Ý nghĩa lạy hồng danh Pháp Hoa
Tất cả pháp môn tu của Phật dạy đều là phương tiện nhằm diệt khổ và làm cho chúng ta an lạc. Trước tiên, bản thân chúng ta phải được an lành, mới giúp cho người khác an. Mình chưa an mà nghĩ đến mang an vui cho người là sai lầm lớn.
Mỗi pháp môn tu có nét đặc sắc riêng. Tùy theo căn cơ, trình độ của mỗi người mà chọn pháp môn thích hợp với mình, chọn Thầy hướng dẫn và chọn bạn cùng tu. Vì vậy, pháp thích hợp với người này, nhưng không thích hợp với người khác. Hoặc vị Đạo sư hướng dẫn được người này, nhưng không dạy được người khác. Hiểu như vậy, thì không có pháp này đúng, pháp kia sai; không có Thầy này đúng, vị khác sai. Tất cả pháp Phật nếu sử dụng đúng, ta được an lành; sử dụng sai thì phiền não.
Có thể nói tất cả pháp môn ở bước ban đầu đều tạo điều kiện cho chúng ta sống an lạc. Vì vậy, không đạt được lợi ích này, dù tu suốt đời chỉ lãng phí thì giờ và sức khỏe của ta mà thôi.
Riêng pháp tu theo Pháp Hoa thuộc Viên giáo, nghĩa là thời pháp cuối cùng của Đức Phật, tổng kết một đời giáo hóa của Ngài. Theo Nhật Liên Thánh nhân, những người có căn tánh Đại thừa, phát tâm Bồ đề rồi, thì đi thẳng vào pháp tu Nhất Phật thừa là Pháp Hoa.
Thật vậy, chúng ta có nhân duyên với Đức Phật, đã từng trồng căn lành với Phật từ nhiều đời. Vì thế, trong hiện đời, chúng ta thấy hình ảnh Phật, nghe pháp, thấy Tăng là phát tâm ngay. Với nhân duyên căn lành đã có sẵn, chỉ cần làm cho căn lành này phát lên. Nhờ Phật làm căn lành ta phát khởi bằng cách lạy Phật, niệm Phật, trì tụng yếu nghĩa của Pháp Hoa. Đó là việc chính của người tu Pháp Hoa.
Nghi thức Đảnh lễ Chư Phật trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Khi có Phật xuất hiện trong tâm linh, thì cuộc sống ta thay đổi. Tâm trí chúng ta tự sáng ra, ý nghĩ đen tối không còn; người ác không sai khiến, lung lạc ta được. Không có căn lành, không thể tu pháp này. Vì vậy, tu thấy giống nhau, nhưng kết quả khác nhau ở chỗ có căn lành hay không.
Có căn lành mới nhận được Phật huệ rọi vào, biết rõ việc tốt xấu; không ai lường gạt ta được. Người không có căn lành, nhưng có ác nghiệp, tà tâm vọng niệm của họ lớn, chắc chắn quỷ sẽ theo hướng vọng tâm đó mà đến. Và trên thực tế là người ác sẽ đến với họ; vì niệm ác thì đồng với ác niệm. Cứ như vậy, niệm ác tăng trưởng mạnh, phải bị đọa. Thử nghĩ mình ghét người, làm sao người thương mình được. Cái gì mình ném ra thì cái đó dội ngược về mình. Từ ý ác, đến lời nói ác, việc làm ác, là đầy đủ ba nghiệp tội lỗi. Người biết tu, hễ niệm ác khởi lên, phải lo diệt nó liền. Nếu không, ta sẽ nhận lãnh ác xấu đó.
Người tu Pháp Hoa lạy Phật, niệm Phật, để tâm chúng ta luôn nối liền với Phật, để niệm ác sinh ra thì nhờ Phật lực xóa ngay nghiệp cho mình. Trên bước đường tu, lạy Hồng danh Pháp Hoa, cảm được hạnh của vị Phật nào cũng được.
Hạnh của Phật đến với chúng ta, làm cho ý nghĩ chúng ta khác, xóa liền ý niệm xấu. Thí dụ nghĩ đến hạnh kính trọng mọi người của Đức Phật, chúng ta vội vàng dập tắt ngay ý niệm xem thường người. Vì Phật là đấng trọn lành, mà Ngài còn có hạnh khiêm cung như vậy; còn ta là gì mà dám khi dể người khác.
Người tu Pháp Hoa chỉ được khởi hai tâm. Thứ nhất là tâm kính trọng. Ta kính trọng Phật, Hiền Thánh và kính trọng cả đại chúng thì quá tốt. Kính trọng học trò của ta thì họ càng kính ta hơn; đâu mất gì. Không bằng ai, nhưng xem thường người, mắc quả báo lớn.
Nuôi tâm kính trọng người bằng cách lạy Phật, niệm Phật. Vì đối với các bậc thánh thiện hoàn toàn, chúng ta dễ dàng tôn kính. Nhìn về ba đời các Đức Phật mà ta nuôi lớn tâm lành này. Đối với các Đức Phật vị lai là những người đang tiến bước trên lộ trình giác ngộ, ta kính trọng Bồ đề tâm của họ; không phải kính trọng thân xác.
Tâm thứ hai mà người tu Pháp Hoa cần nuôi dưỡng là đại bi tâm. Thấy người nào mà ta giúp đỡ được thì đều sẵn lòng. Kể cả những người hại ta, cũng phải khởi tâm thương họ; vì biết chắc rằng họ sẽ bị quả báo do hành động xấu ác với ta. Thiết nghĩ người chỉ sống với tâm đại bi, chắc chắn họ dễ thương vô cùng. Tùy tâm đại bi rộng lớn đến mức độ nào thì sẽ được người khác thương quý đến đó.
Lạy Phật, tạo sự gắn liền giữa ta và Phật hơn là gắn với chúng sinh, để tiêu trừ nghiệp. Còn dại khờ, ít nghĩ đến Phật, nhưng nói chuyện chúng sinh thì nghiệp ác tăng trưởng. Đối với oan gia nghiệp chướng, tôi thường tránh mặt; vì gặp thì dễ khởi niệm ác. Trong suốt 20 năm, tôi tập tránh tiếp xúc, để bớt buồn phiền. Chỉ lo tu phần mình, thấm thía với câu Phật dạy "An phận nghèo quy củ tu hành”.
Kế đến là tôi tránh nghe. Nơi nào có thị phi, phải trái, hơn thua, tôi bỏ đi; vì nghe thì nghiệp mình theo đó nổi lên. Gặp điều gì không bằng lòng, ta niệm Phật liền để giữ lòng yên ổn.
Ngoài tụng kinh, niệm Phật, suy tư lời Phật dạy là tham Thiền. Ngày nay, tôi đạt được hiểu biết, nhờ hạ thủ công phu như vậy.
Thứ ba là tránh nói, vì sợ nhất là nói lỡ lời. Kinh Pháp Hoa dạy rằng chuyện phải, có thật, còn không nói; huống chi là nghe. Lỡ nghe rồi thì rửa sạch tai, đừng để chuyện không tốt len vào tâm làm bẩn tâm; vì chúng ta chưa đủ sức hóa giải nghiệp của người.
Tu theo Hồng danh Pháp Hoa, chủ yếu lạy Phật, tạo mối quan hệ của ta với Phật càng nhiều càng tốt. Người lạy Phật nhiều, niệm Phật nhiều, phải hiện hảo tướng, phước đức tăng trưởng.
Lễ Phật để tiêu trừ tội chướng và khai phát năng lực tiềm ẩn
Kế đến, lễ lạy Bồ tát. Đối với Bồ tát mới phát tâm, ta hướng đến tâm Bồ đề của họ mà kính lễ. Đối với Bồ tát thương nhân gian mà sinh lại cuộc đời này, thì ta lạy hạnh đức của các Ngài. Lạy Bồ tát, tạo liên hệ gắn bó với các Ngài, để các Ngài trợ lực cho việc làm tốt của ta thành tựu; vì thật sự ta đã làm thay các Ngài. Và sau cùng, chúng ta kính lễ Hiền Thánh Tăng là những người thánh thiện trên thế gian này.
Tạo mối tương quan mật thiết với chư Phật, Bồ Tát và Thánh Hiền trong kinh điển và trở lại thực tế cuộc sống, chúng ta quan hệ với người tài giỏi, người trong sạch, người làm lợi ích cho đời; chắc chắn việc của chúng ta thành công.
Ngoài lạy Phật, người tu Pháp Hoa còn gia trì thần chú là đọc thần chú thủ hộ của Bồ tát, Thánh Hiền, chư thiên, thần linh. Các Ngài đã phát nguyện ủng hộ người tu Pháp Hoa, nên chúng ta gia trì thần chú để cầu nguyện các Ngài giúp đỡ. Tùy lực gia trì của các Ngài đến đâu, chúng ta làm đến đó; không khởi vọng niệm tham cầu.
Sau cùng, tụng Bổn môn Pháp Hoa là phần yếu nghĩa của kinh, để trấn áp nghiệp, không cho nghiệp ác sinh khởi và cũng để mở rộng hiểu biết tinh ba của Phật dạy và thực hiện hạnh Phật trong cuộc sống tu hành.
Chuyên tu Pháp Hoa đúng pháp như vậy, trải qua một thời gian, sẽ được nhiều người thương quý, việc làm dễ dàng thành công, tâm chúng ta sáng lần và xa rời trần cấu. Khi bỏ huyễn thân này, sẽ trở về thế giới Phật.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm