Thứ năm, ngày 20/11/2014, nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh cố Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ - Pandit Jawaharlal Nehru (1889 -1964), đáp lời thỉnh cầu của Thủ tướng Chính phủ và Giáo sư K. Kasturirangan, Giáo sư SK Sopory, Ban Giám hiệu Trường Đại học Jawaharlal Nehru, đức Đạt Lai Lạt Ma đã quang lâm Trường Đại học Jawaharlal Nehru, JNU New Campus, JNU Ring Rd, New Delhi, DL 110067, India (Ấn Độ).
Từng bước chân an lạc đăng lâm Pháp tòa, hàng nghìn thính giả trang nghiêm, chắp tay cúi chào đức Đạt Lai Lạt Ma cùng những tràng pháo tay nồng nhiệt.
|
Hơn 1200 thính giả thành kính cung nghinh đức Đạt Lai Lạt Ma. Photo/Tenzin Choejor/OHHDL |
Trường Đại học mang tên Jawaharlal Nehru, với hơn 8.000 sinh viên và 540 giảng viên, giáo sư K. Kasturirangan đã chia sẻ: “Giá trị của Trường Đại học này được duy trì vượt thời gian đối với Ấn Độ cho sự hòa bình và bất bạo động. Giáo sư hoan hỷ chào đón, vấn an Đức Đạt Lai Lạt Ma và giới thiệu đến với thính giả qua buổi pháp thoại của đức Đạt Lai Lạt Ma”.
Sau khi an tọa trên Kim Cang bảo tọa, Đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ cùng thính chúng:
“Kính thưa các anh, chị, em quý mến! Tôi luôn luôn nhấn mạnh rằng, trên mức độ cơ bản của con người, chúng ta đều bình đẳng như nhau. Thế giới nhân loại chúng ta có 7 tỷ người đều như nhau, tương đồng thể chất, tinh thần và tình cảm. Tuy nhiên, có sự khác biệt nhỏ giữa chúng ta về vóc dáng, sắc thái giác quan tự thân… Tất cả chúng ta, căn bản đều cùng một hệ sinh trưởng não bộ, do đó phân định trên cơ sở quốc tịch, màu sắc hay đức tin không quan trọng”.
Ngài nói: Nhân loại cần phải được trưởng thành hơn. Hầu hết cấn vấn đề đối mặt của chính chúng ta dựa trên sự khác biệt thứ cấp như đức tin và quốc tịch. Một thực tế, chúng ta là những sinh thể của xã hội, và trong tương lai có thể phụ thuộc vào những chúng sinh khác.
“Đây là lý do tại sao tôi bắt đầu bằng lời chào thân mến với tất cả quý vị như anh, chị, em của tôi!”
Đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ pháp thoại: "Phương pháp tiếp cận của con người với thế giới hòa bình" tại Đại học Jawaharlal. Photo /Tenzin Choejor/ OHHDL
Ngài cho biết: “Phúc đáp lời mời để có được buổi pháp thoại nhân dịp này là một vinh hạnh lớn đối với tôi. Cố Thủ tướng Pandit Jawaharlal Nehru là một nhà lãnh đạo Ấn Độ vĩ đại với tầm nhìn sâu rộng cho châu Á, một nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, và là một nhà văn hóa, khoa học và triết học tài năng.
Trước ý chí đấu tranh kiên quyết của nhân dân Ấn Độ, đặc biệt là trong phong trào chống thực dân Anh được phát động vào năm 1942 với khẩu hiệu "Bọn thực dân Anh hãy cút khỏi Ấn Độ! Chúng ta hãy hành động hay là chết!", thực dân Anh đã phải ngồi vào bàn thương thuyết với Ấn Độ. Trong cuộc thương thuyết Anh-Ấn năm 1945-1946, đại diện cho nhân dân Ấn Độ, đức Thánh Mahatma Gandhi và cụ Jawaharlal Nehru đã cương quyết đấu tranh đòi độc lập cho Ấn Độ. Đến ngày 15/08/1947, thực dân Anh buộc phải trao trả độc lập cho Ấn Độ. Ngày 26/01/1950, nước Cộng hoà Ấn Độ ra đời.
Từ ngày 15/08/1947, khi Ấn Độ được trao trả độc lập, cụ Jawaharlal Nehru được Ủy ban toàn Ấn của Đảng Quốc Đại cử ra làm Thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của nước Ấn Độ mới và đã giữ trọng trách Thủ tướng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào năm 1964.
Hai vị tiền bối cùng chia sẻ quan điểm khác biệt, nhưng đều cùng nhau thành lập Chính phủ Ấn Độ là một quốc gia dựa trên nền Dân chủ, chủ nghĩa thế tục và không bạo lực.
Cá nhân tôi hân hạnh được gặp Cố Thủ tướng Pandit Jawaharlal Nehru tại Bắc Kinh vào năm 1954. Đó là một buổi chiêu đãi yến tiệc của Nhà nước do Chu Ân Lai tổ chức. Khi Ông đến gặp tôi và giới thiệu với cố Thủ tướng Ấn Độ, ông nói: “Đây là đức Đạt Lai Lạt Ma”, nhưng cố Thủ tướng lặng thinh… Chu Ân Lai đã nhanh trí chuyển sang Panchen Rinpoche, khi đó đứng bên cạnh tôi.
Cuộc hội ngộ lần tiếp theo là nhân dịp Lễ kỷ niệm Phật lịch 2500, Ấn Độ đã thỉnh mời tôi tham dự sự kiện trọng đại được tổ chức tại Bồ Đề Đạo tràng. Những phản đối ban đầu của Trung Quốc đã bị bác bỏ nhờ can thiệp kịp thời của cố Thủ tướng Ấn Độ. Tôi sang Ấn Độ và trở thành thượng khách quan trọng trong các buổi lễ. Tôi đã dành những buổi thuyết pháp cho dân chúng trong thời gian lưu lại nơi đây và đã đi chiêm bái các Thánh địa của Phật giáo.Thời gian này, tôi đã có một số cuộc họp với Cố Thủ tướng Pandit Jawaharlal Nehru và nhận được lời khuyên quý báu từ ông.
Đến đầu năm 1957, nhiều chuyên gia tham vấn, đề nghị tôi nên ở lại Ấn Độ và không trở về Tây Tạng. Cố Thủ tướng Pandit Jawaharlal Nehru đã động viên tôi nên trở về nước và làm việc một cách ôn hòa với Trung Quốc, góp phần làm nổi bật các điều khoản trong “thỏa thuận 17 điểm” mà tôi nên theo đuổi (một đại biểu của Tây Tạng ở vùng Chamdo thuộc miền Đông Tây Tạng do chính quyền Trung Quốc chỉ huy đã bị buộc phải ký vào bản thỏa thuận về 17 điều mục. Trung Quốc cũng giả mạo con dấu của văn phòng đức Đạt-lai Lạt-ma để phê chuẩn vào bản thỏa thuận này. Nội dung chủ yếu của bản thỏa thuận tuyên bố rằng Tây Tạng là một phần của Trung Quốc và họ sẽ tẩy chay các thành phần của nước ngoài). Tôi liền quay trở lại và cố gắng vận dụng lời khuyên của cố Thủ tướng.
Cố Thủ tướng đã thảo luận về vấn đề này với Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc Chu Ân Lai, kết quả là Bắc Kinh đã loan báo rằng Tây Tạng chưa sẵn sàng cho việc cải cách, nên những nỗ lực của Trung Quốc trong phương hướng này sẽ có ý nghĩa đặc biệt để giúp Tây Tạng thực hiện điều đó. Đồng tình với những đường hướng phát triển này nên tôi đã trở về Tây Tạng vào năm 1957.
Trái ngược với những điều mình đã hứa, Trung Quốc liên tục đàn áp khu vực miền đông Tây Tạng, như họ đã từng làm đối với phong trào du kích khởi nghĩa của nhân dân Tây Tạng, dưới thời lãnh đạo của Gompo Tashi Andrugtsang.
Khi tất cả đều thất vọng trước sự tráo trở của Trung Quốc, tôi đến biên giới Ấn Độ một lần nữa vào tháng tư năm 1959 và không chắc rằng mình có thể vào địa phận đất Ấn, cho đến khi nhận được tin rằng Chính phủ Ấn Độ sẽ đón tiếp tôi. Đến cuối tháng 04/1959, tôi về thành phố Mussoorie, bang Utranchal, Ấn Độ và được cố Thủ tướng Pandit Jawaharlal Nehru đến thăm. Cố Thủ tướng đặc biệt quan tâm khi tôi chia sẻ những biến cố trong thời gian qua.
Năm 1960, cố Thủ tướng đã tâm sự cùng tôi trong một buổi đàm luận: “Chúng tôi đã học và sử dụng tiếng Anh như là một ngôn ngữ quốc tế. Các phương tiện nghiên cứu trong hệ thống trường học đều biết đến tiếng Anh như “phương ngữ” truyền thống. Đây cũng là cách thức hỗ trợ nền văn hóa và truyền thống của chúng tôi để giáo dục cho các thế hệ sau”.
Cố Thủ tướng Pandit Jawaharlal Nehru là một một vị bằng hữu tuyệt vời, để tôi thấy đây là vinh dự lớn khi hoài niệm về ông trong dịp này.
Thính chúng nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ. Photo/Tenzin Choejor/OHHDL
Ngài nêu ba vấn đề chính để mỗi người chúng ta nhận thức trách nhiệm riêng mình, cùng chăm sóc cho nhân loại. Ngài bày tỏ sự quan tâm đến người khác nhằm mang lại sức mạnh nội tâm và hài lòng sâu sắc. Trong xã hội, ai cũng cần tình bạn, nhưng tình bạn không đến từ sự giàu có và quyền lực, mà đến từ niềm thương cảm và quan tâm đến tất cả mọi người…
Chúng ta quá thiên về vật chất và hưởng thụ. Ấn Độ sẽ dẫn đầu trong việc hài hòa lợi ích vật chất và phát triển nội tâm. Không khó để chúng ta có thể thấy điều này, bởi Ấn Độ luôn tôn trọng tất cả các tôn giáo và ngay cả những người không có đức tin.
Nếu chúng ta thành công trong việc đó, chúng ta có thể sớm hiện thực một thế kỷ của hòa bình và bất bạo động.
Ấn Độ là đất nước mà các Tôn giáo lớn phát triển mạnh. Truyền thống bản địa như Ấn Độ giáo, Phật giáo và Trường phái Samkhya (Triết học Hindu) sống chung với Zoroastrianism, Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo được du nhập từ nước ngoài. Ngài khuyến khích mọi người trên khắp toàn cầu “cạnh tranh trong sự hài hòa” để cùng tồn tại.
Kể từ năm 2011, sau khi nghỉ hưu, tôi đã không ngừng cống hiến để bảo tồn văn hóa Tây Tạng, một nền văn hóa hòa bình, bất bạo động, và bảo vệ môi trường. Trung Quốc, một quốc gia có dân số lớn nhất, cần thấu đáo các giá trị văn hóa này.
Đây là ước nguyện của tôi, và tôi mong quý vị cần suy nghĩ về những mối quan tâm lớn của toàn thể nhân loại. Quý vị xem những gì là trạng thái đặc biệt của Ấn Độ. Trong thời cổ đại, đức Phật Thích Ca Mâu Ni luôn nghĩ về toàn thể nhân loại chúng sinh. Trung Quốc có dân số lớn nhất, rất cần có Tự do Dân chủ và các quy định của pháp luật, áp dụng triệt để sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nền giáo dục.
Khi được hỏi về lập trường của ông về Tây Tạng và triển vọng quan hệ với Trung Quốc, Ngài im lặng một hồi, rồi nói: “Đây là những vấn đề Chính trị”. Ngài tiếp lời, “Trung Quốc đang thay đổi, Tập Cận Bình nêu ở Pháp quốc và một lần nữa tại Delhi, ông nói Phật giáo có vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Quốc. Tây Tạng là tinh thần tiên tiến, có thể hưởng lợi từ mối quan hệ với Trung Quốc khi nằm trong nhu cầu phát triển vật chất”.
Liên quan đến vấn đề phát triển toàn cầu, Ngài tư vấn để thực hiện các bước nghiêm túc, nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Ngài khuyến khích sự phát triển các vùng nông thôn, nơi mà hầu hết người dân Ấn Độ sinh sống.
Ngài nhắc lại tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục và đề cập đến sự phát triển của một dự án thí điểm để thiết kế một chương trình giảng dạy trên nền tảng Đạo đức thế tục. Điểm cơ bản là tình người, lòng vị tha, tất cả vì sự an vui hạnh phúc của tất cả mọi người: “Sự giàu có một mình không thể vui chung cho tất cả”.
Kết thúc buổi pháp thoại, Ngài phát chiếc khăn lụa để chúc phúc cát tường đến hết thảy chính chúng và giải thích rằng: Đây là món quà có nguồn gốc từ truyền thống Ấn Độ, khăn choàng lụa được sản xuất từ Trung Hoa và những câu chúc phúc lành từ Tây Tạng, một biểu tượng của sự hòa hợp.
Thích Vân Phong