấn Độ cổ đại, đây là nơi mà Thượng đế, hay Phạm Thiên trong đạo Bà-la-môn đã xuống quả địa cầu này và tạo ra nhân loại. Thứ hai, nơi đây có con sông Hằng thiêng liêng trong văn hóa, tín ngưỡng Ấn Độ. Bởi vì họ tin rằng con sông này có khả năng tẩy sạch, gột rửa hết tất cả lỗi lầm, tội lỗi. Việc Ngài đến nơi này để truyền bá chân lý giải thoát, giác ngộ, trước hết là cho năm người bạn đồng tu ngày trước, sẽ là một đột phá lớn trong việc tỉnh thức, nhận chân ra những tư tưởng tâm linh, tín ngưỡng vốn mang nặng tính cầu nguyện, mê tín dị đoan và phi nhân quả mà phần lớn người dân Ấn Độ thời đó đang đi theo.
Trong bài Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật đã tuyên bố dõng dạc rằng có hai lối sống sai lầm mà con người nên từ bỏ, đó là hưởng thụ khoái lạc giác quan và khổ hạnh, ép xác. Chỉ có con đường trung đạo mới có thể đưa đến sự an vui, hạnh phúc. Sau đó, Ngài đã trình bày về Bốn Chân Lý Thánh, giúp người tu nhận diện được lộ trình, phương pháp, kỹ năng chuyển hóa khổ đau và làm chủ hạnh phúc. Bước một chính là nhận thức được khổ đau là một sự thật trên cuộc đời. Bước hai là sáng suốt, chân thật trong việc truy tìm đúng cội gốc, nguồn căn các nguyên nhân của khổ đau. Bước ba là trải nghiệm hạnh phúc, an lạc khi khổ đau vắng mặt. Và cuối cùng là phương pháp diệt trừ khổ đau bằng Bát Chánh Đạo.
Thông qua việc đọc tụng, suy ngẫm và thực hành lời Phật dạy từ Kinh Chuyển Pháp Luân, người đệ tử Phật có cơ hội soi rọi lại thân tâm mình để nhận thức những khổ đau, sử dụng phương pháp và kỹ năng đúng đắn để chuyển hóa, diệt trừ nó và mang lại sự lợi lạc, hạnh phúc cho bản thân mình và tha nhân.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ni trưởng Thích nữ Bửu Hòa, Chứng minh Phân ban Ni giới H.Hóc Môn (TP.HCM) viên tịch
Trong nước 05:45 03/12/2024Ni trưởng Thích nữ Bửu Hòa, Chứng minh Phân ban Ni giới H.Hóc Môn, viện chủ chùa Phước Thiện (xã Nhị Bình, H.Hóc Môn, TP.HCM) vừa viên tịch.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông chia sẻ về Giới luật Phật giáo cho gần 800 Tăng Ni
Trong nước 14:00 02/12/2024Sáng ngày 02/12, tại trụ sở Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM (Việt Nam Quốc Tự, quận 10), Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông – Phó Thư ký Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Cố vấn BTS GHPGVN TP.HCM – đã chủ trì buổi thuyết giảng và thảo luận chuyên đề “Giới luật Phật giáo”.
“Hãy lấy tinh thần phụng sự làm niềm vui trên bước đường đến giác ngộ giải thoát”
Trong nước 12:15 02/12/2024Sáng ngày 02/12/2024, Thượng tọa Thích Quảng Lộc - UV HĐTS, Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã có buổi thuyết trình chuyên đề “Sinh hoạt Giáo hội” đến với chư hành giả khóa Kiết Đông lần thứ 2.
Tiền Giang: Thành kính tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông (1308-2024)
Trong nước 13:15 01/12/2024Sáng ngày 01/12/2024 (nhằm mùng 1 tháng 11 năm Giáp Thìn), BTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Tiền Giang đã trang nghiêm tổ chức Lễ Tưởng niệm lần thứ 716 năm, ngày Đức vua Phật Hoàng nhập Niết Bàn 01/11 năm Mậu Thân (1308) – 01/11 năm Giáp Thìn (2024); đồng thời khai mạc khóa tu Kiết Đông lần thứ 2.
Xem thêm