Truyền thống An Cư Kiết Hạ của Tăng đoàn xưa và nay
Cứ mỗi độ hạ về, sen trong đầm tỏa ngát hương thơm, báo hiệu mùa An cư kiết hạ, chư Tăng Ni cấm túc ba tháng tu học tại một trú xứ nhằm thúc liễm thân tâm, trau dồi giới hạnh, vì thế, pháp an cư rất cần thiết cho Tăng già thời Đức Phật còn tại thế cũng như sau khi diệt độ.
Duyên khởi Đức Phật chế pháp an cư
Thời Phật còn tại thế, ở thành Xá Vệ (Savatthi), nhóm lục quần Tỳ kheo du hành suốt các mùa không chịu nghỉ chân. Mùa mưa côn trùng sinh sôi nảy nở rất nhiều nên những bước chân du hành đó đã gây tổn thương nhiều côn trùng, khiến cho hàng cư sĩ hết sức than phiền: “Sa môn Thích tử không biết hổ thẹn, đạp chết cỏ non. Bên ngoài tự nói tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì gọi là chánh pháp?… Pháp của các ngoại đạo còn an cư ba tháng, mà các Thích tử này trong ba mùa xuân, hạ và đông đều du hành trong nhân gian, trời mưa nước lớn trôi mất y bát, tọa cụ, ống đựng kim, đạp chết cỏ non, đoạn mạng sống của các loài khác. Cho đến như các loài chim, côn trùng, còn có hang tổ là trú xứ nghỉ ngơi của chúng!” [1]. Các Tỳ kheo khác đem việc này bạch với Đức Phật. Nhân đây, Ngài chế định Tăng Ni hàng năm phải an cư trong ba tháng mùa mưa.
Qua sự than phiền đó chứng tỏ pháp an cư này đã được các tôn giáo khác ở Ấn Độ áp dụng trước đó. Nay có duyên khởi này nên cần phải chế định ba tháng hạ an cư nhằm tránh sự dèm pha của giới cư sĩ và các tôn giáo khác, đồng thời cũng là cách để Tăng Ni thúc liễm thân tâm, tấn tu đạo nghiệp và tránh làm tổn thương đến muôn loài.
An cư kiết hạ trong mùa đại dịch Covid-19
Khái niệm và mục đích an cư kiết hạ
An cư (Sanskrit: Varsā; Pali: Vassa; Hán: 安居) hay còn gọi là Hạ an cư (夏安居), Vũ an cư (雨安居), Tọa hạ (坐夏), Tọa lạp (坐臘), Nhất hạ cửu tuần (一夏九旬), Cửu tuần cấm túc (九旬禁足), Kiết chế an cư (結制安居), Nhập hạ (入夏)… Ngày đầu an cư gọi là Kiết hạ (結夏); ngày kết thúc sau ba tháng an cư gọi là Giải hạ (解夏) hay còn gọi là Hạ mãn (夏滿), Hạ giải (夏解), An cư cánh (夏安竟),… [2].
An cư là kỳ hạn ba tháng (tức khoảng 90 ngày hay cửu tuần theo lịch Ấn Độ) để các Tăng Ni an trú một chỗ tu học thúc liễm thân tâm, trau dồi tam vô lậu học. Theo Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết ma khái niệm về An cư như sau: “Thân tâm đều tĩnh lặng gọi là An; quy định thời gian ở một chỗ là Cư” [3]. Hoặc chư Tổ sư có dạy: “An kỳ thân tâm, Cư kỳ hạn định”. Đến mùa hạ an cư, các chúng gồm Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na ni, Sa di, Sa di ni đều phải an cư. Trong năm chúng xuất gia đó, Tỳ kheo và Sa di cùng an cư một chỗ; còn lại Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na ni và Sa di ni tập trung an cư một chỗ. Hạ lạp (tuổi hạ, tuổi đạo) chỉ tính cho Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Đồng thời, hai chúng tại gia là nam cư sĩ (ưu bà tắc) và nữ cư sĩ (ưu bà di) không có an cư.
Tinh thần An cư kiết hạ của Tăng đoàn không ngoài ba mục đích:
Thứ nhất, tạo điều kiện cho các Tỳ kheo có thời gian tu chứng thánh đạo. Theo trong kinh Điển tôn (Trường A-hàm 1) có ghi lại câu chuyện tiền thân Đức Phật làm vị đại thần Điển Tôn. Vị đại thần này có ước muốn thấy được Phạm Thiên, bèn suy nghĩ về lời dạy của các bậc tôn túc kỳ cựu mà nghĩ rằng: Ai trong mùa hạ, ở chỗ thanh vắng, tu tập bốn vô lượng tâm, thời Phạm thiên sẽ xuống gặp [4]. Kết quả là, sau bốn tháng nỗ lực tu tập, Điển Tôn đã gặp được Phạm Thiên sách tấn rằng:
“Dối trá và ganh ghét,
Ngã mạn, tăng thượng mạn,
Tham dục, sân, ngu si,
Tự ý, chứa đầy tâm.
Xú uế thế gian này,
Ta nói cho ngươi rõ,
Nó đóng cửa thế gian,
Sa đọa, không sanh thiên” [5].
Với tinh thần “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” đã hướng các hành giả xuất gia cắt đứt mọi duyên trần mà tự nguyện an trú trong ba tháng tu tập, giáo giới cho nhau, chỉ dạy phương pháp tu tập cho nhau, khích lệ tinh thần cho nhau… trên lộ trình giải thoát.
Thông bạch: Tổ chức An cư Kết hạ – Phật lịch 2565
Thứ hai, pháp an cư cấm túc này giúp Tăng Ni bớt lại các công việc Phật sự bên ngoài, an trú trong một trú xứ để sách tấn trau dồi tam vô lậu học (giới, định, tuệ). Đồng thời, không phải đợi đến ba tháng hạ này mới nỗ lực hành trì, mà chín tháng còn lại cũng phải nỗ lực tu tập và bố tát thuyết giới nửa tháng một lần (nếu có thể). Trong kinh Phạm Võng Bồ tát giới cũng đã cảnh tỉnh rằng: “Sắc trẻ không dừng, dường như ngựa chạy. Mạng người vô thường, mau hơn nước dốc. Ngày nay dầu còn, khó bảo đảm được ngày mai. Đại chúng, mỗi người nên nhất tâm cần cầu tinh tấn. Chớ biếng nhác trễ lười, phóng túng ngủ nghỉ. Ban đêm phải nhiếp tâm niệm Phật tham thiền, chớ để thời gian luống qua vô ích, mà sau này phải ăn năn” [6]. Nếp sống lục hòa cộng trụ của Tăng đoàn (thân hòa đồng trụ, khẩu hòa vô tránh, ý hòa đồng duyệt, giới hòa đồng tu, kiến hòa đồng giải, lợi hòa đồng quân đạt được sự thanh tịnh và hòa hợp trong đời sống sinh hoạt của Tăng đoàn xưa và nay là điều vô cùng cần thiết. Vì vậy, Phật chế định Bố tát, An cư… là nhằm thiết lập sự hòa hợp và thanh tịnh trong Tăng già, giúp chánh pháp trụ thế dài lâu. Tiêu biểu như câu chuyện trong Tứ phần luật (phần Tự tứ kiền độ) về việc các Tỳ kheo ở xứ Câu tát la, quy định với nhau là mùa hạ an cư không nói chuyện, hễ ai có việc gì cần thì ra dấu, ai vào tụ lạc khất thực trước thì về tự thọ trai. Sau khi an cư xong, các vị Tỳ kheo về đảnh lễ Phật. Khi đó, Đức Phật quở trách: “Các ông là những người si, tự cho đó là vui mà thật sự là khổ. Các ông là những người ngu si, tự cho đó là điều không tai hoạn, mà thật sự là đại hoạn. Các ông là những người ngu si, cùng ở với nhau như oan gia, như những con cừu. Tại sao vậy? Ta đã dùng vô số phương tiện dạy bảo các Tỳ kheo, cùng dạy bảo nhau, cùng nhau trao đổi, giác ngộ cho nhau. Các ông là những người ngu si, đồng như ngoại đạo thọ pháp câm. Các ông không được làm theo pháp câm như vậy. Nếu làm theo pháp câm, phạm Đột kiết la” [7] (theo luật Ngũ phần thì phạm Đột kiết la, nhưng theo luật Thập tụng cho rằng phạm Thâu lan giá).
Thứ ba, tạo điều kiện cho hàng Phật tử có cơ hội gần gũi chư Tăng Ni học hỏi chánh pháp, tô bồi ruộng phước (cúng dường trường hạ, trai phạn, trai tăng,…).
Phân loại an cư
Về thời gian an cư
Theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền (Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản,…) và Nam truyền (Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia,…) chia an cư thành hai loại là tiền an cư và hậu an cư. Theo Yết ma yếu chỉ, Hòa thượng Trí Thủ dạy rằng: “Kết an cư vào ngày mùng 1 trăng tròn tháng 4 A-sa-đà, tức tương đương ngày 16 tháng 4 hay tháng 5 tùy theo cách tính tháng giữa lịch Ấn Độ và lịch Trung Quốc. Trong khoảng từ ngày 17 tháng 4 hay tháng 5 cho đến hết ngày 16 tháng 5 hay tháng 6 được gọi là thời kỳ của hậu an cư. Nói theo thông lệ ở nước ta, ngày kiết tiền an cư là vào ngày 16 tháng 4 âm lịch, và từ ngày 17 đến hết ngày 16 tháng 5 là thời kỳ của hậu an cư” [8]. Duyên khởi pháp hậu an cư này là vào thời Đức Phật còn tại thế, tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên vì muốn đến Xá Vệ cùng Thế Tôn an cư nên ngày 15 mới bắt đầu từ trú xứ đó đi, trải qua hai ngày mới đến nơi nên trễ việc kiết hạ, không biết làm thế nào nên bèn bạch với Đức Phật. Nhân đó, Đức Phật dạy: “Cho phép hậu an cư” [9].
Ở Ấn Độ một năm có ba mùa: nắng từ 16/2 (Vaisakha) đến 15/6 (Bhadra), mưa từ 16/6 đến 15/9 (Agrahayama), lạnh từ 16/9 đến khoảng 15/02 và một tháng được chia thành hai giai đoạn: thượng tuần (1-15) và hạ tuần (16-30 hoặc 31). Theo ngài Huyền Trang và Pháp Hiển cho rằng ngày 1 tháng Asadha (tháng 4 của lịch Ấn Độ) là khoảng giữa tháng 6 Tây lịch, tương đương với ngày 16/5 của lịch Trung Quốc. Nhưng chư Tổ luật sư Trung Quốc muốn tự tứ rơi vào ngày 15/7 âm lịch, y cứ từ bản kinh Vu Lan Báo Hiếu. Vì ngày 15/7 âm lịch ở Trung Quốc, Việt Nam… là ngày lễ lớn “Địa quan xá tội” (Trung Ngươn), đồng thời cũng là dịp tổ chức lễ Vu Lan Báo Hiếu cho nên việc an cư phải bắt đầu từ ngày 16/4 âm lịch dành cho chư Tăng Ni Phật giáo Bắc truyền. Đối với Phật giáo Nam truyền (Việt Nam, Campuchia,…) thì vẫn giữ theo truyền thống Ấn Độ, đều tổ chức kiết hạ tiền an cư vào ngày 16/6 âm lịch và tự tứ vào ngày 15/9 âm lịch; từ ngày 16/9 đến 15/10 âm lịch là tháng y Ca-thi-na và thọ nhận sự cúng dường của đàn việt. Ngoài ra, theo Hành sự sao cho rằng có ba loại an cư là tiền an cư (ngày 16/4), trung an cư (khoảng 17/4 – 15/5), và hậu an cư (ngày 16/5) [10]. Nhưng theo các bộ luật Tứ phần, Ngũ phần,… cũng như tác pháp yết ma đều chỉ đề cập đến tiền an cư và hậu an cư.
Đối với Phật giáo Việt Nam, thời gian tiền an cư nhiều nơi cũng khác nhau: 9/4 âm lịch (chùa Pháp Thành ở Củ Chi vào năm Tân Sửu); 14/4 âm lịch (chùa Pháp Minh ở Long An tác pháp năm Kỷ Hợi, Việt Nam Quốc Tự ở TP. HCM tác pháp 14/4 nhuần/Canh Tý,…); 17/4 âm lịch (trường hạ Phổ Đà ở Đà Nẵng vào năm Canh Tý,…); 18/4 âm lịch (chùa Linh Sơn ở Đà Lạt),… nhưng đa phần các trú xứ hạ trường đều kiết hạ vào ngày 16/4 âm lịch.
Về hình thức an cư
Đối với trú xứ chỉ có một vị Tỳ kheo sống độc cư, hoặc không đủ túc số tăng thì tác pháp “tâm niệm an cư”. Đối với trú xứ có từ bốn vị Tỳ kheo trở lên thì tác pháp bạch nhị yết ma và “đối thú an cư”. Trong trú xứ đông chúng này, theo luật quy định thì mỗi lần tác pháp thọ an cư chỉ có một vị Tỳ kheo; nhưng theo truyền thống Phật giáo Việt Nam xưa và nay thường tối đa là ba vị Tỳ kheo. Nếu vượt quá ba vị Tỳ kheo thì không đúng pháp “phi pháp, phi tỳ ni”. Mỗi trường hạ an cư phải có một vị đệ ngũ luật sư để xử trị các việc sai phạm như pháp. Tỳ kheo ni không được phép một mình an cư và không tâm niệm an cư [11]. Theo Bách nhất yết ma, quyển IV dạy rằng chúng Tăng an cư, khi hành trì nên dâng Đức Phật một thẻ với ý nghĩa thỉnh Phật an cư, chứng minh cho chúng Tăng (Ni).
Tác pháp an cư
Về phân phòng xá và kiểm số chúng
Nếu có một Tỳ kheo khách đến an cư; Tăng tác pháp bạch nhị rồi phân phòng xá và ngọa cụ một cách cẩn thận trước khi an cư. Người được sai phân phòng xá phải không thiên vị, không sân hận, không sợ hãi, không si mê và hiểu rõ nguyên tắc cử tội. Đồng thời, cử ra một vị thông kiểm số chúng để bạch giữa đại chúng, sau đó Tăng (Ni) vấn hòa tác tiền phương tiện.
Về tác pháp cương giới
Giải đại giới và giới trường cũ rồi mới kết giới trường và đại giới mới; đồng thời không cho phép vị nào vắng mặt hoặc gửi dục trong buổi lễ này. Mỗi trú xứ an cư của Tăng (hoặc Ni) cần cử ra một vị Tỳ kheo cựu trụ (thông thuộc địa hình, cột mốc cương giới) xướng tiêu tướng bốn phương của giới trường và đại giới. Các tiêu tướng phải được xác định cụ thể rõ ràng, có tính chất kiên cố và được sự chấp thuận của Tăng; đồng thời không chọn các mốc giới tạm bợ như cây mục, chậu,… Về giới trường (tiểu giới), không nhất thiết là chánh điện, mà có thể là một hội trường,… được kết với mục đích tránh sự phiền toái đến Tăng và lỗi biệt chúng khi tác pháp yết ma. Chu vi giới trường tối thiểu dung chứa được 21 người để khi cần tác pháp yết ma như xử tội Tăng tàn,… Chư Tăng ngồi theo hàng ngang hoặc vòng tròn tác tiền phương tiện rồi xướng tiêu tướng giới trường. Sau khi bạch nhị kết giới trường xong thì toàn thể Tăng (Ni) ra ngoài giới trường rồi mới kết đại giới. Đại giới của Tăng rộng từ 18km (10 câu lô xá), nhưng theo một số vị Tổ sư cho rằng có thể 36km (20 câu lô xá); còn của Ni thì chỉ 1,8km (1 câu lô xá). Về chiều cao và chiều sâu đại giới, theo Bách nhất yết ma cho rằng trong khoảng 1,4km (tức 2,5 du thiện na) gặp ngọn cây hoặc bờ tường lấy đó làm chiều cao; gặp dòng nước thì lấy đó làm chiều sâu của đại giới. Cương giới của đại giới Tăng hoặc Ni dù có bao trùm lên vẫn không mất hiệu lực. Đối với đại giới có giới trường bên trong (trong đại giới chỉ có một giới trường) gồm có ba lớp (tam trùng đại giới): lớp 1 là ngoại tướng đại giới, lớp 2 là nội tướng đại giới và lớp 3 là ngoại tướng giới trường (giữa lớp 2 và lớp 3 cách nhau ít nhất 2 mét, nên còn gọi là phi tướng). Theo luật, sau khi bạch nhị kết xong tướng nội đại giới, rồi mới kết tướng ngoại đại giới và bạch nhị yết ma. Đối với việc xướng tiêu tướng giới trường hay đại giới thì đều xướng khởi điểm từ Đông Nam rồi đến Tây Nam, sang Tây Bắc và cuối cùng là Đông Bắc. Sau khi kết xong đại giới thì kết cương giới không mất y, tịnh trù (nhà bếp), tịnh khố (kho thức ăn) và khố tàng (kho chứa dụng cụ, y,…). Khi giải thì giải đại giới trước (nếu nhớ thì giải bất thất y,… trước), sau đó mới giải giới trường.
Nghiêm trì giới luật là “an cư kiết hạ”
Về thời gian ra khỏi cương giới
Nếu có lý do chính đáng ra ngoài cương giới dưới bảy ngày thì đối thú bạch với một vị Tôn túc trong Ban Chức sự hạ trường. Trường hợp ra ngoài cương giới hơn bảy ngày thì phải bạch trước chúng Tăng, sau đó Tăng yết ma bạch nhị hứa khả, nhưng chỉ được ra ngoài tối đa 40 ngày; nếu quá thời gian này xem như phá hạ. Đối với Tỳ kheo ni thì không được ra ngoài cương giới quá bảy ngày.
Về phá hạ
Một số trường hợp phá hạ như Tăng ra khỏi cương giới trên 40 ngày, hoặc tự mình ra khỏi cương giới mà không có duyên sự, hoặc không tác pháp đúng quy định,… Tuy nhiên, có một số trường hợp ra khỏi cương giới mà không mất hạ như nguy hiểm đến phạm hạnh, chỗ có kho báu (nhiều người tới lui), quỷ phá, rắn độc, thú dữ, giặc cướp, thiếu vật dụng cần thiết, nội bộ chia rẽ, bị người thân ép bắt không cho về đúng ngày quy định,…
Về thuyết giới và tu tập
Ở Việt Nam, sám hối trước, hôm sau bố tát. Đối với một trú xứ, không nên thuyết giới hai lần trong ngày nhằm tránh phá hòa hợp Tăng. Nơi nào chỉ có một vị Tỳ kheo thì tâm niệm thuyết giới. Trú xứ từ bốn vị Tỳ kheo trở lên thì tác pháp đối thú và thuyết giới trong giới trường. Ai không có mặt thì phạm lỗi biệt chúng, trừ có duyên sự Tam bảo hoặc bệnh nặng thì phải gởi dục và thuyết tịnh. Vị thuyết giới ngồi giữa chúng đọc giới Tỳ kheo đối với Tăng (giới Tỳ kheo ni đối với Ni) và giới Bồ tát. Trong ba tháng hạ, những Tỳ kheo thông luật và đạo hạnh sẽ được Tăng sai sang giáo giới các trường hạ Tăng và Ni. Trong các hạ trường cũng như trú xứ an cư tại chỗ đều có quy định thời khóa bái sám và tọa thiền nghiêm ngặt, thời gian nghe giảng và học tập trên lớp; phân công việc chấp tác và họp chúng,… nhằm trưởng dưỡng đạo tâm và hưng thịnh đạo pháp.
Về tự tứ
Là ngày mà mình thỉnh các vị khác trong hạ trường chỉ ra lỗi lầm của mình trên ba phương diện “thấy, nghe, nghi”; nếu có tội sẽ thành tâm sám hối cho thanh tịnh. Điều này thể hiện tinh thần hòa hợp và thanh tịnh Tăng (thuyết giới không cần đọc giới bổn), được xây dựng trên cơ sở thỉnh nguyện với lòng hướng thiện, và mở ra một đời sống đạo hạnh trong Tăng đoàn. Đối với Phật giáo Bắc tông Việt Nam, thời gian tự tứ các trường hạ khoảng từ 9/7 đến 16/7 âm lịch: giải cương giới an cư và kết lại cương giới cho trú xứ; tổ chức lễ hội Vu lan, dâng y cúng dường trai tăng và phân chia tài vật. Các tự viện Phật giáo Bắc tông khác cũng tổ chức lễ Vu Lan cài hoa hồng và cúng dường trai tăng. Đối với Phật giáo Nam tông, tự tứ vào 15/9 âm lịch, còn khoảng thời gian từ ngày 16/9 đến 15/10 là tháng thọ y Ca thi na và nhận sự cúng dường của tín thí.
Tóm lại, không phải chỉ đợi đến ba tháng hạ mới an cư mà chín tháng còn lại, chư Tăng Ni đều phải nỗ lực tu học hoàn thiện đạo hạnh tự thân, sống hòa hợp và thanh tịnh, có thể thuyết giới mỗi nửa tháng, hoặc đọc tụng luật vào mỗi buổi tối, đồng thời hạn chế việc đi lại bên ngoài để tịnh tâm tu học… để cho ánh sáng đạo pháp mãi rạng ngời trong lòng người con Phật từ ngàn xưa cho đến tận về sau. Truyền thống an cư mãi là tinh thần và trách nhiệm của Tăng Ni khi hạ về nhằm nuôi lớn các thiện pháp, ngõ hầu duy trì và phát triển sinh mệnh của Tăng đoàn trong tinh thần hòa hợp và thanh tịnh.
Thánh tích Tịnh xá Kỳ Viên - Nơi Đức Phật trải qua nhiều mùa an cư nhất
Chú thích:
[1] Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng (dịch) (2006), Tứ phần luật, phần thứ ba, quyển 4, chương III: An cư, Ban tu thư Phật học Nha Trang, tr.249.
[2] Thích Minh Cảnh (chủ biên) (2016), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 1, Nxb Tổng hợp TP. HCM, tr.103.
[3] Thích Minh Cảnh (chủ biên) (2016), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 1, Nxb Tổng hợp TP. HCM, tr.102.
[4] Đại tạng kinh Việt Nam (1991), Kinh Trường A-hàm, tập 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, TP. HCM, tr.251.
[5] Đại tạng kinh Việt Nam (1991), Kinh Trường A-hàm, tập 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, TP. HCM, tr.225.
[6] Thích Trí Tịnh (dịch) (2013), Kinh Phạm Võng Bồ tát giới, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.9.
[7] Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng (dịch) (2006), Tứ phần luật, phần thứ ba, quyển 4, chương IV: Tự tứ, Ban tu thư Phật học Nha Trang, tr. 276.
[8] Thích Trí Thủ (giảng thuật) (2006), Yết ma yếu chỉ, chương VI: An cư và Tự tứ, Quảng Hương già lam, TP. HCM, tr. 224-225.
[9] Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng (dịch) (2006), Tứ phần luật, phần thứ ba, quyển 4, chương III: An cư, Ban tu thư Phật học Nha Trang, tr. 257.
[10] Thích Trí Thủ (giảng thuật) (2006), Yết ma yếu chỉ, chương VI: An cư và Tự tứ, Quảng Hương già lam, TP. HCM, tr. 225.
[11] Pháp Đăng, “HT. Thích Minh Thông: An cư kiết hạ là trách nhiệm của Tăng sĩ”, <https://giacngo.vn>, đăng ngày 12/6/2017, truy cập ngày 18/6/2021.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm