Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Từ hai bài phú Nôm - nghĩ về pháp phương tiện truyền giáo lý đạo Phật của Sơ tổ Trúc Lâm

Với các tác phẩm văn học trong Di sản của Điều Ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông để lại cho hậu thế là rất quý giá.

>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Lời Phật dạy 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bài liên quan

Trong số những bài thơ hướng về Phật giáo của Trần Nhân Tông theo các nhà nghiên cứu văn học cũng như Phật giáo có thể chia làm hai loại: Loại bài thứ nhất thiên về bộc lộ những cảm hứng, chiêm cảm do tác động từ đối tượng (cảnh sắc) và qua đó thơ thể hiện chất suy tư, tình cảm, chiêm nghiệm của mình trước cảnh sắc đó như các bài: Đề Cổ Châu hương thôn tự (Đề làng hương Cổ Châu), Đề Phổ Minh tự thủy tạ (Đề nhà thủy tạ chùa Phổ Minh), Đại Lãm Thần Quang Tự (Chùa Thần Quang trên núi Đại Lãm)…; loại bài thứ hai bày tỏ trực tiếp quan niệm của Sơ tổ về các mối quan hệ hữu - vô hay những lời giảng giải dưới hình thức hỏi đáp có nghĩa như những công án phân biệt mê ngộ bằng thơ như Tán Tuệ Trung Thượng sĩ (Ca ngợi Thượng sĩ Tuệ Trung), Hữu cú vô cú (Câu hữu câu vô), Sư đệ vấn đáp (Thầy trò hỏi đáp)…

Còn đề cập về hai bài phú nôm: Cư trần lạc đạo và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học) cho rằng: “Điều cần chú ý là chính nhờ Phật giáo, nhờ đời sống tu hành, sự đắc đạo và chất thi ca mà Trần Nhân Tông có được hai tác phẩm Nôm nổi tiếng đó là: Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca. Cả hai tác phẩm trường thiên đều bằng chữ Nôm, giữ vai trò định giá tư tưởng Phật giáo của Trần Nhân Tông cũng như khơi mở cho bộ phận thơ Nôm dân tộc phát triển thời bấy giờ”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước khi tìm hiểu nội dung của hai bài phú thơ Nôm nói trên của Trần Nhân Tông, đây là những tác phẩm thơ nôm được coi là xuất hiện sớm nhất trong lịch sử văn học chữ nôm ở nước ta, chúng ta hãy điểm qua đôi nét về hình thức của thể loại này.

Như chúng ta đã biết, phú là một thể văn có vần hoặc xen lẫn văn xuôi và văn vần, được viết ra để tả phong cảnh, kể sự việc, bàn chuyện đời, gửi tâm sự, hay nói cái chí của mình…Phú có loại một vần (độc vần) có loại nhiều vần (liên vần). Những bài phú dài thường nhiều vần. Những bài biền phú, câu chữ thường đối xứng về thanh điệu, về ngữ nghĩa theo thứ tự trong câu.

Ở Trung Quốc, phú bắt đầu xuất hiện từ thời Chiến Quốc (403 - 221- TCN) khởi nguồn từ Kinh Thi và Sở từ. Ở Việt Nam, các tác giả Hán Nôm sử dụng thể phú rất sớm. Bài Bạch Vân chiếu xuân hải phú của Khương Công Phụ (780 - 805) được coi là tác phẩm văn học thành văn trong dòng văn chữ Hán xuất hiện sớm nhất ở nước ta.

Bài liên quan

Vào thời Lý - Trần phú được phổ cập rộng rãi trong cả nước. Đến thời Trần Anh Tông (1293 - 1314) thể loại phú trở thành một môn thi bắt buộc trong các kỳ khoa cử tuyển chọn nhân tài. Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Trú phần khoa mục chí còn ghi lại: “Anh Tông (tức vua Anh Tông con trưởng kế ngôi của TNT) năm Hưng Long thứ 12 (1305) tháng 3 thi học trò trong nước, lấy Tam khôi, Hoàng giáp và Thái học sinh 44 người. Phép thi, trước thi ám tả…kinh nghĩa, thơ dùng thể cổ thi ngũ ngôn trường thiên, lấy 4 chữ “tài, nạn, xạ, trì” làm vần, phú dùng 8 vần”.

Do thể loại phú với đặc điểm cho phép thể hiện được tư tưởng, tình cảm lớn lao hào hùng, những sự vĩ đại, nên phú đã trở thành một trong những loại thể được các tác giả thời đó dùng để sáng tác.

Nhận xét về phú đời Trần, học giả Lê Quý Đôn (1726-1784) viết: “Văn thể phú về triều nhà Trần, phần nhiều khôi kỳ hùng vĩ, lưu loát đẹp đẽ (1). Theo Đại Việt sử ký toàn thư (QIV) chép rằng: “Phú chữ Nôm thời Trần đã được sử dụng nhiều, nước ta làm thơ phú bằng quốc ngữ (tức chữ nôm) bắt đầu từ đấy”. Theo các nhà nghiên cứu, dấu tích xưa nhất về chữ nôm xuất hiện trong khoảng đầu thế kỷ XI. Còn chữ nôm, nhiều thế hệ người Việt từ thế kỷ XIII cho đến thế kỷ XX đã sử dụng để sáng tác, tạo nên những tác phẩm có giá trị trong nền văn hóa Dân tộc.

Về văn bản Nôm cổ nhất còn lưu lại đến nay là 3 tác phẩm Nôm đời Trần, được ghi lại trong cuốn Thiền tông bản hạnh, bản in năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745) (2) gồm các tác phẩm:

1. Cư trần lạc đạo phú.

2. Đắc phú lâm tuyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông.

3. Vịnh Hoa Yên tự phú của Đệ tam tổ Huyền Quang.

Trở lại với hai bài phú Nôm Cư trần lạc đạo và Đắc thú lâm tuyền hành đạo ca của Phật hoàng Trần Nhân Tông chúng ta thấy: với Cư trần lạc đạo phú, Sơ tổ nhấn mạnh nội dung phú ở cõi trần vui đạo. Qua mười hội và ngay từ câu mở đầu của mỗi hội đều thấy rõ nét nghĩa của sự tỉnh thức, phát hiện, đúc kết với các từ ngữ thật gần gũi dễ hiểu như: Biết vậy…, Tìm xem…, Vậy mới hay…, Vậy cho hay…, Thực thế…; Chưng ấy… và nhiều từ khác trong bài với ngữ nghĩa “nôm na” chẳng cần văn hoa mà dễ hiểu đã nói nên được cũng như thể hiện được nhãn quan và thức tâm của Thiền qua những câu chữ trong bài phú nói trên của Trần Nhân Tông giúp ta hiểu được những ý chỉ sâu xa nhất ở đó. Trong một giây phút đốn ngộ ấy, đức vua Trần Nhân Tông đã tỏ được ánh sáng của Đức Phật. Rồi trên đường dẫn đạo Trần Nhân Tông trở thành vị Sơ tổ của Thiền phái Trúc lâm. Bằng trí tuệ Bát nhã ấy, Sơ tổ muốn thức tỉnh mọi người tìm lại cái đã mất- tức Phật tâm của mình.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bài liên quan

Tìm hiểu về phái Thiền nhập thế Trúc lâm Yên Tử, đã có người đặt câu hỏi: Vì sao Điều Ngự Trần Nhân Tông đã viết hai bài phú bằng chữ Nôm? Và câu trả lời có lẽ chẳng làm ai bất ngờ và dễ hiểu đó là Sơ tổ muốn dùng chữ Nôm bởi điều đó không chỉ đem đến lòng tự tôn dân tộc, mà chữ Nôm với nghĩa tự (nôm na) dễ hiểu để tiếp dẫn Phật pháp vốn trừu tượng khó hiểu, nhằm giúp con dân đất Việt dễ dàng đến với giáo lý đạo Phật. Đọc hai tác phẩm thơ nôm này, chúng ta càng thấy rõ dụng ý phương tiện truyền Pháp của Sơ tổ.

