Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Về tiếng chuông trong “Phong Kiều dạ bạc”

Các nhà nghiên cứu văn – sử Trung Hoa cho rằng, nếu thẩm định và liệt kê ra mười nhà thơ xuất sắc đại diện cho văn học thời Đường thì không tính Trương Kế nhưng nếu xét mười bài thơ có sức ảnh hưởng đến thi văn nội ngoại, thì không thể không kể đến Phong Kiều dạ bạc của Ông.

Các nhà nghiên cứu văn – sử Trung Hoa cho rằng, nếu thẩm định và liệt kê ra mười nhà thơ xuất sắc đại diện cho văn học thời Đường thì không tính Trương Kế nhưng nếu xét mười bài thơ có sức ảnh hưởng đến thi văn nội ngoại, thì không thể không kể đến Phong Kiều dạ bạc của Ông. Chỉ một tứ thơ làm nên một tầm vóc, chỉ một lần rũ lòng ở bến Phong Kiều cũng đủ làm nên một Trương Kế lưu danh thiên cổ. Cái hay của bài thơ không chỉ nằm ở tài hoa cảnh trí hay hàm ý xa xôi, cũng không nằm ở nỗi tiếc nuối thời cuộc hay sự day dứt ngổn ngang, mà ở cụm từ “chung thanh” – tưởng như vô nghĩa nhưng lại đầy triết lý. Sức gợi của “tiếng chuông” vọng bên bến Giang Phong [1] không chỉ làm nhà thơ khi ấy chợt thổn thức rồi bừng tỉnh, mà còn khiến hậu thế nghìn năm sau vẫn hết lời tán tụng vì ý tứ diệu vợi, thâm sâu.

Trương Kế 張繼 (?-779) tự Ý Tôn 懿孫, người Tương Châu 襄州, đỗ Tiến sĩ năm Thiên Bảo thứ 12 (754), là nhà thơ thời Trung Đường có tiếng với bài Phong Kiều dạ bạc, tuyển biên từ tập Toàn Đường thi. Theo những ghi chép còn sót lại, chỉ biết ông đỗ Tiến sĩ cập đệ vào năm Thiên Bảo thứ 12 (754). Giữa năm Đại Lịch, ông chuyển từ chức Từ bộ viên ngoại lang 祠部員外郎 sang làm Diêm thiết phán quan 鹽鐵判官 ở Hồng Châu, chỉ vỏn vẹn hơn một năm thì Trương Kê lâm bệnh tạ thế. Bạn ông là Lưu Trường Khanh 劉長卿 có viết bài Khốc Trương Viên ngoại Kế 哭張員外繼 để điếu ông, trong đó có câu: “Thế nan sầu quy lộ, Gia bần hoãn táng kì” (世難愁歸路,家貧緩葬期 – Sống trên đời khó khăn buồn tìm đường về, Gia cảnh bần hàn nên phải lừ khừ kì đưa tang) [2]. Có thể thấy, ngoài một đời thanh khiết, Trương Kế còn lận đận trên con đường quan lộ. Thơ văn của ông không nhiều, chưa đến 50 bài và được gom lại thành tập Trương Từ Bộ thi tập 張祠部詩集. Tuy nhiên, văn ý trong đó chủ yếu giản dị, đa phần là cảnh trí đơn thuần cho nên ít được người đời chú ý, chỉ có bài Phong Kiều dạ bạc 楓橋夜泊 được lưu truyền và tôn tụng như áng thi ca bất hủ.

54

Căn cứ theo sách Đường tài tử truyện 唐才子傳 quyển 3 có chép, sau khi diễn ra loạn An Sử năm 755, vì nghiễm thấy chính cục vùng Giang Nam khi đó tương đối bình ổn, nên không ít kẻ sĩ đã tháo thân chạy đến vùng Giang Tô, Triết Giang lánh loạn, trong số ấy có Trương Kế. Vào giữa đêm thu tĩnh mịch, nhà thơ đậu thuyền ở bến Phong Kiều ngoài thành Tô Châu. Một phần vì cảnh sắc nơi đây mười phần thanh nhã, lại bởi chính trường phái thơ mà Trương Kế theo đuổi lúc ấy (羈旅詩 Ki lữ thi) thúc tâm, nên Ông đã cầm bút trứ nên vài lời lưu hạ [3]. Cũng có thuyết cho rằng, trong đời quan trường của Trương Kế, vì không được hanh thông nên có vài lần ứng thí, ông đều trượt cả. Trong một lần trượt, nhân khi về quê và ngang bến Phong Kiều, ông đã tức cảnh vì tủi cho phận mình lại vừa yêu mến thiên sắc tịch mịch đêm thu ngay bến cô liêu mà sáng tác nên thi phẩm này. Hiểu theo nguồn gốc nào thì xét về tâm thức, khi trứ tác nên Phong Kiều dạ bạc, bản thân nhà thơ đã mang trong mình tâm thế của một kẻ thất thế. Môi trường ngoại quan cộng hưởng với nội quan đã xúc tác, đan quyện với nhau tạo nên một Phong Kiều dạ bạc bất hủ với hậu thế:

月落烏啼霜滿天,

江楓漁火對愁眠。

姑蘇城外寒山寺,

夜半鐘聲到客船。

Phiên âm

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch nghĩa

Trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời.

Hàng phong bên sông, ngọn đèn thuyền chài ở trước người đang ngủ buồn.

Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn San,

Tiếng chuông lúc nửa đêm vẳng đến thuyền khách.

Dịch thơ

Sương giăng quạ nấc trăng tà,

Đèn ngư soi giấc phong là bến sông

Ngoài thành Tô ấy Hàn Sơn,

Nửa đêm chuông vọng bên lòng thuyền tân.

(Nguyễn Thanh Lộc dịch)

55

Điểm đặc biệt của bài thơ nằm ở bút pháp “dĩ tĩnh tả động” 以靜寫動, bên cạnh một hình ảnh tĩnh lại xuất hiện một hình ảnh động. Tuy nhiên, cái động trong bài thơ không mang nghĩa náo động, phá vỡ không gian hơi thu tiêu sâm mà như bổ khuyết cho cái tĩnh. “Nguyệt lạc” là tĩnh, “ô đề” là động, “sương mãn thiên” là tĩnh, “giang phong” là tĩnh, “ngư hỏa” là động, “sầu miên” là tĩnh. Sự đăng đối nhịp nhàng giữa động và tĩnh đã tạo nên không khí trầm mặc đến nghẹt thở, đó là nét đối nghịch giữa âm và dương, giữa sáng và tối, giữa động và tĩnh. Thủ pháp này trong thơ Đường không hiếm nhưng vì cách chọn hình ảnh của Trương Kế quá chọn lọc, mang tính đặc tả nên đã tác động trực diện đến tâm khảm người đọc. Hình ảnh “con quạ kêu sương” không những không làm náo động được bầu không gian, không thay đổi tính chất u uẩn của không khí đêm thu mà còn như một tiếng nấc, tiếng thét thình lình giữa đêm tối, khiến màn đêm như thêm phần hãi hùng. Từ liên tưởng “nguyệt xuất kinh sơn điểu” 月初驚山鳥 (Trăng mọc làm kinh hãi lũ chim trong núi) của Vương Duy có thể suy rằng, trong không gian tịch lặng, việc trăng tà cũng làm cho quạ sợ hãi mà thét lên một tiếng não nùng trong đêm chăng?

Ngoài cụm “ô đề”, hình ảnh “giang phong” cũng gợi nỗi buồn không ít cho không gian sương thu khi ấy. Cổ thi có câu: “Trạm trạm giảng thủy hề thượng hữu phong, mục cực thiên lý thương xuân tâm” (湛湛江水兮上有楓,目極千里傷春心 – Nước sông sâu chừ trên sông có cây phong, mắt hướng về vô cùng vạn lý trong lòng dấy lên nỗi thương cảm mùa xuân (tuổi xuân) [4] hay “Thanh phong phổ thượng bất thăng sầu” (青楓浦上不勝愁 – Trên bến sông cây phong xanh biếc kia như chứa đựng nỗi sầu khôn tả [5]. Nhắc đến phong là nhắc đến sự lụi tàn, sự kết thúc của một chu kì thời gian định hạn, bởi vậy trong thơ cổ, việc chọn “phong” làm hình ảnh đặc tả nỗi buồn không mới nhưng cũng không nhàm. Chính không gian đượm nỗi bi ai này, hoà quyện cùng mạch sầu trong tâm thức thi sĩ khiến cơn sầu như từng đợt sóng trào lên không dứt. Chính điểm đặc biệt về không gian ở hai câu khai – thừa gây ấn tượng ngay lập tức với người đọc, giúp bài thơ trở nên đặc biệt.

