Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 28/05/2022, 16:11 PM

Ý nghĩa và biểu tượng bảy báu của Chuyển luân thánh vương

Một vị Chuyển luân thánh vương khi lấy Chánh pháp trị nước, chinh phục bốn phương, thống trị các quốc độ thì có đầy đủ bảy món báu: bánh xe vàng; voi trắng; ngựa xanh; thần châu; ngọc nữ; cư sĩ; và chủ binh.1

Báu bánh xe vàng

Vào ngày rằm, Chuyển luân thánh vương tắm gội sạch sẽ bằng nước thơm, ngồi trên điện cao, có cung nữ theo hầu xung quanh. Khi ấy bánh xe vàng tự nhiên hiện ra, bánh xe to bốn trượng, có ngàn căm, được chư thiên làm bằng vàng sáng chói. Rồi vua ra lệnh bánh xe vàng đi về hướng Đông. Khi ấy vua liền dẫn bốn binh chủng theo sau. Bánh xe dừng lại chỗ nào thì vua dừng lại ở đó.

Bấy giờ các tiểu quốc vương thấy vua đến liền dâng cúng vàng bạc châu báu và thỉnh cầu vua ở lại trị vì nơi này. Chuyển luân thánh vương từ chối và dạy rằng lòng tốt của quý vị là đã cúng dường ta rồi. Hãy theo Chánh pháp mà cai trị, không được sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, tham lam, đố kỵ. Các tiểu vương vâng lời dạy, vì cảm đức của vua liền đi theo, tuần hành đến các nước phía Nam, Tây, Bắc. Bất kỳ chỗ nào bánh xe lăn đến, các vị tiểu vương ở đó đều dâng cúng vàng bạc, châu báu và thỉnh cầu vua ở lại trị vì. Nhưng vua đều từ chối và dạy các tiểu vương nên lấy Chánh pháp để cai trị đất nước, như các nước ở phía Đông vậy. Nhờ đó đất đai cõi Diêm-phù-đề đều màu mỡ, có nhiều trân bảo, nguồn nước trong sạch. Bánh xe lăn tới đâu, ấn định ranh giới rõ ràng. Thành quách, cung điện được xây dựng huy hoàng trang nghiêm. Bánh xe vàng trụ ở giữa hư không trước cung điện. Chuyển luân thánh vương nói rằng bánh xe vàng này thật sự là điềm lành của ngài.

Bánh xe vàng tượng trưng cho Chánh pháp. Chánh pháp ở đây gồm hai phương diện: pháp quyền và chân lý đạo đức. Pháp luân (bánh xe) là biểu tượng rất quan trọng và thiêng liêng vì nó biểu thị cho giáo pháp của Đức Phật và Ngài là đấng Pháp vương vận chuyển bánh xe pháp ấy đi khắp nơi để giáo hóa chúng sinh, cũng giống như hình ảnh bánh xe vàng lăn khắp các nước ở Đông, Tây, Nam, Bắc biểu trưng cho vị Chuyển luân thánh vương đem Chánh pháp truyền trao, giáo hóa khắp tất cả nhân dân.

Nhờ có Chánh pháp nên vua đi đến đâu các tiểu vương và nhân dân ở đó đều quy thuận và dâng cúng đầy đủ vàng bạc châu báu. Vì vua biết tôn trọng và y theo Chánh pháp mà cai trị đất nước nên khắp nơi đất đai màu mỡ, tài nguyên phong phú, dân cư đông đúc, trung chánh, hiền lương. Đất nước giàu mạnh, chủ quyền lãnh thổ được khẳng định rõ ràng. Thành quách cung điện trang nghiêm. “Bánh xe vàng trụ giữa hư không ngay trước cung điện” tượng trưng cho Chánh pháp tồn tại trong đất nước một cách mạnh mẽ, kiên cố, không bị phá hoại. Giáo pháp của Đức Phật được truyền thừa liên tục không gián đoạn từ quá khứ cho đến hiện tại và tương lai. Cũng như bánh xe vàng của vua là biểu thị pháp và luật được trụ thế lâu dài và lưu truyền mãi mãi.

Đức Phật vận chuyển bánh xe Pháp đi khắp nơi để giáo hóa chúng sinh

Đức Phật vận chuyển bánh xe Pháp đi khắp nơi để giáo hóa chúng sinh

Báu voi trắng

Vào một buổi sáng, Chuyển luân thánh vương ngồi trên điện lớn, bỗng thấy báu voi trắng hiện ra. Đầu có nhiều màu, sáu ngà thon dài, sáng như vàng ròng. Vua liền cho người huấn luyện voi đầy đủ các kỹ năng. Sau đó vua cưỡi voi dạo khắp bốn biển, rồi trở về cung điện, nói rằng bảo vật voi trắng này đúng là điềm lành của ta.

Báu voi trắng tượng trưng cho sức mạnh quân sự.Vào thời cổ đại, Ấn Độ đã biết sử dụng voi trong các cuộc chiến tranh. Tượng binh là một phần không thể thiếu trong chiến lược quân sự. Quân đội mà không có tượng binh cũng giống như rừng không có sư tử, nước không có vua. Ở Việt Nam cũng đã biết sử dụng voi trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, như cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã sử dụng voi chiến để đánh quân Đông Hán; bà Triệu cũng cưỡi voi ra trận để chống lại quân Ngô. Điểm mạnh của voi chiến là hình dáng to khỏe, hùng dũng, được sử dụng như lực lượng tấn công xung phong khi lâm trận. Voi đâm thẳng vào quân địch, giẫm đạp và quật ngã kẻ thù. Voi rất khỏe, sức chịu đựng bền bỉ, do đó sức tàn phá kẻ thù rất lớn. Một khi bị voi chiến tấn công nếu đối phương không bị nghiền nát thì cũng bị quật ngã, đồng thời làm cho quân địch hoảng loạn tinh thần, khủng hoảng đội hình, nhờ đó mà đánh thắng quân địch. Những nước nào có nhiều voi chiến thì khả năng chiến thắng rất cao. Cho nên voi báu là biểu tượng cho sức mạnh quân sự.

Báu ngựa xanh

Vào một buổi sáng, Chuyển luân thánh vương đang ngồi trên điện lớn, bỗng nhiên có ngựa báu hiện ra. Màu nó xanh thẫm, bờm và đuôi màu đỏ. Vua thấy con ngựa này khôn bèn cho người huấn luyện đầy đủ các kỹ năng. Sau đó, vua liền cưỡi ngựa ra khỏi thành, đi quanh khắp bốn biển, buổi trưa trở về cung điện. Vua vui mừng nói rằng ngựa báu này thật sự là điềm lành của ngài.

Báu ngựa xanh tượng trưng cho sức mạnh kinh tế. Ngựa là loài vật rất quen thuộc với con người, luôn trung thành và cũng gian khổ sống chết với chủ trong những lúc xông pha nơi chiến trường. Vì vậy hình ảnh con ngựa đã đi vào văn hóa nghệ thuật có khi với dáng vẻ thanh nhã, quý phái, mạnh mẽ; cũng có lúc đi vào huyền thoại lịch sử cùng với những bậc võ tướng lãnh đạo tài ba như con ngựa của Thành Cát Tư Hãn, ngựa của Hàn Tín, cho đến con ngựa của Đường Huyền Trang. Do đó, đôi khi người ta xem ngựa như là biểu tượng của sức mạnh, nghị lực, may mắn và thành công.

Thỉnh thoảng, trong các công ty hay phòng khách, chúng ta nhìn thấy bức tranh bốn con ngựa hay đàn ngựa đang phi nước đại. Bức tranh này được treo với mong muốn rằng sẽ có được sự phát đạt trong kinh doanh, nhanh chóng được thăng quan tiến chức, vì người ta quan niệm rằng “mã đáo thành công”. Cho nên hình ảnh con ngựa là biểu trưng cho sức mạnh kinh tế.

47-1310

Báu thần châu

Vào một buổi sáng, khi Chuyển luân thánh vương đang ngồi trên điện lớn, bỗng nhiên có thần châu quý xuất hiện. Thần châu sáng rực trong suốt, không tì vết. Khi ấy vua nghĩ rằng thần châu này thật tuyệt vời, ánh sáng của nó sẽ chiếu rọi khắp hoàng cung. Đêm hôm đó, vua tự tay đặt thần châu trên cây phướn cao, cùng với bốn binh chúng xuất thành. Ánh sáng thần châu soi tỏ đến một do tuần, sáng như ban ngày. Chuyển luân thánh vương vui mừng nói rằng thần châu này thực sự là điềm lành của ngài.

Báu thần châu này tượng trưng cho trí huệ; nói theo Thượng tọa Thích Nhật Từ là tượng trưng cho sức mạnh tri thức. Trong Phật giáo, viên minh châu được Đức Phật nhắc đến nhiều lần để dụ cho tánh giác, trí tuệ sẵn có của tất cả chúng sinh, như hạt châu trong chéo áo của gã cùng tử, viên minh châu trong búi tóc của vua trong kinh Pháp hoa, viên minh châu trong lòng bàn tay của ngài Địa Tạng… Ánh sáng của ngọc báu có công năng chiếu soi tất cả chốn địa ngục tối tăm, và chúng sinh có thể nương theo ánh sáng đó để được giải thoát khỏi tam đồ. Chúng sinh vì bị vô minh che đậy nên tạo nhiều nghiệp ác, một khi có ánh sáng trí tuệ xuất hiện thì bóng tối vô minh tan biến. Ánh sáng của ngọc báu xua tan bóng tối thì ánh sáng trí tuệ xóa tan vô minh, mê muội.

Ngọc báu có thể làm viên mãn mọi tâm nguyện. Người có trí tuệ có thể thực hiện công việc một cách chu toàn, trọn vẹn. Như vậy, báu thần châu thuộc sở hữu của vua có nghĩa là một vị vua phải có trí tuệ, biết phân biệt được đâu là trung thần, đâu là gian thần, biết phân biệt thiện ác, trắng đen, biết những gì nên làm những gì không nên làm để xử lý công việc một cách tốt đẹp. Cho nên nói báu thần châu này tượng trưng cho trí tuệ hay sức mạnh tri thức.

Báu ngọc nữ

Vào một buổi sáng, khi Chuyển luân thánh vương đang ngồi trên điện lớn, bỗng nhiên có ngọc nữ hiện ra trước mặt. Ngọc nữ có nhan sắc như tiên nữ, dung mạo đoan trang, oai nghi cử chỉ chuẩn mực, nói năng dịu dàng, miệng thường thoảng hương hoa Ưu-bát-la, thân thể thường phảng phất hương thơm như hương chiên đàn, mùa hè thì thân mát, mùa đông thì thân ấm; nhân cách cao thượng, sáng ngời khiến người đối diện không hề khởi tâm tham dục, mê đắm. Chuyển luân thánh vương vui mừng nói rằng báu ngọc nữ này là phước duyên lành của ngài.

Báu ngọc nữ này tượng trưng cho người phụ nữ đức hạnh. Vì Đức Phật đang nói đến đời sống của một người lãnh đạo ở thế gian, có gia đình như bao nhiêu người dân khác, nên khi vua lập gia đình thì phải chọn người phụ nữ đoan chánh, đức hạnh tròn đầy. Trong kinh diễn tả lúc nào thân thể cũng phảng phất hương thơm như hương chiên-đàn. Hương thơm đó biểu trưng cho hương giới hạnh. Miệng lúc nào cũng nói lời chân thật, dịu dàng, ái ngữ, mỗi lời nói ra như phun châu nhả ngọc, là hương là hoa. Oai nghi cử chỉ đúng mực, hợp thời hợp lý, biết làm tròn bổn phận của mình.

Báu cư sĩ

Khi ấy có các cư sĩ bỗng nhiên hiện ra với nhiều tài sản châu báu vô lượng. Những cư sĩ này có thể nhìn biết kho báu nào có chủ thì giữ hộ, kho báu nào không có chủ thì dâng vua. Cư sĩ tâu vua rằng “Đại vương cần bất cứ thứ gì, thần sẽ cung cấp tất cả”. Vua muốn thử lòng, liền ra lệnh chuẩn bị thuyền du ngoạn và nói rằng: “Ta cần bảo vật vàng, hãy nhanh đem đến cho ta”. Cư sĩ thưa: “Đại vương xin chờ một lát, cần phải lên bờ đã”. Vua lại giục: “Ta đang cần dùng, hãy mang đến ngay cho ta”. Khi ấy cư sĩ bèn thọc tay xuống nước lấy lên chiếc bình báu, rồi lần lượt chất đầy cả thuyền. Cư sĩ tâu vua: Ngài cần bao nhiêu của báu? Vua liền nói rằng: Ta chỉ muốn thử lòng ông mà thôi. Cư sĩ nghe vậy liền trả lại báu vật vào trong nước. Chuyển luân thánh vương vui mừng nói báu cư sĩ này chính là phước duyên lành của ngài.

Báu cư sĩ này tượng trưng cho nhân tài của đất nước. Đất nước luôn cần những người có thiện tâm, thiện chí như những vị cư sĩ báu này. Một vị vua hay người lãnh đạo rất cần những nhân tài như thế. “Nhân tài chính là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí mạnh thì đất nước mới mạnh, nguyên khí yếu thì đất nước cũng suy yếu theo. Do đó, một vị vua phải có những chính sách để chiêu đãi, mời gọi nhân tài hội tụ về để hỗ trợ cho mình.

Tiền thân của đức Phật là vua Chuyển luân thánh vương Đại Thiện Kiến tôn quý

Chùa Minh Đạo làm lễ tạ đàn Dược Sư cầu an4

Báu chủ binh

Khi ấy, báu chủ binh bỗng hiện ra trước mặt, hùng dũng, có tài thao lược, mưu trí nhanh nhẹn, đến vua tâu rằng: “Đại vương muốn dẹp loạn chỗ nào, thần xin đảm trách”. Khi ấy, vua muốn thử tài chủ binh liền triệu bốn loại chiến binh, bảorằng: “Ngươi hãy điều binh. Lính chưa tập hợp thì hãy tập hợp. Lính đã tập hợp thì hãy giải tán. Nếu lính chưa nghiêm, hãy làm cho nghiêm. Lính đã nghiêm rồi thì hãy cởi mở. Ai chưa chịu đi, hãy khuyên bảo đi. Ai đã chịu đi thì khiến dừng lại”. Khi ấy chủ binh liền làm theo lời vua, không sai mảy may. Chuyển luân thánh vương vui mừng nói báu chủ binh này thật sự là phước duyên lành của ngài.

Báu chủ binh này tượng trưng cho tướng tài, nhà quản trị giỏi. Vua giỏi thì phải có tướng tài trợ giúp. Không phải lúc nào vua cũng thân hành làm tất cả các công việc. Vua có thể ở một chỗ mà điều binh khiển tướng giải quyết các công việc một cách hợp lý. Thế nên vị tướng đó cũng phải có tài đức, mưu trí sắc bén để thay vua xử lý các công việc được giao phó, chỗ nào chưa yên thì làm cho yên, chỗ nào chưa có phép tắc thì làm cho có nề nếp phép tắc… Đó là vị tướng giỏi, nhà quản trị giỏi. Vua rất cần những nhà quản trị giỏi như thế để phò tá.

Như vậy, do nhờ công đức giữ năm giới, thực hành mười điều thiện và phước báo chăm lo đời sống của người dân, dùng Chánh pháp trị vì thiên hạ mà bảy báu tự nhiên xuất hiện. Khi bảy báu này biến mất là điềm báo thọ mạng của Chuyển luân thánh vương sắp hết. Điều này chứng tỏ rằng y báo tốt thì chánh báo cũng nhờ đó mà tốt theo. Bảy báu này tượng trưng cho bảy điều kiện để duy trì và phát triển đất nước bền vững: một là Chánh pháp, hai là sức mạnh quân sự, ba là sức mạnh kinh tế, bốn là sức mạnh trí tuệ, năm là người vợ đức hạnh, sáu là nhân tài, bảy là tướng tài, nhà quản trị giỏi. Khi bảy điều kiện này suy giảm chứng tỏ sự điều hành của người lãnh đạo cũng bắt đầu suy thoái, là dấu hiệu cho thấy nhiệm kỳ của vị ấy sắp kết thúc. Chỉ khi nào vị Chuyển luân thánh vương hoàn thiện đạo đức bản thân cũng như dùng Chánh pháp để cai trị nhân dân thì bảy báu mới xuất hiện như trước.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Kinh Phật nói ân nặng cha mẹ khó báo đáp

Kiến thức 09:36 23/11/2024

Hiếu thuận không chỉ có một đời, duy chỉ có siêng năng thực hành bố thí giúp người, tu tạo nhiều công đức hồi hướng cho song thân, như thế cha mẹ mới hưởng được tư lương phước tuệ vĩnh hằng, như thế mới được xưng là đại hiếu của con cái!

Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý

Kiến thức 17:05 22/11/2024

Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.

Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?

Kiến thức 10:00 22/11/2024

Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?

Bố thí sinh phiền não

Kiến thức 09:32 22/11/2024

Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.

Xem thêm