Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

“Văn học đương đại ở nước ta nhạt nhòa tính tôn giáo”

Nhà văn Di Li: "Tôi cũng nhận ra rằng những hình ảnh, chi tiết và triết lý Phật giáo xuất hiện ngày càng dày đặc trong các tác phẩm mình viết. Tiểu thuyết Bảy ngày trên sa mạc của tôi là tiêu biểu cho ảnh hưởng đó".

Di Li sinh năm 1978, là một nhà văn nữ, một dịch giả Việt Nam. Cô được đánh giá là hiện tượng của văn học Việt Nam đương đại, khi rất thành công với thể loại tiểu thuyết trinh thám kinh dị.

Đến nay, Di Li đã xuất bản khoảng 25 đầu sách thuộc nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, phóng sự, truyện dịch, giáo trình... Những tác phẩm văn học “ăn khách” phải kể đến như: Tầng thứ nhất, Điệu valse địa ngục, Bảy ngày trên sa mạc, Đảo thiên đường, Trại Hoa Đỏ, Đôi khi tình yêu vẫn hay đi lạc đường, Tháp Babel trên đỉnh thác ánh trăng, Cocktail thị thành, Chiếc gương đồng… 

Những tác phẩm của Di Li thời gian gần đây ngày càng đậm đặc tư tưởng, chi tiết liên quan đến Phật giáo. 

Empty

Nhà văn Di Li tại một thánh tích Phật giáo ở Ấn Độ

* Dường như những tác phẩm của Di Li ngày càng có thiên hướng ảnh hưởng Phật giáo, phải vậy không, Di Li?

- Tôi cũng nhận ra rằng những hình ảnh, chi tiết và triết lý Phật giáo xuất hiện ngày càng dày đặc trong các tác phẩm mình viết. Tiểu thuyết Bảy ngày trên sa mạc của tôi là tiêu biểu cho ảnh hưởng đó. Chất Phật giáo thẩm thấu tự nhiên từ cuộc sống để rồi đi vào những tác phẩm, chứ không phải là tôi cố đưa các triết lý, tư tưởng Phật giáo vào để làm sang trọng tác phẩm. 

Bài liên quan

* "Bảy ngày trên sa mạc" có thể coi là truyện dài viết về đề tài Phật giáo. Chị hãy giới thiệu đôi nét về nội dung của tiểu thuyết này?

- Tiểu thuyết Bảy ngày trên sa mạc kể về nhân vật Trác, một doanh nhân gốc Việt nhưng sinh ra, lớn lên và lập nghiệp ở Thái Lan. Trác bị các đối thủ gài bẫy cướp doanh nghiệp từ tay anh, biến anh trở thành tán gia bại sản và lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Bởi cú sốc đó, Trác quyết định sẽ tự tử để giải thoát mình. Nhưng trước khi hành động quyên sinh, anh thực hiện công việc cuối cùng là đi tu khổ hạnh trong một tuần tại 7 ngôi chùa, với mong muốn đày đọa thể xác để quên đi nỗi đau về tinh thần. Toàn bộ câu chuyện là diễn biến tâm trạng của Trác trong 7 ngày Trác tự đày đọa thân xác của mình. Trong thời gian trải qua đợt tu tập, anh phải rời bỏ mọi thứ thuộc về thế giới hiện đại, không dùng đồng hồ, không dùng điện thoại di động.

May mắn cho Trác, anh gặp Phra Suphan, một nhà sư cũng người Thái gốc Việt. Những cuộc đối thoại giữa Phra Suphan và Trác đã giúp anh nhận ra được chân lý cuộc đời. Phra Suphan giảng giải: “Muốn biết cái chết là gì, con cần phải hiểu sự sống”. “Cái chết càng không phải là giải thoát. Thần thức nếu chưa giác ngộ, thì khi chết rồi cũng vẫn chìm đắm trong ảo tưởng hiện tại cũng như vị lai, bởi chính tâm thức tạo ra thế giới sự vật”. “Đừng quá hệ lụy vào đời. Đời là sương sa trên cỏ, vừa đọng đã tan. Nếu cứ quá đắm chìm trong khổ não, thì tâm bệnh sẽ sinh nhân bệnh…”. “Nếu ngay cả trong cái chết con cũng không thể giải thoát được thì sao đây? Người chết càng ngày càng chìm trong bùn lầy của ảo tưởng luân hồi. Nếu con an vui ở tâm định tĩnh thì con đang ở cõi trời, nhưng nếu lòng con sục sôi thù hận thì con đã rơi vào hỏa ngục”. Và Trác đã vượt qua ý niệm đi tìm sự chết, tìm thấy hướng đi cho mình, đó là trở về quê hương.

* Cơ duyên nào đã cho Di Li chất liệu viết được những cuốn sách đậm chất Phật giáo như vậy? 

- Đi thăm nhiều ngôi chùa ở các nước lân cận, tôi ngạc nhiên vì thấy chùa ở Thái Lan, Lào, Myanmar… khác với chùa nơi cha sinh mẹ đẻ của mình. Ở Việt Nam, chùa thường yên tĩnh, rêu phong, thâm nghiêm và u tịch. Nhưng chùa của họ luôn tấp nập người, sơn son thếp vàng rất lộng lẫy. Lúc đầu tôi nghĩ, chùa choáng lộn như vậy, lúc nào cũng ồn ào thì làm sao người ta tu hành được. Nhưng tìm hiểu, càng ngạc nhiên hơn, khi mọi người dân đều đến chùa hàng ngày, trẻ con học ở trường xong lại cắp sách vào chùa học tiếp giáo lý, học cách ứng xử, tu dưỡng đạo đức. Ngôi chùa thực sự là nơi sinh hoạt văn hóa của mọi người dân, cũng là nhà trường hun đúc và nuôi dưỡng tâm hồn họ.

Tôn giáo cũng là triết học. Triết học có nhiều trường phái, trong đó có triết học Phật giáo. Nhờ hiểu những điều đó, thấy nhãn quan của mình trở nên sáng, như sự tự mở con mắt thứ ba để có thể soi rọi tất cả những điều mà mình vẫn thấy hàng ngày nhưng ở một chiều kích khác.

Tôi có một anh bạn người Thái gốc Việt, anh từng kể về sự khổ cực của những người Việt ở vùng Đông bắc Thái Lan. Cha mẹ anh là người Việt, chạy sang tị nạn ở đó trong chiến tranh. Trong câu chuyện anh cũng kể tuần tới sẽ phải đi tu, mỗi ngày đến tu ở một ngôi chùa. Ở nhiều nước Đông Nam Á, những người đàn ông trong đời ít nhất một lần phải đến chùa tu tập, họ ở trong chùa tối thiểu một tuần. Đó là cảm hứng để tôi viết truyện dài Bảy ngày trên sa mạc.

Sau này, để thu thập chất liệu cho sáng tác, tôi đã đi đến rất nhiều ngôi chùa trên thế giới. Tôi cũng đã đến Ấn Độ chiêm bái Tứ động tâm: Lumbini (nơi Đức Phật đản sanh), Bodh Gaya (nơi Đức Phật thành đạo), Sarnath (nơi Đức Phật chuyển pháp luân), Kushinaga (nơi Đức Phật nhập Niết-bàn).

* Tác giả ứng dụng triết lý, tư tưởng Phật giáo vào các tác phẩm văn học của mình như thế nào?

- Ở những tác phẩm đầu tay, với sự kết hợp giữa trường phái trinh thám với trường phái kinh dị, tôi thường sử dụng các chi tiết kinh dị để xử lý mối quan hệ nhân - quả. Trong các tác phẩm của tôi, có thể thấy rõ tính quy luật sòng phẳng, và triết lý nhân- quả. Nhân - quả là bài toán có nhiều cách giải nhưng đi đến cùng một đáp án. Tác phẩm văn học cũng vậy, phải hợp lý trong cách tư duy. Xử lý mối quan hệ nhân - quả trong mỗi tác phẩm văn học cực kỳ phức tạp, chứ không phải cứ làm điều ác rồi tự nhiên anh phải trả giá thì đơn giản quá, tác phẩm sẽ thiếu sự hấp dẫn, sẽ giống truyện cổ tích. Mà phải kỳ công lý giải tại sao người ta hành động như thế, để người đọc thấy kết quả như vậy là tất yếu. 

nha van di li va phat giao

Nhà văn Di Li chụp hình lưu niệm với một vị sư tại Bồ Đề Đạo Tràng

Hành động của nhân vật này là nguyên nhân của nhân vật kia, những gì xảy ra với nhân vật này phải theo một dây chuyền từ những hành động trước đó của họ. Nguyên nhân này là kết quả của nguyên nhân khác. Có thể một nhân cho nhiều quả, có thể nhiều nhân hợp lực với nhau cho một kết quả. Các cặp phạm trù nhân quả nối tiếp nhau, chồng lên nhau, mắt xích với nhau trùng trùng trên từng trang sách. Cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt, đó chính là cuộc sống. Trong tác phẩm Câu lạc bộ số 7, tính nhân quả rất rõ nét, hành vi sai trái của tội phạm liên quan đến hành động mà người khác gây ra cho anh ta, rồi anh ta quay lại trả thù. Chỉ khi đọc hết 750 trang sách, người ta mới hiểu ra rằng mọi việc không tự nhiên mà đến. 

* Là một nhà văn, chị nhận xét thế nào về ảnh hưởng của Phật giáo đến đời sống xã hội và văn học ở nước ta?

- Mỗi con người cần được giáo dục song hành cả tri thức lẫn nhân cách ngay từ nhỏ. Thế nhưng, trường học ở nước ta vẫn chủ yếu dạy văn hóa kiến thức, lơ là giáo dục tính thiện. Môn Giáo dục công dân ra đời muộn, nhưng cách thức giảng dạy còn giáo điều, khô khốc. Rõ ràng, giáo dục của nhà trường chưa đủ, giáo dục tôn giáo rất quan trọng, không chỉ ở Việt Nam, mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Giáo lý đem đến cho mỗi người tính thiện, cũng dạy cách ứng xử như thế nào để lợi mình, lợi người. Đừng nghĩ rằng mình ứng xử theo Phật, hiền quá thì mình thiệt. Vấn đề là tính thiện phải có tri thức, phải biết hành động đúng. Nếu lành hiền nhưng hành động u mê thì cũng khó có kết cục tốt đẹp.

Lấy ví dụ, khi một doanh nhân hay cơ sở sản xuất nào đó bị khách hàng phàn nàn về lỗi của sản phẩm. Chính vì thiếu giáo dục tôn giáo, mà người Việt Nam hay có cái phản ứng là tự bảo vệ mình bằng cách chối tội và đẩy lỗi sang người khác. Dẫn đến khách hàng càng bức xúc và phản ứng mạnh hơn, đẩy vụ việc trở nên căng thẳng quá mức. Lẽ ra phải nhận lỗi ngay từ đầu, thì người ta còn lý gì để mắng tiếp nữa. Tôi dạy PR đã ngộ ra được chân lý đó. Chúng ta cần phải học kỹ năng sống. Triết học, tôn giáo, kinh kệ, các giáo lý Phật giáo tuy không phải là những cuốn sách trực tiếp dạy những kỹ năng sống, nhưng giúp ta có tiền đề tự tạo nên kỹ năng sống cho mình, tự mình tìm ra những giải pháp thực hành vào đời sống.

Nếu một đứa trẻ sinh ra thiếu giáo dục triết học, thiếu giáo dục tôn giáo, thì lớn lên sẽ cằn cỗi. Hiện ở nước ta đang giảng dạy tách rời các môn khoa học: vật lý, hóa học, sinh học, nhân học, lịch sử, địa lý… chính vì thiếu nền tảng triết học. Triết học là tổng hợp của tất thảy các lĩnh vực khoa học.

Phật giáo cũng có một nền triết học phong phú, vì Phật giáo đi tìm sự trả lời cho câu hỏi: con người sinh ra từ đâu, sau đó người ta đi đâu, vì sao người ta tồn tại trong thế giới này. Từ xa xưa, rất nhiều trước tác của cao tăng, nhân sĩ trí thức ở nước ta đã nghiên cứu về sinh học, khoa học tự nhiên, con người... Thế nhưng, tri thức triết học này chủ yếu chỉ đi vào tầng lớp quan lại, cao tăng, trí thức cao, mà ít đi vào tầng lớp nhân dân lao động. Điều đó lý giải vì sao, phần đông người dân đến chùa là vì tin vào sự linh thiêng, chứ không phải là để tìm kiếm tri thức, học hỏi kỹ năng sống.

Sách của chúng ta chỉ viết mô-típ theo một kiểu là kẻ ác sẽ gặp họa và bị trừng trị; người tốt sau khi bị oan ức, trải qua cay đắng thì đến hồi thái lai. Tư duy đơn giản vậy nên các tác phẩm văn học chưa đủ sức thuyết phục. Trong các tác phẩm văn học ở nước ta luôn bị nhạt nhòa tính tôn giáo, tính triết học, dẫn đến tác phẩm manh mún và không có nền tảng.

> Về nhà văn Di Li

Theo Chu Minh Khôi  Báo Giác Ngộ

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Khai mạc Khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông năm 2024 tại TP.HCM

Tin tức 22:17 21/11/2024

Sáng 21/11/, Lễ khai mạc Khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông 2024 do Ban Thông tin - Truyền thông thuộc Phật giáo TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM – Việt Nam Quốc Tự.

Kinh lá buông - “báu vật” của đồng bào Khmer An Giang

Tin tức 15:30 21/11/2024

Là một trong Tam bảo của Phật giáo Nam Tông Khmer, kinh lá buông được xem như “báu vật” có giá trị đặc biệt trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer vùng Bảy núi An Giang.

Nét đẹp tri ân của Tăng Ni sinh Học viện PGVN tại Hà Nội

Tin tức 13:31 21/11/2024

Tối 20/11, tại Hội trường Bảo tàng Học viện PGVN tại Hà Nội đã trang nghiêm tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Rải tiền công đức bằng cần cẩu ở một ngôi chùa tại Thái Lan

Tin tức 09:45 21/11/2024

Lễ cúng dường Kathin Samakkhi tại chùa Wat Derm Bang, tỉnh Suphanburi có hoạt động rải tiền công đức từ trên cần cẩu.

Xem thêm