Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 27/02/2015, 08:17 AM

Xuân Di Lặc, nghĩ về vị Phật tương lai, đến hình ảnh Bố Đại Hòa thượng bụng to mang đãy vải

Đã có ai đó với niềm tin bất động, hy vọng ngài ra đời sớm hơn như chúng ta nghĩ, cho nên mới có ngày vía hạ sinh Bồ-tát Di-lặc nhằm mùng 1 tết Âm lịch, theo truyền thống Phật giáo Bắc phương Việt Nam và Trung Hoa...

Dẫn nhập:

“Hy vọng là thức ăn của nghèo”, câu nói này có vẻ như một sự an ủi, nhưng đó vẫn là niềm tin sau cùng còn sót lại của những con người cơ hàn, còn chút tia sáng mong mỏi một ngày mai sẽ thay đổi số phận. Vậy những con người kì cùng khổ đau, tìm về ngôi chùa vàng son, vào chánh điện thâm u huyền bí khói hương, đứng trước Phật tượng bất động im lặng, nhìn Ngài mà mãi mãi không nói gì… Sự im lặng ấy khiến lắm kẻ khổ đau đãi mắt tuyệt vọng.

Song, có một người, có thể thay thế pho tượng xi-măng kia, nói lên tiếng nói loài người, cứu giúp thế giới suy thoái và khổ đau này, đó là Bồ-tát Di-lặc (Maitreya-bodhisattva). Ước chừng khoảng 56 ức 7 nghìn vạn năm nữa ngài sẽ ra đời. Thế nhưng đã có ai đó với niềm tin bất động, hy vọng ngài ra đời sớm hơn như chúng ta nghĩ, cho nên mới có ngày vía hạ sinh Bồ-tát Di-lặc nhằm mùng 1 tết Âm lịch, theo truyền thống Phật giáo Bắc phương Việt Nam và Trung Hoa...  
 
Kinh tạng truyền bản:

Chúng ta bắt đầu lần theo lịch sử về ngài từ kinh điển thuộc hai hệ phái Bắc phương Hán tạng và Nam phương Pāli gồm có:

- Kinh Phật thuyết quán Di-lặc bồ-tát thượng sanh đâu-suất thiên, 1 quyển, Thư-cừ-kinh-thanh dịch thời Tống;

- Phật thuyết Di-lặc hạ sanh, 1 quyển, Trúc Pháp Hộ dịch thời Tây Tấn;

- Phật thuyết Di-lặc hạ sanh thành Phật có hai bản, 1 bản ngài Cưu-ma-la-thập dịch thời Hậu Tần và một bản ngài Nghĩa Tịnh dịch thời Đường;

- Phật thuyết Di-lặc đại thành Phật, 1 quyển, Cưu-ma-la-thập dịch thời Dao Tần;

- Phật thuyết Di-lặc lai thời, 1 quyển, mất tên người dịch;

- Di-lặc bồ-tát sở vấn bổn nguyện, 1 quyển, Trúc Pháp Hộ dịch thời Tây Tấn;

- Di-lặc bồ-tát sở vấn kinh luận, 9 quyển, Bồ-đề-lưu-chi dịch thời Hậu Ngụy;

- Tăng nhất A-hàm quyển 45 (Cù-đàm Tăng-già-đề-bà dịch thời Đông Tấn, 51 quyển), Phẩm Mười bất thiện, kinh số 3;

- Kinh Hiền kiếp (Trúc Pháp Hộ dịch, 8 quyển) quyển 7, phẩm Thiên Phật hưng lập;

- Cakkavatti-sīhanāda-sutta (D. III, p. 75f) (kinh Chuyển luân thánh vương sư tử hống (26), Trường bộ kinh 3, Nam truyền đại tạng kinh);
.......
 
Lịch sử ngài Di-lặc:

Các kinh điển chép về sự ra đời, xuất gia, hành đạo và được thọ ký thành Phật như sau:

Kinh Hiền ngu quyển 12 (Sa-môn Tuệ Giác dịch thời Nguyên Ngụy, 13 quyển), tạng Đại chánh 4, No. 202, trang 432b14 dẫn:

Vua Ba-la-nại tên Ba-la-đạt, nhà vua có một tể tướng sinh được một nam nhi đầy đủ 32 tướng tốt, thân sắc vàng tía. Vị tể tướng nhờ thầy xem tướng đứa bé, thầy tướng hỏi: “Từ khi sinh đứa bé này có chuyện gì lạ không?” Vị tể tướng nói: “Thật kỳ lạ! Vốn tính mẹ nó không bao giờ lương thiện nhưng từ khi mang thai, mẹ nó xót thương những khổ đau, lòng từ thấm nhuần đến hàng lê dân….” Ông thầy tướng mừng nói: “Đây là ý chí của đứa con.” Nhân việc này mà đặt tên là Di-lặc.[1]

Chuyện đứa trẻ đặc biệt này truyền khắp cả nước, quốc vương Ba-la-đạt nghe được ôm lòng lo sợ, một mai đứa trẻ kia lớn khôn, đầy đủ đức hạnh sẽ soán ngôi mình; bèn truyền lệnh cho vị tể tướng đưa đứa con vào cung cho nhà vua gặp để giết đi. Nhưng vị tể tướng đoán biết ý đồ của vua nên gởi cho người cậu Ba-bà-lợi, là quốc sư nước Ba-lị-phú-la, người học cao hiểu rộng, nuôi nấng và dạy dỗ Di-lặc.

Bấy giờ có vị trời đến mách bảo với Ba-bà-lợi, có Phật và chúng Tăng đang ở núi Thứu đầu (Linh thứu), tại thành Vương xá. Ba-bà-lợi nghe vậy liền sai 16 người có cả Di-lặc đến đó để vấn nạn đức Phật. Khi đến nơi, mọi câu hỏi đặt ra đều được Phật trả lời, họ sanh lòng kính ngưỡng. Mười lăm người xin xuất gia, được Phật giảng pháp đều đắc A-la-hán. Còn một người tên Tân-kì-kì là con người chị của Ba-bà-lợi quay về bổn quốc báo tin.

Kinh Hiền ngu quyển 12 (trang 435c13) nói tiếp:

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo, vào đời tương lai, cõi Diêm-phù-đề[2] này, đất đai bằng phẳng rộng rãi, không có núi sông, đất mọc cỏ mềm, giống như áo trời. Lúc ấy con người thọ đến 84.000 tuổi, sống hoà thuận, tu đủ thập thiện… Khi ấy có vị Bà-la-môn sinh một đứa con trai tên Di-lặc, thân đủ 32 tướng, ánh sáng rực rỡ; rồi xuất gia học đạo, thành Chánh giác, rộng vì chúng sanh chuyển xe pháp… Ngài Di-lặc nghe Phật nói như vậy, từ tòa đứng dậy bạch Phật: “Con nguyện xin làm đức Di-lặc Thế Tôn đó.” Đức Phật bảo: “Đúng như lời ông nói, ông sẽ sinh ở đó, làm Di-lặc Như Lai, việc giáo hoá như trên đều do ông.”

Bấy giờ, hội chúng nghe Phật thọ ký cho Di-lặc tương lai thành Phật, lại có tên là Di-lặc, mọi người đều nghi ngờ, muốn biết rõ ngọn ngành. Tôn giả A-nan liền đứng dậy thưa hỏi tại sao Di-lặc thành Phật lại có danh hiệu đó? Đức Phật kể:

Thuở quá khứ, có vị vua tên Đàm-ma-lưu-chi thống lĩnh 48.000 quốc gia… khi ấy, có đức Phật Phất-sa xuất hiện ở đời, ở nước này giáo hoá chúng sanh. Một hôm nhà vua cùng quần thần đến thăm đức Phật, thấy Phật và đại chúng đang ngồi nhập định, trong số ấy có một Tỳ-kheo tu Từ tam-muội, phóng ánh sáng rực rỡ. Nhà vua mới hỏi Phật, vị Tỳ-kheo này nhập định gì mà ánh sáng rực rỡ như vậy? Đức Phật bảo: “Vị Tỳ-kheo đó nhập Từ tam-muội.” Nhà vua lòng càng ngưỡng mộ, nên phát nguyện sẽ học tập Từ tam-muội đó. Phật bảo A-nan: Do đại vương Đàm-ma-lưu-chi phát tâm tu Từ tam-muội mà về sau có tên là Di-lặc.

Kinh Di-lặc hạ sanh (Trúc Pháp Hộ dịch) ghi:

Vào thời vua Chuyển luân thánh vương Tương-khư, ngài Di-lặc từ cung trời Đâu-suất giáng hạ; thân phụ là Tu-phạm-ma, thân mẫu Phạm-ma-việt. Sau khi thành đạo ngài giáo hoá Thiện Tài, phụ mẫu, và tám vạn bốn nghìn đại chúng, cũng như Phật Thích-ca đời này, ngài nói giáo pháp ba thừa độ sanh. Ngài Đại Ca-diếp ở thời chư Phật quá khứ đã khéo tu phạm hạnh nên trong tương lai cũng giúp ngài Di-lặc giáo hoá. Người đứng ra thưa hỏi trong kinh này là tôn giả A-nan.

Kinh Di-lặc thượng sanh (Thư-cừ-kinh-thanh dịch) chép:

Bồ-tát Di-lặc thị tịch, sinh lên cung trời Đâu-suất và ngày đêm sáu thời nói pháp giáo hóa chư thiên.

Kinh còn nói: muốn sanh lên cung trời phải làm 10 điều thiện, tâm nhớ nghĩ hình tượng Phật, miệng niệm danh hiệu Di-lặc, công đức này có thể thoát khỏi sinh tử 96 kiếp.

Kinh Cakkavatti-sīhanāda chép: 

Đức Phật thuyết cho các Tỳ-kheo tại Mātulā. Đây là pháp thoại luận về sự cần thiết sống tương thuận với Pháp, lấy Pháp làm nơi trú ẩn. Kinh kể chuyện vị Chuyển luân vương Daḷhanemi và trưởng nam của ông; vị Chuyển luân vương điều hành luật lệ, cai trị bằng sự công chính, khiến thần dân sống đạo hạnh theo các huấn giáo của ông. Nhưng, sau đó, sự suy đồi đạo lý diễn ra kéo theo sự sụp đổ đời sống con người cùng các tiện nghi phụ tuỳ của nó. Rồi đến sự phục hưng dần các giới đức, tiếp theo bằng sự thịnh vượng và trường thọ. Kinh cũng chép lời tiên tri, khi tuổi thọ con người 8 vạn tuổi thì Phật Di-lặc (Metteyya) sẽ xuất hiện.
 
Tín ngưỡng thờ tự:

Về tín ngưỡng thờ phụng Bồ-tát Di-lặc vốn đã có rất sớm ở Ấn Độ, trong truyện Pháp Thịnh, Danh Tăng truyện sao quyển 1, Tục tạng 77, No. 1523, trang 358c15 chép:

Sau khi Phật nhập diệt 480 năm, có vị A-la-hán là Khả-lợi-nan-đà bay lên cung trời Đâu-suất vẽ tượng Di-lặc. Và truyện ghi thêm: ngài Pháp Thịnh cùng 29 người đến Thiên Trúc, đi qua nhiều nước, đến đông bắc nước Ưu-trường, thấy tượng Di-lặc bằng gỗ Ngưu đầu chiên-đàn v.v…

Đại Đường Tây Vực ký quyển 7, tạng Đại chánh 51, No. 2087, trang 907b26 ghi:

“Nước Chiến Chủ (tiếng Phạn: Yuddhapati, đô thành nước này nay là Ghāzipur) chu vi hơn hai ngàn dặm, đô thành bên bờ sông Hằng. Cư dân no đủ, nhà cửa phố xá san sát… Trong nước có mười ngôi chùa… Ngôi chùa phía tây bắc đô thành có một toà tháp Phật, do vua Vô Ưu (Asoka) lập. Sách Tiên hiền Ấn Độ chép: Tháp chứa một thăng xá-lợi Phật…. Khi trước ở đây có tượng Bồ-tát Từ Thị (Di-lặc), tượng nhỏ nhưng thần thái uy nghiêm…”

Từ đó việc tạo tượng Di-lặc để thờ kính càng thịnh hành; tại Trung Quốc, đời Nam Tề, năm Kiến Vũ, ngài Tăng Hộ tạc pho tượng Di-lặc bằng đá cao 40 mét ở núi Thạch Thành, huyện Diệm, nhưng nguyện chưa thành thì ngài qua đời. Ngài Tăng Hựu tiếp tục thực hiện đến năm Thiên Giám 15 (516) đời Lương là hoàn tất. Thời Bắc Nguỵ, Hiến văn đế tạc động Di-lặc trong hang 13 ở Vân Cương Đại đồng, tôn trí pho tượng ngồi cao 16 mét v.v…

