Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Vu Lan nhớ Bố…

Gần mười năm Bố đi xa, nhưng con thấy Bố luôn thật gần. Mỗi độ Vu Lan về, ngày con thấy gần hơn là niềm nhớ cùng bình yên, niềm vui và hạnh phúc. Bởi con cảm niệm rõ, nơi ấy, Bố luôn bình yên, ngập tràn hạnh phúc, yêu thương…

Bố ạ! Ở nhà, mẹ, con cùng các cháu khỏe. Hai cháu chăm ngoan, chịu khó học và vẫn nhớ hỏi ông Nội: Ba ơi! Khi nào ba cho con về chùa thăm ông Nội ba nhé.

Bố ơi! Mùa Vu Lan lại về. Và, chưa mùa Vu Lan nào con thấy bình yên đến thế, như mùa Vu Lan năm nay. Như lúc con đang viết đây, nhớ về bố cùng những ký ức đẹp luôn hiện hữu: Lần đầu tiên bố, mẹ cùng con đi xem phim ở rạp Mê Linh ở 90 phố Lò Đúc. Rồi ngày đầu bố đưa con đến lớp, năm con học lớp Một, con nhớ bố mặc quần ka-ki ống loe màu ghi sáng, áo sơ-mi cộc tay màu xanh, khi đó con học trường tiểu học Đồng Nhân (153 Lò Đúc). 

Học trường Đồng Nhân một tuần, con được chuyển lên trường Lê Ngọc Hân học. Gần như cả năm lớp Một, bố tranh thủ đưa con đi học dù bận phải đi làm. Năm con thi tốt nghiệp Cấp I - PTCS, bố đèo con bằng xe đạp đi thi. Hai bố con mình rong ruổi đường phố buổi sáng đầu mùa hè. Bố động viên con: Con tự tin, làm bài tốt nhé. Và con đã thi đỗ tốt nghiệp, đạt loại Giỏi. Năm đầu tiên trước kỳ thi lớn, con đã rất vui và hạnh phúc được bố đưa đi thi, tiếp động lực giúp con đạt kết quả tốt.
 
Đến năm con thi vào PTTH, bố đèo con trên chiếc xe Eska màu xanh lá cây, ba lần tại ba địa điểm khác nhau. Lần nào bố cũng cười thật vui và chúc con thi tốt. Năm con thi đại học, vẫn chiếc xe Eska màu xanh lá cây, bố tiếp cùng con rong ruổi ba địa điểm thi khác nhau, không kể ngày nắng khi mưa. Đến kỳ đi xem điểm thi đại học, hai bố con mình về tận trường Đại học Sư Phạm ở đường Xuân Thủy - Cầu Giấy để xem điểm. Trường đầu tiên bố con mình cùng đến xem điểm, sau vài chục phút tìm kiếm, dòng thông tin: Thí sinh Nguyễn Quốc Dũng, số báo danh… tổng điểm ba môn Toán-Văn-Ngoại ngữ đạt 16,5 điểm. Điểm chuẩn khoa Báo chí trường Đại học Tổng hợp: 16,5 điểm. Bố con mình xem đi, xem lại 3-4 lần: Con đã thi đỗ vào khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn… Niềm vui khôn tả xiết. Khi bố đèo con về, trời lác đác mưa. Rồi ngày con nhập học, bố đi kèm con đi học rồi bố đi làm ở công ty Giày vải Thượng Đình (cùng trục đường Nguyễn Trãi). Hai người hai chiếc xe đạp. Bố nhường chiếc Eska cho con: Con thích lắm bố ạ, thích đến không tưởng tượng nổi…

Suốt năm đầu đại học, con miệt mài cùng chiếc xe đạp Eska màu xanh lá cây. Chiếc xe đã cùng bố con mình rong ruổi khắp nẻo đường tuổi thơ con. Bốn năm đại học, lúc con chăm học, nhiều khi mải chơi. Chẳng mấy đến ngày con tốt nghiệp. Khi con mang bằng Đại học về nhà, con nhớ: Bố mở ra ngắm thật kỹ. Ánh mắt tràn đầy niềm vui và hạnh phúc…

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, con rời mái trường đại học, bước chân vào những thử thách nghề, nghiệp đời thường. Sau vài năm, đến duyên con xây dựng gia đình, thêm một lần con thấy bố thật vui và hạnh phúc.  
 
Tháng 01/2008, ngày cháu gái đầu lòng chào đời, Ông Nội chờ ở ngõ mấy tiếng đồng hồ đợi đón cháu. Tiếng khóc trẻ thơ vang khắp nhà trong không khí an vui khôn tả. Năm sau, mừng sinh nhật cháu gái Mỹ Như Ngọc (chữ “Mỹ” được bố đặt cho cháu, bố nói: chữ Mỹ trong “Chân-Thiện-Mỹ”), cả nhà ai cũng mừng vui, rôm rả tiếng cười.

Vậy mà, chỉ khoảng hai tháng sau, sức khỏe bố suy giảm dần. Bố ăn ít hơn, làm mọi việc bắt đầu nặng nhọc. Có khi bế cháu gái bé nhỏ cũng phần khó khăn. Ngày bố đi kiểm tra sức khỏe tổng thể, làm đủ các xét nghiệm, chuyện gì đến cũng đến: Kết quả, bố bị Ung thư dạ dày. Khi đó, con buồn và hoang mang lắm…

Các cụ dạy: có bệnh vái tứ phương! Bên cạnh trị liệu ở bệnh viện, những nơi có thể từ thuốc nam đến đông y, thảo dược, bố con mình đều tìm đến. Và tuyệt vời nhất, may mắn nhất khi bố con mình nhân duyên gặp thầy ở Hoàng Hoa Thám, thầy khuyên bố nên ăn chay, niệm Phật nhằm thuyên giảm bệnh tật. Bố đã bén duyên Phật pháp vậy. Hàng ngày, mỗi tối trước khi đi ngủ, bố con mình lại cùng niệm Phật. 

Một ngày cuối tháng 11/2009, con đi công tác Hải Phòng về, cũng là ngày cuối cùng bố con mình bên nhau. Đêm hôm ấy, bố con mình cùng nghe kinh Dược Sư, bố niệm Phật nhiều, dáng ngồi nhẹ nhàng, an nhiên. Đến hơn hai giờ sáng con mới chợp mắt. Hơn sáu giờ con tỉnh giấc, bố nằm đó không nói, dòng hơi thở có khi ngắt quãng. Con biết, bố đã sẵn sàng đi xa…

Sau Tết Nguyên Đán, con về chùa Linh Sơn Thanh Nhàn (phố Trần Khát Chân), thỉnh ý kiến sư thầy Trụ trì để bố được nương nhờ cửa từ bi, tiếp tục học Phật. Kể từ đó, hàng năm, dịp Phật đản hay mùa Vu Lan báo hiếu, con về chùa thăm bố. Bận không thể về, con hoài niệm về bố cùng tất cả niềm thương yêu, bình yên trong tâm. Bởi con biết, con cảm nhận rõ, nơi xa ấy, bố luôn an vui, hạnh phúc. Và, bố vẫn dõi theo con từng ngày…

Thường Nguyên

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phóng sanh có thể hóa giải sát nghiệp?

Phật giáo thường thức 10:30 23/11/2024

Con người ở trong lúc bệnh hoạn, thậm chí trong tình trạng nguy kịch thì phương pháp cầu cứu nhanh chóng nhất chính là phóng sinh phải không ạ?

Kinh Phật nói ân nặng cha mẹ khó báo đáp

Phật giáo thường thức 09:36 23/11/2024

Hiếu thuận không chỉ có một đời, duy chỉ có siêng năng thực hành bố thí giúp người, tu tạo nhiều công đức hồi hướng cho song thân, như thế cha mẹ mới hưởng được tư lương phước tuệ vĩnh hằng, như thế mới được xưng là đại hiếu của con cái!

Làm sao để nhận biết đó là bậc giác ngộ?

Phật giáo thường thức 08:16 23/11/2024

Thưa Thầy, Thầy nói tu học tốt nhất là được học từ bậc Giác Ngộ, vậy làm sao chúng con biết vị ấy là bậc Giác Ngộ để mà theo học ạ?

Xem thêm