Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 15/11/2016, 13:48 PM

Tương lai văn hóa Việt Nam (P.2)

Các con hãy đưa bàn tay của các con ra mà nhìn ngắm: tổ tiên của chúng ta, cha ông của chúng ta, những thành tích và những lỗi lầm của họ còn đó, trong bàn tay của chúng ta, chúng ta không làm sao loại bỏ ra khỏi chúng ta được. Thái độ khôn ngoan nhất là hãy chấp nhận một cách can đảm để suy nghiệm, để tự vấn và để thể hiện một ý thức mới có thể đưa bản thân ta và giống nòi ta thoát đến một chân trời mới.

Hãy Đưa Bàn Tay Lên Mà Nhìn Ngắm

Các nhà bình sử thời nay nói giọng cách mạng, thường ưa đổ tất cả mọi lỗi lầm lên đầu giai cấp phong kiến thống trị. Ra cái điều ta đây đứng vào thế “nhân dân”, thế “đại chúng”, ta không chịu trách nhiệm gì về những hành động phản dân tộc và phản văn hóa của giai cấp thống trị này. Giai cấp thống trị phong kiến, họ nói, chận đứng đà phát triển của nền văn hóa dân tộc bằng cách mô phỏng nếp sống ngoại quốc, gieo rắc mê tín dị đoan. Họ lại nói rằng chỉ có giai cấp nông dân mới thức sự sáng tạo văn hóa dân tộc: nào ca dao, nào tục ngữ, nào chuyện cổ tích, nào hát ví, hạt dặm, hát quan họ, nào tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, nào gạch Bát Tràng…

Dùng một lưỡi gươm bén chặt khối dân tộc ra làm hai, họ chia ra một bên là đa số nhân dân và một bên là thiểu số thống trị phong kiến, và quy mọi tội lỗi cho thiểu số này. Họ không muốn thấy rằng chính khối đại chúng thiếu học mới là giới ưa nuôi dưỡng mê tín dị đoan. Họ không muốn thấy rằng chính những giới biết chữ mới sáng tạo được chữ Nôm. Đánh bại được những cuộc xâm lăng, đó đâu phải là công trình của riêng một giới nông dân mà là công trình chung của mọi giới trong đó phải kể vai trò của giới trí thức phong kiến.

Sáng tạo văn hóa dân tộc đâu phải chỉ là công trình của riêng giới nông dân mà là công trình chung: những sách vở do tiền nhân trước tác, những chuông Quy Điền, những vạc Phổ Minh vân vân… mà quân nhà Minh phá hủy, thiêu đốt hoặc chở về Bắc Kinh đều là những sáng tạo phẩm văn hóa của giới biết chữ. Giới biết chữ và giới cầm quyền đều là con cháu của nông dân chứ không phải là con cháu của ai khác. Họ có lầm lỗi thì cũng là cha ông của chúng ta, nói một cách khác hơn, họ là chúng ta; chúng ta không thể phủi tay nói rằng họ là kẻ thù của chúng ta, cha ông của chúng ta, những thành tích và những lỗi lầm của họ còn đó, trong bàn tay của chúng ta, chúng ta không chịu trách nhiệm gì về họ.

Các con hãy đưa bàn tay của các con ra mà nhìn ngắm: tổ tiên của chúng ta, cha ông của chúng ta, những thành tích và những lỗi lầm của họ còn đó, trong bàn tay của chúng ta, chúng ta không làm sao loại bỏ ra khỏi chúng ta được. Thái độ khôn ngoan nhất là hãy chấp nhận một cách can đảm để suy nghiệm, để tự vấn và để thể hiện một ý thức mới có thể đưa bản thân ta và giống nòi ta thoát đến một chân trời mới.

Giải Tỏa Tiềm Năng Sáng Tạo

Những quốc gia yếu, nhỏ và bị áp bức luôn luôn muốn vùng dậy giành lấy độc lập chính trị và độc lập kinh tế của mình. Cuộc tranh đấu rất cam go. Cam go đến nỗi nếu không có đồng minh thì không đủ sức mạnh để tiếp tục chiến đấu. Chính vì cần đồng minh cho nên ta mới từ từ bị lệ thuộc vào đồng minh. Ta sử dụng súng ống và ý thức hệ của họ. Ta trở nên bãi chiến trường của họ, và cuối cùng ta làm chư hầu của họ. Nói rằng ta có văn hóa độc lập nhưng đời sống tư tưởng, kinh tế và giáo dục của ta chép y theo kiểu mẫu của họ. Làm sao ta có văn hóa độc lập được khi ta không được tư duy độc lập?

Ở một xứ mà mọi tư tưởng trái chống với ý thức hệ nhà nước đều bị tiêu diệt ngay lúc chưa nẩy mầm thì làm sao có suy tư độc lập, làm sao có văn hóa độc lập? Ước muốn có chủ quyền quốc gia, chính quyền nào cũng có. Nhưng muốn thực sự có chủ quyền quốc gia phải mạnh. Quốc gia làm sao mạnh được khi mọi tiềm năng sáng tạo đều bị đè nén? Các nhà cầm quyền luôn luôn sợ hãi rằng những tiềm năng sáng tạo kia một khi được giải tỏa sẽ phá tan guồng máy thống trị của họ. Vì vậy họ phải tiếp tục đè nén. Quyền bính để thực hiện sự giải phóng dân tộc do đó trở thành một loại xiềng xích ngăn cản không cho dân tộc vươn lên giải phóng thực sự.

Đồng Sinh Cộng Tử

Trong khi ta loay hoay về vấn đề độc lập và tự do của tổ quốc ta thì tình trạng quốc tế đã trở nên vô cùng hiểm nghèo do cuộc thi đua vũ trang nguyên tử của các cường quốc gây nên. Ta biết đói kém và sự áp bức là những nhiên liệu rất bén nhạy để châm ngòi chiến tranh nguyên tử. Ta biết nếu cuộc chiến tranh nguyên tử bùng nổ, con người và nền văn minh của nó sẽ bị tiêu diệt. Ấy vậy mà ta không thể vùng vẫy ra khỏi những tranh chấp cục bộ để góp phần vào việc đẩy lui hiểm họa chiến tranh diệt chủng này.
 
Tại các nước phát triển, con người cũng bị lúng túng không kém. Tuy tiếng kêu gọi thất thanh của những thành phần giác ngộ về tình trạng đã được vọng lên, đa số vẫn còn chưa thấy rõ được thực trạng của thế giới. Họ chỉ biết bận rộn tranh đấu để tăng mực sống của họ, tăng mãi lực, tăng khả năng tiêu thụ, không biết rằng sự tồn vong của họ và của quốc gia họ cũng tùy thuộc vào sự tồn vong của các dân tộc nghèo khổ và của các quốc gia chậm tiến. Họ chưa thấy được tình trạng “đồng sinh cộng tử” của các dân tộc trên thế giới: nếu chiến tranh hạt nhân bùng nổ, họ sẽ bị tiêu diệt đồng thời với các quốc gia kia, có thể là sẽ bị tiêu diệt trước cũng nên.

Tự Do Là Sức Mạnh Của Văn Hóa

Vì biến cố lịch sử năm 1975, hàng triệu người Việt đã rời bỏ bỏ đất nước họ và hiện thời đang sinh sống tản mác ở các quốc gia trên thế giới. Tiêu cực mà nói, đó là số phận của những người Việt phải sống kiếp lưu vong. Tích cực mà nói, đó là cơ hội ngàn năm một thuở để người Việt có thể đóng góp vào sự chuyển đổi tình trạng thế giới, tạo thêm cơ hội để bảo tồn sự sống của hành tinh xanh. Ra quốc ngoại để sống một cuộc đời lây lất lưu vong hoặc để đem văn hóa Việt làm chất liệu xúc tác văn hóa thế giới, cái đó tùy ở chí khí của mỗi người.

Có những việc mà hiện giờ người Việt không làm được ở quốc nội, nhưng lại có thể làm được ở quốc ngoại: chúng ta ai cũng biết điều đó. Làm để yểm trợ cho người ở quốc nội, hoặc làm để đóng góp vào sự chuyển đổi tình trạng thế giới. Làm được gì, cái đó tùy thuộc ở chất liệu văn hóa tiềm ẩn trong mỗi người. Chất liệu văn hóa ấy, nếu ta biết tạo môi trường thuận lợi cho nó, nó sẽ phát triển, và giống như cây đào, nó sẽ ra lá ra hoa và cống hiến cho ta những trái đào thơm ngọt. Chất liệu văn hóa đó đã được di truyền xuống từ tổ tiên nhiều đời nhiều kiếp trong các tế bào cơ thể ta. Môi trường thích hợp cho chất liệu đó phát triển là môi trường tự do. Ta đừng để cho nó bị đè nén, bít lấp. Ta để cho nó tự nhiên phát triển và biểu lộ. Và ta nuôi dưỡng quá trình biểu lộ và phát triển của nó bằng nhận xét thường trực của chúng ta về những điều kiện nội tại và ngoại tại của nó.

Vận Dụng Ý Thức

Nhận xét thường trực mà ta vừa nói đó, hai con ơi, là tất cả cả bí quyết của tương lai Văn Hóa. Nếu ta nuôi dưỡng được ý thức minh mẫn về những gì đang xảy đến cho sự sống là ta đã soi sáng cho đường đi nước bước của ta, của văn hóa dân tộc ta. Ta bắt đầu không phải chấp nhận một lý thuyết hay một ý thức hệ. Làm như thế là ta tự gò bó ngay buổi bắt đầu. Ta phải tự do. Cây đào phải được tự do đâm rễ, làm cành, làm lá, làm hoa. Ta cũng vậy. Ta không thể nghe lời đường mật của bất cứ ai để đem tự do của ta mà đánh đổi một thiên đường nào đó trong tương lai. Thiên đường của hai con chính là tự do của hai con đó.

Chúng ta hay nói làm công tác văn hóa và xây dựng văn hóa. Những động từ làm và xây dựng bao hàm những ý nghĩ những nỗ lực nặng nhọc. Theo ta, văn hóa trước hết là sự phát triển tự nhiên, không cần làm gì hết. Ta phải biết áp dụng thái độ vô hành với văn hóa. Vô hành là không làm, là đừng khổ công lao tác, đừng uốn nắn và đàn áp. Vô hành là tôn trọng sự tự do phát triển. Các con hãy đừng quên cây đào.

Nhưng vô hành không phải là phó mặc. Con người là một sinh vật có ý thức và nhờ đó con người có thể hướng dẫn được văn hóa. Con người phải sử dụng ý thức ấy. Do đó, sử dụng ý thức là công tác cơ bản để xây dựng văn hóa. Sử dụng như thế nào? Ta phải tỉnh táo để thấy được chân tướng của sự sống. Một cái thấy khách quan, trực tiếp, không bị bóp méo bởi một lăng kính ý thức hệ nào, một sự tự kỷ ám thị nào, một tâm trạng say mê hoặc căm thù nào. Ta chỉ lầm lạc khi ta không thấy mà thôi. Hễ mà ta thấy được tức là ta đi đúng đường. Cái thấy đó, hai con ơi, đã được truyền xuống không ít cho chúng ta từ những thế hệ đi trước. Cái thấy đó cần được bổ túc thường trực bằng nhận xét của chúng ta.

Màng Lưới Ngôn Từ

Muốn thực sự thấy, ta phải thường xuyên tranh đấu để chọc thủng những màng lưới ngôn từ và ý niệm. Chúng là những trở ngại lớn lao nhất cho cái thấy. Chúng che lấp thực tướng của vạn vật. Loài người chúng ta có tật rất ưa ngôn từ và ý niệm, và lắm khi chỉ cần ăn ngôn từ và ý niệm cũng sống được hàng tháng hoặc hàng năm. Do đó mà những kẻ đi bán ý niệm và danh từ rất đông. Có khi ta phải mất rất nhiều ngày tháng mới phát hiện ra rằng các ý niệm ấy và các danh từ ấy là trống rỗng, không ăn nhập gì với thực tại.

Những ý niệm và danh từ kia có thể tạo nên tác dụng hồ hởi và phấn khởi trong ta, nhưng chúng không duy trì được tác dụng ấy lâu dài. Cái có thể duy trì niềm hồ hởi và phấn khởi của ta một cách đích thực là thực trạng đất nước. Nhưng trên thực tế, thực trạng đó đen tối và bèo nhèo quá, khiến cho guồng máy ý niệm và danh từ không còn đủ sức kích động được ai nữa.

Tinh Thần Khoa Học, Tinh Thần Cởi Mở

Một số các cô chú đã từng nêu ra các khẩu hiệu khoa học, dân tộc và đại chúng làm phương châm cho một nền văn hóa dân tộc. Đứng về phương diện ý niệm chúng ta không thấy cần chống đối gì những phương châm ấy cả. Nhưng đây là vấn đề phương châm hành động. Khoa học là một lề lối học hỏi tự do, không giáo điều, luôn luôn muốn tự thắng vượt mình mà đi tới và do đó đòi hỏi người học giả phải thường trực xét lại thực tại và những cơ sở lập luận của mình.

Tất cả những gì mà ta gọi là chân lý khoa học hôm nay đều sẽ là những mậu ngộ khoa học ngày mai. Khoa học mà các cô chú các con thường nói tới trong khi diễn dạy về thuyết Mác - Lê chỉ là khoa học của các thế kỷ mười tám, mười chín. Các cô chú ấy thường cao giọng lên án mọi lề lối suy tư không Mác-xít là “duy tâm, thần bí, phản khoa học và phản tiến hóa”. Họ chỉ cho có Duy Vật Biện Chứng Pháp là khoa học. Họ không thấy được những chân trời mới mà nền khoa học vật lý mới vừa đặt chân tới, trong đó tác dụng nhận thức (tâm) của nhà khoa học không thể nào còn được quan niệm như một thực tại có thể tách rời ra khỏi đối tượng nghiên cứu. Các con đã tìm hiểu về thuyết tương đối và lực học lượng tử (mecanique quantique) thì các con đã thấy được điều ấy.

Nếu thực sự có tinh thần khoa học, ta sẽ không bám víu vào một vài giáo điều hoặc một ý thức hệ nào cả. Ta sẽ có nhiều tự do hơn. Ta sẽ không khư khư ghì chặt lấy mớ kiến thức hiện tại mà ta ngỡ là chân lý tuyệt đối, là “đỉnh cao của trí tuệ loài người”; trái lại ta sẽ sẵn sàng học hỏi để có thể thấy được rộng hơn và đúng hơn thực tại. Người Mác-xít thường hay chê trách giới tôn giáo là “phản khoa học, phản tiến hóa”, nhưng các con biết tinh thần phá chấp của đạo Phật rộng rãi biết mấy và phù hợp với tinh thần khoa học biết mấy.
 
Các con hãy thử đọc điều thứ hai của Giới Luật Tiếp Hiện: “Không được yên trí rằng những kiến thức mình hiện có là những chân lý bất di bất dịch, như thế để tránh sự trở thành cố thủ và hẹp hòi. Phải học hỏi thái độ phá chấp và cởi mở để đón nhận quan điểm của kẻ khác. Chân lý chỉ có thể thực chứng trong sự sống mà không thể tìm kiếm trong những kiến thức và khái niệm”. Ta ước mong những người theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở xứ ta cũng có được một thái độ cởi mở như thế để cho dân ta có thể phát biểu tự do, và tù nhân trong các trại “học tập cải tạo” được trở về với gia đình họ. Con người chỉ có thể học tập nơi sự sống chứ không thể học tập dưới họng súng của người đồng loại.

Sự Thực Đến Gõ Cửa Tìm Ta

Ta muốn kể cho hai con nghe câu chuyện ngụ ngôn này của dân tộc Ấn Độ. Một người lái buôn góa vợ kia có một đứa con trai năm tuổi. Ông ta cưng chiều con, xem nó như là lẽ sống đời ông. Một bữa nọ ông đi vắng, kẻ cướp đến đốt xóm đốt làng và bắt cóc đứa con của ông đi theo. Khi người cha trẻ về tới nơi, thấy thi hài một đứa bé trạc tuổi con mình chết thiêu bên căn nhà cháy rụi của mình, ông tin ngay rằng đó là con ông đã chết. Ông khóc lóc và làm lễ trà tỳ (hỏa thiêu) thân xác đó; rồi vì thương con quá, ông cất tro xương của thi hài vào một cái túi gấm và đi đâu cũng mang theo bên mình.

Mấy tháng sau, vào lúc nửa đêm, đứa con thoát được trở về và gõ cửa đòi vào. Người cha, lúc ấy đang mang chiếc túi gấm đựng tro và khóc thương con mình, không chịu đứng dậy mở cửa. Ông tin rằng con ông đã chết thực rồi, và đứa trẻ đang gõ cửa xưng con ngoài kia là một đứa trẻ hàng xóm nào đó đang cố tình trêu ghẹo ông. Vì thế mà đứa trẻ con thật của ông phải thất thểu ra đi, và người cha khốn khổ kia vĩnh viễn mất đứa con của mình.

Câu chuyện ngụ ngôn cho ta thấy sự thiệt thòi gây ra do thái độ cuồng tín và hẹp hòi. Khi ta đã tin vào một lý thuyết như chân lý tuyệt đối rồi thì ta không còn có khả năng cởi mở để thấy mặt mũi sự thật nữa, dù sự thực có đến gõ cửa tìm ta. Ta có thể vì “chân lý” mà gây ra bao đau thương tang tóc cho người đồng loại.

Tinh Thần Bao Dung Hòa Hợp

Ngày xưa cái học của ta bao gồm Nho, Phật và Lão. Ba nguồn tuệ giác này đều có tác dụng soi sáng cho nhân tâm và thế đạo. Nho học được xem như chú trọng về mặt trị thế hơn Phật học và Lão học. Tuy vậy vai trò đào tạo nhân cách và gạn lọc tâm hồn của Phật và Lão rất quan trọng; phương châm xử thế của đạo Phật cũng đã duy trì được hòa bình và tình huynh đệ trong nhiều thế kỷ liên tiếp. Trong các triều đại Lý và Trần, đạo Phật rất mực hưng thịnh; tuy vậy các đạo Nho và Lão không hề bị đè nén. Trái lại cả ba truyền thống cũng tồn tại được với nhau trong tinh thần tương dung tương hợp. Đó là những thời đại có hòa bình lâu đài nhất của lịch sử nước ta và cũng là những thời đại vẻ vang nhất, sáng đẹp nhất. Kịp đến khi Nho học chiếm địa vị độc tôn thì Phật, Lão bị dèm pha, chê bai.

Trạng nguyên Lương Thế Vinh chỉ vì sáng tác cả sách Phật mà sau đó không được thờ cúng trong Văn miếu. Sự hẹp hòi về tư tưởng đó đã khiến cho triều Lê đầy dẫy những bạo động và loạn lạc. Cuộc tranh đấu giải phóng dân tộc ở thế kỷ của chúng ta sở dĩ hao tốn nhân mạng và thời giờ một cách oan uổng là cũng do sự hẹp hòi về tư tưởng và sự chèn ép lẫn nhau giữa các đảng phái. Các đảng phái thanh toán lẫn nhau ngay trong thời gian cần phải đoàn kết để chống lại các thế lực ngoại bang. Bởi thế cho nên thay vì chỉ cần năm bảy năm để tranh đoạt được nền tự chủ, chúng ta đã mất tới bốn mươi năm. Bao nhiêu triệu người đã chết oan uổng vì sự hẹp hòi đó.

Từ thế kỷ thứ hai, đất Giao Châu đã là chiếc nôi của sự sống chung hòa hợp giữa các nguồn tuệ giác Phật, Lão và Khổng. Nếu các con có đọc sách Lý Hoặc Luận của Mâu Tử thì các con thấy được điều đó. Truyền thống tốt đẹp ấy kéo dài tới đầu thế kỷ thứ mười lăm. Hai triều đại Lý và Trần rạng chiếu tinh thần cởi mở bao dung và nhờ đó, chúng ta đã có tới bốn thế kỷ hòa bình. Tinh thần bao dung đó, há chẳng phải là vốn liếng quý báu của nền văn hóa dân tộc? Tại sao ta không bảo tồn nó?

Tính Dân Tộc Tìm Ở Đâu?

Phương châm thứ hai được nhắc đến là dân tộc. Nền văn hóa chúng ta phải có tính cách dân tộc. Cố nhiên tất cả chúng ta đều mong muốn như vậy. Nhưng thế nào là tính cách dân tộc? Các con hãy nghe hai ông Trương Chính và Đặng Đức Siêu viết về văn hóa dân tộc: “Nền văn hóa chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, tức là một nền văn hóa được học thuyết Mác - Lê-nin soi sáng và nhằm mục đích phục vụ chế độ xã hội chủ nghĩa. Cơ sở của nó là nền văn hóa dân tộc. Nó không xa lìa truyền thống dân tộc, không quên dĩ vãng của dân tộc. Nó phải có tính dân tộc, đồng thời thích ứng với cuộc sống hiện nay, phản ánh tâm hồn người Việt Nam thời nay” [3].

Ta thấy như hai ông đang cố gắng trộn lẫn một lít nước với một lít dầu để cuối cùng lít nước nằm ở dưới (“cơ sở của nó là nền văn hóa dân tộc”) và lít dầu nằm ở trên (“nền văn hóa của chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa xã hội chủ nghĩa”). Ngộp thở cho nền văn hóa dân tộc biết mấy. Chúng ta biết nói rằng nguồn gốc của tính dân tộc là tâm hồn và tình cảm Việt Nam, vậy mà chúng ta lại đem lề lối suy nghĩ và một nếp sống rất ngoại lai úp chụp lên trên đầu dân tộc. Có thời nào trong lịch sử ta mà trẻ con đi tố cáo cha mẹ và hàng xóm đi tố cáo lẫn nhau như bây giờ không? Có thời nào trong lịch sử mà đời sống cá nhân bị kiểm soát tới tận phạm vi tư tưởng và tình cảm như bây giờ không?