Trong Hành trạng của Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Nhân Tông viết:

“Một hôm ta (tức Trần Nhân Tông) hỏi về cái gốc của tôn chỉ Thiền. Thượng sĩ ứng khẩu đáp: “Hãy quay nhìn lại cái gốc của mình chứ không tìm đâu khác được”. Ta bỗng bừng tỉnh con đường phải đi, bèn xốc áo thờ Người làm thầy”. (Tuệ Trung Thượng sĩ theo bề bậc còn là bác của Trần Nhân Tông).

Cư trần lạc đạo phú gồm 10 hội. Để tiện việc theo dõi tìm hiểu chúng tôi sẽ chuyển đến đạo hữu và bạn đọc nguyên văn mười hội này ở phần cuối bài viết. Ở đây chỉ xin đề cập (hội thứ 2 và hội 5).

Ở hội thứ 2, chúng ta thấy Cư trần lạc đạo phú, đức Điều Ngự đã chỉ ra chốn Cực lạc chẳng ở đâu xa! Từ sự thấu hiểu đạo trong lòng của chính mình:

“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương, Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc”.

Trần Nhân Tông như khuyên mọi người phải tự giải thoát, và muốn giải thoát rốt ráo thì phải thoát ra ngoài sự vật (tức vô trụ tam giới) để chân tâm được trong sáng, để Phật tính mỗi người được mở thông (câu thông) với cảnh giới thanh tịnh.

“Ăn rau trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay.

Vận giấy vận sồi, thân căn có ngại chi đen bạc.

Nhược chỉn vui bề đạo đức, nửa gian lầu quý nữa thiên cung.

Dầu hay mến thủa nhân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác”.

Đến hội thứ 5, Trần Nhân Tông nêu tư tưởng cốt lõi của Thiền học là:

“Bụt ở trong nhà,

Chẳng phải tìm xa.

Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt;

Đến cốc hay chỉn Bụt là ta”

Nghĩa là: Trở về với cái gốc của mình, đến khi giác ngộ thì Phật ở tâm mình. Đây chính là thông điệp thứ nhất mà Trần Nhân Tông muốn gửi đến mọi người. Tác phẩm Cư trần lạc đạo phú là một bản hòa ca về con người biết vui với đạo khi đang sống giữa cõi đời mà không xa lánh nó. Đi hết mười hội của bài phú là đến lời kệ có ý nghĩa tóm lược, tổng kết toàn bộ nội dung bài phú. Đây là sự bày tỏ giáo lý Phật giáo, là lời đúc kết tư tưởng Thiền học của Trần Nhân Tông.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chúng ta cùng đọc và suy ngẫm lời kệ đúc kết có ý nghĩa tóm lược này của bài phú:

Cõi trần vui đạo hãy tùy duyên,

Đói thì cứ ăn, mệt ngủ liền.

Báu sẵn trong nhà thôi tìm kiếm,

Vô tâm trước cảnh hỏi chi thiền. 

(Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, 

Cơ tắc xan hề chốn tác miên.

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch, 

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền)

(Huệ Chi phiên âm từ chữ Nôm)

Đói thì ăn, mệt thì nghỉ, tùy theo duyên trên cõi đời này. “Duyên” là mối quan hệ giữa con người và sự vận động của thế giới khách quan vũ trụ nói chung. Trong bài kệ tóm lược Trần Nhân Tông như nhắc nhở mọi người hãy thuận theo sự vận động của quy luật tự nhiên (tức quy luật cuốn hút vật lý âm dương) của trái đất này (kể cả con người và vạn vật) cũng như trong tam giới.

