Vua A Dục sám hối, quy y theo Phật, cho xây 84,000 Tháp thờ Xá Lợi Phật
Vua A Dục sám hối tội lỗi, quy y theo Phật và cho xây 84.000 tháp để thờ Xá lợi Phật.
Nhà Vua vội cùng tùy tùng đến xem xét sự việc xẩy ra, thầy Tỳ kheo khi thấy Vua đến, liền từ giữa vạc dầu phóng thân lên lơ lửng trong không như con nhạn chúa, phô bày các thứ biến hóa. Khi Vua trông thấy thầy Tỳ kheo biến hóa thần thông như thế, liền chắp tay vái thầy mà nói:
– Xin Ngài cho biết đã tu tập những gì mà được pháp thắng diệu như thế, nếu tôi hiểu được rồi, tôi sẽ xin làm đệ tử của Ngài và sẽ không hối tiếc.
Thầy Tỳ kheo hướng về nhà Vua mà nói kệ :
Tôi là đệ tử Phật,
Trọn lìa phúc ba cõi,
Trong chính pháp Như Lai,
Được lợi ích như thế.
Nói kệ xong, thầy Tỳ kheo bảo Vua:
– Phật đã xác nhận trước về Đại Vương là sau khi Phật diệt độ khoảng hơn một trăm năm sau tại thành Ba liên Phất có Vua A Dục dùng chính pháp cai trị dân, lại xây tám vạn bốn nghìn Tháp Pháp Vương, và phân bố Xá Lợi Phật khắp Diêm phù Đề (Nam Á Châu). Phật đã nói trước về Đại Vương như vậy, nhưng ngày nay Đại Vương lại tạo ra Địa ngục lớn này, giết hại vô số nhân dân. Bây giờ Đại Vương nên mở lòng thương xót nghĩ đến tất cả chúng sanh, ban bố sự không sợ hãi, khiến mọi người được an ổn, Đại Vương nên như pháp mà tu hành như thế.
Lúc ấy vua A Dục vô cùng kính tin Phật, chắp tay làm lễ thầy Tỳ kheo mà nói:
– Tôi phạm tội lớn, tôi phạm tội lớn! Nay đối trước Thầy tôi xin sám hối, những việc làm của tôi thật không tha thứ được, nay xin được làm con Phật, xin Thầy hãy nhận sự sám hối của tôi, xin hỷ xả, chớ quở trách, tôi là kẻ ngu si, nay tôi xin được quy y Phật, xin Thầy nhận cho, rồi Vua nói kệ:
Tôi nay quy y Phật,
Pháp thắng diệu vô thượng,
Chúng Tỳ kheo tôn kính,
Nay tôi xin quy mệnh.
Và tôi phải dũng mãnh,
Vâng lời Thế Tôn dạy,
Nơi Diêm phù Đề này,
Khắp dựng các Tháp Phật.
Thầy Tỳ kheo Hải độ vua A Dục xong, liền nương hư không mà hóa, biến mất.
Nhà Vua thấy thế liền vái chỗ hư không ấy, rồi từ nhà ngục đi ra, tên đao phủ Kỳ Lê nói:
– Đại Vương chẳng được đi ra.
Vua ngạc nhiên hỏi:
– Nay ngươi muốn giết ta sao?
Tên Kỳ Lê nói:
– Đúng vậy.
Vua lại hỏi:
– Ai là người đầu tiên vào ngục này?
Hắn trả lời:
– Chính tôi là người đầu tiên vào nhà ngục này.
Vua bảo hắn:
– Nếu thế thì chính ngươi phải chết trước.
Nói rồi Vua liền ra lệnh cho các người tùy tùng bắt tên hung ác ấy bỏ vào hầm keo, lấy lửa đốt cháy; Vua sai phá bỏ nhà ngục của tên đao phủ, đem lại sự không sợ hãi cho nhân dân, mọi người ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm, và vui mừng vô kể.
Vua A Dục muốn xây Tháp Xá Lợi Phật, Vua điều khiển bốn binh đến thành Vương Xá lấy Xá Lợi Phật trong tháp của vua A xà Thế xây dựng trước kia. Vua cũng đem quân đến bẩy nước kia và làm giống như thế, tất cả các nước đều thần phục Vua A Dục tiếng tăm lừng lẫy. Vua sai làm tám vạn bốn nghìn hộp trân qúy bằng vàng bạc, lưu ly, pha lê để đựng Xá Lợi Phật, và làm tám vạn bốn nghìn bình tứ bảo để chứa hộp trân qúy này; Vua cũng sai làm hàng muôn nghìn cờ phướn bảo cái, dù lọng để cắm treo tại các nơi bảo Tháp, Vua đích thân đến tịnh xá Kê Tước của Thượng Tọa Da Xá để nói ý muốn xây tám vạn bốn nghìn Tháp xong trong một ngày, Thượng Tọa nói với Vua:
– Lành thay Đại Vương! Muốn vậy hãy ấn định sau mười lăm ngày nguyệt thực cho xây tất cả các Tháp tại Diêm phù Đề (Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện..).
Vua bèn ra lệnh cho tất cả nhân dân Diêm phù Đề, như vậy chỉ trong một ngày dựng xong tám vạn bốn nghìn Tháp thờ Xá Lợi Phật, cũng gọi là Tháp A Dục Vương. Nhân dân vui mừng vô hạn, Vua cũng lấy làm phấn khởi vui mừng.
Tháp đã dựng xong, Vua cùng quần thần đến tịnh xá Kê Tước thưa với Thượng tọa Da Xá:
– Có Tỳ kheo được Phật thọ ký làm Phật sự ngày nay chăng? Trẫm muốn đến vị ấy để cúng dàng cung kính, xin Thượng Tọa chỉ bảo.
Thượng tọa nói với Vua:
– Lành thay Đại Vương! Lúc Đức Phật sắp nhập Niết Bàn, khi Ngài đi đến nước Thâu ma La, Ngài bảo Tôn giả A nan Đà rằng: “Này A Nan, sau khi Ta diệt độ khoảng sau một trăm năm, có Trưởng giả tên Cù Đà (còn có tên là Trưởng giả Thiện Ý), con tên Ưu Ba Quật Đa (có sách viết là Ưu Ba Cúc Đa) sẽ xuất gia học đạo thành Vô tướng Phật, dạy dỗ người là bậc nhất sẽ làm Phật sự”; hiện tại vị ấy đã đắc qủa A la Hán, cùng vô số Tỳ kheo quyến thuộc một vạn tám nghìn đệ tử, đang trú tại A lan Nhã ở núi Ưu Lưu Man Trà.
Nhà Vua nghe xong vô cùng phấn khởi vui mừng, Vua liền ra lệnh cho quần thần sửa soạn xe giá để đưa quyến thuộc đến nơi ấy; có quan Đại thần khuyên Vua nên thỉnh mời vị ấy đến, nhưng Vua không thuận, Vua bèn sai sứ giả đem tin đến thưa với Tôn giả Ưu Ba Quật Đa rằng:“Ngày nào đó không xa, Vua A Dục sẽ đến lễ bái Tôn giả”.
Tôn giả Ưu Ba Quật Đà (là Tổ thứ tư bên Tây Trúc) được tin ấy thì nghĩ: “Nếu Vua đến sẽ có rất nhiều người đi theo chịu bao khổ sở, lại bức bách sát hại côn trùng và tổn nhọc xóm làng”, nghĩ xong, Tôn giả trả lời sứ giả rằng:
– Tôi sẽ tự đi đến cung Vua, ông về thưa lại với Vua như thế.
Vua nghe tin Tôn giả Ưu Ba Quật Đa tự đến, vui mừng vô hạn; Tôn giả vì thương xót Vua, nên cùng rất nhiều A la Hán theo đường sông đến Kinh đô. Khi được tin thuyền đã cập bến, Vua cùng các quan Đại thần và quyến thuộc đến bến đò làm lễ trước Tôn giả và nói:
– Ngày nay Trẫm thống lãnh toàn cõi Diêm phù Đề rộng lớn này, tuy ngồi ở ngôi vua, mà không lấy làm vui, hôm nay thấy được Tôn giả, lòng Trẫm vui mừng khôn xiết, đệ tử Như Lai mới được như vậy, thấy Tôn giả như được thấy Phật.
Nhà vua cho sứ giả loan truyền cả nước rằng Tôn giả Ưu Ba Quật Đa đến Kinh thành, Vua sai treo phướn, bảo cái, lọng, xông hương, rải hoa, tấu nhạc, nhân dân cả thành đều ra nghênh đón, Tôn giả tâu vua:
– Đại Vương nên cung kính, cúng dàng Tam Bảo là Phật, Pháp, và Tỳ kheo, vì khi Đức Phật còn tại thế, Ngài thường ký thác rằng: “Chánh Pháp của Ta đều gửi gấm nơi các Quốc Vương và các đệ tử của Ta”.
Vua thưa với Tôn giả:
– Trẫm đã tạo tám vạn bốn nghìn Tháp thờ Xá Lợi Phật, trang nghiêm cõi nước, cúng dàng đầy đủ, phân bố Xá Lợi Phật khắp cả Diêm phù Đề.
Tôn giả khen ngợi Vua đã làm được việc chưa ai làm được, Vua thỉnh Tôn giả vào thành, mời Tôn giả an tọa nơi tòa ngồi, còn chúng Tỳ kheo được mời tới tịnh xá Kê Tước.
Tôn giả khen ngợi Vua vì đời trước đem cát cúng dàng Phật, nên ngày nay được ruộng phúc vô thượng, Vua bảo các quan Đại thần:
– Ta nhờ lấy nắm cát cúng dường Phật mà được qủa báo như vầy, làm sao chẳng tin kính đối với đức Thế Tôn?
Vua lại thưa với Tôn giả:
– Xin Tôn giả chỉ cho: những nơi Phật du hành, để Trẫm đến cúng dường lễ bái, vì các chúng sanh đời sau nhiếp thọ căn lành.
Tôn giả nói:
– Lành thay! Lành thay! Đại Vương đã phát diệu nguyện như thế, tôi sẽ chỉ Đại Vương những nơi chỗ để vì chúng-sanh đời sau mà thọ trì căn lành.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm