10 cách tạo ra phước báu Phật tử nên biết
Phước báu được tạo ra và tích lũy từ nghiệp thiện của mỗi người. Phật giáo dạy rằng, chúng ta có thể tạo ra phước báu (phước đức) bằng 10 cách sau đây, mời quý vị cùng đọc và thực hành tu tập.
1. Bố thí, cúng dường
Đây là cách tạo phước lành căn bản nhất. Bố thí vật chất là những việc làm như cho cơm người đói, cho thuốc người đau… Bố thí được Đức Phật tán thán vì đây là đức hạnh nền tảng và vì chính bố thí giúp người thực hành pháp này giảm đi tâm tham ái - tên thủ phạm xây dựng ngôi nhà khổ đau, vì Ngài gọi tham ái là tâm nhiễm ô.
Những ai thiếu đi các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và người nào đáp ứng được sự thiếu hụt này tạo nên sự bố thí tài vật. Người cư sĩ tại gia thường cúng dường (cách nói trang trọng và tôn kính khi bố thí cho người xuất gia. ND) bốn loại vật dụng thiết yếu đến người xuất gia. Đó là y áo, thức ăn, chỗ trú ngụ và thuốc trị bệnh. Nhờ đó, người bố thí tích lũy được nhiều phước lành.
Người bố thí thức ăn là người ban tặng cho người nhận năm phần phước lành: sống lâu, sắc tốt, yên vui, sức mạnh và trí tuệ. Theo đó, trong tương lai, người bố thí ấy sẽ có đủ năm phần phước lành: sống lâu, sắc tốt, yên vui, sức mạnh và trí tuệ này. Thêm vào đó, người ấy sẽ được năm phước lành khác nữa là: có uy tín ảnh hưởng lớn đến mọi người, thân cận người hiền trí, có danh tiếng tốt đẹp được truyền rộng ra, tự tin chứ không sợ hãi, rụt rè và sau khi mạng chung, được tái sanh về cõi trời.
Hành động tốt hay xấu tùy thuộc vào sự tác ý trong quá trình tạo nghiệp; cũng như vậy, trong bố thí, tác ý (cetanā) mới là quan trọng chứ không phải hành động bên ngoài.
Ở đây, tác ý thiện phát khởi nơi người bố thí trong ba thời (a) trước khi bố thí tâm vui vẻ, (b) trong khi bố thí tâm tịnh tín, và (c) sau khi thực hiện bố thí xong, nhớ lại việc mình làm với tâm hoan hỷ. Làm được như vậy mới có thể tạo phước lành trong bố thí.
Trong giáo lý nhà Phật, bố thí, cúng dường là hạnh cao quý, là nền tảng của mọi hạnh lành, là nghiệp thiện nhất trong tất thảy nghiệp thiện cũng là cách tạo phước báu đầu tiên mà quý vị nên thực hành.
2. Trì giới
Giới là nền tảng cho toàn bộ sự thực hành con đường Thánh tám nhánh (Bát Thánh đạo), thêm vào đó, giới là yếu tố đầu tiên của ba loại học (sikkhā) gọi là giới, định và tuệ.
Trì giới có nghĩa là ăn ở theo đúng giới luật của Phật, dù là tu tại gia, tu hành tại chùa hay kể cả những người chưa phải là Phật tử cũng có thể thực hành. Trì giới bao gồm không nói dối, không vu oan cho người khác, không xuyên tạc sự thật… nói chung là giữ gìn giới hạnh trong sạch, tâm thanh tịnh. Đó là cách tạo ra phước báu mà ngay trong kiếp này chúng ta đã có thể được hưởng và dành để cả kiếp sau.
Nói một cách cụ thể hơn, có hai loại giới: giới thế gian và giới xuất thế gian. Tất cả các giới đưa đến quả báo hữu lậu thuộc giới thế gian. Giới thế gian đưa đến đời sống tốt hơn trong tương lai và đây là một điều kiện để thoát khỏi những khổ đau trong luân hồi sanh tử. Giới đưa đến quả báo vô lậu gọi là giới xuất thế. Giới xuất thế trực tiếp đưa đến giải thoát khỏi mọi khổ đau, chấm dứt luân hồi sanh tử.
Ở đây, một lần nữa, tác ý thiện khởi lên nơi người giữ giới như một cách tạo phước lành về phương diện đạo đức hay đức hạnh.
3. Thực hành thiền hay phát triển tâm linh
Đây là một trong những lãnh vực phong phú nhất để tạo phước lành. Có hai loại thiền, là thiền chỉ (samatha), nghĩa là phát triển khả năng tập trung (samādhi) và thiền quán (vipassana), nghĩa là trí tuệ (paññā). Một hành giả có thể phát triển thiền chỉ trước rồi sau đó phát triển khả năng quán chiếu, hoặc dùng chánh niệm để từ đó phát triển khả năng quán chiếu.
Như mục đích hướng đến của thiền định, cả hai loại thiền đều có sự trải nghiệm của quán chiếu và phát triển trí tuệ. Một hành giả thực hành thiền để an tịnh những lậu hoặc thô ở trong tâm và phát triển tâm đạt đến trí tuệ chân thật, trí tuệ không phải do học từ sách vở mà có. Đó là loại trí tuệ có thể giúp hành giả chứng đạt Niết-bàn.
Một người có thể chọn tâm rộng lượng hoặc giới hạnh của chính mình chẳng hạn để làm đề mục hành thiền, trong tình huống đó, tâm người ấy không bị tham, sân và si chi phối; tâm đạt đến sự thuần chân. Do vậy, khi vị ấy ngăn chặn được những chướng ngại tâm lý (nīvaraṇa), những chi phần của thiền định sanh khởi và vị ấy có thể đạt đến trạng thái cận định (upacāra-samādhi). Và nếu người ấy không thể chứng đạt trạng thái thiền cao hơn, ít nhất vị ấy cũng hướng đến một cuộc sống an lành hạnh phúc.
4. Tôn kính hay cung kính
Tôn kính là cách tạo phước lành có thể tìm thấy trong các hành động như đứng dậy nhường chỗ và mời cha, mẹ, anh, chị hay người lớn tuổi ngồi vào chỗ mình, mang giúp hành lý cho những người ấy, cung kính chào hỏi, nhường lối đi… Hay nói chung là tôn trọng cảm xúc, quyền lợi, tài sản và cuộc sống của người khác, ứng xử với người trong tinh thần tôn trọng, tôn kính và quý trọng; không được có thái độ bất kính, sỉ nhục hay ngắt lời khi họ đang nói; kiềm chế tâm mình để không xúc phạm, mua chuộc hay lôi kéo ai. Một điều đáng buồn là ngày nay, thế hệ trẻ đánh mất đi sự tôn trọng, tôn kính đối với người khác.
Theo ngài Na Tiên (Nāgasena), trong Mi Tiên vấn đáp (Milindapañha), có 12 hạng người không tôn trọng, tôn kính người khác: người tham ái vì có tâm tham ái chi phối, người sân vì có tâm sân chi phối, người si mê vì có tâm phân vân do dự chi phối, người kiêu ngạo vì có tâm kiêu căng chi phối, người không có đức hạnh cao quý vì không thể phân biệt đúng sai hay dở, người quá cứng cỏi, không ngoan ngoãn nhu thuận, người hạ liệt vì tâm trí tán loạn, người xấu ác vì tánh ích kỷ, người hận thù vì ôm lòng hận thù đau khổ, người tham lam vì không chế ngự được tâm tham, người chỉ biết đến tài lợi trong kinh doanh vì họ chỉ biết đến cái lợi cho mình.
Rõ ràng rằng, ngược lại với những loại người trên, người cung kính và tôn trọng biết nuôi dưỡng tâm mình để ngày càng phát triển (và nhờ đó tích lũy phước lành), vì với thái độ sống cung kính, vị ấy cắt đứt các lậu hoặc của kiêu căng, thay vào đó là các đức hạnh, nhân cách tốt đẹp. Tôn trọng những bậc Trưởng lão và Tăng-già là những điển hình về phương diện tôn kính. Sự tôn trọng của một vị tân Tỳ-kheo dành cho các vị Tỳ-kheo lớn hơn cũng không ngoài tinh thần tôn trọng này.
Ở đây, một lần nữa xác quyết rằng, tác ý thiện phát khởi nơi người có biểu hiện của lòng tôn kính, tôn trọng người khác; đây là cách để tạo phước qua việc tôn trọng người khác.
5. Phát tâm giúp người
Đây là cách tiếp theo để tạo phước lành. Với sự phát tâm phục vụ, đáp ứng nhu cầu của những người khác với tâm từ bi, hành giả có được phước lành. Phục vụ là cách tích lũy phước lành có thể nhận thấy thông qua các việc mà chúng ta làm cho người khác, làm vì người khác. Ví dụ, chúng ta xin bát từ một vị Tăng, rửa sạch, sớt thức ăn vào và dâng lên cúng dường vị ấy.
6. Hồi hướng phước báu
Hồi hướng phước báu là một cách tạo phước cần được hiểu trong trường hợp một người thực hành bố thí hoặc cúng dường chẳng hạn, rồi chuyển phần phước này vào phần phước lành chung, rằng “mong đem phước lành này hồi hướng như vậy, như vậy!” hoặc “mong đem phước lành này hồi hướng khắp pháp giới chúng sanh!”
Bây giờ, vấn đề là liệu phước lành có mất đi đối với người đã chuyển phần phước ấy? Tuyệt nhiên không. Ví như một ngọn đèn dầu, khi nó mồi sáng cho cả ngàn ngọn đèn dầu khác, không vì thế mà ngọn đèn ban đầu lu mờ đi. Ngược lại, ánh sáng của ngọn đèn ban đầu càng tỏa sáng nhiều hơn với sự góp sáng của ngàn ngọn đèn dầu kia. Cũng như thế, khi chuyển phước đi, phước lành của người ấy không hề bị suy giảm, ngược lại, phước ấy lại càng nhiều thêm lên.
Chuyển phước đến người đã mất là cách hồi hướng phước lành. Như vậy, Đức Phật tuyên bố rằng, một trong những bổn phận của con đối với cha mẹ đã qua đời là hồi hướng phước lành đến người đã mất.
7. Hoan hỷ với phước báu của người khác
Hoan hỷ với phước báu của người khác là cách tạo phước cho bản thân. Tùy hỷ ở đây được hiểu là tâm hoan hỷ khi thốt ra lời “ồ, làm như vậy là tốt quá, hay quá!” khi người khác chia phước với ta, hoặc khi thấy họ làm nhiều việc phước lành khác. Đây cũng là một trong bốn tâm vô lượng, tâm hỷ vô lượng vậy.
8. Giải thích hay giảng dạy kinh pháp
Nếu một người giải thích hay giảng pháp với tâm tham cầu vật chất hay danh tiếng, “như vậy họ sẽ biết ta là một pháp sư” thì việc giảng dạy giáo pháp này không đem lại một chút phước lành nào cả. Tuy nhiên, nếu một người đạt đến sự giải thoát khỏi khổ đau, không để khổ đau chi phối, và họ đem những trải nghiệm bản thân để giải thích hoặc giảng dạy cho người khác pháp mà bản thân vị ấy đã thuần thục, thì đây là cách tạo phước lành trong việc giảng giải giáo pháp.
Một điều đáng ghi nhận rằng Đức Phật tuyên bố, trong các loại bố thí, bố thí pháp là cao thượng nhất. Nói cách khác, một người có thể mở con mắt pháp cho người khác bằng cách giải thích, giảng dạy, diễn giải pháp cho người ấy hiểu, thì đây là món quà lớn nhất và cao cả nhất dành cho tất cả. Thật ra, Đức Phật từng dạy rằng, nếu một người chăm sóc cha mẹ bằng cách cõng cha và mẹ trên vai trọn đời cũng không thể nào đáp đền công ơn của cha mẹ. Cách duy nhất để có thể đền ơn cha mẹ là giảng dạy giáo pháp và đưa cha mẹ an trú trong Chánh pháp. Ngay cả ngài Xá Lợi Phất (Sāriputta), bậc đã chứng A-la-hán, khi thấy mình không còn khỏe nữa, trước khi nhập Niết-bàn, ngài trở về nhà, giảng giải Phật pháp cho mẹ ngài và giúp mẹ chứng đạt giải thoát rồi ngài mới vào Niết-bàn.
Một người có thể dâng cúng cho tất cả chư đệ tử Phật với bốn vật dụng thiết yếu trong cuộc sống như y phục, thức ăn, chỗ trú ngụ và thuốc trị bệnh với những loại tốt nhất có thể, hoặc cung cấp cho tất cả mọi người mọi thứ vật chất. Thế nhưng, đó vẫn chưa phải là bố thí tối thượng, mà để giác ngộ họ hiểu giáo pháp với một bài kệ vỏn vẹn chỉ có bốn câu thôi vẫn được tán thán là đã tặng món quà tối thượng và cao quý nhất trong tất cả các loại bố thí.
Như vậy, bố thí pháp nghĩa là giảng dạy và giải thích giáo pháp cho người khác, đưa người ra khỏi con đường mê lầm sai lạc, đưa họ về con đường chân chánh và chỉ cho họ hiểu đâu là đạo đức; thêm vào đó, tổ chức các buổi thảo luận giáo pháp, viết và in sách luận về giáo pháp… cũng là những cách bố thí pháp vậy.
9. Nghe pháp
Nếu một người nghe pháp mà phát khởi suy nghĩ rằng “như vậy họ đưa ta đến đau khổ” thì việc nghe pháp ấy chẳng đem lại lợi ích gì cả. Tuy nhiên, nếu một người nghe pháp mong mình và người khác có được lợi ích nghĩ rằng “việc nghe pháp như vậy đem lại nhiều lợi ích cho ta”, thiện ý này là cách tạo phước lành khi nghe pháp vậy.
10. Chuyển tà kiến thành chánh kiến
Thiện ý giúp người điều chỉnh nhận thức theo con đường chân chánh là một cách tạo phước lành. Thật ra, hiểu biết chân chánh là đặc điểm đích thực của tất cả mười cách tạo phước lành trình bày ở đây. Vì chỉ với chánh kiến, một người mới có thể tạo nhiều phước lành, trong bất cứ lãnh vực tạo phước nào. Bất cứ phước lành nào làm được đưa đến kết quả viên mãn nhất đều được làm với nhận thức chân chánh, đúng đắn, bằng không thì đưa đến kết quả ngược lại. Đây là lý do Đức Phật dạy:
“Với hiểu biết của ta, ngoài chánh kiến, không có pháp nào khác mà nhờ pháp ấy các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, các pháp thiện đã sanh khởi được nuôi dưỡng tăng trưởng và hoàn thiện”.
Theo Đức Phật có hai loại chánh kiến: chánh kiến hữu lậu và chánh kiến vô lậu.
Hiểu biết rằng bố thí cúng dường là tốt, rằng cả hành động tốt và xấu đều đưa đến quả báo tốt và xấu tương ứng với những gì đã tạo, đó là chánh kiến hữu lậu, vì mặc dù còn phải chịu sự chi phối của các lậu hoặc, đây là các việc làm tạo phước lành, đưa đến quả báo tốt đẹp ở thế gian. Thế nhưng những gì thuộc về trí tuệ, thể nhập, chánh kiến liên kết với con đường thánh thì được gọi là chánh kiến vô lậu.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thế nào là viên tịch, tân viên tịch và thuận tịch?
Kiến thức 09:00 25/12/2024Nhân có học Tăng, khi đọc bài viết bàn về chữ "Tân viên tịch" không hiểu chắc là nói như vậy đúng hay sai....Chúng tôi cũng thấy cần nói rõ.
Luân hồi trong thần chú Lăng Nghiêm: Năng lực thần chú
Kiến thức 08:46 25/12/2024Thần chú Thủ Lăng Nghiêm còn gọi là Phật Đỉnh Quang Minh Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát Ra hay Bạch Tán Cái tức chỉ cho cái thể dụng rộng lớn của bản lai tự tánh. Bạch là trí tuệ. Tán cái là lòng từ bao la rộng lớn.
Đại sư, Pháp sư, Thái sư nghĩa là gì?
Kiến thức 20:26 24/12/2024Đại sư, Pháp sư, Thái sư là những danh từ chúng ta thường gặp trong các sách về Phật giáo, Đạo giáo và lịch sử.
Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni (bản tiếng Việt)
Kiến thức 10:00 24/12/2024Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni còn gọi là Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú, được đức Thế Tôn thuyết trong kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni. Thần chú này rất mầu nhiệm, oai lực bất khả tư nghì, độ thoát chúng sinh trong sáu đạo luân hồi và lần lượt đều được chứng quả giải thoát.
Xem thêm