Bài liên quan

Như vậy, cũng có nghĩa là tinh thần “nhập thế” bao trùm hay nói rõ hơn đó là Thiền nhập thế “tích cực” theo phương pháp “biện tâm trí tuệ” (3); khác với thiền quán tưởng mục đích nói chung là (tìm cầu những điều xa lạ) thiếu thực tế cả về nội dung và hình thức. Phải chăng nhờ có thiền nhập thế, thiền “biện tâm” như vậy, mà con người được đặt trong mối tương quan giữa đời và đạo trong việc vận dụng và phát huy khả năng bản thể tánh người và tánh Phật tùy theo hoàn cảnh.

Chính vì lý do Phật giáo Trúc lâm nhập thế dung thông “vô ngại” như thế mà quân dân Đại Việt thời Trần đã chiến thắng vẻ vang ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông hung hãn nhất lịch sử thế giới lúc bấy giờ. Đó là thông điệp mà đức vua Trần Nhân Tông gửi mọi người hãy thuận theo lẽ tự nhiên, sống với  tinh thần và tư tưởng Thiền “tích cực”.

Cùng với tư tưởng thiền trong tác phẩm “Cư trần lạc đạo phú”, thì Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, với hình thức thơ trường thiên gồm 84 câu thơ thể 4 chữ, đức Điều Ngự Trần Nhân Tông cũng khuyên nhủ mọi người trở về với thiên nhiên để được thuần hậu, hỷ lạc, từ bi. Và ngài cũng chỉ ra mối quan hệ giữa Cái thân - Chủ thể con người với cảnh giới tự nhiên về cảm nhận bản thể, bản chất sắc thân.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cảm nhận trở về với thiên nhiên thuần hậu:

"Khất tịch non cao,

Náu mình sơn dã.

Vượn rừng hủ hỷ,

Làm bạn cùng ta.

Vắng vẻ ngàn kia,

Thân lòng hỷ xả.

Để gần với đạo Thiên hơn, Sơ tổ nói rõ:

“Niềm lòng vằng vặc,

Giác tính quang quang.

Chẳng còn bỉ thử,

Tranh nhân chấp ngã.

Xướng khúc vô sinh,

Am Thiền tiêu sái (3).

Cảm nhận về bản chất sắc thân: “Sinh có nhân thân…

Kiến chốn dưỡng thân…

Cốc hay thân huyễn,

Chẳng khác phù vân…

An thân lập mệnh,

Thời tiết nhân duyên…

Thân này chẳng quản,

Bữa đói bữa no…

Pháp thân thường trụ,

Phổ mãn thái hư”

Bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca được Trần Nhân Tông viết sau khi xuất gia lên Yên Tử. Kết thúc khúc ca thành đạo này là bài kệ biểu cảm khái quát tâm thức con người đạt đạo, thấu hiểu lẽ chân như và trở lại hòa nhập trong cuộc sống đời thường:

Kệ rằng:

Sống yên giữa cảnh lặng lòng không,

Gió mát hiu hiu lọt bóng thông.

Dưới gốc giường thiền, kinh một quyển,

Thanh nhàn hai chữ, đáng muôn đồng.

(Cảm tịch an cư tự tại tâm,

Lương phong suy đệ nhập tùng âm.

Thiền sàng thụ hạ nhất kim quyển,

Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn kim) 

(Huệ Chi phiên âm từ chữ Nôm)

Nhân tưởng niệm 711 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, đọc lại hai bài phú (thơ Nôm) của Sơ tổ Trúc lâm, chúng ta càng thấy bất ngờ và kinh ngạc bởi cách đây gần 800 năm với tư duy thời quân chủ. Nhưng kết quả pháp phương tiện mà Sơ tổ lựa chọn truyền giáo lý đạo Phật đến nay vẫn làm không ít thức giả, kẻ tu hành đương đại khi tìm hiểu Di sản và di huấn của ngài luôn bất ngờ, bởi ở đó, đường linh chánh pháp mà Sơ tổ Trúc lâm dầy công xây dựng - nuôi dưỡng mạng mạch Phật pháp luôn tàng ẩn và tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại. 

Từ tinh hoa tiềm ẩn và mạch nguồn trí tuệ ấy, đã dẫn dắt dòng thiền Nhập thế Trúc lâm Yên Tử mang đậm bản sắc Dân tộc Việt; đồng thời cũng là điểm hội tụ và tiếp nối dòng Thiền tông thanh tịnh - Thích Ca Văn.

Lưu ý: (Để giúp cho việc đọc, tìm hiểu và đối chiếu, dưới bài viết này, chúng tôi chuyển đến đạo hữu và bạn đọc nguyên văn hai bài phú nói trên của Sơ tổ Trúc lâm).

Ghi chú:

(1) Lê Quý Đôn - Kiến văn tiểu lục - Nxb KHXH 1977.

(2) Theo dẫn luận trong Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu – Nxb KHXH 1993.

(3) Những bản dịch về 2 bài phú thơ nôm được trích từ (Tổng tập văn học Việt Nam - tập 2 - Nxb KHXH 1997)

- Thiền học đời Trần (nhiều tác giả) - Nxb Tôn giáo 2003 - HT.Thanh Từ chủ biên)

Cư Trần Lạc Đạo (nguyên văn)

Bài Cư Trần Lạc Đạo là của một vị vua xuất gia viết, đó là vua Trần Nhân Tông. Sau khi xuất gia, vua có hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ. Bài này là trái tim của Trúc Lâm Đại Sĩ, và trong địa vị văn học, đây là sáng tác tiếng Nôm đầu tiên tại Việt Nam. Cư Trần Lạc Đạo là một bài phú gồm mười Hội, trình bày phương pháp tu tập của Trúc Lâm Đại Sĩ.

HỘI THỨ NHẤT

Mình ngồi thành thị; nết dùng sơn lâm. Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính; nửa ngày rồi tự tại thân tâm.

Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý; thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.

Chơi nước biếc, ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý; biết đào hồng, hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm!

Nguyệt bạc vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng; liễu mềm hoa tốt, ngất quần sinh tuệ nhật sâm lâm.

Lo hoán cốt, ước phi thăng, đan thần mới phục; nhắm trường sinh, về thượng giới, thuốc thỏ còn đam.

Sách dễ xem chơi, yêu tính sáng yêu hơn châu báu; kinh nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim.

HỘI THỨ HAI

Biết vậy! Miễn được lòng rồi; chẳng còn phép khác.

Gìn tính sáng, tính mới hầu an; nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác.

Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thực kim cương; dừng hết tham sân, mới lảu lòng mầu viên giác.

Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương;

Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc.

Xét thân tâm, rèn tính thức, há rằng mong quả báo phô khoe; cầm giới hạnh, địch vô thường, nào có sá cầu danh bán chác.

Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay; vận giấy vận sồi, thân căn có ngại chi đen bạc.

Nhược chỉn vui bề đạo đức, nửa gian lều quí nữa thiên cung; dầu hay mến thửa nhân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác.

HỘI THỨ BA

Nếu mà cóc, tội ắt đà không, phép học lại thông.

Gìn tính sáng mựa lạc tà đạo; sửa mình học cho phải chính tông.

Chỉn Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã tổ; vong tài đối sắc ắt tìm cho phải thói Bàng công.

Áng tư tài tính sáng chẳng tham, há vì ở Cánh-diều Yên-tử; răn thanh sắc niềm dừng chẳng chuyển, lọ chi ngồi am Sạn non Đông.

Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc; sơn lâm chẳng cóc, họa kia thực cả đồ công.

Nguyền mong thân cận minh sư, quả bồ đề một đêm mà chín; phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đơm bông.

HỘI THỨ TƯ

Tin xem! Miễn cóc một lòng; thì rồi mọi hoặc.

Chuyển tam độc mới chứng tam thân; đoạn lục căn nên trừ lục tặc.

Tìm đường hoán cốt, chỉn sá hay phục thuốc luyện đơn; hỏi phép chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.

Biết chân như, tin bát nhã, chớ còn tìm Phật, Tổ Tây Đông; chứng thực tướng, ngỏ vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiền Nam Bắc.

Xem tam tạng giáo, ắt học đòi thiền uyển thanh quy; đốt ngũ phận hương, chẳng tốn đến chiên đàn chiêm bặc.

Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích-ca; cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thực ấy là Di-lặc.

HỘI THỨ NĂM

Vậy mới hay: Bụt ở cong nhà; chẳng phải tìm xa.

Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt; đến cóc hay chỉn Bụt là ta.

Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãn cong quê Hà hữu; kinh xem ba bận, ngồi ngơi mái quốc Tân-la.

Cong đạo nghĩa, khoảng cơ quan, đà lọt lẫn trường kinh cửa tổ; lánh thị phi, ghê thanh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa.

Đức Bụt từ bi, mong nhiều kiếp nguyền cho thân cận; ơn Nghiêu khoáng cả, lọt toàn thân phô việc đã tha.

Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xễ; cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa.

Ngăn bát thức, nén bát phong, càng đè càng bội; lãy tam huyền, nông tam yếu, một cắt một ma.

Cầm vốn thiếu huyền, sá đàn dấu xoang vô sinh khúc; địch chẳng có lỗ, cũng phiếm chơi xướng thái bình ca.

Lãy cội tìm cành, còn khá tiếc Cu-chi trưởng lão; quay đầu chớp bóng, ắt kham cười Diễn-nhã-đạt-đa.

Lọt quyển kim cương, há mặt hầu thông nên nóng; nuốt bồng lật cức, nào tay phải xước tượng da.

HỘI THỨ SÁU

Thực thế! Hãy sá vô tâm, tự nhiên hợp đạo. Dừng tam nghiệp mới lặng thân tâm; đạt một lòng thì thông tổ giáo.

Nhận văn giải nghĩa, lạc lài nên thiền khách bơ vơ; chứng lý tri cơ, cứng cát phải nạp tăng khôn khéo.

Han hữu lậu han vô lậu, bảo cho hay the lọt duộc thưng; hỏi đại thừa hỏi tiểu thừa, thưa thẳng tắt lòi tiền tơ gáo.

Nhận biết làu làu lòng vốn, chẳng ngại hề thời tiết nhân duyên; chùi cho vặc vặc tính gương, nào có nhuốm căn trần huyên náo.

Vàng chưa hết quặng, sá tua chín phen đúc chín phen rèn; lộc chẳng còn tham, miễn được một thì chay một thì cháo.

Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm; ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu.

Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi ân; học đạo thợ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo.

HỘI THỨ BẢY

Vậy mới hay: Phép Bụt trọng thay; rèn mới cóc hay.

Vô minh hết bồ đề thêm sáng; phiền não rồi đạo đức càng say.

Xem phỏng lòng kinh, lời Bụt thốt dễ cho thấy dấu; học đòi cơ tổ, sá thiền không khôn chút biết nay.

Cùng căn bản, rữa trần duyên, mựa để mấy hào ly đương mặt; ngã thắng tràng, viên tri kiến, chớ cho còn họa trữ cong tay.

Buông lửa giác ngộ, đốt hoại thảy rừng tà ngày trước; cầm kiếm trí tuệ, quét cho không tính thức thuở nay.

Vâng ơn thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo; mến đức cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay.

Cảm đức từ bi, để nhiều kiếp nguyền cho thân cận; đội ơn cứu độ, nát muôn thân thà chịu đắng cay.

Nghĩa hãy nhớ, đạo chăng quên, hương hoa cúng xem còn nên thảo; miệng rằng tin, lòng lại lỗi, vàng ngọc thờ cũng chửa hết ngay.

HỘI THỨ TÁM

Chưng ấy: Chỉn sá tua rèn; chớ nên tuyệt học.

Lay ý thức chớ chấp trằng trằng; nén niềm vọng mựa còn xóc xóc.

Công danh mảng đắm, ấy toàn là những đứa ngây thơ; phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cóc.

Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu; săn hỷ xả, nhuyến từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc.

Rèn lòng làm Bụt, chỉn sá tua một sức giồi mài; đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lừa lọc.

Xem kinh đọc lục, làm cho bằng thửa thấy thửa hay; trọng Bụt tu thân, dùng mựa lỗi một tơ một tóc.

Cùng nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo; lật thửa cơ quan, mà còn để tấm hơi lọt lọc.

HỘI THỨ CHÍN

Vậy cho hay: Cơ quan tổ giáo, tuy khác nhiều đàng, chẳng cách mấy gang.

Chỉn sá nói từ sau Mã Tổ; ắt đã quên thuở trước Tiêu Hoàng.

Công đức toàn vô, tính chấp si càng thêm lỗi; quách nhiên bất thức, tai ngu mãng ắt còn vang.

Sinh Thiên Trúc, chết Thiếu Lâm, chôn dối chân non Hùng Nhĩ; thân bồ đề, lòng minh kính, bày dơ mặt vách hành lang.

Vương lão chém mèo, lượt trẩy lòng ngừa thủ tọa; thầy Hồ khua chó, trỏ xem trí nhẹ con giàng.

Chợ Lư Lăng gạo mắc quá ưa, chẳng cho mà cả; sở Thạch Đầu đá trơn hết tấc, khôn đến thưa đang.

Phá táo cất cờ, đạp xuống dấu thiêng thần vật; Cu Chi dơ ngón, dùng đòi nếp cũ ông ang.

Lưỡi gươm Lâm Tế, nạng Bí Ma, trước nạp tăng no dầu tự tại; sư tử ông Đoan, trâu thầy Hựu, răn đàn việt hượm sá nghênh ngang.

Đưa phiến tử, cất trúc bề, nghiệm kẻ học cơ quan nhẹ nhẵn; xô hòn cầu, cầm mộc thược, bạn thiền hòa chước móc khoe khoang.

Thuyền tử rà chèo, dòng xanh chửa cho tịn tẩy; Đạo Ngô múa hốt, càn ma dường thấy quái quàng.

Rồng Yển lão nuốt càn khôn, ta xem chỉn lệ; rắn Ông Tồn ngang thế giới, người thấy ắt giang.

Cây bách là lòng, thác ra trước phải phương Thái bạch; bính đinh thuộc hỏa, lại trở sau lỗi hướng thiên cang.

Trà Triệu lão, bánh Thiều dương, bầy thiền tử hãy còn đói khát; ruộng Tào khê, vườn Thiếu thất, chúng nạp tăng những để lưu hoang.

Gieo bó củi, nẩy bông đèn, nhân mang mới nết; lộc đào hoa, nghe tiếng trúc, mặc vẻ mà sang.

HỘI THỨ MƯỜI

Tượng chúng ấy: Cóc một chân không; dùng đòi căn khí.

Nhân lòng ta vướng chấp khôn thông; há cơ tổ nay còn thửa bí.

Chúng Tiểu thừa cóc hay chửa đến, Bụt sá ngăn Bảo sở hóa thành; đấng Thượng Sĩ chứng thực mà nên, ai ghẻ có sơn lâm thành thị.

Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao; chiền vắng am thanh, chỉn thực cảnh đạo nhân du hý.

Ngựa cao tán cả, Diêm Vương nào kể đứa nghênh ngang; gác ngọc lầu vàng, ngục tốt thiếu chi người yêu quý.

Chuộng công danh, lồng nhân ngã, thực ấy phàm ngu; say đạo đức, dời thân tâm, định nên thánh trí.

Mày ngang mũi dọc, tướng tuy lạ xem ắt bẳng nhau; mặt thánh lòng phàm, thực cách nhẫn vàn vàn thiên lý.

KỆ KẾT THÚC

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.

Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên.

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch;

Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.

Theo bản của: Sư ông Làng Mai - Thích Nhất Hạnh)

Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca

- Bài “Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca” là bài ca thành đạo của Sơ Tổ Trúc Lâm, khi Ngài xuất gia tu trên núi rừng, được niềm vui đạt đạo.

Sinh có nhân thân,

Ấy là họa cả;

Ai hay cốc được,

Mới ốc là đã.

Tuần này mà ngẫm,

Ta lại xá ta;

Đắc ý cong lòng,

Cười riêng ha hả.

Công danh chẳng trọng,

Phú quý chẳng màng;

Tần Hán xưa kia,

Xem đà nhèn hạ.

Yên bề phận khó,

Kiếm chốn dưỡng thân;

Khuất tịch non cao,

Náu mình sơn dã.

Vượn mừng hủ hỷ,

Làm bạn cùng ta;

Vắng vẻ ngàn kia,

Thân lòng hỷ xả.

Thanh nhàn vô sự,

Quét tước đài hoa;

Thờ phụng bụt trời,

Đêm ngày hương hoả.

Tụng kinh niệm bụt,

Chúc thánh khẩn cầu;

Tam hữu tứ ân,

Ta nguyền được bả.

Niệm lòng vặc vặc,

Giác tính quang quang;

Chẳng còn bỉ thử.

Tranh nhân chấp ngã.

Trần duyên rũ hết,

Thị phi chẳng hề.

Rèn một tấm lòng,

Đêm ngày đon đả.

Ngồi cong trần thế,

Chẳng quản sự thay.

Văng vẳng ngàn kia,

Dầu lòng dong thả.

Học đòi chư Phật,

Cho được viên thành;

Xướng khúc vô sinh.

An thiền tiêu sá.

Ai ai xá cốc,

Bằng huyễn chiêm bao;

Xẩy tỉnh giấc hoè,

Châu rơi lã chã.

Cốc hay thân huyễn,

Chẳng khác phù vân;

Vạn sự giai không,

Tựa dường bọt bể.

Đem mình náu tới,

Cảnh vắng ngàn kia;

Dốc chí tu hành,

Giấy sồi bô bả.

Lành người chẳng chớ.

Dữ người chẳng hay;

Ngậm miệng đắp tai,

Hề chi hoạ cả.

An thân lập mệnh.

Thời tiết nhân duyên;

Cắt thịt phân cho,

Dầu là chim cá.

Thân này chẳng quản.

Bữa đói bữa no;

Địa thuỷ hoả phong,

Dầu là biến hoá.

Pháp thân thường trụ,

Phổ mãn thái hư,

Hiển hách mục tiền,

Viên dung loã loã.

Thiền tông chỉ thị,

Mục kích đạo tồn;

Không cốc truyền thanh,

 m hưởng ứng dã.

Phô người học đạo,

Vô số nhiều thay;

Trúc hoá nên rồng,

Một hai là hoạ.

Bởi lòng vờ vịt,

Trỏ Bắc làm Nam;

Nhất chỉ đầu thiền,

Sát na hết cả.

 Kệ rằng:

Cảnh tịch an cư tự tại tâm,

Lương phong xuy đệ nhập tùng âm.

Thiền sàng thọ hạ nhất kinh quyển,

Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn câm.

Dịch nghĩa:

Cảnh lặng, sống yên, lòng tự tại,

Gió mát thổi đến dưới bóng cây thông.

Giường thiền ở dưới gốc cây, kinh một quyển,

Hai chữ thanh nhàn quý hơn vạn nén vàng.

Dịch thơ:

Sống yên giữa cảnh lặng lòng không,

Gió mát hiu hiu lọt bóng thông.

Dưới gốc, giường thiền, kinh một quyển,

Thanh nhàn hai chữ, đáng muôn đồng.

(Huệ Chi phiên âm từ chữ Nôm)

Nguồn: Thơ văn Lý Trần, NXB Khoa học xã hội, 1977

               

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?

Nghiên cứu 15:36 02/11/2024

Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?

Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng

Nghiên cứu 15:06 02/11/2024

Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.

Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm

Nghiên cứu 08:10 01/11/2024

Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.

Xem thêm