Chùa Hàn Sơn nằm ở phía Tây trấn Phong Kiều, Tô Châu, được xây vào năm Thiên Giám (502-519) đời Lương Vũ Đế, đến năm Trinh Quán (627-649) đời Đường Thái Tông, mang tên nhà sư Hàn San đã tu ở đây. Trong chùa có tranh tượng hai nhà Sư nổi tiếng: Hàn San, Thập Đắc. Những lưu truyền về giáo nghĩa xung quanh điển tích về hai vị Sư này hiện vẫn được người đời nhắc và nhớ đến như một cách vọng tri âm các bậc Thánh nhân. Chẳng hạn ngày xưa có lần Hàn Sơn hỏi ông Thập Đắc: “Thế gian nếu có người phỉ báng tôi, khinh rẻ tôi, làm nhục tôi, cười nhạo tôi, khinh khi tôi, rẻ tiện tôi, làm ác với tôi, lừa dối tôi thì tôi nên làm thế nào để trị họ?”. Thập Đắc nói: “Chỉ cần ông nhẫn nhịn họ, nhường nhịn họ, tùy theo họ, tránh né họ, nhẫn nại với họ, kính trọng họ, không cần nói lý với họ, lại chờ thêm vài năm nữa thì ông hãy lại gặp họ sau” [6]. Chính nhờ uy đức của hai vị và bài thơ của Trương Kế, chùa Hàn Sơn đến nay vẫn lưu danh như một trong những danh thắng bậc nhất ở vùng Cô Tô, Trung Quốc. Đặc biệt, tiếng chuông ở chùa không chỉ mang tinh thần giáo nghĩa không môn mà còn ẩn chứa những ý nghĩa vi tế, sâu xa được lưu lại vào sử sách, cụ thể là trong bài thơ Phong Kiều dạ bạc.

Ngày trước, một vị Giáo sư người Trung Quốc, trong lần đi khảo sát thực địa vị trí của Trương Kế khi sáng tác Phong Kiều dạ bạc, nhận thấy từ chỗ tác giả đứng đến chùa Hàn Sơn mất một khoảng cách tương đối xa, vì thế ông nhận định, không thể nào Trương Kế có thể nghe được tiếng chuông ở một nơi xa đến vậy và cho rằng Trương Kế đã nói “xạo” để khiến bài thơ thêm phần thi vị. Vì không tin được điều này, ông đã điều phái thêm một người nữa đến chùa Hàn Sơn kiểm chứng, cùng lúc đó ông ở nơi mà Trương Kế đứng tức bến Phong Kiều. Khi ông gọi cho người kia đánh chuông kiểm chứng thì quả thật có thể nghe rõ mồn một từng âm thanh vọng đến mà không lẫn tạp âm nào. Chứng tỏ, tiếng chuông chùa Hàn Sơn rất đặc biệt. Mỗi dịp Nguyên tiêu, Trụ trì chùa Hàn Sơn lại tiến hành khai lễ “xao chung” (敲鐘 – đánh chuông) để cầu phúc. Căn cứ vào Hàn Sơn tự chí 寒山寺志: “Đường chung dã luyện siêu tinh, khứ lôi kì cổ, ba trách phi động, môn chi hữu lăng” (唐鍾冶煉超精,去雷奇古,波磔飛動,捫之有凌 – Chuông thời Đường đúc luyện cực kì tinh xảo, vang xa kì lạ, bút pháp trên chuông như sóng bay bổng sinh động, sờ vào thì như nước lạnh đã đóng thành băng) [7]. Chính sự đặc biệt từ chất liệu chuông dẫn đến khi tiếng chuông phát ra âm thanh, đã vọng đến tai người những niềm xúc cảm xa xôi, đặc biệt là với Trương Kế trong trường hợp này.

