Ăn để sống
Tôi đi đám tang người hàng xóm. Gia đình người ấy là tín đồ đạo Phật nên tổ chức tang lễ theo nghi thức Phật giáo, có Tăng Ni hộ niệm thường xuyên và đãi tiệc chay.
Tôi có thói quen đi đám tang chỉ ăn bánh, uống trà chứ không ăn cơm dù chay hay mặn. Nhưng các con của người quá cố yêu cầu tôi tiếp đãi vài người khách đặc biệt nên tôi phá lệ, ngồi vào bàn cầm khách.
Bàn ăn khá tươm tất, các món ăn nóng hổi, thơm ngon bắt mắt và hợp khẩu vị. Nhưng thành thật mà nói thì sự trong sạch, tinh khiết giảm nhiều vì chúng mang tên các món ăn mặn như bò bít-tếch, gà chiên giòn, mực xào chua cay, lẩu cua biển… Mặc dù là giả nhưng trông y như thật, hương vị cũng không kém phần hấp dẫn. Thức uống thì phụ nữ dùng nước ngọt, đàn ông dùng bia rượu. Tiếng cười nói ồn ào của những người uống bia rượu làm mất đi sự trang nghiêm nghi lễ của Tăng Ni, lòng thương xót của tang gia (Tế tắc trí kỳ nghiêm, tang tắc trí kỳ ai).
Vị khách ngồi cạnh tôi hỏi nhỏ rằng gọi tên các món chay như món mặn và đãi bia rượu có trái đạo và phạm giới không? Đương nhiên rồi! Để trở thành Phật tử, thì bất cứ ai cũng phải quy y Tam bảo và thọ năm giới cấm, trong đó có cấm uống rượu. Tuy nhiên, cũng có thể châm chước vì việc đãi bia rượu trong đám tang đã thành thói quen rất phổ biến ở nông thôn, nếu không theo tập quán e người đời dị nghị, mặc dù “không ai khen đám cưới, chẳng ai cười đám ma”.
Việc gọi tên các món chay như món mặn thì sao? Trong năm giới cấm, sát sinh là giới cấm đầu tiên và quan trọng nhất đối với người quy y Tam bảo. Sát sinh không chỉ giết hại con người mà còn giết hại thú vật làm thức ăn. Trong khi những món ăn đó đều chế biến từ thực vật, là giả danh, không phải thật nên không trái đạo lý và phạm giới sát sinh. Đó là xét về Sắc, còn về Thọ-Tưởng-Hành-Thức thì vừa trái đạo lý vừa phạm giới.
Mỗi người chúng ta đều có một cái tâm duy nhất, nó trong sáng, thanh tịnh, thường hằng, gọi là Chơn tâm hay Phật tánh. Cái cốt lõi của giáo lý Phật giáo là “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” nghĩa là chỉ thẳng vào tâm, thấy tánh thành Phật. Tuy nhiên, cái Chơn tâm lúc nào cũng bị vô minh vọng động biến nó thành vọng tâm.
Trong luận Đại thừa khởi tín, Tổ Mã Minh viết: “Nếu vọng tâm sinh khởi thì các pháp đều sinh khởi. Vọng tâm diệt thì các pháp đều diệt” (1). Mặc dù các món ăn trên được chế biến bằng rau củ quả nhưng những tên gọi đó và hương vị của chúng sẽ làm vọng tâm người ăn sinh khởi không nhiều thì ít. Năm tâm sở biến hành (xúc-tác ý-thọ-tưởng-tư) sẽ khởi lên. Các tâm sở này là nền tảng giúp tạo nghiệp. Tạo nghiệp lành dữ hay không lành không dữ đều do năm tâm sở biệt cảnh (dục-thắng giải-niệm-định-huệ) thực hiện. Mà, khi vọng tâm sinh khởi thì làm sao phá được vô minh, thấy được Chơn tâm, chứng đắc Phật quả? Nói trái đạo lý là thế và, việc đặt tên món ăn chay như món ăn mặn đã phạm giới nói dối, xảo ngôn, không đúng sự thật.
Trong Pháp bảo đàn, Lục tổ Huệ Năng cho biết còn một cách quy y Tam bảo nữa là vô tướng quy y. Theo đó thì Phật là tánh Giác của mình, Pháp là Chánh niệm và Tăng là Tịnh. Chánh niệm giúp ta quay về nương tựa tánh Giác và không bị nhiễm trước. Chánh niệm trong cả việc ăn uống, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết như sau: “Bằng chánh niệm, mình nhận diện được mình đang gắp lên cái gì. Khi đưa vào miệng, mình biết đang đưa vào miệng cái gì. Khi nhai, mình biết đang nhai cái gì” (2).
Ăn là một trong năm dục vọng của con người. Ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Cho nên ông cha ta thường nhắc nhở “miếng ăn là miếng tồi tàn” và phải “ăn coi nồi, ngồi coi hướng”, không nên coi trọng miếng ăn, đừng bạ đâu ăn đó, gặp cái gì ăn cái nấy. Ăn càng giản dị thân tâm càng thanh tịnh, ăn cầu kỳ dễ dẫn đến phóng dật.
Là đệ tử của Phật, chúng ta nên thường xuyên thực tập ăn trong chánh niệm cho tâm không hôn trầm, tán loạn, nghĩ tưởng vu vơ; cho tâm được thảnh thơi, nhẹ nhàng mới nhận thấy rõ ràng đây là hạt đậu nành, miếng tàu hủ, củ cà-rốt, trái đậu que chứ không phải miếng thịt bò, thịt gà, con cua biển, con mực, khi gặp trường hợp tương tự mà không tránh né được.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kích hoạt sự giàu có của bạn trong đời
Góc nhìn Phật tử 13:30 03/11/2024Bạn nhận ra được những giá trị nơi bản thân và có thể trao tặng những giá trị này đến cuộc đời, cuộc đời sẽ tặng bạn lại sự thịnh vượng và giàu có. Lúc bấy giờ giàu có là hệ quả tất yếu của hành động trao giá trị.
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây
Góc nhìn Phật tử 08:30 02/11/2024Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.
Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên
Góc nhìn Phật tử 13:04 01/11/2024Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.
Xem thêm