Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 28/06/2024, 10:18 AM

Ai giám sát hoạt động của khóa tu mùa hè?

Câu hỏi này đã được Đại đức Thích Tuệ Nhật, Phó Văn phòng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương trả lời thẳng thắn.

Audio
Đại đức Thích Tuệ Nhật

Đại đức Thích Tuệ Nhật

* Được biết, liên quan tới việc tổ chức khóa tu mùa hè, từ cuối tháng 3/2024, Ban Thường trực HĐTS đã có thông bạch hướng dẫn. Trong thông bạch có các quy định về khoá tu? Ai quản lý, giám sát các hoạt động này?

- Đại đức Thích Tuệ Nhật: Vào ngày 30/3/2024, Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ban hành thông bạch số 95, về việc tổ chức khóa tu mùa hè cho thanh thiếu niên Phật tử dịp hè 2024. Nội dung thông bạch này rất ý nghĩa vì nó hướng đến việc tổ chức khóa tu mùa hè - một môi trường giáo dục, đào tạo lành mạnh, để cho các bạn thanh thiếu niên Phật tử được phép trong 3 tháng hè vừa học tập, vừa vui chơi, vừa trau dồi, rèn luyện đạo đức.

Về việc triển khai, tổ chức khoá tu mùa hè do nhiều đơn vị khác nhau thực hiện, tuỳ theo quy mô. Với quy mô lớn, có thể do Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương phối hợp với Ban Hoằng pháp Trung ương, hoặc một Ban trị sự Phật giáo các tỉnh thành tổ chức. Còn quy mô nhỏ, thì Ban trị sự Phật giáo tỉnh thành, Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh thành, hoặc Ban trị sự Phật giáo quận huyện đứng ra tổ chức… Nhỏ hơn nữa là cấp tự viện tổ chức. Trường hợp này chiếm đại đa số trong các khoá tu mùa hè.

Về việc tổ chức kiểm tra, đối với khóa tu quy mô lớn sẽ do Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương giám sát, cấp tỉnh thành/ quận huyện do Ban trị sự Phật giáo cấp tỉnh thành/ quận huyện kiểm tra, giám sát.

Tự viện khi tổ chức khóa tu mùa hè cũng có gửi văn bản xin phép đến Ban trị sự Phật giáo quận huyện, chính quyền địa phương. Cho nên, các cơ quan chức năng địa phương quan tâm đến hoạt động này, cũng sẽ kiểm tra, giám sát các nội dung sinh hoạt trong khuôn khổ khóa tu đó, xem là tốt chưa hay chưa, có gì cần điều chỉnh, bổ sung hay không.

Nhìn chung, công tác tổ chức của hầu hết các khóa tu mùa hè nhiều năm qua đều diễn ra an toàn, từ cấp lớn cho đến cấp nhỏ.

* Thưa thầy, hiện nay, các nội dung thuyết giảng tại khóa tu do ai duyệt, có được đăng ký trước không?

- Trong thông bạch số 95 của HĐTS ghi rõ, về mặt tổ chức, do Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương hoặc Ban Trị sự, Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh thành, quận huyện đảm trách, hướng dẫn về mặt thủ tục tổ chức, còn về thuyết giảng, thường sẽ thỉnh chư Tôn đức giảng sư trong Ban Hoằng pháp Trung ương hoặc Ban Hoằng pháp các tỉnh thành, hay các vị thầy có uy tín, được tổ chức/ địa phương cho phép thuyết giảng.

Nội dung thuyết giảng cũng được lên kế hoạch trước và có đăng ký. Khi Ban tổ chức khóa tu mùa hè làm tờ trình xin phép các cơ quan chức năng, đều có đính kèm nội dung, kế hoạch khóa tu, nên tất nhiên nội dung chủ đề thuyết giảng đã được trình bạch trước.

Bên cạnh đó, thông tư số 60 của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương ký vào ngày 3/4/2024 cũng nêu rất rõ về yêu cầu của việc tổ chức khóa tu mùa hè. Trong đó có phần nội dung thuyết giảng phải đúng với giáo lý, chú trọng về “tứ trọng ân” (bốn ân lớn theo lời Phật dạy). Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương cũng gợi ý rất nhiều đề tài thuyết giảng cho vị giảng sư trong khóa tu mùa hè như: cuộc đời Đức Phật, nhân quả, nghiệp báo, tam quy, ngũ giới, tuổi trẻ với Phật pháp, sống đạo đức theo lời Phật dạy, tuổi trẻ với việc bảo vệ môi trường. Đặc biệt là chú trọng đến việc tri ân, báo hiếu, ý nghĩa của việc tuổi trẻ tham gia sinh hoạt Phật pháp và những lợi ích của nó…

* Tuy nhiên, có những khóa tu vẫn chưa được giám sát chặt, để xảy ra những sự việc không hay. Với những trường hợp như vậy, Giáo hội/ Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương xử lý ra sao?

- Hầu hết các khóa tu mùa hè đều diễn ra tốt đẹp, từ cấp trung ương đến địa phương, cũng như tự viện. Gần 20 năm qua, khóa tu mùa hè đã mang lại rất nhiều lại lợi ích cho các bạn trẻ nói chung, thanh thiếu niên Phật tử nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt thành công lớn trong bức tranh tổng thể rất đẹp của khóa tu mùa hè đó, cũng có một vài tự viện có tình trạng đáng tiếc xảy ra: có thể là về an toàn trong sinh hoạt, cách tổ chức các hoạt động giải trí trong khoá tu cho tuổi trẻ, hoặc một vài nội dung thuyết giảng chưa phù hợp. Những trường hợp nào bị lệch chuẩn, có sự phản ánh của chư tôn đức, Phật tử, các bậc phụ huynh và dư luận xã hội, đều được Ban Trị sự Phật giáo các cấp quận huyện, tỉnh thành, thậm chí cấp trung ương làm việc, nhắc nhở. Cao hơn nữa là xem xét, đưa ra biện pháp kỷ luật cụ thể. Tuy nhiên xét trên tổng thể, đó cũng chỉ là một vài trường hợp rất nhỏ thôi.

Ở đây, chúng tôi cũng nói thêm rằng, ví dụ như trong một hũ gạo toàn gạo trắng, nhưng nếu lỡ có 1-2 viên thóc bị lẫn vào trong đó, thì chúng ta nên đem 1-2 viên thóc đó lấy ra, chứ không nên đánh đồng cả hũ gạo đó là thóc. Trường hợp cụ thể này, chúng ta phải hết sức bình tâm và có nhận định rõ ràng, công tâm. Đại đa số các khóa tu mùa hè các cấp trong cả nước trước giờ đều rất tốt, mang lại lợi ích rất lớn, nên nếu lỡ có xảy ra điều đáng tiếc ở đâu đó, mọi người cần thông cảm để góp ý xây dựng, hơn là vội vàng trách móc, buồn tức, đẩy sự việc đi quá xa…

Gần 600 bạn trẻ về chùa Vẽ (TP.Hải Phòng) dự khóa tu mùa hè đợt 1 – năm 2024 hôm 25/6 - Ảnh: Thành Trung

Gần 600 bạn trẻ về chùa Vẽ (TP.Hải Phòng) dự khóa tu mùa hè đợt 1 – năm 2024 hôm 25/6 - Ảnh: Thành Trung

* Là người tham gia công tác tổ chức và hướng dẫn nhiều khóa tu cho người trẻ, trong đó có khóa tu mùa hè, thầy có chia sẻ hay góp ý gì trong công tác tổ chức, giảng dạy tại khóa tu?

- Theo tôi, khóa tu mùa hè là hoạt động rất ý nghĩa, cần nhân rộng. Theo đó, các cấp Giáo hội, chính quyền, các cơ quan chức năng nên tạo điều kiện thuận lợi để khóa tu mùa hè diễn ra trong an toàn và lành mạnh. Về công tác tổ chức, đòi hỏi đơn vị tổ chức cần đảm bảo cơ sở vật chất, nội dung sinh hoạt, ẩm thực, y tế, hậu cần, thuyết giảng, nội dung vui chơi, giải trí - tất cả đều cần có kế hoạch, kịch bản trước.

Bên cạnh đó, vấn đề truyền thông cũng phải quan tâm đúng mức. Những vị có trách nhiệm trong ban truyền thông thì tác nghiệp, còn nếu không có trách nhiệm, thì hoan hỉ theo dõi thông tin chính thống của khóa tu qua các trang mạng do Ban tổ chức đăng tải, tránh trường hợp “chuyện bé xé ra to”, càng không nên để những người có tâm không tốt lợi dụng, tung tin câu like, câu view,…

Đồng thời, đơn vị tổ chức khoá tu mùa hè cũng luôn lưu tâm, đề phòng những vấn đề có thể xảy ra ngoài ý muốn trong khoá tu, để có phương án ứng phó, xử lý thích hợp, từ nội dung đến hình thức. Có như vậy khóa tu mùa hè mỗi năm mỗi mang lại giá trị, lợi ích cho xã hội. Giá trị này được nhân rộng ra bao nhiêu, thì thanh thiếu niên nói chung, tuổi trẻ Phật giáo nói riêng, càng có lợi ích nhiều bấy nhiêu.

Theo VietNamNet

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Ai giám sát hoạt động của khóa tu mùa hè?

Phỏng vấn 10:18 28/06/2024

Câu hỏi này đã được Đại đức Thích Tuệ Nhật, Phó Văn phòng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương trả lời thẳng thắn.

Hòa thượng Thích Gia Quang: “Báo chí đã góp phần tích cực trong việc đem đạo vào đời”

Phỏng vấn 17:51 18/06/2024

Nói về giải báo chí toàn quốc về Phật giáo năm 2024 - lần đầu tiên được Giáo hội PGVN tổ chức phát động - Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban TT-TT Trung ương, Trưởng ban Tổ chức giải đã nói như vậy.

Sư cô Thích nữ Nhuận Bình: “Chỉ cần không bỏ cuộc, rồi bạn sẽ đến đích”

Phỏng vấn 10:23 17/06/2024

Sư cô Nhuận Bình - đang là nghiên cứu sinh Phật học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã xuất bản 9 tác phẩm.

Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa: "1.000 ngày thiền ở Myanmar đã thay đổi đời tôi"

Phỏng vấn 10:42 04/06/2024

Võ Trọng Nghĩa sinh năm 1976, là con út trong một gia đình nghèo có 7 anh chị em ở xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, học kiến trúc ở Nhật Bản, tốt nghiệp tiến sĩ ở trường Waseda, thành lập Võ Trọng Nghĩa Architects vào năm 2006 tại TP.HCM.

Xem thêm