Từ cội nguồn dân tộc hướng đến hiện tại và tương lai
Thế giới hạnh phúc của mỗi người Việt hôm nay và tương lai được khởi nguyên từ trong cội nguồn dân tộc, nó được minh chứng và trải nghiệm qua cuộc hành trình lịch sử từ âm vang hào sảng buổi đầu tổ tiên vua Hùng dựng nước, dũng khí quật khởi của tinh thần giữ nước của cha ông.
Không phải ngẫu nhiên khởi nguyên của lịch sử cội nguồn của dân tộc ta lại bắt nguồn huyền sử cha già Lạc Long Quân cùng với mẹ Âu Cơ kết duyên sinh ra 100 người con từ trong một bọc trứng, để rồi mọi người dân Việt chung sống với nhau trong ý niệm “đồng bào”, “đồng tộc”. Từ buổi đầu, 50 người con lên núi, 50 người con xuống biển đã trưởng thành và chung sống với nhau từ thời vua Hùng đến nay bằng triết lý “Thương người như thể thương thân”.
Và như thế, mọi người dân Việt đều sống trong đại gia đình Việt Nam, cùng chung một huyết thống, chung một lý tưởng, một chí hướng, một tấm lòng yêu nước là yêu quê hương xứ sở, yêu con người. Thế nên, nói đến sự biểu hiện triết lý sống người Việt là nói đến tinh thần đồng chí, đồng lòng trong tiến trình dựng và giữ nước từ trước đến nay.
Từ thời Hùng Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh, người Việt Nam dù ở miền núi hay miền xuôi đều có quan niệm mình là con cháu Hùng Vương, là con Lạc cháu Hồng (con của người Lạc Việt, cháu họ Hồng Bàng Thị). Càng tự hào hơn, cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, dòng máu con cháu Hùng Vương lại càng lan tỏa mạnh mẽ trong mọi trái tim đại gia đình Việt Nam, để xây dựng nên nước Việt Nam với ước nguyện: “Dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, sánh vai các cường quốc năm châu trong thế giới toàn cầu hóa.
Vị thế của Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc
Từ trong cội nguồn văn hóa dân tộc, khi Đạo Phật du nhập vào nước ta, nhân dân ta “Rủ nhau xuống bể mò cua, Lên non hái củi vào chùa nghe kinh”. Nhờ vậy, dân ta mới thấu hiểu triết lý sống nhà Phật, thấm thía lời Phật dạy: “Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng sinh là từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị trong cõi luân hồi sinh tử”. Từ cốt lõi của nền giáo lý Phật đà được người dân Việt trải nghiệm trong cuộc hành trình hướng tâm giải thoát khổ đau, đã hình thành nên một Đạo Phật của người Việt đáp ứng các yêu cầu lịch sử, thời đại đặt ra. Một Đạo Phật thể nhập vào đời sống, được hiện thực hóa thành tôn chỉ: “Phật dạy thiên hạ, cứu vớt giải thoát nhân dân”, như điều 1, Lý hoặc luận của Mâu Tử ghi [1].
Như vậy, trong diễn trình dựng nước, ngay từ buổi đầu lập quốc, cộng lực nội sinh của dân tộc đã hình thành nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân bằng sự hòa nhập triết lý sống người Việt vào triết lý Phật đà để chống lại sự đồng hóa Trung Hoa.
Khi Thái thú Tô Định muốn đồng hóa dân ta thành dân Hán bằng cách mở trường dạy lễ nghĩa và truyền bá tư tưởng đại Hán, xóa bỏ các tục lệ cổ xưa, áp dụng luật lệ nhà Hán vào Giao Châu, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa để chống lại ách cai trị của nhà Hán. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 – 43) nhằm xoá bỏ tư tưởng Đại Hán và giành quyền tự chủ độc lập cho nhân dân ta bấy giờ. Kết quả, được mọi người đồng lòng, đồng hướng, cuộc khởi nghĩa đã đi đến thắng lợi. Trong các lần khởi nghĩa, đồng bào Phật tử đã tham gia nổi dậy, ngay cả giới nữ lưu cũng trở thành nữ tướng, những vị nữ tu sĩ Phật giáo cầm quân bảo vệ non sông đất nước như: Phương Dung công chúa, Chiêu Dung công chúa xuất gia, hành đạo, độ đời.
