Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 07/07/2024, 09:03 AM

Tụng quyển 7, kinh Pháp Hoa

Phật dạy sanh làm người là điều khó, được gặp Phật pháp khó hơn và hiểu, ứng dụng Phật pháp vào đời sống tu hành cho đạt kết quả tốt đẹp càng khó hơn nữa.

Ngày nay trên thế giới có hơn sáu tỷ người, nhưng số người gặp được Phật pháp chưa tới 10%. Nhưng trong 10% số người gặp Phật pháp mà tin được thì không nhiều; vì gặp Phật pháp và tin Phật pháp do căn lành nhiều đời trước, nên sanh đời này, chúng ta mới gặp Phật pháp và tự nhiên tin Phật.

Vào thời thơ ấu, lúc 6, 7 tuổi, tôi thấy bên cạnh nhà có người qua đời. Tôi nghĩ làm người sanh ra và chết thì uổng một kiếp người. Tôi biết suy nghĩ như vậy từ thuở nhỏ, thì may mắn tôi đọc báo Từ Bi Âm do thân phụ tôi mua. Phần lớn trong báo này nói về tiền thân của Đức Phật. Đó là tôi có duyên với Phật pháp, từ đó, tôi nghĩ về Phật, tin Phật và theo niềm tin đó, tôi đi tìm đạo.

Kinh Pháp hoa

Kinh Pháp hoa

Vào thời đó, người có căn lành tìm thầy dìu dắt tu hành đã khó, mà học đạo được càng khó hơn. Riêng tôi, nhờ căn lành đời trước, tự nhiên từ trong sâu kín tâm hồn, thường nghĩ đến Phật và tin Phật. Tuy nhiên, tin Phật và lạy Phật, ai cũng làm, nhưng đạt được kết quả không nhiều.

Người có căn lành và niềm tin ở Phật, siêng năng lạy Phật, tụng kinh, cũng tìm được sự an lành trong lòng, nhưng gặp thầy khai ngộ thì khó nữa. Vì vậy, học kinh, tụng kinh có phước, nhưng áp dụng được trong cuộc sống thì khó hơn.

Tôi may mắn có duyên với kinh Pháp hoa, vì từ 12  tuổi mà đã ra tới Tân An, gặp Hòa thượng Đạt Vương cho bộ kinh Pháp hoa bằng chữ Nho, tuy không đọc được, nhưng rất quý và phát tâm xuất gia, luôn ôm bộ kinh này theo. Vì không đọc được, không hiểu, nhưng nhờ căn lành làm tôi tin tưởng đây là vật quý giá.

Tới với Phật pháp, tin Phật và quan trọng là bước đầu tôi tìm đạo. Đầu tiên,  tôi cũng tới tổ đình Giác Lâm, gặp Hòa thượng Viện chủ, sau đó qua Giác Viên gặp Hòa thượng Giáo thọ, đó là hai ngôi chùa duy nhất ở thành phố này vào thời đó có tụng kinh Pháp hoa chữ Hán.

Và thấy tôi ôm bộ kinh Pháp hoa, Hòa thượng nói chú có duyên với kinh này. Tôi nhắc Tăng Ni, Phật tử, ai có duyên với kinh Pháp hoa, tự nhiên quý trọng kinh và tin tưởng kinh, người đó sẽ được Phật hộ niệm, được Hộ pháp long thiên giữ gìn và Hộ pháp chỉ đường cho mình đi tầm sư học đạo.

Thật vậy, trong thời gian đó, tôi gặp một vị sư không biết tên, nhưng nói giọng miền Trung, nên được gọi là thầy Huế. Gặp tôi, ông nói chú đi ra chùa Phước Tường, gặp Hòa thượng Bửu Ngọc, có duyên học được. Chùa Phước Tường cũng thuộc tông môn của Giác Lâm chúng ta.

Và ở Phước Tường mấy tháng, ông thầy này trở lại chùa nói với tôi rằng chú có duyên với Hòa thượng Huê Nghiêm hơn. Trên bước đường tu có Bồ-tát chỉ đường là vậy.

Ở chùa Huê Nghiêm một năm, ông lại chỉ tôi muốn đi xa con đường đạo, nên vào Phật học đường Nam Việt. Và khi tôi tốt nghiệp xong, ông đến nói chú nên sang Nhật học.

