Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Chuyện về “Được” và “Mất”

Có người bảo tôi chả xin gì, xin mỗi bình yên. Tôi mới bảo sao cậu xin xa xỉ thế. Bình yên tự tại là thứ khó nhất mà con người có được, mà lại đi xin không.

Được và mất, ai trong đời không gặp?

Có cô bạn đồng nghiệp thân thiết xem tử vi tôi rồi bảo: “Lá số của chị Được nhiều nhưng Mất cũng nhiều”. Tôi phản đối: “Ơ, ai mà chả thế. Đời được nhiều thì mất nhiều, được ít mất ít chớ sao. Cái ấy việc gì phải xem”. Nàng bảo: “Không, có người toàn thấy được chả mất gì, trong chuyên môn người ta gọi ấy là Phi Thường Cách”. Tôi mới cười mà rằng có ai phi thường thế chỉ cho tôi xem một người thì nàng nghĩ mãi không ra.

tam binh an

Ở đời mọi sự thanh thản chỉ cần tâm bình an

Tôi sống ngần này tuổi, chả thấy ai được tất mất tất bao giờ. Ngay cả cái người bất hạnh đủ mọi đường, họ cũng có một cái được, đấy là ăn ngủ rất dễ, đặt lưng xuống là ngủ, thế đã là tiên, chả như mình, đêm nào cũng trằn trọc như ma. Trên đời ai cũng có điều Được và điều Mất cả. Còn ai mà thấy Được toàn tập thì cũng hẵng từ từ xem thế nào, vì cuộc đời còn dài, bạn Phi thường cách đến 60 tuổi cũng chưa nói lên điều gì vì giờ tuổi thọ đến 100 tuổi lận. Bởi cái người được nhiều nhất trên đời mà tôi từng nhìn thấy là Angelina Jolie. Nàng luôn nằm trong danh sách những người đàn bà gợi tình nhất hành tinh. Nàng có nhan sắc tuyệt mỹ cả khuôn mặt lẫn vóc hình, nàng giàu có, sở hữu những biệt thự ở Beverley Hills và cả Dubai. Nàng sinh ra trong một gia đình danh tiếng. Nàng nổi tiếng đến độ mấy cụ già tận Đông Dương còn biết đến tên nàng. Nàng có tên trên Đại lộ Danh vọng. Nàng có một lũ con đông đúc ngoan ngoãn, cả ba đứa con đẻ và ba đứa con nuôi. Nàng sở hữu anh chàng cũng gợi tình nhất hành tinh. Nàng có nhiều bạn bè danh gia vọng tộc và hàng tỷ người hâm mộ. Chả biết có thứ gì mà nàng không có ngoài mặt trăng. Thế rồi ở tuổi cần sự ổn định nhất, nàng cắt sạch sành sanh cả buồng trứng, ống dẫn trứng lẫn bầu ngực để ngăn ngừa nguy cơ ung thư cao từ gene di truyền, nàng gầy yếu như thây ma. Cùng lúc cả nhan sắc, sức khỏe, sự gợi tình và anh chàng vẫn cùng nàng tạo thành cặp đôi vàng rủ nhau biến mất.

Bài liên quan

Ai hiểu được cái quy luật ấy của cuộc đời thì tất sẽ ít dằn vặt, tất sẽ sống đúng, tất sẽ bớt tham sân si. Nhưng mà nhìn ra xung quanh, tôi thấy phần lớn toàn những người gì chỉ muốn được chớ không muốn mất gì. Không tin cứ xem lễ hội chùa Hương, chùa Hà, Yên Tử… chen nhau quá xá y như phim “Tử trấn tường thành” chiếu rạp của Trương Nghệ Mưu. Người ta mang oản mang xôi, mang vàng mang mã, mang gà mang thủ lợn bày biện linh đình rồi vái lấy vái để cầu xin đủ thứ tình yêu, quan trường, tiền bạc, sức khỏe, đỗ đạt vinh hoa.

Giờ ở đâu cũng thấy người ta cũng bèm bèm mắng tham nhũng, mà lại quên mất rằng cái văn hóa của người Việt là văn hóa rất...thích hối lộ. Có người hối lộ mới có kẻ tham nhũng chớ. Điều đó thể hiện ở cách người ta đi Chùa. Người Thiên Chúa giáo, Chính thống giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo đi lễ là tay không chả mang thứ gì, chỉ đến để xưng tội là chính. Người theo Đạo Phật các phái Mật Tông, Nam Tông ở các nước châu Á khác cũng vậy, cùng lắm mang vòng hoa thơm.

Ở ta thì linh đình bày biện, cơ mà khổ quá, có thần Phật nào lại đi uống rượu, hút thuốc lá, chén xôi gà, giò bò, thủ lợn cơ chứ. Mình cứ ấn cho thần linh đủ thứ bắt ăn, ăn xong còn cả đồ tráng miệng đầy đủ và một đống bánh kẹo cho thần linh phát mắc gút, tiểu đường, mỡ máu, rồi sau rốt chắp tay khấn vái xin xỏ đủ thứ. Thế chẳng phải hối lộ là gì. Lắm người đã hối lộ lại còn gian, toàn mua bánh kẹo rẻ tiền và hoa quả Trung Quốc, bánh cốm nhuộm phẩm màu, rượu Vodka rởm để cúng. Có mấy người về tự ăn cái lộc ấy đâu, toàn đi chia cho người khác hoặc để lay lắt xó nhà rồi sau cũng vất đi.

Bạn cầu xin gì khi lễ chùa?

Tôi đi lễ chùa hầu như không bao giờ xin gì, bởi nghĩ đơn giản rằng trên đời chẳng có thứ gì được không mà lại không mất.

Bạn cầu xin tiền bạc, danh vọng ư? Tiền bạc, danh vọng là thứ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, là sự kiên trì thực sự cho dù có là tỷ phú. Còn tự dưng nó rơi xuống đầu, tự dưng nó quá dễ dàng, tự dưng nó từ nguồn bất chính thì bạn sẽ phải trả nợ thần linh, không trực tiếp bằng tiền thì bằng thứ khác. Đời này bạn không trả đời sau sẽ phải trả hộ bạn.  Không tin bạn vào Google xem số phận của công tử Bạc Liêu con trai Hội đồng Trạch và cháu nội ông ta hiện nay sống trong thảm cảnh thế nào.

Bạn cầu xin tình yêu ư? Bạn muốn có một anh chàng/cô nàng thú vị thì chẳng còn cách nào khác cũng nên tự trau dồi thành con người thú vị. Và nếu đã có tình yêu rồi thì bạn cũng phải mất không biết bao nhiêu tâm huyết, đam mê, công sức, thời gian, tiền bạc để gìn giữ nó hàng ngày, hàng giờ, giữ suốt cuộc đời chứ không phải giữ bằng tờ giấy hay mang xôi oản đi đổi lấy tình yêu.

Bạn cầu xin sức khỏe ư? Nhiều người hay mắc bệnh nọ bệnh kia. Tôi vẫn thường bảo “Hãy chỉ cho tôi một người tập thể thao hàng ngày, uống đủ 2 lít nước, ăn thực phẩm sạch và nhiều rau quả, kiêng đường, chất béo, luôn bổ sung vitamin và các nguyên tố vi lượng, không rượu bia, thuốc lá, ngủ đủ 8 tiếng và đi ngủ trước 11h, đi khám bệnh định kỳ 6 tháng/lần mà lại vẫn có bệnh đầy mình”. Bạn mắc bệnh vì đã vi phạm một vài hoặc tất cả những nguyên tắc sức khỏe. Bạn lười biếng trong việc chăm sóc sức khỏe, nhưng lại vẫn muốn thần linh cho bạn sức khỏe miễn phí.

Có người bảo tôi chả xin gì, xin mỗi bình yên. Tôi mới bảo sao cậu xin xa xỉ thế. Bình yên tự tại là thứ khó nhất mà con người có được, mà lại đi xin không.

Tôi không xin gì bao giờ. Chỉ có hồi con nhỏ hai, ba tuổi nó ốm suốt nên bí quá mình cũng chắp tay vái xin cho nó, và không quên mặc cả, đổi lại thần linh muốn mẹ nó ốm đau quặt quẹo, xui xẻo, mất mát gì cũng được. Vì cứ nghĩ xin không thì đến thần cũng chả cho, hoặc cho rồi lại lấy đi cái khác thì mình chủ động đổi, để có gì mình gánh chịu cả.

Đấy là cách ứng xử với thần linh. Còn trong đời thực, giữa người với người, tôi cũng gặp không ít người chỉ muốn được mà không muốn mất gì, hoặc mất rất ít thôi, chỉ tí ti thôi. Thường những kẻ tham, muốn được tất kết cục lại thường trắng tay, chả được cái gì sất mới ra điều. Chuyện cổ dân gian nói vậy, và thực tế, cũng chẳng bao giờ khác.

Di Li (Nhà văn)

Giới thiệu về tác giả bài viết - nữ nhà văn Di Li

nha van di li

Di Li (sinh ngày 3 tháng 6 năm 1978 tại Hà Nội) là nhà văn nữ và là một dịch giả ở Việt Nam. Cô được đánh giá là cây bút nữ dày dặn với dòng văn học trinh thám kinh dị, được xem là hiện tượng của văn học phía Bắc khi rất thành công với thể loại tiểu thuyết trinh thám kinh dị. Trại Hoa Đỏ là tiểu thuyết đầu tay của cô. Sau khi tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ, tiểu thuyết trinh thám kinh dị đầu tay của cô, được phát hành năm 2009, báo Yomiuri của Nhật Bản cũng đưa tin về sự kiện này.

Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh, từng theo học tại Trường Phổ thông Trung học Việt Đức, tốt nghiệp Cử nhân tiếng Đức và tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Thạc sĩ Quản lý giáo dục Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hiện Di Li là giảng viên tiếng Anh Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội. Di Li là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và hội viên Hội Nhà văn và Dịch giả châu Á Thái Bình Dương.

Mặc dù vậy, không chỉ viết văn, viết báo và dịch thuật, cô còn là một chuyên viên tư vấn trong lĩnh vực quảng cáo & PR, là giảng viên bộ môn Quan hệ công chúng. Tất cả kiến thức kinh nghiệm của Di Li hầu hết đều là tự học.

(Theo Wikipedia)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Truyện ngắn: Về nhà

Phật pháp và cuộc sống 15:40 20/04/2024

Ông già đó cuối cùng cũng trở về sau gần bốn mươi năm bôn ba lưu lạc. Người làng không còn mấy ai nhận ra ông già từng là đứa trai làng ngoan nhất, cũng từng là gã đàn ông tu rượu như nước lã.

Hội luận: Lòng yêu thương (1)

Phật pháp và cuộc sống 15:15 20/04/2024

Ba vào đời nặng nghiệp duyên báo chí, văn chương, không hơn ai nhưng sống đúng với cái đạo mà văn chương nghệ thuật xem là tôn chỉ: Chân, Thiện, Mỹ.

Làm điều không ai làm suốt 6 năm, cụ bà tái sinh cuộc đời cho một người dưng

Phật pháp và cuộc sống 14:33 20/04/2024

Dù không phải là máu mủ ruột rà, hơn 6 năm qua, bà Thử vẫn tình nguyện chăm sóc nam bệnh nhân liệt tứ chi tại bệnh viện, đưa anh về nhà chăm lo như con ruột.

Niệm Phật nhiệm mầu

Phật pháp và cuộc sống 13:45 20/04/2024

Tôi với ba ngoài tình cha con thì đúng là tình đạo hữu. Ba vì bệnh nghiệp mà đến với đạo, tôi vì thấy nhiều ảnh hình của cái chết mà nghĩ về lẽ tử sinh. Bởi, chúng ta hay nghĩ về mưu sinh ít khi nghĩ tới mưu tử. Một khi “vô thường ập đến vạn duyên buông”, hối tiếc cũng ích gì…

Xem thêm