Và như thế, cốt lõi của mối quan hệ khắng khít giữa dân tộc và Phật giáo Việt Nam là thực thể duy nhất bất khả phân ly, khi mỗi người Phật tử tự thân xác lập mình là thành viên của dân tộc, đóng góp cho đời chính là cho đạo.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam vững vàng đường hướng dân tộc - đạo pháp - chủ nghĩa xã hội
Rõ ràng, xuất phát từ cội nguồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tri ân và báo ân là nội lực cộng sinh để thực thi tinh thần được mục đích cao cả mà Phật giáo thời đó đề ra. Đó cũng là tinh thần thực thi các hạnh mà ngay từ khi Đạo Phật truyền bá vào nước ta đã được phổ biến rộng rãi xây dựng hình mẫu Bồ tát hạnh, được ghi trong Lục độ tập kinh: “Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ, xông mình vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân thoát lầm than” (Bồ tát đổ dân ai hiệu vi chi huy lệ đầu thân mệnh. Lệ chánh, tế dân nạn ư đồ thân) [2]. Hạnh đó là hạnh mỗi người dân Việt, con cháu Hùng Vương không chỉ dành cho mỗi cá nhân tu thân sửa tánh, hướng thiện vươn lên mà còn dành để cùng nhau dựng nước, giữ nước, mở nước.
Cho nên, muốn hóa hiện một đời sống ấm no hạnh phúc cho dân chúng sống trong một Quốc gia hưng thịnh thì nhà Phật còn dạy (trong Lục độ tập kinh: “lấy dân trị quốc” (trị quốc dĩ nhân), và nó được cụ thể hóa bằng cách mọi người cần thực hành “năm giới, mười điều lành làm quốc chính (ngũ giới thập thiện dĩ vi quốc chính), mong mỏi có được: “Vua nhân, tôi trung, cha nghĩa, con hiếu, chồng tín, vợ trinh” (quân nhân, thần trung, phụ nghĩa, tử hiếu, phu tín, phụ trinh). Và như vậy, người dân “theo trời làm điều nhân, không giết dân mạng, không tham bậy làm khổ dân đen, kính người già như cha mẹ, thương dân như con, cẩn thận thực hành giới răn của Phật, giữ đạo cho đến chết” (tắc thiên hạnh nhân, vô tàn dân mệnh, vô cấu tham khốn lê thứ, tôn lão nhược thân, ái dân nhược tử, thận tu Phật giới, thủ đạo di tử) [3].
Đó chính là nếp sống của người dân Việt thời Hùng Vương được thiết lập trên nền tảng đạo lý người Việt, thể hiện qua các mối quan hệ vua tôi, cha con, chồng vợ, ứng xử theo đạo lý nhân nghĩa, trung hiếu thành tín, được thể nhập vào triết lý thực hành năm giới mười điều lành của Phật giáo, tạo thành phẩm chất cao đẹp của tính cách người Việt để hóa giải tất cả các chính sách đồng hóa của phong kiến phương Bắc đối với nhân dân ta.
Chính phẩm chất tính cách người Việt được xây dựng trên nền tảng văn hóa nước nhà và văn hóa Phật giáo có được từ thời Hùng Vương đã tạo ra sức mạnh nội sinh, cung cấp nguồn sống mạnh mẽ cho cộng đồng dân tộc Việt đứng lên giành quyền độc lập tự chủ, bằng chiến thắng Bạch Đằng lịch sử vào năm 938.
Từ đây dân tộc mở ra thời đại mới, thời đại Lý – Trần độc lập, tự chủ hào hùng, sáng ngời hào khí Đông A ngút trời, ba lần đánh tan quân Nguyên – Mông, xây dựng thành công quốc gia Đạị Việt hùng cường. Đó cũng là thế giới Phật quốc của thời Lý – Trần mà Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng nhân dân, Phật tử Đại Việt hiện thực hóa: “Tịnh độ là lòng trong sạch, Di Đà tự tính sáng soi”.
Hành trình đưa những nét đẹp đạo đức dân tộc đến giới trẻ
Điều này có nghĩa con cháu Hùng Vương, đến thời Lý – Trần đã thừa kế nếp sống thực hành các hạnh của người Phật tử. Ở đó, có những con người dân Việt chính là những Phật tử thuần thành với khát vọng mong cầu thành Phật ngay giữa cuộc đời để giải thoát cứu độ cho nhân dân. Điều kiện thành Phật ở đời “chỉ cần lòng lặn mà biết, đó là Phật thật” (Tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật) mà Quốc sư Viên Chứng đã chỉ dạy cho vua Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên đứng ra lãnh đạo đất nước. Quan trọng hơn là vua Trần Thái Tông cũng đã thực thi và kế thừa tinh thần “lấy dân trị quốc” (trị quốc dĩ nhân) của Lục độ tập kinh mà Khương Tăng Hội ghi lại và ít nhiều kế thừa từ truyền thống từ thời Hùng Vương được diễn giải bằng lời khuyên: “Phàm làm đấng quân vương, thì phải lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình, lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình” của Quốc sư Viên Chứng dành cho bậc đứng đầu đất nước.
Kết quả, dân tộc Đại Việt chưa bao giờ chùn bước bất kỳ cuộc chiến tranh xâm lược nào của đế chế phong kiến phương Bắc. Chính tinh thần yêu nước là yêu đạo đã thành động lực, là sức mạnh đoàn kết toàn dân không chỉ đem lại cho mỗi người dân là mỗi công dân Việt đóng góp cho công cuộc xây dựng kiến thiết nước nhà, mà chính họ còn là một vị Phật ở tương lai. Đó là niềm tin và lý tưởng để sẵn sàng đối diện bất cứ nhiệm vụ, yêu cầu nào mà xã hội, đất nước đặt ra.
Sang thời Lê – Nguyễn tiếp nối hào khí Đông A, con cháu Hùng Vương tiếp tục vươn hình hài lớn dậy, nội lực cộng sinh từ trong cội nguồn dân tộc đã đẩy lùi gót giày xâm lược phong kiến phương Bắc. Một lần nữa dân tộc ta lại khẳng định là quốc gia độc lập, “vốn xưng nền văn hiến đã lâu, Phong tục Bắc Nam cũng khác” mà Nguyễn Trãi cất lên từ trong dòng máu Lạc Việt, Lê Lợi oai hùng đuổi thẳng giặc thù ra đi không dám ngoảnh đầu trở lại. Rồi sau đó, Tây Sơn hào khí, Nguyễn Huệ tung hoành khắp trên các trận địa, để rồi thâu giang sơn về một mối, thống nhất lòng người.
Trong diễn trình trên, các thế hệ con cháu Hùng Vương nối tiếp không chỉ giữ nước mà còn thực thi cuộc hành trình mở nước để đáp ứng nhu cầu lịch sử dân tộc đặt ra, để rồi mảnh đất hình chữ S nối kết từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau quây quần bên nhau chung sống với sự tiếp sức từ cội nguồi dòng giống Lạc Việt.
Đó cũng là thế giới cực lạc mà con cháu Hùng Vương biết thực thi nếp sống đạo khởi đầu bằng niềm tin và lý tưởng được dẫn dắt bởi những vị minh quân là đệ tử thuần thành Phật giáo. Các chúa nhà Nguyễn trong cuộc hành trì mở cõi phương Nam được các thiền sư dạy bảo, đã vận dụng triết lý sống người Việt và giáo lý hướng thiện về thế giới nhân gian tinh độ của nhà Phật, để nhìn nhận nhau trong khái niệm cùng huyết thống, được sinh ra cùng trong ý niệm đồng bào, tất cả cùng chung ý niệm giải thoát Phật tánh bình đẳng, để kết nối nhau trong yêu thương và hiểu biết. Chính vì lẽ sống lý tưởng này mà tình người hóa hiện khắp mọi nơi trong một đại gia đình Việt Nam.
Tinh thần Từ Bi - Vô Ngã của Phật giáo song hành cùng lịch sử - văn hóa dân tộc Việt Nam
Kết quả, các chúa mở cõi đến đâu thì chùa chiền được xây dựng đến đó, bởi lẽ từ xưa đến nay chùa là cơ sở thực thi nếp sống đạo hạnh, là nơi hội tụ sức mạnh đoàn kết toàn dân trong cuộc hành trình giữ nước và mở nước. Và như vậy, mỗi người dân Việt yêu nước. chính là yêu đạo, yêu tổ tiên ông bà. Đó cũng câu trả lời vì sao một số vua, chúa được tôn vinh là Bồ tát, có thể nêu danh như chúa Nguyễn Phúc Chu được xưng danh là Bồ tát Hưng Long, trước đó thời Trần có vua Trần Nhân Tông được tôn vinh là Phật Hoàng.