Vì vậy, tôi có cảm giác Phật đã khiến vị thầy này đến chỉ đường cho tôi đi học đạo trong sự bình yên và thăng hoa. Nếu không có minh sư chỉ đường, lại gặp thầy tà, bạn ác thì thật khó tu.

Theo tôi, có niềm tin vững, được Phật hộ niệm, nên mình và Phật có sự gắn bó vô hình không nói được. Chính vì vậy, chúng ta thấy ai cũng tu, nhưng kết quả tốt thì không phải ai cũng được và kết quả của mỗi người cũng không giống nhau.

Và tôi gặp Hòa thượng Trí Tịnh dạy tôi kinh Pháp hoa. Ngài nói học kinh, nhưng phải hiểu nghĩa kinh. Tôi rất thích thú nghe ngài giảng kinh Pháp hoa và hiểu được nghĩa kinh là bước thứ hai, tôi có duyên với kinh Pháp hoa.

Phật tử tụng kinh Pháp hoa đòi hỏi chúng ta phải hiểu nghĩa lý trong kinh. Riêng tôi, hiểu được nghĩa kinh Pháp hoa và vào chùa Ấn Quang tu học, gặp cố Hòa thượng Trí Hữu là vị chân tu có niềm tin sâu sắc với kinh Pháp hoa. Mỗi ngày, Hòa thượng tụng một bộ kinh Pháp hoa xong, thì đốt một liều hương trên đầu để cúng dường Phật. Hết chỗ đốt trên đầu, Hòa thượng đốt hương lên hai cánh tay, hết chỗ đốt ở cánh tay, Ngài lại phát nguyện đốt bứt ngón tay. Ngài đã thể hiện niềm tin vững mạnh trong cuộc đời tu hành. Tôi hỏi ngài đốt như vậy có nóng không. Ngài nói nóng thì làm sao đốt được.

Có thể hiểu tu hành được Phật hộ niệm ở độ cao, mình bắt đầu vào định của kinh Pháp hoa, thì không bị sự chi phối của thân tứ đại, của xã hội và thiên nhiên. Thực tế cho thấy nhiều người tu, say mê tụng kinh, quên ăn, quên ngủ, không bị đói khát, nóng lạnh chi phối.

Người tu theo Nguyên thủy đạt đến sở đắc này, gọi là Dự lưu, tức vào dòng Thánh. Người tu Pháp hoa đến đây cũng vậy, sống ngoài khen chê, không ăn ngủ cũng không sao. Hòa thượng Thanh Kiểm nói lúc đói, không có gì ăn, thì uống nước quên đói. Ai có căn lành, có niềm tin cảm nhận được ý này. Riêng tôi, khi say mê nghiên cứu Phật pháp, thấy được điều lạ là suốt ngày không ăn, cũng không nghĩ đến ăn, nhưng không thấy đói.

 Người tụng kinh không đói, vì thâm nhập pháp Phật, nên Pháp thân hiện ra, khiến cho người khác nhìn thấy pháp Phật ẩn bên trong con người bằng xương thịt của họ. Còn mình cũng tu và nghĩ rằng mình phải làm việc nào đó để cho người quý trọng, nhưng không được quý trọng thì buồn.

Thực tu, không cần ai nghĩ đến mình, không cần ai quý trọng mình. Nhưng một ngày mình sống với pháp là ngày đó, Pháp thân Phật đã hiện ra, thì kinh Pháp hoa, Đức Phật nói rằng người đó đã đến đạo tràng, trong thân của họ có sẵn Đức Phật. Ông bảo trời người phải nên cúng dường như cúng chư Phật.

Điển hình cho ý này, đó là Phật Thích Ca, Ngài là thái tử, nhưng trong tâm thái tử đã có Phật, nên Ngài hiện tướng Phật. Vì Ngài là Phật thiệt, nên hiện tướng Phật suốt 49 năm giáo hóa độ sanh, không thay đổi. Còn chúng ta chỉ có một niệm tâm thanh tịnh, hay một ngày thanh tịnh mà thôi, thì niệm tâm đó có Phật, ngày đó có Phật. Và sau đó, nếu nghĩ đến ăn, Phật biến mất và mình trở thành ngạ quỷ.

