Đức Phật thuyết pháp
Đức Phật thường tùy duyên là tùy người, tùy chỗ, tùy lúc nói các pháp sai biệt, đó là phương tiện của Phật; còn chân lý Phật không nói, thể hiện tinh thần yên lặng như Chánh pháp và nói năng cũng như Chánh pháp.
Về yên lặng như Chánh pháp, sau này được triển khai thành kinh Hoa nghiêm. Vì trong thời gian 21 ngày sau khi Đức Phật thành đạo, kinh Nguyên thủy nói Phật nhập định ở cội bồ-đề, lúc đó không có người nào và Phật đi kinh hành quanh cây bồ-đề. Nhưng kinh Hoa nghiêmbảo bấy giờ Phật thuyết pháp trong yên lặng, hay thuyết pháp trong thiền định là bài pháp quan trọng nhất và bài pháp này sau triển khai thành kinh đại Hoa nghiêm, trung Hoa nghiêm và tiểu Hoa nghiêm.
Ngài Long Thọ xuống cung rồng Ta Kiệt La thấy bộ đại Hoa nghiêm và trung Hoa nghiêmquá nhiều, không nhớ được, nhưng bộ tiểu Hoa nghiêm gồm 100.000 bài kệ thì ngài đọc thuộc lòng và về nhân gian, ngài biên lại thành kinh Hoa nghiêm. Vì vậy, kinh Hoa nghiêm không phải A Nan kiết tập, nhưng ngài Long Thọ xuống Ta Kiệt La thỉnh về.
Chúng ta không biết cung rồng Ta Kiệt La ở đâu, chỉ có người nhập chánh định mới tới chỗ này là thế giới thiền định. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta biết có nhiều loại hình thế giới đan xen nhờ kỹ thuật công nghệ gọi là nối mạng điện tử.
Hiểu biết của Phật thì vô cùng tận, còn nói pháp thì Phật tùy duyên, không phải chỗ nào cũng nói giống nhau. Các thầy hoằng pháp không hiểu lý tùy duyên là tự sát.
Thực tế cho thấy nếu là thù nghịch mà gặp lại nhau chắc chắn không ưa nhau. Các thầy muốn an thân phải nhận ra oan gia mình gặp để tránh. Nhưng ở chung trong trường thì làm sao tránh. Phật dạy mình phải an trú trong ốc đảo của mình, tức thế giới thiền định của mình, không ai chen vô được.
Riêng tôi khi gặp cảnh không thích hợp, tôi quay về an trú ốc đảo thiền định. Ốc đảo thiền định có hai loại là Diệt tận định và Vô lượng nghĩa xứ định.
Đối với tôi, nhập Diệt tận định là tâm phải như gỗ đá, hay như đất, ai đổ gì lên cũng được, hay đổ đồ ô uế thì đất cũng chuyển thành mầu mỡ để phát triển, nghĩa là biến thù thành bạn. Cuộc đời tu của tôi có nhiều người ban đầu ghét, nhưng sau họ rất tốt với tôi, vì tôi đã hóa giải được. Lý này được kinh Hoa nghiêm dạy rằng Bồ-đề không thể trồng trên đá, trên hư không; phải trồng trên đất là tâm chúng sanh phải có nước ví cho nghiệp và có phân là phiền não. Thật vậy, các thầy thấy người đến với ta đều có nghiệp và phiền não, không có nghiệp và phiền não, tức không có nhu cầu thì họ không đến với ta.
Người tới với Phật, nhờ Phật hóa giải nghiệp và phiền não, họ trở thành người tốt với Phật. Điển hình như Đề Bà Đạt Đa luôn gây oán thù với Phật và vua A Xà Thế cũng vậy. Nhưng Phật đã cảm hóa được họ. Thật vậy, vào cuối đời, đệ tử của Đề Bà Đạt Đa đã từ bỏ ông, chỉ còn hai, ba người đưa ông về Phật để sám hối những tội lỗi đã tạo với Phật trước khi ông chết. Còn vua A Xà Thế đã trở thành người hộ pháp đắc lực đối với Phật và chính ông là người hòa giải và phân chia xá-lợi Phật cho tám nước.
Trở lại pháp diệt tận định, thâm nhập pháp này để quên tất cả mọi việc xấu lẫn tốt của thế gian thì tâm chúng ta dễ đứng yên. Vì nghĩ tốt, tâm chúng ta cũng dao động sẽ biến tốt thành xấu. Theo kinh nghiệm tôi, ban đầu không nghĩ xấu, nhưng chạm thực tế phũ phàng khiến chúng ta lại khởi niệm khác.
Vì vậy, thực tập Diệt tận định theo Nguyên thủy là không, vô tác, vô nguyện thì tất cả mọi việc đều không, nên không khởi ý thiện hay ý ác, tâm như đất, ai đổ gì lên cũng được. Bồ-tát Di Lặc thực tập pháp này, người ta đổ nước dơ lên mặt, Ngài không cần lau mặt, để nó tự khô thì người kia cũng không buồn phiền mà Ngài cũng không mất công lau mặt!
Tôi thường thực tập pháp này, vì sống trong xã hội khó khăn, phức tạp, hễ khởi tâm là phiền não sanh. Vì vậy, Phật nói sống một mình được an lành. Thực tế xưa kia các thầy Tỳ-kheo tranh cãi đến mức độ họ nói Phật hãy về sống với thế giới của Ngài, việc của họ để họ tự giải quyết. Bình thường thì thầy trò thương nhau, nhưng phiền não nổi dậy thì với Phật, họ cũng không từ. Vì thế, các thầy không cần Phật thì Ngài vào rừng sống với nai, voi, khỉ…, chúng hiểu được Ngài, nên an lạc dễ dàng.
Riêng tôi mỗi sáng ra hồ cho cá ăn, thấy bóng tôi là chúng tập hợp quẫy đuôi vui mừng. Tôi thấy chúng rất dễ thương.
Bí quyết thực tập diệt tận định của tôi là làm thinh, ai nói gì kệ, mình không nói phải trái. Và cao hơn nữa là Vô lượng nghĩa xứ định, Pháp Hoa định, ta bắt đầu quán chiếu nhân duyên giữa ta và người ra sao.
Phật đã dùng Vô lượng nghĩa xứ định quán chiếu thấy Su Dà Ta từng làm rùa cứu tiền thân Phật làm nai, rồi cô bé này tiến lên làm Tiên và hiện thân lại nhân gian làm Su Dà Ta dâng sữa cúng Phật. Phật và Su Dà Ta trải qua bao đời quá khứ từng làm bạn tốt với nhau, không phải diệt tận. Nhưng Phật dùng tuệ giác quán tưởng thấy Ngài và người nào đó có mối tương quan tương duyên, nên Phật giáo hóa họ thành công.
Dùng Vô lượng nghĩa xứ định để quán sát trước khi đi hoằng pháp, quán chỗ có duyên đến được tiếp đón, làm việc thành công. Đến chỗ nghịch duyên thì phải có khả năng mới làm được.
Chúng ta xem Phật giáo hóa ngoại đạo là đối tượng nghịch như thế nào. Năm anh em Kiều Trần Như không phải thuận với Phật, vì họ nghĩ Ngài không tu khổ hạnh nổi, nên họ bỏ về vườn Nai tu. Nhưng Phật đắc đạo, quán thấy các ông này giận mà thương Ngài, chỉ vì họ hiểu lầm thôi, nên chờ khi họ hiểu đúng thì Ngài đến, tức là đến đúng thời điểm thích hợp để độ họ.
Vì vậy, sau khi rời Bồ Đề Đạo Tràng, Phật liền đến Lộc Uyển ở với năm anh em Kiều Trần Như. Phật bảo họ ngồi yên tu, Phật đi khất thực nuôi họ, nghĩa là Phật đã thay đổi hoàn toàn tình thế một cách nhẹ nhàng. Trước đó, họ phải chia nhau đi khất thực mà không đủ ăn. Phật một mình khất thực nuôi năm người này đầy đủ như không. Điều này cho thấy tu hành đắc đạo thì làm dễ dàng. Các thầy ráng tu đắc thiền, mọi việc sẽ trở nên đơn giản, tốt đẹp. Không đắc đạo mà dùng khôn dại đối xử với nhau sẽ gặp toàn nguy hiểm.
Phật dạy năm anh em Kiều Trần Như thực tập Thiền Tứ niệm xứ và họ đều đắc quả A-la-hán. Như vậy, Phật đã quán sát thấy đúng rằng các ông này vẫn thương Phật, nhưng họ bực vì Phật không tu khổ hạnh theo ý muốn của họ, nên Phật đến độ được, điều này nghịch nhưng thành thuận. Sau đó, Phật bảo họ, mỗi người đi một hướng để truyền bá Chánh pháp.
Kế tiếp, Phật đến thôn Ưu Lầu Tần Loa độ ba anh em Ca Diếp. Nghe vậy, mọi người hết hồn vì ba ông này chuyên dùng bùa chú sai rắn hổ mang hại người. Nhưng chỉ sau một đêm, ba anh em Ca Diếp và 1.000 đệ tử ngoại đạo đã trở thành Sa-môn tu theo Phật. Phật đã thấy các ông này tu bế tắc, đi tới thì mệt mỏi chán nản, mà rút lui cũng không được vì xấu hổ. Phật khai thông là khai tri kiến cho họ. Ngày nay, các thầy bắt chước độ ngoại đạo, phải cẩn thận, coi chừng bị họ treo cổ.
Tóm lại, chỉ trong một thời gian ngắn, Phật độ 1.250 đệ tử thường tùy đắc A-la-hán. Có thể khẳng định rằng Phật xuất hiện trên cuộc đời độ thoát chúng sanh có duyên với Ngài thôi và những gì đáng nói, Phật đã nói; những gì đáng làm, Phật đã làm; người đáng độ, Ngài đã độ thì Phật vào Niết-bàn.
Ngày nay, nếu các thầy chưa thấy nhân duyên, tôi khuyên đừng nên đi hoằng pháp, vì không làm được việc, không có lợi cho đạo pháp, còn có hại cho bản thân.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ý nghĩa cúng Rằm tháng 10
Phật giáo thường thức 15:04 15/11/2024Rằm tháng 10 là một ngày lễ mang nhiều ý nghĩa tâm linh và truyền thống trong văn hóa Việt Nam. Đây là dịp để mọi người không chỉ tri ân tổ tiên mà còn tạo cơ hội tích phước lành, sống hướng thiện và gìn giữ truyền thống tốt đẹp của gia đình.
Thiền trong mỗi phút giây
Phật giáo thường thức 14:37 15/11/2024Chúng ta nên đưa sự thực tập trong thiền đường vào trong đời sống hàng ngày. Thực tập như thế nào để hiểu được cảm thọ, tri giác của mình. Chúng ta không chỉ xử lý cảm thọ, tri giác trong lúc ngồi thiền mà phải xử lý chúng suốt ngày.
Vì sao “không cần tha thứ cũng tha thứ”?
Phật giáo thường thức 14:35 15/11/2024Có câu hỏi của một thiền sinh, làm sao để buông xuống, tha thứ cho người đã gây ra lỗi lầm, khổ đau cho mình?
“Chỉ khi nào không mong cầu gì thì vạn sự mới như ý”
Phật giáo thường thức 11:00 15/11/2024Hỏi: Kính thưa Thầy, thật sự thì pháp đang muốn chỉ ra cho con bài học gì vậy Thầy?
Xem thêm