Thứ tư, 17/07/2024, 13:00 PM

Vu lan, cúng dường, bố thí đúng pháp

Mùa Vu Lan về gợi nhắc hàng đệ tử Phật nhớ đến công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ và khởi lên ý muốn đáp đền công lao vô bờ bến ấy.

Nói đến vấn đề hiếu thảo của người con, Đức Phật dạy rằng tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Nho giáo cũng đặt chữ hiếu lên hàng đầu: Thiên kinh vạn điển, hiếu nghĩa vi tiên.

Học theo kinh Vu lan bồn, chúng ta thường thể hiện hiếu hạnh bằng cách thiết lễ cúng dường trong ngày Tự tứ, vì ngày ấy có mặt đủ hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát. Chúng ta mong nhờ phước đức của các vị Hiền Thánh Tăng ấy cứu độ cho hương linh người thân đã quá vãng được siêu sanh, hay người thân hiện tiền được tăng phước, tăng thọ.

Tuy nhiên, theo tôi, những vị Hiền Thánh Tăng đã đoạn sạch nghiệp, không còn ham muốn gì. Các ngài không cần mà ta cúng thì cũng trở thành vô ích. Thật vậy, trên thực tế, tôi thấy đến mùa Vu lan, các vị Hòa thượng nhận được hàng mấy chục y của Phật tử cúng dường. Các vị này có cần y đâu mà cũng bị ép buộc phải nhận. Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ, cân nhắc.

Trung ương Giáo hội ban hành Thông bạch Đại lễ Vu lan Báo hiếu PL.2568 - DL.2024

298672320_1143570426230640_4519174966773400286_n

Người có đức hạnh xứng đáng để chúng ta cúng dường thì thực sự họ lại không cần. Trái lại, người tham lam, ham thích được cúng, chúng ta lại không muốn cúng và không nên cúng. Vì nếu cúng cho người xấu như vậy, chúng ta đã vô tình tạo thêm thành phần đi tu vì tham lam, mưu cầu lợi dưỡng. Với tâm ác xấu ấy xuất gia, họ thường có nhiều thủ đoạn, hay lừa dối. Tập thể nào có nhiều người này tu, nhất định chẳng thể thanh tịnh, giải thoát, chẳng thể có quả vị Thánh Hiền nào được. Nếu số người tu không có phẩm chất đạo đức ngày càng đông, bề ngoài thấy Phật giáo hưng thịnh, nhưng bên trong đã có mầm mống xấu,  như vậy sẽ dẫn đến sự thảm họa suy  đồi. Ngược lại, tuy cuộc sống vật chất không đầy đủ, nhưng nhiều người nỗ lực thực tu thì không bao lâu, Phật giáo cũng được xương minh.

Thiết nghĩ, chúng ta nên đặt lại vấn đề báo hiếu, cúng dường như thế nào để Phật pháp hưng thịnh mới thực sự đền đáp được công ơn cha mẹ nói riêng và báo đáp bốn ơn nói chung trong mùa Vu lan.

Phải dùng trí tuệ quán xét để biết chỗ nào đáng cúng, lúc nào nên cúng. Người không cần thì chúng ta không cúng. Hoặc đối với nghiệp ác tăng, tham vọng quá lớn, cho bao nhiêu họ cũng thấy không đủ, chúng ta dứt khoát không cho, để không tạo cơ hội cho họ phát triển tánh ác.

Chỉ đối với những người tu có chí hướng thượng, bước đầu còn cần những nhu cầu tối thiểu để nuôi sống thân tứ đại, đó là đối tượng mà ta nên cúng dường, trợ duyên cho họ thăng tiến trên đường đạo.

Trên tinh thần ấy, mỗi mùa Vu lan, chúng ta tự quan sát lại xem nơi mà ta cúng có phát triển tốt đẹp cho đạo hay không, người mà ta cúng có thăng hoa đạo hạnh hay không. Nhìn thấy thành quả tốt xấu ấy mà biết được việc ta làm đúng hay sai, để từ đó điều chỉnh lại pháp cúng dường. Thí dụ ta cúng cho một Tăng Ni nghèo, nhưng họ thực tu thực học, mai kia họ trở thành Pháp sư, hoặc là mẫu người tu có tri thức đạo đức, là vị lai Phật.

Vì vậy, sự cúng dường của ta trong quá khứ đã xây dựng cho người thành Hiền Thánh trong tương lai, đóng góp được lợi lạc cho Phật sự hiện tại. Cúng như vậy, chắc chắn ta được phước. Nhưng nếu người được ta cúng chẳng còn tu nữa, hoặc chỉ có hình thức tu sĩ mà thôi, là biết chúng ta đã cúng dường không đúng đối tượng.

Ngoài việc cúng dường trợ duyên cho những vị tu hành đúng pháp Phật dạy, chúng ta còn một đối tượng thứ hai rất quan trọng cần phải cung kính cúng dường. Những vị này tu hành đắc đạo là Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát hiện hình làm sãi ở gần chúng sanh. Họ đã diệt tận tham sân, phiền não, chẳng còn cần gì, nhưng xuất hiện trên cuộc đời nhằm giáo hóa độ sanh. Ta cúng dường để họ làm lợi ích cho chúng sanh. Nói cách khác, ta tùy hỷ với việc làm thánh thiện của họ, hợp tác với họ trong việc làm lợi lạc quần sanh.

Thật vậy, ta làm thì người không vui, không phát tâm, vì ta chưa đủ phước đức. Nhưng cũng một việc bố thí, cúng dường mà Bồ-tát làm, mọi người đều hoan hỷ, phát tâm và người thọ lãnh của bố thí cũng thay đổi cuộc sống tốt hơn, người nhận cúng dường thì tu hành tinh tấn hơn.

Điều này chúng ta dễ nhận ra trong cuộc sống thường nhật. Những vị Hòa thượng đức độ ảnh hưởng thánh thiện cho người một cách nhẹ nhàng, chỉ ăn một quả chuối của ngài cho mà ta nhớ mãi đạo phong giải thoát của ngài, lưu giữ mãi trong lòng hình ảnh ngôi chùa thanh tịnh với Đức Phật vị tha độ đời. Ngược lại, người tu giả, bên ngoài thô tháo, trong lòng đầy tham sân chỉ tạo thành sự phản tác dụng, làm hại cho đạo hơn.

Như vậy, chúng ta cúng cho người vượt khó, tu học thành tài thành đức và cùng hợp lực, chung sức đóng góp, cúng dường cho các vị chân tu, các bậc cao tăng để các Ngài dùng phương tiện đó mà cứu đời, độ người.

Cúng dường có chọn lọc như vậy thì không tổ chức hình thức linh đình, phí phạm vô ích, nhưng thực ra ta đã hành Bồ-tát đạo, loại trừ được thành phần xấu sống bám vào đạo, làm hư đạo, để tăng trưởng những người đạo cao đức trọng mới là pháp khí giúp Phật pháp hưng thạnh thực sự.

Ngoài việc cúng dường như pháp nói trên, trong mùa Vu lan chúng ta còn bố thí cho người nghèo khó, nhưng cũng với tinh thần giúp đỡ người vượt khó, để họ ổn định được cuộc sống và tiến lên đời sống vật chất và tinh thần tốt đẹp hơn. Không giúp cho người trở thành ỷ lại, ăn hại, lười biếng, sống sa đọa.

Bố thí, cúng dường đúng pháp mang lại kết quả lợi ích cho người, đóng góp thiết thực cho xã hội và xiển dương được đạo pháp. Dùng thành quả thánh thiện ấy mà hồi hướng cho cha mẹ, cửu huyền thất tổ, họ mới thọ hưởng được lợi lạc.

Đức Phật cũng từng dạy nhất nhơn thành Phật cửu huyền thăng. Tuy bên ngoài, chúng ta tưởng chừng như những việc ấy không dính líu gì đến cha mẹ, ông bà, nhưng thực sự tác động lớn. Chẳng hạn khi cha mẹ còn sống, chúng ta học thành tài, hoặc làm những việc tốt mà người quý trọng, thì cha mẹ cũng hưởng danh dự ấy, sung sướng theo.

Đối với cha mẹ, tổ tiên đã qua đời, cũng giống như vậy, họ cũng sợ con cháu không còn ai che chở; nhưng chúng ta làm nên sự nghiệp thì họ cũng yên tâm. Ngược lại, chúng ta làm ác để cung phụng cho cha mẹ thì chỉ làm tăng thêm nghiệp ác cho họ, hay trai tăng cúng dường thật lớn bằng đồng tiền vay mượn, lường gạt, chắc chắn chẳng có vong linh nào siêu nổi.

Tóm lại, Tăng Ni, Phật tử nhận thức sâu sắc và thể hiện cúng dường, bố thí đúng pháp để làm tốt đời đẹp đạo, giúp mọi người cùng thăng hoa tri thức, đạo đức, tăng trưởng chúng Hiền Thánh hiện hữu trên cuộc đời. Đó là cách báo hiếu hữu hiệu cho cha mẹ, tổ tiên và đền đáp công ơn Tam bảo trong mùa Vu lan Báo hiếu.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thế nào là viên tịch, tân viên tịch và thuận tịch?

Kiến thức 09:00 25/12/2024

Nhân có học Tăng, khi đọc bài viết bàn về chữ "Tân viên tịch" không hiểu chắc là nói như vậy đúng hay sai....Chúng tôi cũng thấy cần nói rõ.

Luân hồi trong thần chú Lăng Nghiêm: Năng lực thần chú

Kiến thức 08:46 25/12/2024

Thần chú Thủ Lăng Nghiêm còn gọi là Phật Đỉnh Quang Minh Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát Ra hay Bạch Tán Cái tức chỉ cho cái thể dụng rộng lớn của bản lai tự tánh. Bạch là trí tuệ. Tán cái là lòng từ bao la rộng lớn.

Đại sư, Pháp sư, Thái sư nghĩa là gì?

Kiến thức 20:26 24/12/2024

Đại sư, Pháp sư, Thái sư là những danh từ chúng ta thường gặp trong các sách về Phật giáo, Đạo giáo và lịch sử. 

Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni (bản tiếng Việt)

Kiến thức 10:00 24/12/2024

Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni còn gọi là Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú, được đức Thế Tôn thuyết trong kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni. Thần chú này rất mầu nhiệm, oai lực bất khả tư nghì, độ thoát chúng sinh trong sáu đạo luân hồi và lần lượt đều được chứng quả giải thoát.

Xem thêm