Hòa thượng Thiện Tường khi còn sanh tiền, chuyên tụng kinh Pháp hoa. Ngài nói rằng không cần gì, chỉ muốn tu, nhưng người ta đem cúng tiền, gạch ngói, bắt buộc phải làm. Nhưng đến khi Hòa thượng dấn thân làm thì thiếu trước hụt sau.

Tôi phát hiện những gì mà mình khởi tâm vọng niệm, Phật liền biến mất, giữ tâm thanh tịnh, Phật xuất hiện. Vì vậy, giữ được Phật trong lòng, không có cảm giác đói, khát, nóng, lạnh. Người tụng kinh Pháp hoa có kết quả, thâm nhập ý kinh, tụng suốt ngày, không khát nước, nhưng có cảm giác có nước ngọt trong cổ và âm thanh còn tốt hơn. Còn người vừa tụng kinh vừa uống nước, hoặc tụng kinh thấy đói, vì chỉ tụng trên đầu môi chót lưỡi bộ kinh bằng giấy trắng mực đen thôi.

Và tụng kinh, dù trời nóng 40 độ, nhưng không thấy nóng, đó là đã vào cửa đạo. Bình thường, ngồi một chút thấy nóng và thấy nóng rồi lại thấy nóng hơn. Người tu ngồi yên trong chánh niệm, không cảm giác nóng lạnh. Tôi gặp nhà sư Ấn Độ ở Ý. Vào mùa đông, tôi phải mặc hai, ba lớp áo vẫn lạnh. Ông này chỉ mặc một áo. Tu hơn nhau ở điểm đó.

Người thâm nhập đạo, gọi là Nhập lưu, tức vào dòng thác trí tuệ, nên không kẹt vào xã hội, không bị thiên nhiên chi phối, là xuất thế. Thực tu sẽ đạt được kết quả này. Nếu không tới chỗ này, mà cứ nghĩ theo vọng tưởng những cách khác, cuộc đời tu cũng chẳng được gì. Cần nỗ lực thực tập pháp Phật miên mật, đúng đắn, chắc chắn gặt hái được sở đắc, sở chứng mà kinh thường ví như người uống nước mới biết nước nóng lạnh thế nào.

Hòa thượng Huê Nghiêm nói Tổ Huệ Đăng dạy không cần tụng hết bộ kinh Pháp hoa, chỉ tụng quyển thứ 7 của bộ kinh này. Thiết nghĩ người đi trước chứng ngộ, thấy được điều mà người phàm không thấy, nên họ dự vào hàng Thánh, tức họ cũng là người, nhưng được quý trọng như Thánh. Tu hành khác nhau ở điểm đó.

Tôi suy nghĩ tại sao Tổ dạy tụng quyển 7 kinh Pháp hoa và phát hiện những điều kỳ vĩ mà Phật đã dạy trong quyển 7. Ai có nhân duyên căn lành sẽ nhận ra. 

Quyển 7 kinh Pháp hoa đầu tiên nói về tiền thân của Bồ-tát Dược Vương, gọi là Dược Vương Bồ-tát Bổn sự. Bổn sự là việc làm của Bồ-tát ở kiếp trước mà tạo nên thành quả trong kiếp này, vì tất cả việc của quá khứ đều hiện ra trong hiện tại. Thí dụ đọc kinh Bản sanh thấy rõ do nhiều đời hành Bồ-tát đạo mà Phật Thích Ca thành tựu quả vị Phật. Và Đức Phật đã dạy Bồ-tát pháp hành này, mở đầu là Bồ-tát Dược Vương.

Kiếp trước Ngài Dược Vương được tôn danh là Nhứt thiết chúng sanh Hỷ kiến Bồ-tát, nghĩa là tất cả chúng sanh đều muốn thấy vị Bồ-tát này và thấy Ngài, họ vui mừng.

Trên thực tế, có người mà mình muốn thấy, có người mình không muốn thấy. Có người mình thấy thì được an lạc. Kinh Pháp hoa nói rõ lý này rằng ai thấy người này, tâm được an. Vì vậy, ai gặp mình mà khó chịu, phiền não thì mình chưa phải là hành giả Pháp hoa.

Tại sao mọi người muốn thấy Bồ-tát Dược Vương. Hiểu sâu là Ngài có ba nghiệp hoàn toàn thanh tịnh, không làm việc ác, không nghĩ điều ác, không nói lời ác.

