Xúc động với tâm tư “tình chị em” của vị sư cô ở Làng Mai

Bài viết dưới đây được dịch từ nguyên bản tiếng Anh, theo trang nhà Làng Mai. Phatgiao.org.vn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Sư chị Chân Không thương kính,

Em muốn bày tỏ niềm tri ân đối với sư chị nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu vì có rất nhiều điều muốn nói. Nhưng em nghĩ mình sẽ bắt đầu theo thứ tự thời gian, từ lúc em mới gặp sư chị lần đầu tiên vào năm 1986.

Trước đó hai năm, em và một người bạn đã viết thư cho sư chị để xin phép đến Làng Mai. Bọn em định đi phà từ Anh qua Pháp và sau khi xuống phà sẽ đạp xe từ bến Dieppe tới Làng. Nhưng thật đáng tiếc, chúng em được sư chị báo tin là Làng Mai đã hết chỗ cho mùa hè năm đó.

Xúc động với tâm tư “tình chị em” của vị sư cô ở Làng Mai 1
Sư cô Chân Đức (trái) và sư chị Chân Không thời trẻ. Ảnh: Làng Mai

Năm 1986, em có duyên được tham gia tổ chức khóa tu và các buổi pháp thoại công cộng cho Thầy ở nước Anh. Em hoàn toàn không biết gì về sức khỏe của Thầy và của sư chị nên đã chọn một tòa lâu đài lạnh lẽo ở miền bắc nước Anh cho khóa tu. Thậm chí trong những ngày khóa tu còn có tuyết, mà tòa lâu đài lại không có sưởi.

Lần đầu tiên gặp sư chị ở sân bay, em đã thấy thân thiết với sư chị liền. Thầy và sư chị rất dễ thương với em, không hề phàn nàn dù em có rất nhiều thiếu sót trong khi tổ chức khóa tu. Sư chị đã hát suốt trên đường khi mấy thầy trò lái xe từ Luân Đôn lên miền Bắc. Em nhớ đó là lần đầu tiên nghe sư chị hát bài Ý thức em mặt trời tỏa rạng và sư chị dạy em hát theo. Sư chị cũng giải thích cho em một vài điểm trong tiếng Việt. Em được sư chị cho biết tiếng Việt không có từ “I” và “you” như trong tiếng Anh, sư chị là “chị”, còn em là “em”. Đây là điều rất khó hiểu đối với một cái đầu đã quen với “I” và “you” như em, vì phải thay đổi cách xưng hô tùy thuộc vào người mình đang nói chuyện.

Nhờ lần gặp gỡ đó mà em đã có đủ duyên đến Làng Mai để dự khóa tu mùa Hè năm 1986. Hai tuần cuối của khóa tu, em được ở xóm Hạ nơi sư chị phụ trách chăm sóc. Sư chị là người hướng dẫn thực tập cho các thiền sinh người Việt ở xóm Hạ. Không khí ở đây như trong một đại gia đình. Đến lúc em phải ra về vì hết thời hạn, sư chị nói với em có lẽ Thầy sẽ hỏi em có muốn ở lại làm dân thường trú ở Làng hay không. Em tin chuyện em được thường trú ở Làng hẳn là nhờ có sư chị trợ duyên. Chuyện được mời ở lại thật sự rất bất ngờ đối với em. Khi thưa với Thầy là em không còn hạnh phúc nào hơn khi được ở lại Làng, em được sư chị báo tin là em sẽ làm chị của một số người nam tị nạn đang có mặt tại xóm Hạ. Sư chị đã tin cậy giao cho em một công việc mà em làm không được giỏi cho lắm trong thời gian hai, ba tháng sư chị đi thăm các trại tị nạn ở Đông Nam Á, nơi những thuyền nhân người Việt đang tạm trú. Thời gian đó là cơ hội để em học tiếng Việt, bởi vì ở nhà chẳng có ai nói được tiếng Anh hay tiếng Pháp. Khi trở về Làng, bất cứ khi nào sư chị đến thăm, sư chị cũng mang thức ăn cho em: Phô mai Pháp, yến mạch để ăn sáng và yaourt. Sư chị cũng dạy em cách làm yaourt.

Em đã trải qua mùa hè năm 1987 tại Làng như một người thường trú dưới sự hướng dẫn của sư chị chứ không phải là một thiền sinh. Sư chị làm tất cả mọi thứ, từ sắp xếp chương trình đến nấu ăn. Em đi theo sư chị và học cách nấu một số món canh Việt Nam như canh bầu, canh rau muống, canh khoai tây cho khoảng hơn 100 người. Em cũng làm được bánh ga tô chanh cho thiền trà và được sư chị khen ngon.

1988 là một năm đặc biệt vì năm đó hai chị em được thọ giới tỳ kheo ni. Em tri ân sư chị rất nhiều vì nhờ sư chị thọ giới mà em cũng được Thầy nhận lời cho em được thọ giới. Em nghĩ có lẽ Thầy không chắc là em có thể duy trì nếp sống xuất gia suốt đời hay không. Vì vậy sự yểm trợ của sư chị trong việc em thọ giới là một điều rất quan trọng. Sư chị luôn là một người có hảo tâm và không bao giờ để cho ai có cảm tưởng mình bị gạt ra ngoài. Sư chị thậm chí còn cho em áo tràng của sư chị vì trước khi đi Ấn Độ, em không biết là sẽ có lễ xuất gia cho nên em không hề chuẩn bị một chút gì.

Từ đó trở đi, em đã có một sư chị, và chắc hẳn em không phải là một sư em dễ dàng gì. Dù hạt giống muốn xuất gia của em rất lớn nhưng em vẫn còn có rất nhiều tập khí không nên có nơi một sư cô, thí dụ như tâm ganh tị. Em cần được nhắc nhở rất nhiều. Và nhờ sư chị mà em có một người sẵn lòng nhắc nhở em. Khi em còn là một sư cô còn non trẻ, sư chị đã khuyến khích em làm việc trong nhà bếp và ở ngoài vườn. Em rất may mắn được cho phép đến và ở lại Sơn Cốc, nơi em luôn cảm thấy được đón chào và cũng là nơi mà em được học hỏi rất nhiều từ cách sống của Thầy.

Năm 1989, em được Thầy cho phép làm thị giả trong chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ sau khi sư chị quay trở lại châu Âu. Sư chị đã dạy em cách nấu một số món ăn căn bản mà Thầy có thể dùng được. Nhưng em không có cơ hội được nấu vì có rất nhiều thiền sinh người Việt rất nhiệt tình nấu ăn cúng dường Thầy.

Thời gian trôi qua, sư chị thấy những khiếm khuyết của em trong công việc văn phòng và tổ chức nên đã cố gắng hết sức để em không phải đảm đương những công việc ấy trong thời gian em ở tu viện Thanh Sơn. Sư chị đã ủng hộ em thật hết lòng khi em ở Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu (EIAB), Đức. Sư chị cũng luôn cho phép em về lại Làng và sẵn lòng có mặt, lắng nghe những vấn đề của em với đôi tai rất từ bi và nhiều tuệ giác. Sư chị không bao giờ trách móc em mỗi khi em đi qua khó khăn và luôn chấp nhận những yếu kém của em.

Xúc động với tâm tư “tình chị em” của vị sư cô ở Làng Mai 2
"Nơi sư chị, em được học hỏi rất nhiều từ cách sư chị thực tập buông bỏ và an trú trong giây phút hiện tại".

Lần gặp gần đây, sư chị nói: “Em ráng giữ gìn sức khỏe! Giữ gìn cho em mà cũng là cho chị nữa!”. Vâng, thưa sư chị, em sẽ cố gắng hết sức mình. Từ khi sư chị bị ngã trong chuyến đi Séc, em lúc nào cũng ngưỡng mộ sự kiên nhẫn của sư chị. Sư chị chấp nhận điều kiện sức khỏe của mình với sự kiên trì và cả sự hài hước. Nơi sư chị, em được học hỏi rất nhiều từ cách sư chị thực tập buông bỏ và an trú trong giây phút hiện tại. Vì sư chị đã có duyên được thân cận Thầy qua nhiều năm tháng nên sự thực tập chánh niệm đã trở thành bản tính tự nhiên của sư chị.

Em chắc rằng đôi khi sư chị cũng rất nhớ Thầy sau nhiều năm thân cận Người như vậy, nhưng sư chị luôn tự nhắc mình và người khác rằng Thầy vẫn luôn có đó, bên cạnh chúng ta, dù cho hoàn cảnh có thể khó khăn đến đâu đi nữa. Sư chị đích thực là một vị Bồ tát, như hình ảnh trong bài kệ truyền đăng mà Thầy đã trao cho sư chị:

              Chân thân vượt thoát sắc cùng hình

              Không tánh từ xưa vẫn tịnh minh

              Ứng hiện trần gian trăm vạn lối

              Từ bi phương tiện độ quần sinh.

Cảm ơn sư chị đã trợ duyên để em được là một người tu và là một sư em của sư chị.

Sư cô Chân Đức

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Một ngày, bạn sẽ nhận ra...

Phật pháp và cuộc sống 15:16 16/04/2025

Một ngày, bạn sẽ nhận ra giữa cuộc đời giả tạm này, không có điều gì là vĩnh cửu. Không có tình thương vĩnh cửu, không có sự oán ghét vĩnh hằng, cũng không có điều tốt hay điều xấu nào là miên diễn.

Nghĩ về bất như ý: "Tôi xứng đáng nhận về điều đó"

Phật pháp và cuộc sống 14:31 16/04/2025

Nhà Sư dạy, khi một điều bất như ý xảy đến với bạn, đó không phải là ngẫu nhiên, mà đó chính là vì bạn-xứng-đáng-phải-nhận-điều-đó.

Học Phật không thể mê tín

Phật pháp và cuộc sống 14:22 16/04/2025

Có một thời gian, tôi hay đi chùa vào những ngày rằm, mùng một. Lúc ấy, tâm tôi chưa hiểu nhiều về đạo, chỉ biết theo mẹ, theo bà, thắp nén nhang, lầm rầm vài câu khấn, rồi thành kính cúi đầu mong được “bình an”, “may mắn”, “tai qua nạn khỏi”… Khi đó, tôi nghĩ rằng học Phật là như vậy – lễ bái và cầu nguyện. Mãi về sau, tôi mới hiểu, học Phật không phải là cầu khẩn, càng không thể là mê tín.

Vô thường trong sáp nhập, bất biến của hồn quê

Phật pháp và cuộc sống 13:10 16/04/2025

Mỗi mảnh đất đều mang theo trong mình một linh hồn. Linh hồn ấy được nuôi lớn bởi lịch sử, bởi những lớp người đã từng sống, từng yêu, từng đổ mồ hôi và cả máu xương trên mảnh đất ấy. Và linh hồn ấy, theo năm tháng, hóa thành một từ thiêng liêng: tên đất.

Xem thêm

Phật Giáo
Phật Giáo

Từ điển Phật giáo

Phật Giáo
Phật Giáo
Phật Giáo