Vì sao đức Phật dạy ta nên kết bạn với người hiền trí
Đức Phật đã nói: không có điều gì gây ra những cá tính xấu ở một người bằng việc có bạn xấu, không có điều gì giúp ích cho việc tạo ra cá tính cao đẹp bằng việc có bạn tốt. Ngài cũng dạy rằng: phước đức cao quý nhất đến từ việc xa lánh kẻ u muội và kết giao với người hiền trí.
Kinh Maha-mangala, hay Kinh Đại Phước Đức, là một trong những kinh Phật phổ thông nhất, được dùng trong những nghi thức mỗi khi thành kính tụng niệm bằng tiếng Pali. Bài kinh ấy mở đầu bằng sự xuất hiện của một thiên thần đẹp lộng lẫy giáng thế xuống trần gian giữa đêm thanh vắng, đến vườn Jeta tìm gặp và hỏi Đức Phật về việc làm thế nào để đạt được những phước đức cao quý nhất.
Ngay trong đoạn kinh đầu tiên Đức Phật đã trả lời là phước đức cao quý nhất đến từ việc xa lánh kẻ u muội và kết giao với người hiền trí (asevana ca balanam, panditanan ca sevana). Phần còn lại của bài kinh nói về mọi khía cạnh của sự hạnh phúc trên đời, cả thế tục lẫn tâm linh, nhưng lời mở đầu đã được dành cho sự kết giao với người hiền trí; việc ấy cho thấy chủ ý muốn nhấn mạnh một điểm chính yếu: rằng sự tinh tiến trên đường học Đạo tùy thuộc vào việc biết chọn bạn mà giao tiếp.
Trái với một số lý thuyết trong tâm lý học, tâm thức con người vốn không phải là một gian phòng kín mít trong đó vây chặt một cá tính bất di bất dịch, được nặn hình, tạo dáng bởi các yếu tố sinh học và những trải nghiệm thuở ấu thời. Mà thực ra cho đến cuối cuộc đời, tâm thức ấy vẫn ở trạng thái có thể uốn nắnđược, vẫn liên tục thay hình đổi dạng tương ứng theo những giao tế với xã hội. Không hề có chuyện mỗi người kết chặt với một nhân cách cố định, bất biến, mà trái lại, những tiếp xúc thường lệ và đều đặnvới xã hội vẫn không ngừng đưa đẩy, lôi kéo chúng ta vào một tiến trình thẩm thấu tâm lý liên tục, tạo ra những cơ hội quý giá cho sự phát triển, thăng hoa, tiến hoá.
Tương tự như những tế bào trong người vẫn giao lưu với các tế bào liên hệ qua các phản ứng hoá học, tâm thức chúng ta cũng phát ra và đón nhận đều đặn hàng loạt những tràng tín hiệu, những gợi ý có khả năng làm nẩy sinh ra những đổi thay trọng đại cả những khi không ai biết chúng đang xảy ra.
Đặc biệt hệ trọng cho sự phát triển tâm linh là việc chọn lựa bạn bè và kẻ đồng hành, những người mà tác động của họ có thể là quyết định chính yếu đến vận mạng chúng ta. Chính vì nhận thấy tâm chúng ta dễ chịu ảnh hưởng của kẻ đồng hành mà Đức Phật đã liên tục nhấn mạnh đến giá trị của tình bạn tốt (kalyanamittata) trong đời sống tâm linh.
Đức Phật đã thường nói là Ngài thấy không có điều gì gây ra những cá tính xấu ở một người bằng việc có bạn xấu, không có điều gì giúp ích cho việc tạo ra cá tính cao đẹp bằng việc có bạn tốt (Tăng Chi 1.71-81). Đức Phật cũng đã từng lập lại là Ngài thấy không có yếu tố bên ngoài nào tai hại bằng việc có bạn xấu, và không có yếu tố bên ngoài nào bổ ích bằng việc có bạn tốt (Tăng Chi 1.71-81). Chính qua ảnh hưởng của một người bạn tốt mà kẻ tu hành được dẫn dắt trên con đường Bát Chánh Đạo hòng vượt thoát ra khỏi mọi khổ đau, sầu hận (Tương Ưng 45:2).
Trong đạo Phật tình bạn cao đẹp không đơn thuần có nghĩa là giao du với những người mình đồng thuận, đồng sở thích. Mà là tìm đến những người hiền trí để tìm sự hướng dẫn và dạy bảo. Trách vụ của người bạn cao thượng không chỉ là mang lại cho ta sự an ủi khi dấn bước trên đường đời. Người bạn thật sự sáng suốt và nhân từ là người mà bằng vào sự cảm thông và thương yêu trong lòng, sẵn sàng chỉ trích và khiển trách, vạch ra những sai khuấy, lại sẵn sàng cổ võ và khuyến khích trong tinh thần cứu cánh của tình bạn là sự tăng tiến trong Giáo pháp.
Trong kinh Pháp Cú có một câu nói đầy ý nghĩa của Đức Phật về thái độ nên có đối với một người bạn chân thật như thế: “Nếu có ai chỉ ra cho ta những lỗi lầm và quở trách ta, thì ta nên đi theo người hướng đạo khôn ngoan và minh mẫn ấy như là đi theo kẻ dẫn đường đến kho tàng châu báu.”(Pháp Cú.76).
Kết giao với người hiền trí trở nên là điều cốt yếu cho việc phát triển tâm linh bởi lẽ tấm gương sáng và lời khuyên bảo của vị Thầy đức độ nhiều khi chính là yếu tố quyết định để đánh thức và vun trồng cho việc khai mở tiềm năng tâm linh còn lẩn khuất. Phần tâm thức chưa được khai phá của con người vốn chứa đựng biết bao những khả thể chưa được biết đến, từ những điều thấp hèn như sự ích kỷ, lòng tự cao, tính hung hãn, đến những điều cao đẹp như sự hiểu biết, lòng hy sinh, tính nhân từ.
Là người quy y Pháp, trách vụ trước mặt chúng ta là phải kiểm soát những điều xấu xa và nuôi dưỡng những điều tốt lành, những điều dẫn đến tỉnh thức, giải thoát, trong sạch. Nên nhớ là mọi xu hướng trong ta không tự nó trưởng thành hay suy thoái. Chúng luôn chịu tác động không ngừng của môi trường bên ngoài, mà một trong những nhân tố tác động mạnh mẽ nhất chính là những người mà chúng ta gần gũi, những người chúng ta quý trọng là thầy, là cố vấn, là bạn. Những vị ấy vẫn thầm nói với những tiềm năng còn ẩn nấp trong ta, những tiềm năng mà tùy theo ảnh hưởng của họ sẽ làm chúng đâm chồi hay tàn úa.
Vì thế, trên hành trình tu tập Giáo Pháp, điều trở thành thiết yếu là người mà chúng ta chọn để làm thày hướng dẫn, làm kẻ đồng hành, những người ấy phải ít nhất có phần nào những đức tính cao thượng mà chúng ta tìm kiếm để thu thập cho mình trong việc tu hành Giáo Pháp. Càng hệ trọng hơn là ở giai đoạn đầu của sự phát triển tâm linh, khi mà những khát vọng về đức hạnh hãy còn non nớt nhạy cảm, và dễ bị tổn thương trước những hoang mang nội tâm hay sự làm ngã lòng đến từ những người không cùng chí hướng.
Những giai đoạn đầu ấy, tâm hồn chúng ta tựa như con cắc kè thay mầu đổi sắc tùy theo bối cảnh chung quanh. Chẳng khác gì con cắc kè tài tình đang xanh ngắt trên thảm cỏ bỗng hóa thành nâu sậm trên nền đất, chúng ta cũng trở nên u muội khi ở bên kẻ u muội, và hiền đức khi ở gần người hiền đức. Thay đổi nội tâm không xảy ra đột ngột, mà dần dà chút một, ít ỏi đến độ có thể mình không hay biết, mà kết cục lại là một tiến trình biến thái làm thay đổi cá tính đến độ đáng kinh ngạc.
Nếu đã giao du mật thiết với những người lệ thuộc vào dục lạc, quyền hành, giầu sang, danh vọng, thì đừng ảo tưởng đến chuyện không bị vướng vào những ham muốn ấy; sớm muộn gì thì tâm ta cũng sẽ dần dà sa ngã vào những thói như thế.
Nếu hay kết thân với những người tuy không hoang đàng đồi trụy, nhưng chỉ biết sống thoải mái với những thói đời tầm thường, thì rốt cuộc ta cũng sẽ mắc kẹt vào những vết xe trần tục. Nhưng nếu ước vọng đến những gì cao quý nhất – những tột đỉnh của trí tuệ siêu việt và giải thoát– thì phải tìm cách liên kết với những ai là biểu tượng của những gì cao đẹp nhất. Và ví dù chúng ta không có may mắn tìm gặp được người đắc cao đạo hạnh, nhưng nếu trên đường đời được chung lối với vài bạn đạo có cùng chí hướng, cùng dốc lòng nuôi dưỡng trong tim những phẩm chất cao thượng của Giáo Pháp, thì hẳn đó đã là ân sủng trên đời vậy.
Trước câu hỏi làm thế nào để nhận ra bạn tốt, phân biệt được người dẫn đường tốt với người dẫn đường xấu, Đức Phật đã cho chúng ta câu trả lời rất rõ ràng. Trong bài kinh ngắn Đoản Kinh Đêm Trăng Rằm (TB 110) Ngài đã giải thích tường tận sự khác biệt giữa việc kết bạn của người xấu với việc kết bạn của người tốt. Người xấu thì kẻ họ chọn làm bạn, làm người đồng hành là những kẻ không có đức tin, không biết hổ thẹn hay kinh sợ tội lỗi, không am hiểu giáo huấn, lười biếng và không tỉnh thức, không có trí tuệ. Vì người xấu chọn những người bạn như thế làm kẻ hướng dẫn nên sẽ dẫn đến hậu quả là toan tính và thực hành những việc có hại cho bản thân, có hại cho người khác, có hại cho cả mình lẫn người khác, và sẽ gặp phải bao muộn phiền, khổ ải.
Ngược lại, tiếp theo lời Đức Phật, người tốt sẽ chọn làm bạn, làm đồng hành với người có đức tin, biết hổ thẹn và kinh sợ tội lỗi, thấu hiểu giáo pháp, dốc lòng tu tâm dưỡng tánh, tỉnh thức, và có trí tuệ. Tìm đến những người bạn tốt như vậy, hướng về họ như những vị thày chỉ đường dẫn lối, người tốt lấy những đức tính tương tự làm lý tưởng của mình, hấp thụ chúng vào tâm tính bản thân. Nhờ thế, trên đường đang tiến dần đến giải thoát, người tốt trở nên ngọn đèn soi đường cho kẻ khác. Một người như thế có thể mang đến cho những ai còn đang lần mò trong đêm tối một mẫu mực để noi theo, một người bạn hiền đức để kết giao, hòng nhận được sự hướng dẫn, khuyên bảo.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phật dạy về nhân duyên con người có thọ mạng ngắn dài
Lời Phật dạy 20:00 02/11/2024Sống lâu, khỏe mạnh là một phước báu lớn. Nhưng không phải ai cũng có được phước báo này. Bởi xung quanh ta vô thường luôn khấy đảo, nhiều người lần lượt ra đi lúc tuổi trẻ đầu xanh.
Cầu nguyện mà không cầu xin
Lời Phật dạy 10:15 02/11/2024Người con Phật không chỉ cầu nguyện bình an gia đạo, phát tài, đắc lộc mà phải mong cầu và hướng đến thành tựu phẩm hạnh và giải thoát như các bậc Thánh.
Phước đức từ đâu ra?
Lời Phật dạy 16:00 01/11/2024Vô phước thì vô phần là quan niệm phổ biến trong dân gian. Những ai từng trải nghiệm trong đời hẵn thấy rõ tầm quan trọng của phước báo, bởi lẽ dù cho tài trí đến mấy mà thiếu phước thì chưa chắc đã thành công.
Niệm chết
Lời Phật dạy 10:34 31/10/2024Chết là một sự thật. Mọi giới đều bình đẳng trước nó. Dù muốn hay không, mọi người đều phải hội ngộ với nó một cách bị động.
Xem thêm