Người mà thân nghiệp không thanh tịnh, phạm tội sát, đạo, dâm; khẩu nghiệp phạm tội nói không đúng sự thật, nói lời hung ác, nói lời gây chia rẽ, nói thêm bớt, bịa đặt. Chắc chắn chẳng ai muốn giao lưu với người như vậy. Và ý nghiệp thanh tịnh, không tham, sân, si.

Thể hiện cốt lõi này, Phật khuyên người tu Pháp hoa phải giữ ba nghiệp thanh tịnh. Nếu không giữ ba nghiệp thanh tịnh, dù có tụng kinh nhiều, chưa chắc đạt được kết quả tốt.

Trong ba nghiệp thân, khẩu, ý, quan trọng là ý chỉ đạo hành động. Tôi thấy điều này rõ, khi tâm mình thanh tịnh, thương người mới có lời nói dễ thương. Tâm mình không thích, nói gì cũng không tốt như viên thuốc đắng bọc đường.

Phát xuất từ tâm thanh tịnh, nên họ nói, hay rầy la, mình vẫn thấy tốt. Điển hình là Phật, không phải lúc nào Ngài cũng nói ngọt với Tỳ-kheo, nhưng lời giáo huấn của Phật toát ra tâm từ bi vô lượng chỉ muốn cứu độ mọi người, nên đại chúng cảm động, thành tâm tiếp nhận lời Phật dạy.

Tu Pháp hoa, đầu tiên phải giữ ba nghiệp thanh tịnh. Cốt lõi này được thể hiện qua hình thức pháp y trong ruột màu trắng tiêu biểu cho sự thanh tịnh và bên ngoài màu vàng là Phật pháp. Lấy Phật pháp, lấy kinh bọc tâm mình lại. Hễ tâm còn thanh tịnh, Phật còn hộ niệm. Nếu quên Phật pháp, muốn làm gì là việc của mình, Phật không hộ niệm.

Tâm đặt trong Phật pháp, trong kinh Pháp hoa là ngày đó tâm còn trong sạch nhờ lấy Phật pháp rửa tâm. Tôi tụng kinh là lấy pháp rửa sạch lòng trần thì sẽ hiện tướng giải thoát và lời nói trong sạch.

Tu hành, nghĩ đến Bồ-tát Dược Vương là nghĩ làm sao người thương và chấp nhận ta, đó chính là hành Bồ-tát đạo. Việc khởi tu của tôi, bước đầu cố gắng tối đa không làm mất lòng người, lời nói và hành động không mất lòng người. Còn Phật tử tu mà dụm lại nói chuyện, gây ra phiền não, thì Phật không hộ niệm. Phải nhớ lúc nào cũng lấy Phật pháp rửa lòng mình.

Trên Pháp y lần đầu có hoa sen 8 cánh tiêu biểu cho Bát Chánh đạo, vì trong Phật pháp căn bản là 37 Trợ đạo phẩm, kết thúc là Bát Chánh đạo chủ yếu gồm có lời nói đúng, thấy đúng, suy nghĩ đúng, việc làm đúng và việc làm lợi ích cho người.

Về sau, Pháp y có 7 hạt tiêu biểu cho Liên hoàn Thủ hộ. Số 7 là con số lý tưởng của Phật giáo. Hình thành vũ trụ và con người cũng từ con số 7 tiêu biểu cho Pháp giới. Khi kiết thất cũng 7 ngày và tụng kinh cầu siêu cho người qua đời cũng 7 ngày, 7 tuần.

7 hạt xếp thành hình vòng tròn cách đều nhau nói lên ý nghĩa tu hành trong đại chúng, tất cả mọi người là bạn đồng tu tương thân tương trợ, không chống phá nhau. Mình đứng giữa có 6 người xung quanh đứng cách đều nhau, ai cũng có khoảng cách trống, thì dễ tụng kinh và lễ lạy không đụng nhau. Cách sắp xếp vị trí hành lễ như vậy dễ làm mình thanh tịnh, vì hoàn cảnh thanh tịnh sẽ giúp tâm mình thanh tịnh. Ngày xưa, các chùa ở rừng núi, nên cảnh hoàn toàn thanh tịnh, tâm dễ dàng thanh tịnh theo. Cảnh động, con người dễ động tâm.

Vùng chùa Huê Nghiêm sình lầy, xây dựng chùa phải đóng cừ sâu tới 30m để chân móng được vững chắc và vùng này cũng không có đá. Tôi phải lên núi Thị Vải chở đá về. Nhìn đá gan lì, chịu được nắng mưa, tiêu biểu cho ý chí tu hành vững như đá. Tu mà không gan dạ để chịu đựng mọi chướng duyên, chắc chắn không thể ra khỏi sinh tử. Vì vậy, tôi chở đá về chùa Huê Nghiêm để nhìn đá mà lập chí tu hành.

Xung quanh chùa Giác Lâm có cây xanh tiêu biểu cho sức sống. Ở trong rừng cây mà tụng kinh, tôi cảm thấy nhẹ nhàng. Vì vậy, cần tìm chỗ thích hợp để tu thì đạt kết quả dễ hơn. Đương nhiên người đắc đạo ở đâu cũng được, nhưng lúc đầu phải có chỗ đặt tâm vô. Cho nên chúng ta thấy chư Tổ thường lên núi rừng sâu, tránh xa người, tâm dễ thanh tịnh.

Tôi có thời gian ẩn cư ở núi không có người, chỉ có một mình, khỏi phải đối đãi, tính toán làm cái này cái kia, khiến cho tâm mình dễ thanh tịnh. Ở chốn phồn hoa đô thị, ta phải tùy thuộc xã hội và tùy thuộc người, tâm dễ bị rối.

Phẩm Dược Vương Bồ-tát nói Bồ-tát này được như ngày nay, vì Ngài không làm mất lòng người, chỉ làm vừa lòng người và giúp đỡ người, nên Dược Vương thành tựu pháp Nhứt thiết chúng sanh Hỷ kiến.

Vì vậy, pháp Bồ-tát, hay tu Pháp hoa, không làm mất lòng người, nhưng giúp đỡ người, nếu có điều kiện. Nếu không làm cũng được, nhưng kết quả không cao.

Tiến lên bước nữa, theo phẩm Diệu Âm Bồ-tát. Ngài không ở Ta-bà, nhưng khi Phật Thích Ca phóng hai hào quang từ vô kiến đảnh tướng và bạch hào tướng chiếu thẳng đến Diệu Âm, Ngài liền từ thế giới của Ngài qua Ta-bà. Kinh diễn tả là chúng hội không thấy Ngài, nhưng thấy hoa sen. Điều này thể hiện ý nghĩa Bồ-tát vào đời giáo hóa chúng sanh được ví như hoa sen tỏa hương thơm cho người. Cảm nhận hạnh cao quý của Bồ-tát khi đọc phẩm này, tôi cảm tác bốn câu thơ:

Bồ-tát đi vào đời

Sen nở khắp muôn nơi

Trang nghiêm cho cuộc sống

Ôi thật đẹp tuyệt vời.

Nghĩa là Bồ-tát xuất hiện bất cứ chỗ nào cũng trong sạch như hoa sen ở trong bùn. Nói cách khác, Phật pháp muốn hưng thạnh, dù cuộc đời có tệ hại, nhưng ta không tệ, giống như Diệu Âm đến Ta-bà hoàn toàn thanh tịnh.

Thể hiện ý này, Tổ Thiên Thai khuyên chúng ta không nên vào đời như bùn nhơ tội lỗi, nhưng tại sao chúng ta vào đời. Rõ ràng vì để thể hiện hạnh cứu khổ độ sanh theo Phật dạy mà chư Bồ-tát hiện thân trên cuộc đời này.

Đức Phật muốn mời Diệu Âm đến Ta-bà, Ngài phóng hào quang từ vô kiến đảnh tướng, nghĩa là muốn mời khách quý, lòng chúng ta phải cung kính. Dù Phật lớn hơn Diệu Âm, nhưng Ngài cũng mời Bồ-tát này với tâm cung kính. Xem thường người, làm sao họ tới được.

Diệu Âm nói rằng ai mời không đi cũng được, nhưng Phật Thích Ca mời, nhất định phải đi, dù cực khổ. Điều này cho chúng Ta-bài học rằng trên bước đường hành đạo, phải có bạn sống chết với mình. Muốn như vậy,  phải cung kính người, dù họ nhỏ hơn mình.

Phật Thích Ca có vô kiến đảnh tướng, vì trải qua vô lượng kiếp tu hành, Ngài không xem thường ai. Điển hình như trong một kiếp quá khứ, Ngài là Thường Bất Khinh Bồ-tát, dù người tệ ác thô lỗ với Ngài,  nhưng Ngài cũng một lòng kính trọng họ, nghĩa là kính trọng ông Phật trong tâm họ. Nhờ tâm kính trọng mọi người như vậy trải qua nhiều đời mà Phật Thích Ca có được vô kiến đảnh tướng. Trong khi thực tế, chúng ta thường thấy người giỏi hay xem thường người khác, nên họ chẳng được tôn kính và không ai muốn hợp tác.

Ngoài ra, Đức Phật phải phóng hào quang thứ hai từ bạch hào tướng tiêu biểu cho trí tuệ. Thật vậy, dù mình kính trọng người, mời họ, nhưng họ nghĩ mình không hiểu biết thì họ cũng không đến.

Vì vậy, hành Bồ-tát đạo, phải phát huy hiểu biết và tâm quý trọng người, vì có đủ hai điều này, người mới hợp tác với ta.

Tụng kinh, hiểu nghĩa lý kinh và phải làm theo Bồ-tát là điều quan trọng.

Vị Bồ-tát thứ ba là Quan Âm rất dễ thương. Ở hoàn cảnh nào, Ngài cũng tùy thuận được. Học hạnh Quan Âm, ở đâu mình cũng chịu lép và sống hòa thuận thì ai cũng thương.

Tổ Huệ Đăng khuyên chúng ta tụng một quyển thứ 7 kinh Pháp hoa là làm theo các Bồ-tát Dược Vương, Diệu Âm, Quan Âm, chúng ta mới được yên ổn trong cuộc sống.

Cao hơn nữa, ta theo Bồ-tát Phổ Hiền, nhưng chúng ta không thể giống Phổ Hiền, vì Ngài Phổ Hiền quá siêu việt. Quyến thuộc Bồ-đề của Ngài quá đông, quá tốt và làm được rất nhiều việc lớn.

Thật vậy, Phổ Hiền đến đâu, rải của báu đến đó. Kinh diễn tả rằng Phổ Hiền dùng sức thần thông tự tại, oai đức vô song, cùng chúng Bồ-tát, Bát bộ, Thiên long vượt qua các cõi, đến Kỳ Xà Quật…

Muốn được như Phổ Hiền, phải tu mười hạnh nguyện Phổ Hiền. Bồ-tát Phổ Hiền trong kinh Hoa nghiêm là nhân và Phổ Hiền trong kinh Pháp hoa là quả.

Tóm lại, chúng ta tu, đọc kinh, xem Bồ-tát làm gì mà được gọi là Bồ-tát, để từng bước chúng ta làm theo và được giống như các Ngài. Các Ngài hỗ trợ ta, vì ta làm thay các Ngài. Các Ngài không có thân tứ đại, nên không làm được, nên Ngài hợp tác cho ta làm.

Theo kinh nghiệm của tôi, thành tựu được việc khó là nhờ Bồ-tát gia hộ. Mong quý vị phát tâm tu Pháp hoa, đọc kinh, suy nghĩ và áp dụng đúng pháp để nhận được kết quả tốt đẹp. Cầu Phật gia hộ cho mọi người được an lành trên bước đường tu.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Pháp tu soi gương

Kiến thức 15:52 05/11/2024

Pháp thoại này Thế Tôn dạy Tôn giả La-vân (La-hầu-la) quán chiếu về thân nghiệp giống như đang soi gương thấy rõ mặt mình dơ hay sạch. Nếu không soi gương, chúng ta sẽ không biết mặt mình như thế nào.

Ác nghiệp đã trót gieo, phải làm sao để ác báo không trổ ra?

Kiến thức 10:35 05/11/2024

Mỗi ngày chúng ta đều gieo trồng những nhân thiện, ác lẫn lộn. Những nhân này tuyệt đối không hề mất đi, nó được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta. Quá trình từ nhân đi đến quả đều cần phải có duyên. Vậy làm sao để tránh được duyên ác?

Đi về phía an lạc hạnh phúc

Kiến thức 09:20 05/11/2024

Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?

Muốn mau lành bệnh

Kiến thức 07:03 05/11/2024

Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.

Xem thêm