49 năm đức Phật thuyết pháp hay im lặng?
Sự xuất hiện của đức Phật nhằm thức tỉnh con người hướng đến mục tiêu giác ngộ về sự thật của cuộc đời và vượt lên trên cuộc đời để giải phóng con người thoát khỏi những tối tăm, chìm đắm, quên lãng và phó mặc của cuộc đời.
Quan điểm của các nhà tư tưởng Đại thừa giáo cho rằng trong suốt 49 năm đức Phật chưa từng nói một lời, nhằm phản ánh tinh thần phá chấp vào ngôn ngữ, chấp ngã, chấp pháp, nêu bật tính siêu việt của triết lý tính không, nhận ra tự tính chân thật của mỗi con người.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên cuộc đời là một sự thật mang tính lịch sử, đánh dấu bước ngoặt mang tính cách mạng trong tư tưởng tôn giáo, là nền tảng cốt lõi để hình thành nên đạo Phật tại Ấn Độ nói riêng, Phật giáo toàn thế giới nói chung.
Quá trình đức Phật thành đạo và thuyết pháp trong suốt 49 năm còn tại thế là một sự thật không thể đảo ngược trong nhận thức của nhân loại.
Bài viết tập trung trình bày: Đức Phật thành đạo – bước ngoặt lịch sử của Phật giáo; thuyết pháp là sứ mệnh cốt lõi trong suốt 49 năm của đức Phật. Mục đích bài viết nhằm góp phần nhận thức về tiến trình thuyết pháp của đức Phật trên cuộc đời là một sự thật không thể đảo ngược, mặc dù có sự khác biệt về cách trình bày của các hệ tư tưởng Phật giáo về vấn đề này.
Sự xuất hiện của đức Phật nhằm thức tỉnh con người hướng đến mục tiêu giác ngộ về sự thật của cuộc đời và vượt lên trên cuộc đời để giải phóng con người thoát khỏi những tối tăm, chìm đắm, quên lãng và phó mặc của cuộc đời.
Trong Kinh Lăng Già cho rằng: “Ta từ đêm được Chính Giác tối thượng cho đến đêm nhập Niết Bàn, trong khoảng thời gian ấy, chưa hề thuyết một chữ nào, cũng chưa từng đã thuyết hay sẽ thuyết. Không thuyết mới là Phật thuyết”. Do đó, các nhà tư tưởng Đại thừa giáo cho rằng trong suốt 49 năm đức Phật chưa từng nói một lời, phản ánh tinh thần phá chấp vào ngôn ngữ, chấp ngã, chấp pháp, nêu bật tính siêu việt của triết lý tính không, nhận ra tự tính chân thật của mỗi con người.
Tuy nhiên, nếu ta quan niệm rằng đạo Phật như những nguyên lý của sự giác ngộ cần được thể hiện trong cuộc đời, nhằm khai mở nguồn tài nguyên và năng lượng vốn có của con người để giải phóng những nỗi khổ đau tinh thần của con người, thì sự xuất hiện của đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên cuộc đời là một sự kiện vĩ đại, một sự thật mang tính lịch sử, đánh dấu bước ngoặt mang tính cách mạng trong tư tưởng tôn giáo.
Sự ra đời của đức Phật là nền tảng cốt lõi để hình thành nên đạo Phật tại Ấn Độ nói riêng, Phật giáo toàn thế giới nói chung. Do đó, quá trình đức Phật thành đạo và thuyết pháp là một sự thật không thể đảo ngược trong nhận thức của nhân loại hiện nay.
Đức Phật thành đạo – bước ngoặt lịch sử của Phật giáo
Theo dòng chảy của lịch sử Phật giáo, căn cứ trên các nguồn sử liệu của các tác giả nghiên cứu Phật giáo cho rằng đức Thích Ca Mâu Ni xuất thân từ dòng dõi vua chúa ở nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) thuộc phía bắc Trung Ấn. Theo tác giả HT.Thích Thanh Kiểm trong tác phẩm Lược sử Phật giáo Ấn Độ, thái tử Siddhàttha là con của vua Tịnh Phạn và vương phi Ma Da nước Kapilavastu: “Vua nước này là Tịnh Phạn (Suddhodana), Vương phi là Ma Da (Maya) phu nhân, con gái vua A Nâu (Anu) nước Câu Ly (Koli), một nước nhỏ đối diện với nước Ca Tỳ La Vệ” [1].
Từ thuở khởi đầu của tiến trình một con người mang tính vĩ đại trong lịch sử đạo Phật, thái tử sinh ra tại một biệt điện được vua Tịnh Phạn thiết lập trong vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini); một địa điểm quan trọng mang dấu ấn sâu sắc đánh dấu sự ra đời của thái tử Tất Đạt Đa (Siddhàttha): “Một hôm Ma Da phu nhân ra dạo chơi vườn thì sinh thái tử dưới gốc cây Vô Ưu (Asoka) nhằm ngày mồng 8 tháng 4 năm 624 trước tây lịch” [2]. Mặc dù, cách tiếp cận về niên đại giáng sinh của đức Phật có nhiều thuyết khác nhau, dựa trên căn cứ Chúng thánh điển ký, thì Ngài giáng sinh vào năm 566 – 486 trước Tây lịch, còn Nam phương Phật giáo thì căn cứ theo sử DiPavamsa của Nam phương Phật giáo cho rằng Ngài giáng sinh vào năm 563 – 483 trước Tây lịch… Tuy nhiên, theo Hội Phật giáo Thế giới năm 1952, quyết định lấy năm đức Phật nhập diệt làm năm kỷ niệm “Phật lịch”, tức là năm giáng sinh của đức Phật là năm 624 – 544 trước Tây lịch. Theo truyền thống Phật giáo Nam truyền là tháng Tỳ xá diệt (tháng 2 theo lịch Ấn Độ).
Trải qua năm tháng đầy huyết khí của tuổi thanh xuân như bao nhiêu tuổi thơ khác trên cuộc đời, thái tử Siddhàttha đã dần dần nhận thấy cuộc sống con người vốn không có lối thoát trong kiếp luân hồi sinh tử. Con người cứ loay hoay trong vòng “duyên và nợ” không tự giải phóng mình ra khỏi kiếp khổ đau. Ngài đã thấy được sự nguy hại của cái bị sinh, mong muốn đi tìm cầu cái không sinh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách. Ngài đã tự hỏi giá trị cuộc sống con người là gì? Làm sao thoát khỏi sự sinh, già, bệnh, chết? Con đường nào để chấm dứt sự khổ đau cho mình và chúng sinh? Làm cách nào để chứng được cái không sinh, vô thượng an ổn, Niết bàn? Từ những suy nghĩ đó, thái tử đã quyết định dấn thân vào con đường tìm cầu chân lý nơi chốn u tịch, núi rừng, tìm cầu các bậc đạo sĩ tu luyện về phép thiền định để mong cầu an trú cảnh giới giải thoát.
Nhưng, giải thoát ở đây là sự an trú, thụ hưởng cảnh vui ở cõi trời và đó không phải là sự kỳ vọng vào chân lý tối thượng mà thái tử muốn tìm cầu. Bởi vì, phương pháp tu tập của các vị thầy trước đó có khuynh hướng trốn tránh cuộc sống, sự giải thoát lên cõi trời chưa phải là điểm kết thúc của tiến trình sinh tử trong lục đạo; đồng thời khi hưởng hết phúc báo cõi trời cũng bị sinh tử luân hồi. Do vậy, Ngài cho rằng các phương pháp tu tập của các vị thầy Alara Kalama và Uddaka Ramaputta không đưa đến giải thoát hoàn toàn, nhưng những mục tiêu của Ngài đặt ra: “…pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết bàn…”[3].
Câu chuyện ở đây không dừng lại ở sự tuyệt vọng của một con người tìm cầu chân lý tối thượng, vì không thoả mãn được những chân lý hiện hữu của các bậc thầy. Ngài đã đi vào rừng sâu chọn cho mình một nơi lý tưởng, khả ái để tu tập thiền định tại Uruvela nước Magadha: “…thật là địa điểm khả ái, một khóm rừng thoái mái…thật là một chỗ vừa đủ cho một Thiện nam tử tha thiết tinh cần có thể tinh tấn” [4]. Như vậy, bằng phương pháp thiền định, tự mình quán chiếu trong khoảng thời gian 49 ngày dưới cây Tất – bà – la bên bờ sông Ni liên thuyền (Naira-njanà), Ngài đã biết rõ sự thật về sự nguy hại của sinh, già, bịnh, chết một cách rốt ráo, thoát khỏi sự ô nhiễm, sự sầu khổ, phát khởi được tuệ giác, giải thoát hoàn toàn các lậu hoặc. Trong kinh Thánh Cầu, Trung bộ I, Ngài nói:
“…ta tự mình bị sinh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sinh, tìm cầu cái không sinh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn và đã chứng được cái không sinh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn…sự giải thoát của ta không bị dao động. Nay là đời sống cuối cùng của ta, không còn sự tái sinh nữa” [5].
Điểm nhấn trong tuyên bố của Ngài về “đời sống cuối cùng của ta, không còn sự tái sinh nữa” đã khẳng định sự khai mở một nguồn năng lựợng vô tận tự tâm của Ngài về quá trình tu tập bằng chính phương pháp “vô sư tự ngộ”. Nó không những chỉ ra cho chúng ta về sự thành đạo của đức Phật, mà còn đánh dấu một bước ngoặt lịch sử mang tính cách mạng của Ngài tại xứ Ấn Độ.
Sự thành đạo của đức Phật đã làm thay đổi hệ thống cấu trúc, tư tưởng các quan điểm tôn giáo Ấn Độ thời bấy giờ, mở ra một nhận thức mới trong lĩnh vực tôn giáo, một chương mới cho sự phát triển của đạo Phật vươn lên tầm cao mới mang tính toàn cầu.
Mặt khác, sự xuất hiện của đức Phật đã làm lung lay mọi học thuyết về tôn giáo lúc bấy giờ cũng như của lục sư ngoại đạo như phái Chính lý (Nyaya), phái Thắng luận (Vaisésika); phái số luận (Sàmkhya), phái Du già (Yoga), phái Nhĩ Man Tát (Mimàmsà), phái Phệ đàn đa (Vedànta); đồng thời mang đến những luồng tư tưởng mới mang tính triết học về giá trị của con người trong cuộc sống, thay đổi cách nhìn về giá trị bình đẳng trong một xã hội bị thống trị bởi sự phân biệt giai cấp hết sức nặng nề; những tư duy thần quyền, năng lực tối cao của đấng sáng tạo Brahmà, “vị thần Sáng tạo tuyệt đối tối cao hay tinh thần vũ trụ tối cao Brahmà” [6], nó được biểu hiện trong con người và chúng sinh, cơ thể, nhục thể chỉ là nơi hiện thân của linh hồn bất tử, mà con ngươi của xã hội đương thời buộc phải phụ thuộc vào quy định của giai cấp thống trị và Bà la môn đầy quyền lực.
Tuy nhiên, nếu những tư duy thụ động không muốn thuyết pháp của đức Phật cho rằng “pháp này do ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu…” [7], thì sự minh chứng cho một năng lượng siêu phàm có hiện hữu trên cuộc đời? Nếu sự “im lặng” để vượt qua rào cản của ngôn ngữ “vô ngôn thuyết” nhằm biểu đạt những giá trị tuyệt đối của một “thực tại” nơi con người hiện thực bằng xương bằng thịt trong một thế giới hữu hạn, thì liệu rằng con người có đạt được những chân lý tuyệt đối như đức Phật? Do đó, việc đức Phật quyết định thuyết pháp sau khi thành đạo là một trong những sứ mệnh quan trọng trong cuộc đời Ngài, thể hiện lòng Từ bi đối với con người, tạo cơ hội tốt để con người tiếp cận chân lý và khai mở những năng lực hiện hữu nơi tự tâm con người. Hay nói khác hơn việc thuyết pháp cho con người đã trở thành sứ mệnh cốt lõi trong suốt cuộc đời của Ngài.
Thuyết pháp là sứ mệnh cốt lõi trong suốt 49 năm của đức Phật
Trong các kinh điển Đại thừa như kinh Hoa Nghiêm cho rằng “trong 49 năm ta chưa hề nói một lời nào”; đó chỉ là “giải pháp phá chấp” trong một tình huống khẩn cấp, nhằm phá vỡ những thế bế tắc trong tư tưởng của con người khi phải nương tựa, chấp vào ngã và pháp, đưa con người đến một chân trời mới của tự tính chân như, vô ngã vượt ngoài ngôn ngữ, văn tự.
Từ khi đức Phật thành đạo, Ngài cũng nhiều lần do dự muốn nhập Niết bàn khi không muốn trình bày những pháp siêu việt cho chúng sinh; song cuối cùng thuyết pháp vẫn là vấn đề cốt lõi của Ngài: “Ta sẽ thuyết pháp cho ai đầu tiên, ai sẽ mau hiểu Chính pháp này” [8]. Thật vậy, mục tiêu của đức Phật là muốn cho con người “ngộ nhập Phật tri kiến”, nhưng con người không thể ở ngoài cuộc đời này, trong thế giới hữu hạn, vấn đề là độ con người bằng cách nào? Sự im lặng “vô ngôn thuyết” có làm cho con người nhận ra chân lý, khi con người là thực thể hữu hình với những nhận thức hữu hạn, điều đó có thật sự khả thi?
Do đó, nếu triết lý Phật giáo tách rời cuộc đời để đi tìm một thế giới ngoài thực tại, nó có nghĩa là đạo Phật là một tôn giáo “phi thực tiễn”. Song, đạo Phật được phát sinh từ trong lòng cuộc đời, được nuôi dưỡng và tồn tại trong cuộc đời, nó phải là những hoạt động có tính lịch sử - xã hội của con người.
Đức Phật đã đưa những nguyên lý giác ngộ vào trong cuộc sống con người, thể hiện bằng những phương thức phù hợp với thực trạng của cuộc đời để biến cải cuộc đời, làm cho cuộc sống tốt hơn với những giá trị chân, thiện, mỹ để đạo Phật luôn luôn hiện hữu trong cuộc đời.
Đức Phật muốn đưa những nguyên lý giác ngộ vào trong cuộc đời để thực chất đạo giác ngộ đi vào chiều sâu, cho nên khởi đầu của hành trình thuyết pháp, đức Phật nói: “Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba la nại, chỗ chư Tiên đoạ xứ, tại vườn Nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, Sa môn, Bà la môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, hay bất cứ một ai ở đời” [9]. Đó là bài pháp Tứ đế được Ngài trình bày trong kinh Chuyển pháp luân, bài kinh đầu tiên đức Phật thuyết pháp cho năm anh em Kiều Trần Như, nhằm thuyết minh về sự chứng đắc từ nội tâm của Ngài:
“… cho đến khi nào, này các Tỳ kheo, trong bốn Thánh đế này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật đã được khéo thanh tịnh ở nơi ta. Cho đến khi ấy, này các Tỳ kheo, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với chúng Sa môn, Bà la môn, chư Thiên và loài người, Ta mới chứng tri đã chính giác vô thượng, Chính đẳng giác. Tri kiến khởi lên nơi ta: “Bất động là tâm giải thoát của ta. Đây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sinh nữa” [10].
Như vậy, khởi đầu hành trình trong sứ mệnh độ sinh, Ngài đã đưa giáo lý Tứ đế và duyên khởi đi vào cuộc sống như một nguyên lý giác ngộ thấy rõ sự thật về khổ đau của con người, tìm ra nguyên nhân để chấm dứt nó bằng Thánh đạo tám ngành. Suốt cuộc đời đức Phật là một cuộc du hành gắn liền với tụ lạc, xóm làng, thôn quê cho đến thành thị để thuyết giảng về những chân lý tối thượng và giải quyết những vấn đề mà con người đang gặp khó trong đời sống tinh thần và những khó khăn trong xã hội. Trong kinh Du Hành, Trường A Hàm đã phác thảo cho chúng ta thấy bức tranh sinh động về con người bậc giác ngộ khi vân du khắp nơi từ núi Kỳ xà quật, thành La duyệt để khuyên ngăn vua A xà thế động binh với nước Bạt Kỳ; Ngài từ Ma Kiệt đi đến Trúc viên để dạy các chúng đệ tử về con đường giới, định, tuệ, phát sinh trí về sự giải thoát; rồi từ Trúc viên đến thành Ba lăng phất để nói pháp, khai tỏ, giáo huấn cho các Thanh tín sĩ, khiến cho họ được lợi ích hoan hỷ…
Cho nên trong suốt 49 năm từ khi Ngài thành bậc Chính giác, Ngài hoạt động không ngừng nghỉ vì lợi ích cho chư Thiên và loài người, không ngừng thuyết pháp để hoá độ các chúng đệ tử, Tỳ kheo, thiện nam, tín nữ, thậm chí các du sĩ ngoại đạo, Bà la môn, những người từng chống đối Ngài nhưng sau cùng cũng quy y với Ngài.
Trong kinh Đại bát Niết bàn, Trường bộ kinh, cho chúng ta một nhận thức sâu sắc về con người bậc thiện thệ quá tuyệt vời, đó là câu chuyện trước khi nhập Niết bàn, Ngài đã độ cho ông Subhadda một du sĩ ngoại đạo chứng quả A la hán, du sĩ Subhadda nói:
“Thật hy hữu thay, Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng…Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y pháp và quy y Tỳ kheo Tăng. Mong con được xuất gia với Thế Tôn, Con xin thọ đại giới” [11].
Chính vì vậy, cuộc đời của đức Phật luôn luôn gắn liền với sứ mệnh thuyết pháp độ sinh, làm cho con người nhận thức được giá trị của cuộc sống và tự mình giải phóng khỏi những đau khổ chính do con người tự tạo trong kiếp luân hồi sinh tử.
Mặt khác, trong điều kiện lịch sử xã hội của Ấn Độ lúc bấy giờ hết sức phức tạp về tín ngưỡng tôn giáo, phân chia giai cấp nặng nề, thì đòi hỏi một hệ tư tưởng mới ra đời nhằm tạo ra một cuộc cách mạng để thay đổi tư duy của người dân về lĩnh vực tôn giáo; đồng thời đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân về cuộc sống mới trong đời sống tinh thần của họ, giúp cho họ có một lối tiếp cận tôn giáo một cách đa chiều, đa dạng, phong phú hơn là một sự trói buộc con người trong một thế giới thần ngã tối thượng và bị lệ thuộc vào thần quyền một cách bắt buộc không lối thoát. Do đó, đức Phật không thể im lặng bằng hình thức “vô ngôn thuyết” trong suốt 49 năm của Ngài, vì công cuộc truyền bá giáo pháp để hướng dẫn con người thực hiện tâm linh trên con đường tu chứng thể nhập thực tại; đồng thời mở ra một chương mới về cuộc cách mạng thay đổi nhận thức, quan điểm sai lầm về sự bất bình đẳng con người, sự phân biệt giai cấp, phụ nữ trong xã hội Ấn Độ.
Ngài đã minh chứng về quyền của con người là bình đẳng “không có giai cấp trong giọt nước mắt cùng mặn, không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ”, nhằm giúp phá tan định kiến xã hội nhìn giá trị con người từ chủng tính. Ngay cả khi chuẩn bị nhập Niết bàn, đức Thế Tôn cũng tự nghĩ rằng: “Thật không hợp lẽ nếu Ta diệt độ mà không có một lời với các đệ tử hầu cận Ta, không từ biệt chúng Tỳ kheo” [12]. Điều đó, càng thể hiện rõ tư tưởng của Ngài trên cuộc đời này là vì mục tiêu cao cả truyền bá chính pháp, chứ không phải là một sự im lặng sau khi Ngài đã đạt được những thành tựu có giá trị trong tự tâm của Ngài. Vấn đề là con người đã nhận thức về sự im lặng và thuyết pháp của Ngài ở góc độ nào, với mục tiêu gì trong các hệ tư tưởng Đại thừa, Tiểu thừa, Nguyên thuỷ của Phật giáo về sau.
Mặc dù, sự nhận thức có sai biệt trong cách tiếp cận, nhưng không ai phủ nhận một sự hiện hữu của lần kiết tập kinh điển thứ nhất tại thành Vương xá sau khi đức Phật nhập diệt, dưới sự chủ trì của Đại Ca Diếp, Ưu Ba Ly tụng luật, A Nan tụng pháp và tiếp theo là các kỳ kiết tập kinh điển sau đó, nhằm xác định lời dạy của đức Thế Tôn trong suốt cuộc đời hành đạo, vân du hoá độ là một sự thật, lời dạy của Ngài là chính thống không bị pha tạp các hệ tư tưởng của tôn giáo khác.
Tóm lại, từ khi đức Phật thành đạo Chính đẳng giác đã trở thành một sự kiện hy hữu trên cuộc đời, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại đối với đạo Phật tại xứ Ấn Độ nói riêng, Phật giáo toàn nhân loại nói chung. Ngài đã chuyển vận bánh xe chính pháp trong suốt 49 năm hoằng pháp lợi sinh không mệt mỏi, nhằm đáp ứng nhu cầu nguyện vọng tu tập của giới tăng lữ, tín đồ Phật tử tu theo Phật giáo.
Sự chuyển vận nguyên lý giác ngộ trong lòng mọi người đã góp phần chuyển hoá tâm thức con người nhận thức về nguồn năng lực nội tại và khai phóng tư duy nhận thức của nhiều thành phần trong xã hội về sự thay đổi trong đời sống tinh thần, trong lĩnh vực tôn giáo hết sức sâu sắc, phản ánh tính cách mạng về quyền bình đẳng trong điều kiện lịch sử xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ có nhiều sự phân tầng giai cấp xã hội hết sức phức tạp và vương quyền bị chi phối bởi tính thần quyền của Bà la môn giáo sâu sắc trong thể chế chính trị của giai cấp thống trị phong kiến Ấn Độ.
Do đó, bước ngoặt thành đạo và vân du thuyết pháp của Ngài đã để lại dấu ấn sâu sắc xuyên suốt trong lịch sử nhân loại và trở thành nền tảng cốt lõi của đạo Phật trải qua nhiều thế hệ kế thừa và phát triển của các hệ tư tưởng Phật giáo. Mặc dù, có những tư tưởng nhận thức dựa trên vấn đề thuộc về “lý” hay “tính” để phủ nhận ngôn từ của đức Phật với mục đích phá chấp, nhận chân được tự tính của chính mình. Tuy nhiên, đức Phật là con người lịch sử, những lời pháp của Ngài được lưu trữ trong Tam tạng thánh giáo điển là một sự thật, minh chứng cho sự tồn tại những gì Ngài thuyết pháp là sự thật không thể đảo ngược trong lịch sử xã hội con người hiện nay. Vấn đề được đặt ra là, nếu sau khi Ngài thành đạo, Ngài không thuyết pháp lời nào thì chắc rằng đạo Phật có tồn tại trên cuộc đời? Nếu giáo pháp của Ngài không tồn tại ở thế gian, thì ai trong chúng ta có khả năng “vô sư tự ngộ” được chân tâm, tự tính chính mình? Do đó, chúng ta cần có “chính kiến” trong khi đọc những kinh sách mang tư tưởng Đại thừa để không bị giới hạn nhận thức trong cách tiếp cận giáo lý Phật giáo.
Tài liệu tham khảo
1. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung bộ, tập 1-2, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, ấn hành, 1992.
2. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường bộ, NXB. Tôn giáo, 2013.
3. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng bộ, tập 2, NXB. Tôn giáo, 213.
4. HT. Thích Thanh Kiểm, Lược sử Phật giáo Ấn Độ, NXB. Quê hương, 1972.
5. PGS, TS. Doãn Chính, Từ điển Triết học tôn giáo Ấn Độ, NXB. Khoa học xã hội, 2024.
6. Phân viện Nghiên cứu Phật học, Từ điển Phật học Hán - Việt, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012.
7. TT. Thích Hạnh Bình và Phương Anh (dịch), Khái luận lịch sử Phật giáo Ấn Độ, NXB. Phương Đông, 2017.
Chú thích:
[1]. HT. Thích Thanh Kiểm (1972), Lược sử Phật giáo Ấn Độ, NXB. Quê hương, tr.30
[2]. HT. Thích Thanh Kiểm (1972), Lược sử Phật giáo Ấn Độ, NXB. Quê hương, tr.31.
[3]. HT. Thích Minh Châu (1992), Kinh Trung bộ, tập 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, ấn hành, tr. 370.
[4]. HT. Thích Minh Châu (1992), Kinh Trung bộ, tập 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, ấn hành, tr. 373.
[5]. Sđd, tr. 374.
[6]. PGS, TS. Doãn Chính (2024), Từ điển Triết học tôn giáo Ấn Độ, NXB. Khoa học xã hội, tr. 313.
[7]. Sđd, tr. 375.
[8]. Sđd, tr. 379.
[9]. HT. Thích Minh Châu (dịch) (2013), Kinh Tương Ưng bộ, tập 2, NXB. Tôn giáo, tr. 785.
[10]. HT. Thích Minh Châu (dịch) (2013), Kinh Tương Ưng bộ, tập 2, NXB. Tôn giáo, tr. 785.
[11]. HT. Thích Minh Châu (dịch) (2013), Kinh Trường bộ, NXB. Tôn giáo, tr. 336.
[12]. HT. Thích Minh Châu (dịch) (2013), Kinh Trường bộ, NXB. Tôn giáo, tr. 299.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Năm công việc hàng ngày của Đức Phật
Đức Phật 09:47 08/12/2024Trong suốt 45 năm hoằng pháp, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni luôn kiên trì thực hiện năm công việc quan trọng mỗi ngày. Những công việc này thể hiện sự tận tâm, trí tuệ và lòng từ bi vô lượng của Ngài đối với chúng sinh, nhằm hóa độ và hướng dẫn mọi người trên con đường giác ngộ.
Đức Phật chỉ ra con đường dẫn đến hòa bình thế giới
Đức Phật 10:20 02/12/2024Hạnh phúc đâu cần tìm kiếm đâu xa, ngay khi bản thân chúng ta có thể tự tạo ra nó. Lời dạy này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vun đắp sự bình yên nội tâm như một nền tảng để kiến tạo một thế giới hài hòa hơn.
Đức Phật là người Thầy giáo vĩ đại
Đức Phật 12:00 20/11/2024Bản chất của đạo Phật là một nền giáo dục trí tuệ nhân văn vĩ đại, đức Phật là người thầy giáo vĩ đại của nhân loại.
Đức Phật lịch sử
Đức Phật 08:45 20/11/2024Đức Phật là bậc đạo sư của Phật giáo, tuy nhiên, không giống những vị giáo chủ các tôn giáo khác gắn liền phần tiểu sử của mình với những huyền ảo bí ẩn, cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có cả phần huyền sử và phần lịch sử.
Xem thêm