Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 27/09/2023, 14:17 PM

A Dục Vương: Vị vua xây dựng 8 vạn 4 ngàn Tháp Thánh vương xá lợi Phật

Vua Ashoka (hay còn gọi là vua A Dục) là vị vua thứ ba của vương triều Maurya thời Ấn Độ xưa, trị vì từ năm 273 - 232 Tây Lịch. Ông là vị Hoàng đế nổi tiếng nhất của triều đại Maurya bởi có công thống nhất gần hết bán lục địa Ấn Độ.

Đặc biệt, từ một kẻ có tâm địa độc ác, ông đã trở thành vị vua nhân hậu, có công lớn trong việc lưu truyền các Thánh tích của Phật giáo.

Cuộc đời, sự nghiệp và câu chuyện tiền kiếp của ông có nhiều điều thú vị, mời quý vị cùng theo dõi bài viết dưới đây!

Đức Phật thọ ký cho A Dục vương

Một hôm, tại vườn Ca-lan-đà thuộc thành Vương Xá, khi Đức Phật đang trên đường đi khất thực thì gặp hai em bé đang bốc cát, chơi đùa. 

Khi trông thấy Đức Phật đi tới, một em cầm nắm cát và nghĩ thầm: “Mình sẽ đem cát này cúng dường cho Sa môn”. Nghĩ rồi, em bé liền đem nắm cát ấy bỏ vào bình bát của Đức Phật và nói: “Con muốn được làm vua!”. Sau đó, em bé bỏ đi.

Lúc ấy, Đức Phật mỉm cười. Thấy vậy, Tôn giả A-nan biết không phải tự nhiên mà Đức Phật mỉm cười, nên xin Ngài giảng giải về việc này. Đức Phật nói: “Vừa rồi, ta mỉm cười là có nhân duyên. Sau khi ta diệt độ khoảng hơn một trăm năm, em bé vừa cúng dường nắm cát cho ta, đời sau sẽ làm vua tại thành Ba-liên-phất, thống lãnh một phương rộng lớn. Vua ấy họ Khổng, tên A Dục, đem chính Pháp cai trị giáo hóa nhân dân, lại còn cho xây tám vạn bốn nghìn Tháp Pháp Vương để phân bố rộng rãi xá lợi của Ta; đem lại sự an vui cho vô lượng chúng sanh”. 

Sau đó, Đức Phật đã chỉ dạy Ngài A Nan mang số cát vừa nhận trong bình bát, rải ra trên đường mà Ngài kinh hành.  

Vua A Dục - Thân thế sự nghiệp và công đức hộ trì Phật Pháp

1. Thân thế

Vua A Dục (Ashoka) là một vị đại đế của Ấn Độ sau thời Đức Phật, một vị cư sĩ đại hộ Pháp mà có lẽ chưa có vị vua nào sánh bằng từ trước tới nay. Tên tuổi của vị vua này đã gắn liền với nền nghệ thuật, văn hóa Phật giáo.

Vua A Dục xuất hiện vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, khoảng 200 năm sau khi Đức Phật nhập niết bàn. Ngài là con của vua Tần Đầu Sa La (Bindusàra) xứ Cam-pa-la. Ngài có một người em ruột là Hoàng đệ Vi-ta-so-ka. Về sau, vị Hoàng đệ này đã xuất gia và đắc quả A-la-hán.

Vua A Dục xuất hiện vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, khoảng 200 năm sau khi Đức Phật nhập niết bàn

Vua A Dục xuất hiện vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, khoảng 200 năm sau khi Đức Phật nhập niết bàn

2. Sự nghiệp

Thời niên thiếu, Hoàng tử A Dục không được vua cha yêu thương, chiều chuộng. Bởi ngài có thân hình xấu xí, tay chân thô kệch, nhám nhúa, dù tài năng của ngài vượt trội hơn các vị Hoàng tử khác – những anh em cùng cha khác mẹ với ngài.

Thời ấy, trong nước thường có loạn lạc do các xứ lân cận xâm lấn. Vì không ưa Hoàng tử A Dục, vua Tần Đầu Sa La luôn ban lệnh cho Hoàng tử đi chinh phạt với một lực lượng quân đội yếu kém, binh mã và quân nhu tồi tệ. Nhưng do tài thao lược, Hoàng tử A Dục luôn chiến thắng trở về.

Vua Tần Đầu Sa La còn có nhiều người con khác. Trong số đó, Hoàng tử Su-si-ma là Hoàng tử được chiều chuộng và được chọn làm Đông cung Thái tử để nối ngôi. Nhưng vị Hoàng tử này có tính tình kiêu căng và hung dữ nên không được lòng của văn võ triều thần. Họ cùng nhau chờ dịp sẽ lập Hoàng tử A Dục lên ngôi.

Rồi cơ hội cũng đến! Ngày xứ Ta-ka-si-la nổi loạn, vua Tần Đầu Sa La sai Đông cung Su-si-ma mang đại quân dẹp loạn nhưng thất bại. Biết tin chẳng lành, vua Tần Đầu Sa La lâm bệnh và truyền lệnh cho Hoàng tử A Dục đem binh tiếp ứng.

Các vị đại thần đã xúi giục Hoàng tử A Dục cáo bệnh không xuất chinh. Thấy vua Tần Đầu Sa La bệnh càng lúc càng trầm trọng, các đại thần bèn vào triều tâu vua xin nhường ngôi lại cho Hoàng tử A Dục. Họ đã tự an bài tôn Hoàng tử A Dục lên ngôi, dù vua Tần Đầu Sa La không chấp nhận. Vua quá tức giận, thổ huyết mà băng hà.

Hay tin ấy, Đông cung Su-si-ma tức tốc kéo binh về thành Hoa Thị (Pātaliputta) để giành lại ngôi vua. Hoàng tử A Dục lập kế để tiêu diệt được Đông cung.

Sau khi diệt được cái gai Su-si-ma, vua A Dục bèn bắt giết những quan thần mà trước đây đã khinh thường mình vì thân hình xấu xí. Nhà vua cho lập ra cảnh Địa Ngục Bồng Lai để hành hình tội nhân. Nơi này có cảnh sắc bên ngoài hữu tình, chẳng khác bồng lai tiên cảnh; nhưng bên trong thì cảnh tượng rùng rợn như chốn địa ngục với nhiều cách hành hình dã man.

Mặt khác, vua A Dục lại là vị vua hiếu sát. Nhà vua đã cất binh chinh phạt các nước chư hầu, gây nên cảnh tang thương chết chóc kinh hoàng. Trong cuộc chinh phạt ấy, thê thảm nhất là xứ Ka-lin-ga: mười muôn quân sĩ bị tử trận, mười lăm muôn quân khác bị bắt làm tù binh đem lưu đày; và vô số dân chúng đã bị sát hại, thây chất thành núi, máu chảy thành sông.

Sự hiếu sát và tính hung bạo của nhà vua làm cho dân chúng sợ hãi. Họ đặt tên nhà vua là ác vương A Dục (Caṇḍāsoka).

3. Nhân duyên quy hướng Tam Bảo 

Một ngày kia, có vị Tỳ kheo trẻ tuổi tên là Sa-mu-da vào thành Hoa Thị để khất thực. Vị Tỳ kheo vô tình đi ngang qua chốn Địa Ngục Bồng Lai. Vì mỏi mệt và thấy cảnh mát mẻ hữu tình nên vị Tỳ kheo đã dừng chân ngồi nghỉ mát. Thấy vậy, bọn cai ngục bắt giữ Tỳ kheo Sa-mu-da và giam vào đại lao.

Tỳ kheo đã tranh thủ tinh tấn thiền định, lấy cảnh khổ luân hồi làm đề tài quán niệm, nỗ lực ngày đêm bất thối chuyển. Vài ngày sau, vị ấy chứng thần thông, đắc quả A-la-hán.

Vào ngày thứ tám, bọn cai ngục dẫn vị Tỳ kheo ra hành hình, bỏ vào chảo dầu và đốt lửa. Ngài Sa-mu-da ngồi nhập định thản nhiên trong chảo dầu không hề hấn gì. Đức vua A Dục được báo tin lạ lùng ấy, vội vã đến ngục thất để xem sự tình. 

Lúc ấy, ngài Sa-mu-da bay lên ngồi kiết già trên không trung. Đức vua sinh tâm kinh sợ, liền chắp tay đảnh lễ và yêu cầu Đại đức Sa-mu-da giải thích điều kỳ diệu này.

Đại đức Sa-mu-da bèn thuyết Pháp và khuyên nhà vua bỏ ác làm lành, mở lòng từ bi bác ái, thương xót thần dân, đem lại an vui hạnh phúc cho muôn loài. Đồng thời, Ngài cũng nhắc cho nhà vua biết lời tiên tri của Đức Phật cách đây khoảng 200 năm, rằng vua A Dục sẽ là bậc Thánh vương hộ Pháp, có nhiều công đức trong việc phụng thờ xá lợi và truyền bá chánh Pháp trong thế gian.

Nghe được lời giảng dạy cao quý, đức vua A Dục xúc động mãnh liệt và khởi lên niềm tịnh tín nơi Tam Bảo, quỳ xuống tác bạch rằng:

“Bạch Đại đức, từ trước đến nay trẫm đã gây nhiều ác nghiệp. Nay trẫm xin thành tâm sám hối các tội để phục thiện. Trẫm xin quy y Phật – Pháp – Tăng để tạo những việc lành kể từ ngày nay đến trọn đời”.

Đại đức Sa-mu-da phán: “Sà du (Sādhu)! Sà du! Lành thay! Lành thay!”.  Nói rồi ngài biến đi mất.

Vua A Dục liền hạ lệnh phá hủy chốn Địa Ngục Bồng Lai ấy, và bắt đầu từ đó, nhà vua tận tâm hộ pháp và dạy bảo dân chúng sống đạo đức theo tinh thần Phật giáo. Thần dân trong nước thấy vua thay đổi tâm tính, trở nên độ lượng khoan hồng nên đã tặng cho vua mỹ danh là Pháp Vương A Dục hay Minh Vương A Dục (Dhammāsoka).

4. Phục hưng đánh dấu thánh tích

Nhờ vua A Dục đem chánh Pháp áp dụng vào chính sách cai trị mà đất nước Ấn Độ bấy giờ được thái bình, dễ cai trị, hùng cường vào bậc nhất.

Đức vua A Dục vì đã thống nhất toàn lãnh thổ Ấn Độ, thành vị đại đế, quyền hành rộng lớn bao gồm các nước chư hầu (các nước thuộc địa của Ấn Độ xưa). Bởi vậy, sau khi quy y theo Phật giáo, đức vua tự thân đến thành Vương Xá (Rājagaha) thỉnh toàn bộ phần xá lợi Phật để mang về thành Hoa Thị.

Đức vua cũng ra lệnh cho sáu vị vua xứ chư hầu nộp tất cả xá lợi của Đức Phật trong xứ của họ - mà đã từng được chia tại Câu Thi Na (Kusinārā), sau lễ trà tỳ kim thân Đức Phật. 

Sau đó, đức vua A Dục đã sai thợ làm 84.000 hộp nhỏ bằng vàng chạm trổ khéo léo và 84.000 cái bình lớn hơn cũng bằng vàng, phân chia xá lợi thành 84.000 phần đều nhau và an trí vào 84.000 cái hộp nhỏ, đặt vào 84.000 cái bình lớn. 

(Con số “84.000” hay cụm từ “tám mươi bốn ngàn” hay “tám vạn bốn ngàn” là một thành ngữ thường thấy trong nhiều bài kinh, như: 84.000 đại kiếp, 84.000 năm,v.v. Từ này là một thành ngữ phổ thông tại Ấn Độ trong thời đó, là cách nói tổng quát để chỉ một số lượng rất lớn, rất nhiều, không phải là một con số chính xác).