Từ giáo nghĩa của Phật pháp, có thể thấy tiếng chuông chính là biểu tượng của sự thức tỉnh. Theo Đại Tỳ Kheo Tam Thiên Uy Nghi, quyển Hạ thì có 5 việc cần gõ chuông: khi hội họp thường kỳ; khi ăn sáng; lúc ăn tối; khi trở về cõi Niết bàn và khi biết mọi chuyện vô thường [8]. Tiếng chuông như hào quang khởi sự từ tâm Phật, có thể soi chiếu và vang vọng khắp mười phương, khiến ai nấy đều bừng tỉnh như vừa trải qua một cơn mộng dài. Trong lịch sử Phật giáo, có lẽ không ít người biết đến câu chuyện vị đồ tể nghe chuông hành sự. Thực ra, việc người đồ tể nọ giật mình tỉnh dậy sau tiếng chuông muộn của người Trụ trì còn mang ý nghĩa như một sự tỉnh thức. Ngoài ra, tiếng chuông theo Phật học Thiền tông còn là điều kiện cho tinh thần “đốn ngộ”. Tác phẩm Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận (頓悟入道要門論, 卍 Tục Tạng Kinh) định nghĩa rằng: “Vân hà vi đốn ngộ ? Đáp: ‘Đốn giả, đốn trừ vọng niệm; ngộ giả, ngộ vô sở đắc” (云何爲頓悟、答、頓者、頓除妄念、悟者、悟無所得, Thế nào là đốn ngộ ? Đáp: “Đốn tức là nhanh chóng dứt trừ vọng niệm, ngộ là ngộ cái không đạt được”) [9]. Ngày trước, các bậc đại Thiền sư chỉ cần gánh một quảy nước, nghe tiếng sỏi vang, lóng tiếng chuông ngân là lập tức giác ngộ về tánh không. Cũng chính vì tính chất diệu màu này mà khi gõ chuông, người ta thường tôn xưng là tiếng chuông Bát nhã. Vì Bát nhã là chân lý tối thượng, là sự giác ngộ tột vời về tâm thức, là sự bừng tỉnh bất ngờ sau cơn đại mộng, thấu được trí tuệ toàn năng, chứng được cái gọi là “vô sở đắc”. Và vì tiếng chuông là cái “không”, thực là cái “vô sở đắc” nên trong giáo lý Đức Phật nghiễm nhiên xem rằng, âm thanh khởi từ chuông mõ đều mang chủng tử của trí tuệ bát nhã. Bởi vậy, khi đúc chuông, các thợ bao giờ cũng khắc bài kệ: “Văn chung thanh, phiền não khinh, trí tuệ trưởng, Bồ đề sinh” (聞鐘聲,煩惱輕,智慧長,菩提生。- Nghe tiếng chuông ngân, phiền não nhẹ đi, trí tuệ tăng trưởng, Bồ đề sinh ra).

Trở lại với bài thơ của Trương Kế, tiếng chuông (chung thanh) kết lại ở câu cuối vừa như một dấu chấm lại vừa như một dấu ba chấm. Dấu chấm cho sự phiền não và dấu ba chấm cho sự tăng trưởng về trí tuệ, tức bản thân tác giả có thể sau bài thơ này đã tìm được cho mình hướng đi giác ngộ giữa thời cuộc nhiễu nhương. Tiếng chuông của Phong Kiều dạ bạc giữ ba nét nghĩa chính: Thứ nhất là tiếng chuông tả thực được tái hiện bằng ngôn ngữ thơ giàu chất gợi. Thứ hai là tiếng chuông Bát nhã biểu trưng cho giáo lý giải thoát và tỉnh giác của nhà Phật. Thứ ba là tiếng chuông tự tâm tượng trưng cho sự bừng ngộ các giá trị nhân sinh lẫn phương hướng bản thân. Nó đối lập với thực tế phũ phàng được gợi từ sắc thu, cảnh thu và hoàn cảnh thực tại trước đó (biểu hiện qua cụm “sầu miên” 愁眠). Không chỉ khiến Trương Kế thức tỉnh, tiếng chuông còn lay động cả tâm trí người đọc, như xoá tan cảm xúc bi ai từ hai câu khai – thừa trước đó. Vì xuyên suốt bài thơ, chỉ có tiếng chuông này là cái động đúng nghĩa và duy nhất phá tan sự lạnh lẽo, âm u của bầu không gian sầu bi.

Có người cho rằng, tiếng chuông hoàn toàn vô thực, tuy nhiên tôi vẫn thấy tiếng chuông không chỉ có sức gợi lớn mà còn là nhãn tự, điểm nhấn chính của bài thơ. Hồ Ứng Lân thời Minh trong Thi tẩu 詩藪 từng nói: “Trương Kế “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”, đàm giả phân phân, giai vi tích nhân ngu lộng. Thi lưu tá cảnh lập ngôn, duy tại thanh luật chi điệu, hứng tượng chi hợp, khu khu sự thực, bỉ khởi hạ kế? Vô luận dạ bán thị phi, tức chung thanh văn phủ, vị khả tri dã” (Câu “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền” của Trương Kế có vô số người bàn luận, họ đều cho rằng người xưa ngu dốt. Thơ lưu truyền ở đời đều vịnh cảnh để lập ngôn, nếu chỉ chau chau vào cái điệu của thanh luật, sự tương hợp của hứng tượng, cứ khư khư vào sự thực thế thì há chẳng phải đương xét nét hão hư thôi sao? Bất luận có nửa đêm hay không, tiếng chuông có được nghe thấy hay không, mấy việc ấy chẳng đáng để biết vậy) [10]. Như vậy, điều đáng luận về tiếng chuông trong Phong Kiều dạ bạc không nằm ở tính thực hay hư mà ở tính gợi. Nhờ vào tiếng chuông “chốt” câu mà bài thơ lẫn cụm từ “chung thanh” trở thành điển cố kinh điển về tính giác ngộ trong Phật giáo và về thi pháp tính động trong văn học. Nói như nhà văn Trương Triều Tăng trong U Mộng Ảnh 幽夢影: “Xuân thính điểu thanh, hạ thính thiền thanh, thu thính trùng thanh, đông thính tuyết thanh. Bạch trú thính kì thanh, nguyệt hạ thính tiêu thanh. Sơn trung thính tùng phong thanh, thủy tế thính ai ái thanh. Phương bất hư sinh thử nhĩ, nhược ác thiểu xích nhục, hãn thê cấu tôi, chân bất nhược nhĩ lung dã.” (Xuân nghe tiếng chim, hạ nghe tiếng ve, thu nghe tiếng trùng, đông nghe tiếng tuyết. Ngủ trưa thì nghe tiếng cờ, dưới trăng thì nghe tiếng tiêu, trong núi thì nghe tiếng gió khua cây tùng, bên bờ nước thì nghe tiếng hò nhặt khoan. Như thế mới không uổng phí đời này. Nếu như thời niên thiếu chỉ nghe những tiếng điếm nhục chửi bới, ương ngạnh buồn tủi, mắng nhiếc suồng sã, thực chẳng bằng tai điếc luôn cho rồi vậy) [11] thì tiếng chuông của Trương Kế vào cuối bài thơ thay cho cái “hãn thê cấu tối” của “sầu miên”, thay cho “xích nhục” của thời thế đương là. Cũng từ đó tiếng chuông của Trương Kế, như bao âm thanh cổ điển khác, mặc nhiên trở thành biểu tượng cố hữu, là hình ảnh ước lệ trong các sáng tác tập cổ của văn học cổ điển. Trong bài thơ Sơn am hiểu sắc (Sắc sớm ở am trong núi) của Bạch Ngọc Thiềm 白玉蟾 thời Nam Tống cũng mượn tiếng chuông làm điểm nhấn văn học với ý tiếng chuông như một phương tiện tối thượng, có sức khua động cả không gian tịch mịch:

燭影奪明月,

鍾聲撞曉雲。

Phiên âm

Chúc ảnh đoạt minh nguyệt,

Chung thanh tràng hiểu vân.

Dịch nghĩa

Ánh đèn làm lóa cả ánh trăng sáng,

Tiếng chuông làm vang động cả áng mây buổi sáng. [12]

Nhà nghiên cứu Thẩm Đức Tiềm 瀋德潛 đời Thanh trong Đường thi biệt tài 唐詩別裁 có nói: “Trần thị huyên điền chi xứ, chỉ văn chung thanh, hoang lương tịch mịch khả tri” (Ở nơi trần ai huyên náo, chỉ cần nghe được tiếng chuông thì mọi sự hoang liêu tịch mịch đều có thể cảm nhận được) [13].

Chung quy sức ảnh hưởng từ tiếng chuông của Trương Kế không chỉ bó hẹp trong tranh cãi thực – hư mà nằm ở sức gợi mang tính phổ quát và sức biểu đạt mang tính đa tầng. Cái hay của Phong Kiều dạ bạc ngoài việc chọn lọc ngôn ngữ còn ở tính truyền tải của tác phẩm. Thông qua tiếng chuông, tác giả đã gợi ra nhiều tầng giá trị về văn học lẫn tôn giáo. Đó là lý do tại sao Phong Kiều dạ bạc lại được người đời tâm đắc và lưu truyền đến tận bây giờ.

Tài liệu tham khảo:

[1] Tên khác của bến Phong Kiều.

[2] Nguyên văn bài thơ http://www.xiangting.com/zishici_ltxfkzgzokkw/.

[3] Trích xuất từ trang https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&chapter=483985.

[4] Nguyên văn bài từ https://m.gushiwen.cn/mingju/juv_f8a1c6036933.aspx.

[5] Nguyên văn bài thơ https://fanti.dugushici.com/mingju/12482.

[6] 寒山問拾得. Truy xuất từ https://baike.baidu.com/item/寒山问拾得/6333371.

[7] Truy xuất từ https://baike.baidu.hk/item/寒山寺大鐘/5245685.

[8] Thích Nguyên Chơn dịch (2014), Đại Tỳ Kheo Tam Thiên Uy Nghi, truy cập ngày 12/10/2021, https://phatphapungdung.com/phap-bao/dai-ty-kheo-tam-thien-oai-nghi-161959.html.

[9] Thích Thanh Từ dịch (1974), Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận. Truy cập ngày 12/10/2021. Truy xuất từ trang https://thuvienhoasen.org/images/file/T-QYop1G0QgQAJ0b/donngonhapdaoyeumon.pdf.

[10] Truy xuất từ https://www.pinshiwen.com/cidian/wendian/20190901240288.html.

[11] 文史經緯 (2018),《幽夢影》經典語錄賞析,附加精彩點評,國學經典值得一讀. 原文網址:https://kknews.cc/culture/g9bvk8m.html.

Văn sử kinh duy (2018), “U mộng ảnh” kinh điển ngữ lục thưởng tích, phụ gia tinh thái điểm bình, quốc học kinh điển trị đắc nhất độc (Thưởng thức và phân tích bộ Ngữ lục kinh điển “U mộng ảnh”, thêm vào những bình luận tinh xảo, thử đọc một lần thấy được giá trị của bộ quốc học kinh điển). Truy cập ngày 12/10/2021.

[12] Nguyên văn từ https://www.easyatm.com.tw/wiki/《山菴曉色》

[13] Truy xuất từ http://www.amoyu.com/zhishi/230.html.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Thiện thần bảo vệ người giữ giới

Nghiên cứu 14:30 24/04/2024

Ngày xửa ngày xưa, ở một nước kia, nhà vua bắt buộc nhân dân phải giữ năm giới. Một người bạn ở nước khác về chơi, vô tình đem một chai rượu biểu Lam Xoa. Lam Xoa nể bạn, cùng nhau ăn uống. Tại vách mạch rừng đem chuyện đến vua. Lam Xoa bị trục xuất ra khỏi nước.

"Ta bà thế giới" là gì?

Nghiên cứu 09:43 20/04/2024

Trong dân gian có cụm từ "đi ta bà thế giới", thường được hiểu là đi khắp nơi, song nhiều người không hiểu "ta bà" là gì.  

Câu chuyện có thật về sự chủ động tái sinh

Nghiên cứu 14:16 19/04/2024

Khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo pháp ngày càng phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luận sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức.

Phương thức niệm Phật đời Trần

Nghiên cứu 08:23 18/04/2024

Không phải ngẫu nhiên đến đời Trần, phương thức niệm Phật được Thiền phái Trúc Lâm chú trọng trong việc vận dụng vào đời sống thực nghiệm tâm linh trong các Thiền đường nước Đại Việt.

Xem thêm