Chúng ta chê trách các triều đại phong kiến chỉ tiếp thu mọi thứ thiết chế văn hóa của người phương Bắc về để làm công cụ trị dân, nhưng chúng ta không thấy được rằng chúng ta đang lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm khuôn vàng thước ngọc và chỉ dám học tập chủ nghĩa ấy mà không dám phê bình không? Ta có thấy là ta đã mô phỏng guồng máy cai trị của nước ngoài hay không? Những cách thức tổ chức kiểm soát, kìm kẹp và trừng phạt người dân, ta có biết là ta đã bắt chước ở mẫu mực nước ngoài không? Ngày xưa dân tộc ta có bao giờ thiết lập những trại học tập cải tạo trên rừng núi như bây giờ. Nền văn hóa xã hội chủ nghĩa có tính cách dân tộc ở chỗ nào?

Tại Sao Hàng Triệu Người Bỏ Nước Ra Đi?

Các con ơi, trong một vườn hoa chúng ta thấy có nhiều loại hoa, trăm hồng nghìn tía, đưa hương phô sắc. Mỗi loài hoa có đặc tính của nó; nhìn thấy và ngửi thấy, ta nhận được đó là loại hoa nào. Một dân tộc là một loài hoa. Nó có những đặc tính của nó. Ta không thể ép buộc một đóa thược dược phải có những cánh hoa hường. Nếu ta bắt ép quá thì đóa thược dược sẽ héo tàn. Bắt buộc dân tộc phải suy tư và hành động theo một mẫu mực không thích hợp với dân tộc đó, như vậy đâu phải là theo tình thần khoa học? Ta than phiền rằng hiện tượng tiêu cực và nạn tham nhũng lan tràn.

Tại sao ta tiêu cực? Tại vì ta đã cố gắng hết sức ta mà vẫn không thể hồ hởi và phấn khởi. Tại sao ta tham nhũng? Tại vì quanh ta ai cũng tham nhũng cả, nhất là những thành phần cốt cán; không tham nhũng thì không sống được. Tại sao đồng bào ta bỏ nước ra đi, kể cả những giới lao động như ngư dân và nông dân? Có khi nào trong lịch sử mà đồng bào bỏ nước đi tới hàng triệu người, bất chấp hải tặc và cái chết? Tất cả những điều đó không đủ để cho chúng ta thấy rằng nếp sống hiện tại đi ngược với tính dân tộc sao? Vì đi ngược với dân tộc tính cho nên nó đang bị dân tộc chối bỏ.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh
-
[3] Trương Chính và Đặng-Đức Siêu, Sổ Tay Văn Hóa Việt Nam, nhà xuất bản Văn Hóa, Hà nội 1978.
Còn nữa...

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nhà sư Venerable Tenzin Priyadarshi Rinpoche ra mắt sách "Độc hành"

Sách Phật giáo 21:01 14/11/2024

Nhà sư và học giả Phật giáo Venerable Tenzin Priyadarshi Rinpoche chia sẻ trong buổi ra mắt cuốn sách "Độc hành" và triển lãm cùng tên với các bức ảnh ông chụp, sáng 14/11 tại Hà Nội.

"Đường xưa mây trắng" giúp diễn viên Trương Ngọc Ánh tìm được bình yên

Sách Phật giáo 10:56 13/11/2024

Trương Ngọc Ánh kể khi ly hôn, chị chơi vơi. Thông điệp cuốn sách “Đường xưa mây trắng” của Thiền sư Nhất Hạnh giúp chị tìm được bình yên trong lòng.

Sách là một công cụ giúp con người thiền định

Sách Phật giáo 15:27 12/11/2024

Theo Niel Seligman (Diễn giả quốc tế về thiền định và kỹ năng sống), thiền và đọc sách có điểm chung là giúp con người tiến vào sự tập trung cao độ.

Cuốn sách giá trị về cuộc đời Đại sư Huyền Trang

Sách Phật giáo 17:03 07/11/2024

“Cuộc đời và sự nghiệp của Đại sư Huyền Trang” của Thích Tuệ Lập và Thích Ngạn Tông, do Nguyễn Phố dịch, NXB Dân Trí ấn hành là tác phẩm không thể thiếu cho những ai quan tâm đến Phật giáo, lịch sử và văn hóa nhà thiền.

Xem thêm