Cho đến khi nhân dân ta đối diện hai cuộc kháng chiến vệ quốc chống Pháp và Mỹ, càng thấy rõ dòng máu Lạc Việt tuôn chảy mạnh mẽ trong nhịp đập con tim người dân nước Việt. Một lần nữa, con cháu Hùng Vương thời hiện đại đã kiên cường đứng lên chống lại quân thù hơn bao giờ hết. Tinh thần yêu nước, yêu dân, yêu đồng bào đã làm nên lịch sử hào hùng dân tộc. Mỗi người dân Việt là mỗi thành trì vững chắc, là vùng đất tâm linh cùng nhau hướng nguyện về thế giới an bình, chia bùi sẻ ngọt, vượt qua mọi khó khăn, hướng tới hạnh phúc trong từng giai đoạn, từng thời khắc lịch sử của cả dân tộc.
Hơn nữa triết lý duyên khởi nhà Phật lại cho người Phật tử Việt Nam không ai sống một mình, con người có vô số mối liên hệ trong đời sống thực tiễn. Giá trị hạnh phúc của con người, suy cho cùng thực chất là sự kết nối yêu thương, chung sống với nhau hòa hợp trong tinh thần đại đoàn kết mà cha ông đúc kết: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Không gì hạnh phúc bằng nước nhà thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, chung sống trên dãi đất hình chữ S với một trang sử mới, thời đại mới.
Đó là thời đại mà đất nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, con cháu Hùng Vương thời hiện đại có cơ hội hội nhập thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa. Mỗi người dân Việt có quyền tự hào khi về tổ tiên cha ông chúng ta đã dẫn dắt con cháu từ thế hệ này tiếp nối thế hệ kia, cho đến hôm nay được sống và hạnh phúc trọn vẹn trong một bối cảnh thanh bình, cùng nhau xây đắp hiện tại đất nước hưng thịnh, tương lai hùng cường, sánh vai cùng các nước năm châu.
Sự hoàn thiện đạo đức, thăng tiến trí tuệ là điều kiện tất yếu để được kết nối, hội nhập với cộng đồng xã hội, với nhân loại. Đó chính là khát vọng lớn nhất của người dân Việt Nam hôm nay. Trong đó, người Phật tử với tự thân là con người Việt được giáo dưỡng trong giáo pháp Phật đà, lấy trí tuệ làm sự nghiệp, thực thi nếp sống đạo đức, hoàn thiện phẩm hạnh, tu nhân tích đức, mới đủ khả năng thể nhập vào thời đại hội nhập toàn cầu.
Đức Phật trong đời sống dân tộc
Thế nên, sự tu thân của một cá thể, thực chất là một cuộc hành trình tu tập của mỗi cá nhân mà Phật từng dạy cho chúng ta về hành trì về giới định tuệ. Mỗi bước đi của giới định tuệ là mỗi bước đi ra ngoài tâm lý tham sân si, mục đích là giữ cho “thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh”. Từ trong giá trị đích thực này, mỗi người có thể phát huy khả năng sáng tạo không cùng cho quốc gia, dân tộc trong thời đại đất nước Việt Nam đang trở mình vươn ra thế giới.
Như thế, con cháu Hùng Vương hôm nay tự khẳng định vai trò và trách nhiệm bản thân đối với chính mình, cũng là xác lập trách nhiệm, vị trí của mình đối với gia đình, xã hội. Đấy là sự an trú trong niềm hạnh phúc vô biên khi biết sống cho hạnh phúc người khác, đồng nghĩa biết sống hạnh phúc cho chính mình. Tương lai rộng mở với ước mơ và kỳ vọng lý tưởng hóa thành hiện thực phải được thiết lập trên nền tảng hiện tại vững chắc.
Thế giới hạnh phúc của mỗi người Việt hôm nay và tương lai được khởi nguyên từ trong cội nguồn dân tộc, nó được minh chứng và trải nghiệm qua cuộc hành trình lịch sử từ âm vang hào sảng buổi đầu tổ tiên vua Hùng dựng nước, dũng khí quật khởi của tinh thần giữ nước của cha ông, kiên định thẳng tiến mở nước của con cháu sau này. Tất cả đã làm nên một dân tộc đáng tự hào, một đất nước mà khi gọi tên hai tiếng Việt Nam, bất cứ người dân Việt nào cũng trỗi dậy niềm tin và niềm hạnh phúc bất tận trong trái tim chứa dòng máu Lạc Việt, khối óc con Rồng cháu Tiên.
Chú thích:
[1] Lê Mạnh Thát (2008), Nghiên cứu về Mâu Tử, Nxb Văn hóa Sài Gòn, tr.503.
[2] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb Thuận Hoá, 1999, tr.84.
[3] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb Thuận Hoá, 1999, tr.88-89.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm