Hãy sống hết lòng mình với đạo pháp
“Hãy sống hết lòng mình với đạo pháp”, một câu nói đơn giản nhưng mang rất nhiều hàm ý và cũng là một điều đáng để cho chúng ta suy nghĩ.
Vào một buổi chiều tà của ngày đầu thu, khí trời bắt đầu dịu mát so với cái oi bức của mùa hè. Tuy bệnh duyên đã tới thời kỳ cuối nhưng Hòa thượng Giác Đức[1] vẫn gọi chúng tôi lại mà dạy những kinh nghiệm về cuộc đời tu hành của mình bằng những lời chân thành, mộc mạc nhưng vẫn mang đầy tính triết lý cuộc sống của một con người suốt đời phụng sự đạo pháp và nhân sinh.
Trong buổi nói nói chuyện ấy, Hòa thượng nói rất nhiều vấn đề liên quan về cuộc sống của một người Khất sĩ, của người du tăng thời còn Tổ và cuộc sống của người tu sĩ trong thời hiện tại. Sau vài giờ trò chuyện, Hòa thượng tóm tắt những lời dạy của mình chỉ bằng một câu đơn giản mà chúng tôi không thể nào quên được: “Trong cuộc sống tu hành của một người tu sĩ, dù có thăng trầm đến đâu đi nữa, nhiệm vụ của chúng ta là hãy sống hết lòng mình với đạo pháp”. Và chỉ hơn mười ngày sau đó, Hòa thượng đã mãi xa rời chúng tôi, để lại sự kính tiếc cho bao người.
“Hãy sống hết lòng mình với đạo pháp”, một câu nói đơn giản nhưng mang rất nhiều hàm ý và cũng là một điều đáng để cho chúng ta suy nghĩ. Vì một sự thật mà chúng ta không thể nào chối cãi được: đa phần chúng ta chưa sống hết lòng đối với giáo pháp mà Đức Phật, Tổ sư cùng chư vị đức Thầy đã để lại. Chúng ta phần nhiều là chịu ảnh hưởng quá lớn của đời sống vật chất mà lơ là đi công việc tu tập, một nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta. Theo lời kể của Hòa thượng Giác Đức thì khi Tổ sư Minh Đăng Quang còn đương thời, tuy cuộc sống về vật chất có phần hạn chế, chư Tăng mỗi ngày phải đi khất thực và chỉ dùng một ngày một bữa ngọ trưa nhưng đời sống tinh thần vô cùng an lạc. Còn chỗ ở thì cũng rất đơn giản, tranh lá đơn sơ tạm che chắn mưa nắng cho qua ngày, rồi cứ mỗi ba tháng chư Tăng phải chuyển đi nơi khác một lần cho việc giáo hóa hành đạo,…
Thế hệ tu sĩ trẻ của chúng ta ngày nay tuy cuộc sống vật chất có phần ổn định hơn, nhưng vấn đề tu tập thì có vẻ như là không còn được như xưa. Tuy chúng ta là những người xuất gia nhưng không phải ai cũng là những con người giác ngộ mà xuất gia. Cho nên về mặt nhận thức sâu xa của chúng ta trong giáo pháp của Đức Thế Tôn chưa đủ rộng để áp dụng vào việc tu hành. Vì thế mà chúng ta chưa thật sự sống hết lòng mình với giáo pháp, chưa thể hiện hết được những điều mà người con Phật nên làm và tránh đi những gì người con Phật không nên làm.
Sống hết lòng mình với đạo pháp và làm những điều mà người con Phật nên làm là sao? Theo lời chỉ dạy của Hòa thượng, một người sống hết mình với giáo pháp và làm những điều người con Phật nên làm là chúng ta phải biết mục tiêu và lý tưởng của một người tu hành là gì. Nếu chúng ta xác định được mục tiêu và lý tưởng của chúng ta rồi thì chúng ta cứ thế mà vững bước để hoàn thành nó, cho dù có trải qua bao gian lao, trở ngại của cuộc đời đi nữa nhưng chúng ta vẫn phải giữ vững ý chí đó để mà đi hết cuộc đời tu hành. Rồi Hòa thượng lại dạy tiếp, nếu quý sư muốn hoàn thành sứ mạng và vững bước trên con đường đầy dẫy chông gai với bao sự cám dỗ của vật chất, không có gì hơn là chúng ta phải hành trì giới luật. Vì trong kinh Di Giáo, trước khi vào Niết Bàn tịch tĩnh, Đức Phật đã dạy: “Hãy lấy giáo pháp làm nền tảng, lấy giới luật làm thầy”. Người thật sự nghiêm trì giới luật một cách miên mật rồi thì dù gặp phải bao chướng duyên, chúng ta cũng có thể vượt qua. Còn như mà người bị thối thất giữa chừng của tiến trình tu hành thì người ấy chưa thật sự tắm mình trong giới luật của Phật và cũng chưa thật sự dâng trọn lòng mình cho đạo pháp. Cho nên, giới luật nắm giữ một vai trò quan trọng đối với người tu hành của chúng ta. Vì có trì giữ giới luật thì cây thiền định mới đơm hoa và mới kết được những trái trí tuệ. Người có sống hết mình vì đạo pháp thì mới có thể vì đạo pháp mà hy sinh những tình cảm, những luyến ái của cá nhân để hòa mình vào cái sống chung của muôn loại. Người có sống vì đạo pháp mới có thể lấy vũ trụ làm nhà, lấy chúng sanh làm quyến thuộc để đi và đi mãi trên con đường mình đã chọn.
Trong suốt thời gian gần năm mươi năm, từ khi xuất gia đến khi viên tịch, tuy Hòa thượng Giác Đức không có nhiều bài thuyết pháp như những vị pháp sư đương thời nhưng về mặt đạo đức tu hành và gìn giữ giới luật của Hòa thượng là một tấm gương sáng, một bài học quý giá mà chúng ta học hỏi suốt đời cũng không hết. Hòa thượng không nói nhiều về giới luật nhưng cuộc sống giản dị của một bậc chân tu đã thể hiện điều đó rất rõ qua những nếp sinh hoạt hàng ngày. Đây là một điều đáng quý của một con người tu hành chân chánh, cái mà hàng hậu học chúng ta phải noi theo.
[1] Hòa thượng Giác Đức, Pháp tử của Đức Tôn sư Minh Đăng Quang, Đệ nhị Trưởng Giáo đoàn VI- HPKS.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm