Tượng cổ ngàn năm tuổi bị lấy cắp vẫn 'tìm về chùa'
Trong ngôi chùa nhỏ Ngô Xá (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) có một bức tượng Phật vô cùng quý hiếm mang giá trị lịch sử, văn hóa thời Lý. Đặc biệt, phải mất nhiều năm tìm kiếm, pho tượng A Di Đà bằng đá xanh này mới vô tình được các nhà khảo cổ phát hiện.
Chùa Mía: Nơi lưu giữ những pho tượng cổ nhất Việt Nam
Tuy nhiên, số phận pho tượng cổ cũng gặp nhiều chìm nổi, đã từng bị kẻ gian lấy cắp nhưng có lẽ do đức thiêng và cũng do không tiêu thụ được nên bảo vật lại về chùa...
Tượng cổ A Di Đà từng bị kẻ gian lấy cắp
Lại nói về bức tượng cổ A Di Đà, ông Niên kể, do đầu tượng được khớp nối với thân bởi mộng và ngõng, có thể tháo rời, nên đầu tượng đã từng bị kẻ gian lấy cắp vào năm 2002. Lúc đó, các cơ quan chức năng đã truy lùng khắp nước, kiểm soát chặt các cửa khẩu. Có lẽ kẻ gian không tiêu thụ được, nên gần một năm sau người ta bất ngờ phát hiện thấy đầu tượng này lăn lóc tại nghĩa địa xã, vẫn được bọc cẩn thận trong tấm vải đỏ.
Người dân địa phương và các Phật tử thì cho rằng bức tượng linh thiêng nên kẻ cắp dẫu lấy trộm được đầu Ngài cũng không dám bán, và bằng phép nhiệm màu Ngài đã tự tìm cách về lại chùa xưa. Đó là lý do bảo vật Phật giáo - bức tượng A Di Đà vẫn an ngự tại chùa Ngô Xá cho đến hôm nay.
Linh thông cổ tự: Nơi lưu giữ nhiều pho tượng cổ
Theo các nhà khảo cổ học, chỉ có pho tượng A Di Đà của chùa Ngô Xá đủ tư cách đại diện cho điêu khắc nhân dạng Phật giáo thời Lý, vì duy nhất tượng này còn nguyên vẹn, chưa có một vết nứt vỡ nào. Các pho tượng Phật khác thời Lý đều không còn nguyên vẹn. Pho tượng tại chùa Phật Tích cũng chỉ còn phần thân và đế là nguyên gốc thời Lý, đầu tượng là sản phẩm của thế kỷ XVII.
Với những giá trị đặc biệt quý hiếm trên, ngày 30/12/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2599/QĐ-TTg công nhận Bảo vật Quốc gia cho tượng A Di Đà chùa Ngô Xá. Cùng với việc khai quật được nhiều di vật trên núi Phương Nhi, các nhà nghiên cứu cho rằng chùa Ngô Xá chính một trong các công trình kiến trúc thời Lý được xây dựng hướng về trung tâm là Bảo tháp Chương Sơn tạo nên một quần thể kiến trúc liên hoàn, thêm một minh chứng về vùng đất “địa linh” trong lịch sử cần được tiếp tục nghiên cứu, khám phá.
Phi Lai cổ tự
Theo tư liệu lịch sử để lại và lời giới thiệu của ông Trần Đức Niên, chùa Ngô Xá có tên chữ là “Phi Lai tự” được khởi dựng từ thời Lý, dưới triều vua Lý Nhân Tông (1072-1127). Giai đoạn này, đạo Phật có ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội và trở thành quốc giáo nước Đại Việt thế kỷ XI-XII. Ban đầu, chùa Ngô Xá nằm trên đỉnh núi Chương Sơn. Văn bia niên đại Cảnh Trị thứ 8 (1670) tại chùa Ngô Xá cho biết “đầu triều Lý có ba bà Hoàng hậu xây chùa thờ Phật, xung quanh có 8 tòa nằm ở trên đỉnh núi. Trung tuần tháng 2 năm Đinh Hợi (1107) nhà vua ngự tới thăm chùa này”.
Bảo pháp A Di Đà ngàn năm tuổi chùa Ngô Xá
Sau khi quân Minh xâm lược, chúng đã phá hủy toàn bộ công trình kiến trúc chùa và tháp Chương Sơn chỉ còn có tượng Phật bằng đá ở tầng thứ hai giữa đỉnh núi mà thôi. Trải qua các thời kỳ lịch sử, di tích chùa Ngô Xá đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần.
Lần đầu, được tiến hành vào những năm 1667-1669, dưới thời Chúa Trịnh Tùng, do Vương Phủ Thị Nội là Lương Thị Ngọc Vinh cùng chị gái góp tiền xây dựng lại. Khi ấy, ngôi chùa gồm các hạng mục công trình: Thượng điện, Thiêu hương và Bái đường. Sau khi chùa được xây dựng, người dân nơi đây đã đưa một số bảo vật còn sót lại của phế tích Chương Sơn xuống chùa để thờ cúng. Tương truyền khi xây dựng xong chùa, hai bà còn đặt vào mỗi họng cột một nén bạc. Vì vậy nhân dân địa phương truyền tụng câu ca rằng: “Đổ chùa thì lại làm chùa/ Một trăm nén bạc đầu chùa trên kia.”
Chùa Ngô Xá được xây dựng trên khu đất rộng 1.400m2. Bố cục tổng thể công trình từ ngoài vào trong là các hạng mục: Tam quan, nghi môn, sân, nhà tổ, phủ Mẫu cùng công trình kiến trúc trung tâm. Tòa tiền đường chùa được dựng vào triều Nguyễn, niên hiệu Duy Tân 3 (1909) mang dáng dấp kiểu chữ “Đinh” gồm: Bái đường 3 gian 2 chái, lợp ngói nam, trang trí họa tiết cánh sen; tam bảo 3 gian, xây dựng theo kiểu giao mái bắt vần. Các hạng mục đều được làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam, chạm trổ rất tinh xảo.
Nghệ thuật tạo tác tượng Phật Việt Nam
Công trình được xây trong ba năm thì hoàn thành (1667-1669). Tiếp đó, vào năm 1757, 6 gian chùa được tu sửa nhờ công quả của vợ chồng ông Trần Thiết Cần và vợ là bà Ngô Thị Dậu. Đến thời Nguyễn, thiền sư Thiềm Quang (quê Thiêm Lộc, nay là xã Yên Chính, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) về tu hành, đã “cho tu sửa lại Tiền đường, Hậu điện và mời thợ về tô son thếp vàng lại tượng pháp” và di chuyển ngôi chùa từ trên đỉnh núi xuống phía Nam sườn núi Ngô Xá như hiện nay.
Tại nội tự Chùa Ngô Xá hiện còn lưu giữ được 4 tấm bia đá niên hiệu: Cảnh Trị 8 (1670), Cảnh Hưng 20 (1759), Cảnh Hưng 31 (1770), Gia Long 4 (1805). Ngoài các di vật trên, tại Đình - Chùa Ngô Xá, hiện còn lưu giữ một số hiện vật như: các phiến đá, đá vuông, những mảng gạch nung, tháp nung… để xây dựng Tháp Chương Sơn được các nghệ nhân xưa tạo hình đặc sắc, công phu.
Chùa Ngô Xá là nơi thể hiện sự dung hợp tín ngưỡng tôn giáo của người Việt thông qua việc thờ tự: Thiên thần, nhiên thần, nhân thần và thờ Phật; trong đó, Chùa Ngô Xá ngoài thờ Phật còn phối thờ vị Nữ thần, hiệu là Sơn Trương Thần Nữ, đình thờ các vị Thần núi trong truyền thuyết. Không chỉ là một địa chỉ tâm linh mà ngôi chùa Ngô Xá còn là căn cứ hoạt động cách mạng trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Tượng Phật trong dòng chảy văn hóa
Những năm 1928, 1929, chùa Ngô Xá là một trong những cơ sở hoạt động của Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở huyện Phong Doanh (nay là huyện Ý Yên). Năm 1970, chùa Ngô Xá là nơi chứa vũ khí của Huyện Đội Ý Yên, là nơi mở các lớp giáo dục tiểu học xã Yên Lợi Một di tích có bề dày lịch sử như vậy, nhưng kể từ khi sư tổ của chùa tham gia hoạt động cách mạng, và bị giặc Pháp đánh bị trọng thương rồi sau đó viên tịch tại đây vào năm 1948 thì chùa không có nhà sư nào tiếp quản trụ trì. Dân làng phải cắt cử người ra trông coi chùa.
Đến ngày 10/8/2005, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Nam Định (nay là Ban trị sự GHPGVN tỉnh Nam Định) đã công cử Đại đức Thích Giác Vũ, Phó Trụ trì chùa Vọng Cung, thành phố Nam Định về đây trụ trì và phục vụ tín ngưỡng cho nhân dân. Sau khi nhận chùa, sư trụ trì cùng với dân làng đã xây dựng Tổ đường (năm 2006), xây tháp Tổ và tượng Quan Âm Bồ tát (năm 2007), xây nhà khách (2008), xây cổng Tam quan (năm 2010), xây dựng nhà Mẫu (năm 2012), tu bổ chùa chính, nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ…
Vũ Lành - Báo Pháp luật
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Tư liệu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tư liệu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Tư liệu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Bay qua miền hạnh phúc
Tư liệu 17:30 18/11/2024Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.
Xem thêm