Xong việc, đức vua cho phân phát khắp nơi xứ Ấn Độ. Chỗ nào cũng xây ngôi tháp để tôn thờ xá lợi. Cách thức quy định là cứ nơi có 10 triệu dân thì sẽ xây  tháp xá lợi; tại mỗi tứ động tâm sẽ xây tháp xá lợi; nơi nào có sự tích liên quan đến Đức Phật khi Ngài còn tại thế thì sẽ xây tháp xá lợi.

Đức vua A Dục khuyến khích Hoàng đệ Vi-ta-so-ka xuất gia theo Phật pháp.  Bên cạnh đó, ngài cũng khuyến tấn hai người con của ngài là Hoàng tử Ma-hê-đà (Mahinda) và công chúa Tăng-già-mật (Saṅghamittā) xuất gia. Cả ba vị đều chứng quả A-la-hán.

Đức vua A Dục đã xây dựng vô số kiến trúc, đền thờ có chạm trổ những sự tích về Đức Phật và khắc chỉ dụ của vua trên những bia đá - những chỉ dụ khuyên bảo dân chúng sống theo Phật Pháp. 

Ngoài ra, Ngài cho dựng cột trụ tại bốn Thánh địa động tâm để lưu giữ dấu tích là nơi Đức Phật đản sanh, thành đạo, chuyển Pháp luân và nhập niết bàn. Nhờ công lao này của ngài mà các tín đồ Phật tử trên toàn thế giới ngày nay có nơi chốn để chiêm bái những dấu tích quan trọng trong cuộc đời Đức Phật.

Trụ đá được vua A Dục cho xây dựng tại các Thánh tích của Ấn Độ (nguồn ảnh: internet)

Trụ đá được vua A Dục cho xây dựng tại các Thánh tích của Ấn Độ (nguồn ảnh: internet)

Sau khi cho hai người con xuất gia, đức vua A Dục đã trở thành quyến thuộc thừa kế Phật giáo nên ngày càng tịnh tín với Tam Bảo. Mỗi ngày, đức vua xuất ra 500.000 đồng tiền vàng (Kahāpana) cúng dường tứ sự đến Tăng chúng đầy đủ, dồi dào. 

Cũng vì thế, các nhóm tu sĩ ngoại đạo đã xâm nhập vào Tăng đoàn Phật giáo. Ở ngoài, họ bị thiếu thốn nên trà trộn vào Tăng đoàn, sống lẫn với các vị Tỳ kheo chân chánh để thọ hưởng lợi lộc. Nhưng do vẫn có sở hành phi pháp, tà kiến nên nội bộ chư Tăng bị xáo trộn không thể hành Tăng sự với nhau được. Tình trạng kéo dài suốt bảy năm. Chư Tỳ kheo đã trình sự kiện này cho đức vua biết.

Bởi có đức tin Phật Pháp, thấy mình phải có trách nhiệm chấn hưng Phật giáo, nên đức vua đã học hỏi chánh Pháp từ vị Thánh Tăng Mục-kiền-liên-tử Đế-tu (Mog-galliputtatissa). Ngài thỉnh mời tất cả chư Tỳ kheo trong thành họp hội tại chùa A-sa-ka-ra-ma, tổ chức một cuộc vấn đạo. 

Đức vua làm giám khảo sát hạch pháp luật từng vị Tỳ kheo do chư Trưởng lão làm hội đồng chứng minh. Cuối cùng, qua cuộc thanh lọc, đức vua đã loại ra được 60.000 vị Tỳ kheo giả mạo, cho hoàn tục thành người cư sĩ. 

5. Kết tập kinh điển

Sau khi Tăng chúng đã được thanh lọc, Trưởng lão Mục-kiền-liên-tử Đế-tu đã họp 6 triệu Tỳ kheo để hành Tăng sự Bố-tát (Uposatha). Ngài đã chọn ra 1000 vị Tỳ kheo A-la-hán tuệ phân tích, thông thuộc tam tạng và chú giải để kết tập kinh điển. 

Đức vua A Dục là người bảo trợ cho kỳ kết tập này. Đây là kỳ kết tập tam tạng lần thứ ba, vào năm Phật lịch 235. 

6. Hộ trì và truyền giáo sang các nước

Đức vua A Dục không những đã hộ độ chư Tăng phát triển Phật giáo trong nước, mà còn hỗ trợ chư Tăng truyền bá Phật giáo sang các nước lân cận. 

Vào năm Phật lịch 236, sau khi kết tập kinh điển, ngài Mục-kiền-liên-tử Đế-tu biết được Phật giáo sẽ được hưng thịnh ở ngoại quốc chứ không phải chỉ ở tại Ấn Độ. Bởi vậy, Ngài đã cử chư trưởng lão đi truyền bá Phật giáo (gồm có chín đoàn) sang các xứ lân bang. Đức vua A Dục rất quan tâm và giúp đỡ chín đoàn sứ giả này được thuận lợi đi đến các xứ để truyền đạo.

Chín đoàn truyền giáo trong thời đại vua A Dục (ảnh minh họa)

Chín đoàn truyền giáo trong thời đại vua A Dục (ảnh minh họa)

7. Cúng dường toàn bộ đất nước cho Tam Bảo

Với những công trình như vậy, đức vua A Dục trở thành bậc cư sĩ đại hộ Pháp. Và cho đến cuối cuộc đời, nhà vua còn nghĩ đến việc cúng dường Tam bảo bằng cách để lại di ngôn cho các quan thừa hành dâng hết cõi đất Diêm Phù (Ấn Độ) đến Tam Bảo. 

Sau này, các quan phải xuất quốc khố mua lại giang sơn cho vị tân vương.

Mong rằng qua đây, quý vị sẽ hiểu hơn về cuộc đời của vua A Dục, từ đó mà khởi tâm tán thán với công đức lưu truyền và gìn giữ Tam Bảo. Nhờ có sự phục hưng Thánh tích của Ngài mà ngày nay, thế giới đã khẳng định được rằng, Như Lai hoàn toàn có thật trong lịch sử Ấn Độ. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Thời niên thiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên

Nhân vật Phật giáo 19:20 26/03/2024

Tôn giả Mục-kiền-liên, bậc Thánh đứng hàng thứ hai trong mười vị Đại đệ tử của đức Phật. Ngài được đức Thế Tôn khen ngợi là vị có thần thông đệ nhất và hiếu tâm lớn nhất trong hàng đệ tử xuất gia của Phật.

Thiền sư Khương Tăng Hội – Người khai sáng Thiền tông Việt Nam

Nhân vật Phật giáo 09:03 20/03/2024

Người khai sáng Thiền tông Việt Nam là Thiền sư Khương Tăng Hội – sơ Tổ của dòng phái Thiền Việt Nam, người đã có công góp phần xây dựng cơ sở nền móng hoạt động để Trung tâm Phật giáo thứ II ở vùng Đông Bắc Bộ phát triển từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XI.

Công hạnh của tín nữ Visākhā

Nhân vật Phật giáo 15:10 23/02/2024

Thuở Đức Thế Tôn còn tại thế đã có những vị đại đệ tử xuất gia xuất sắc là những bậc thánh Tăng đã chứng đắc quả A-la-hán với những công hạnh nổi bật như 10 vị đại đệ tử của Phật.

Gương hiếu hạnh của Hòa thượng Cua, một nhân vật có thật trong lịch sử Phật giáo Việt Nam

Nhân vật Phật giáo 19:20 22/01/2024

Ngài trong lòng mọi người, đẹp đẽ chói ngời muôn thuở, không phải là hình ảnh của vị Thiền sư, càng không phải của một tu sĩ được vua ban chức Ngự Tiền Chi Quân và áo gấm. Đó là hình ảnh của một bậc chân tu tốt đời sáng đạo, lo tròn chữ hiếu với mẹ già một cách vượt thường đầy trí tuệ.

Xem thêm