Về nghệ thuật tạo tượng Bồ-tát Di-lặc, có nhiều thuyết khác nhau. Theo Mật giáo, Bồ-tát Từ Thị (Di-lặc) là một trong chín vị tôn của Trung đài trong Mạn-đồ-la Thai tạng giới, ngồi phía đông bắc đức Đại Nhật Như Lai. Còn trong Mạn-đồ-la Kim cương giới thì ngài là một trong 16 vị tôn kiếp Hiền; trong bộ Mật giáo, bản Phật thuyết Đại khổng tước minh vương họa tượng đàn tràng nghi quĩ quyển 1 (ngài Bất Không dịch thời Đường), tạng Đại chánh 19, No. 983A, trang 440a13 ghi:

“Hình Bồ-tát Từ Thị, tay trái cầm bình nước, tay phải đưa lên hướng ra ngoài, làm dáng thí vô uý.”

Kinh Bát-đại bồ-tát mạn-đồ-la quyển 1 (ngài Bất Không dịch thời Đường), tạng Đại chánh 20, No. 1167, trang 675b21 ghi:

“Quán tưởng Bồ-tát Từ Thị thân vàng ròng, tay trái cầm bình nước, tay phải thí vô uý.”

Trong Phật giáo đồ tượng học thuộc Mật giáo, vẽ ngài ngồi bán già, dáng tư duy, tay trái bắt ấn chuyển pháp luân, có nghĩa là khi xuất hiện trên thế gian, ngài sẽ quay bánh xe pháp một lần nữa.

Còn tại Việt Nam và Trung Quốc, hầu như các chùa đều thờ tượng Di-lặc miệng cười, bụng to phơi ra và có tượng làm thêm sáu đứa trẻ đu trên người ngài đùa giỡn. Đó là hoà thượng Khế Thử, thời Ngũ Đại (Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu). Theo truyền thuyết, hoà thượng Khế Thử (Bố Đại) là hóa thân của Bồ-tát Di-lặc, cho nên người đời tạo tượng ngài để thờ. Vậy hoà thượng Khế Thử lai lịch thế nào?
 
Bố Đại hoà thượng (Hòa thượng bao vải):

Theo Tống cao tăng truyện quyển 21 (Sa-môn Tán Ninh… soạn, 30 quyển), tạng Đại chánh 50, No. 2061, trang 848b24 ghi:

Ngài Thích Khế Thử, không rõ họ gì, người Tứ Minh (Tây nam thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, sống vào triều Lương thời Ngũ Đại), dáng mập mạp bụng lớn, nói năng không định, gặp đâu ngủ đó; thường dùng gậy quảy một cái túi vải lớn (bố đại 布袋)…, hiệu là Trường đinh tử Bố đại sư. Ngài từng ngủ trong tuyết mà thân không dính tuyết; người đời thấy đó thật kì lạ. Ngài có nói kệ:

“Di-lặc chân Di-lặc
Thời nhân giai bất thức.”
Dịch:
Di-lặc thật Di-lặc
Người đời chẳng tự biết.

Phật tổ lịch đại thông tải quyển 17 (ngài Niệm Thường tập thành thời Nguyên, 22 quyển), tạng Đại chánh 47, No. 2036, trang 561c16 chép:
Tháng 3, năm thứ 3 niên hiệu Trinh minh, Bính tý (917), thời Lương, lúc sắp thị tịch, ngài ngồi ngay thẳng trên tấm đá dưới hiên phía đông chùa Nhạc Lâm mà nói rằng:

Di-lặc chân Di-lặc
Phân thân thiên bách ức;
thời thời thị thời nhân,
Thời nhân tự bất thức.
Dịch:
Di-lặc thật Di-lặc
Phân thân nghìn trăm ức;
Luôn luôn dạy mọi người,
Người đời chẳng tự biết.

Nói kệ xong, ngài an nhiên mà hóa. Về sau, có người ở châu khác trông thấy ngài mang túi vải mà đi. Nhân đó tứ chúng cùng nhau vẽ tượng ngài. Hiện nay, trong đại điện phía đông chùa Nhạc Lâm vẫn còn giữ nguyên vẹn tượng ngài.

Ngoài ra, ngài còn để lại một bài kệ nổi tiếng, nói lên cuộc đời vô định của mình, ngày nay dân gian mãi truyền tụng ghi chép:

Nhất bát thiên gia phạn,
Cô thân vạn lý du;
Thanh mục đổ nhân thiểu,
Vấn lộ bạch vân đầu.
Dịch:
Một bát cơm ngàn nhà,
Thân côi muôn dặm xa;
Mắt xanh nhìn nhân thế,
Mây trắng hỏi đường qua.
(Cảnh đức truyền đăng lục quyển 27 [ngài Đạo Nguyên biên tập, thời Tống, 30 quyển], Đại chánh 51, No. 2076, trang 434b20; Phật tổ lịch đại thông tải 17, trang 652a12 v.v…).
 
Lời kết

Người viết không có ý tập thành nhiều thư tịch để dẫn người đọc thấy được ngài Di-lặc thật. Ma lực ngôn ngữ chỉ là phương tiện, mượn phương tiện vượt bỏ khái niệm ngôn từ, nhận thức đúng Như thực tính (yathābhūtatā) của thế giới hiện tượng xung quanh; đôi mắt của kẻ phàm nhìn mọi thứ luôn bị cấu trúc bất thực (abhūtaparikalpa), thấy cái gì cũng thật nhưng cái thật đó được bao phủ nhiều lớp ảo bên ngoài. Nếu thấy tất cả như thực tại tính của chính nó thì đó mới là “ông Phật thật” trong lòng mình. Như đức Phật nói: “Nếu thấy pháp là thấy Ta (Phật), nếu thấy Ta là thấy pháp. Tại sao? Vì thấy pháp nên thấy Ta, vì thấy Ta nên thấy pháp.”[3]

Kinh điển viết về Bồ-tát Di-lặc chỉ nói ngài xuất hiện thế nào chứ không ghi rõ năm tháng, kể cả Hòa thượng Bố Đại, vậy ngày mùng 1 Tết là ngày vía Di-lặc hạ sanh dựa vào đâu? Việc này xin trao tay lại có các sử gia. Còn kiến giải riêng tư của bút giả thì có thể tâm tư một ai đó, một thiền sư, một tu sĩ hay phật tử nào đó đã nhìn nỗi đời trầm thống mà bức thiết mong mỏi ngài ra đời sớm hơn trong nhân gian. Hoặc giả là một niềm tin chắc thật là ngài đã thị hiện rồi; nếu ở Trung Quốc xuất hiện một vị “chân Di-lặc” miệng cười, bụng to thì Việt Nam cũng có người khoác áo nâu sồng dáng gầy, trầm lặng… “Lịch sử thế giới là lịch sử của một thiểu số người có lòng tự tin nơi mình.” (Vivekananda).

Nụ cười bao dung từ ái của ngài Di-lặc luôn nở trong lòng người hành giả là biết sống thực, thấy thực; tinh hoa trong tôn giáo là đời sống chứ không phải triết lý. “Chân Di-lặc” chỉ hiện hữu trong tâm kẻ ngộ đạo.

Thích Tâm Nhãn
Nguồn: http://phaptangpgvn.net/vie/sach-phat-hoc/xuan-di-lac-nghi-ve-vi-phat-tuong-lai-den-hinh-anh-bo-dai-hoa-thuong-bung-to-mang-day-vai.html
[1] Di-lặc là phiên âm từ tiếng Phạn Maitreya, Pāli: Metteyya, dịch là Từ Thị.
[2] Diêm-phù-đề 閻浮提: (Phạn: Jambu-dvīpa, Pāli: Jambu-dīpa) Diêm-phù (Jambu) là tên cây táo hồng (lá dày lớn, phấn hoa màu hồng, bên ngoài quả có lông nhung, quả có thể ăn được. Tên khoa học là Eugeniajambolana); đề (dvīpa) là châu, dịch theo Phạn-Hán “Diêm-phù châu”, là nước sinh trưởng nhiều cây Diêm-phù. Trước đây Diêm-phù-đề vốn chỉ riêng cho Ấn Độ, về sau chỉ chung cho thế giới nhân gian.
[3] S. (3, p. 120 – Nam truyền đại tạng kinh 14, Tương ưng bộ, p. 190).
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm