Ảnh hưởng của đạo Phật trong truyện thiếu nhi Võ Hồng
Võ Hồng (1922-2013) là một tác giả lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông còn là nhà văn có nhiều đóng góp cho nền văn học thiếu nhi nước ta. Gia tài văn chương của ông khá đa dạng, trong đó, mảng sáng tác cho thiếu nhi có một vị trí quan trọng.
VÀI NÉT VỀ NHÀ VĂN VÕ HỒNG
Võ Hồng (1922-2013) là một tác giả lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông còn là nhà văn có nhiều đóng góp cho nền văn học thiếu nhi nước ta. Gia tài văn chương của ông khá đa dạng, trong đó, mảng sáng tác cho thiếu nhi có một vị trí quan trọng.
Nhà văn Võ Hồng ngoài tên thật còn sử dụng các bút danh Ngân Sơn, Võ An Thạch. Ông quê ở làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Thời học sinh, Võ Hồng học ở trường làng, trường quận Tuy An, trường tỉnh Sông Cầu. Thời kỳ 1933-1943, ông vào học tại trường Trung học Quy Nhơn rồi ra Hà Nội tiếp tục việc học. Thời Chính phủ Trần Trọng Kim, ông làm Bí thư Tòa Tổng đốc đóng tại Đà Lạt. Thời kháng chiến chống Pháp, ông làm Hiệu trưởng trường Trung học Lương Văn Chánh tại Phú Yên. Sau 1954, ông định cư tại TP. Nha Trang, dạy học, viết văn tại đây cho đến cuối đời. Võ Hồng là người yêu mến Đạo Phật. Những ảnh hưởng rõ nét của Phật giáo đối với văn chương Võ Hồng, trong đó có truyện thiếu nhi, cho ta thấy điều này.
Võ Hồng viết văn từ khá sớm. Truyện ngắn đầu tay của ông có tên Mùa gặt đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy (Tân Dân, Hà Nội) từ năm 1937. Miệt mài với văn chương, ông để lại một sự nghiệp văn học đồ sộ, phong phú ở nhiều thể loại, với các tác phẩm tiêu biểu: Hoài cố nhân (1959), Lá vẫn xanh (1962), Vết hằn năm tháng (1965), Hoa bươm bướm (1966), Con suối mùa xuân (1966), Khoảng mát (1966), Người về đầu non (1968), Gió cuốn (1968), Bên kia đường (1968), Những giọt đắng (1969), Nhánh rong phiêu bạt (1970), Trầm mặc cây rừng (1971), Như cánh chim bay (1971), Thiên đường ở trên cao (1974), Hồn nhiên tuổi ngọc (1983), Trầm tư (1995), Thời gian mây bay (1996)… Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, Võ Hồng là “một nhà văn đôn hậu, yêu quê hương và con người” [1]. Truyện của ông “luôn đem đến tình yêu tuổi học trò, tình yêu gia đình, quê hương – bản quán và đặc biệt là những giá trị tinh thần, là kỷ niệm được chắt lọc, gìn giữ trong ký ức của mỗi người” [2]. Một trong những mạch nguồn tư tưởng, văn hóa làm nên phong cách, giá trị văn chương Võ Hồng chính là Đạo Phật. Bởi đó, đọc văn chương Võ Hồng, nhất là truyện thiếu nhi, không khó để nhận ra những dấu ấn đậm nét của văn hóa Phật giáo.
NHỮNG DẤU ẤN CỦA ĐẠO PHẬT TRONG TRUYỆN THIẾU NHI VÕ HỒNG
Cảm quan Phật giáo chi phối tác phẩm thiếu nhi của Võ Hồng trên nhiều phương diện, ở nhiều chiều hướng. Trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, tái hiện không gian, đời sống văn hóa, lựa chọn ngôn ngữ… của Võ Hồng, Đạo Phật để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Từ ngữ nhà Phật được sử dụng thường xuyên, đa dạng trong nhiều tác phẩm là dấu ấn nổi bật của Đạo Phật trong truyện thiếu nhi của Võ Hồng. Ở nhiều truyện, lớp từ ngữ này được nhà văn sử dụng linh hoạt với tần số khá cao. Chẳng hạn, ở truyện Mái chùa xưa, có các từ, ngữ: Chùa, nhà chùa, ông thầy chùa, thầy trụ trì, lễ sám hối, áo tràng, Phật, cửa Tam quan, hỷ xả, tụng kinh, siêu độ, đàn tràng, chay, thọ trai, cơm chay, công đức, quy y, đệ tử… Ở truyện Ông ngoại của bạn tôi, lớp từ ngữ nhà Phật có: Phật, cõi Niết bàn, ăn chay, sát sanh, ông Sư, đắc quả thành Phật, cúng lam chay… Ở truyện Một ngày cho mẹ, lớp từ ngữ này có: Phật tử, lễ Vu Lan, huynh trưởng… Việc sử dụng từ ngữ nhà Phật với mật độ khá dày là chủ đích của tác giả nhằm phục vụ cho ý đồ nghệ thuật của mình. Trên phương diện ngôn ngữ, điều này cho thấy rõ ảnh hưởng của Đạo Phật đối với nhà văn Võ Hồng trong nghệ thuật sử dụng từ ngữ.
Không gian nhà chùa trở thành một trong những kiểu không gian khá nổi bật và là một dấu ấn khác của Đạo Phật trong truyện thiếu nhi Võ Hồng. Ông thường nhắc đến nhiều ngôi chùa, chủ yếu ở Phú Yên (quê hương nhà văn), như: Chùa Châu Lâm hay chùa Đồng Mạ, chùa Cảnh Phước, chùa Hải Đức, chùa Đá Trắng với tên “Sắc tứ Từ Quang tự”, chùa Tổ với tên “Sắc tứ Bát Nhã tự”. Ngoài ra, còn có một số ngôi chùa ở các địa phương khác được nhắc đến như chùa Bảo Sơn. Không gian chùa trong truyện thiếu nhi Võ Hồng thường được miêu tả nổi bật với đặc điểm thanh tịnh, gần gũi, hài hòa với thiên nhiên. Chẳng hạn, đây là quang cảnh chùa Cảnh Phước: “…các lối đi được viền bằng cỏ tóc tiên. Hoa được trồng thành bồn […] hồ lớn đắp bằng xi măng trong thả bèo hay trồng sen. Vườn chùa kế tiếp theo sân. Một cây cần vọt nước cất tiếng kẽo kẹt. Nhiều cây chanh lá xanh um đứng kề thềm giếng. Khế, ổi, bụi môn bạc hà, cây bưởi, vạt bắp, vạt củ mì, và xa hơn, những cây cao có hoa màu đỏ đứng cạnh những ngôi tháp”. Chùa trong truyện Võ Hồng còn hiện lên như một kiểu không gian tràn ngập lòng yêu thương, không có chỗ cho những cái xấu bên ngoài, là nơi nhiều loài vật tìm đến kiếm ăn, trú ngụ: “Ai muốn ghé chơi cũng được, ghé vào giờ nào cũng được, cửa tam quan gần như không bao giờ đóng. Nhà chùa không phải coi chừng kẻ trộm cắp […]. Có mấy bụi chuối mốc đứng ở mái chùa là hay có trái hườm trên những buồng chuối nặng. Lũ chim chào mào tọc mạch bao giờ cũng thấy trước và lén mổ trộm” (Mái chùa xưa). Mặc dù xuất hiện khiêm tốn giữa hai kiểu không gian chủ đạo trong truyện thiếu nhi Võ Hồng là không gian thành thị và không gian nông thôn nhưng không gian chùa lại được thể hiện khá ấn tượng, gắn với những tình cảm tốt đẹp của nhà văn. Chính cảm quan Phật giáo đã chi phối nhà văn trong việc lựa chọn và xây dựng thành công loại hình không gian này.
Hình ảnh nhà Sư, chú tiểu, Phật tử xuất hiện thường xuyên cũng là một dấu ấn đậm nét của Đạo Phật trong truyện thiếu nhi Võ Hồng. Nhân vật của ông khá phong phú, gồm cả con người và loài vật. Trong đó, phổ biến hơn là các nhân vật người thầy, học sinh, cha mẹ, con cái và các con vật quen thuộc như gà, chó, chim chóc. Nhà Sư, chú tiểu, Phật tử tuy không phải là những nhân vật trung tâm, nhưng là kiểu nhân vật được tác giả xây dựng thành hình tượng đẹp, tiêu biểu cho hình ảnh con người nhà Phật. Chẳng hạn, nhân vật thầy trụ trì chùa Châu Lâm trong truyện Mái chùa xưa là một nhà Sư giản dị, đầy lòng nhân từ. Trụ trì ngôi chùa nghèo ở một miền quê hẻo lánh, Sư thầy phải tự tay làm mọi thứ. Thầy dạy đồ đệ rất nghiêm nhưng luôn bao dung, thương yêu. Thầy trụ trì chùa Cảnh Phước cũng là một vị Sư gần gũi, yêu quý trẻ con: “Thầy trụ trì vui vẻ nhìn chúng tôi, ngắt cho những trái chanh và vò đầu âu yếm” (Mái chùa xưa). Các Phật tử trong Một ngày cho mẹ là những người con hiếu thảo, ngoan hiền. Nhân vật ông Điệu trong Mái chùa xưa là một chú tiểu hiền lành, lễ độ, đáng yêu. Hầu hết các nhân vật trong truyện thiếu nhi Võ Hồng đều mang Phật tính với tấm lòng từ bi, vị tha, bác ái. Trong đó, nhà Sư, chú tiểu, Phật tử là kiểu nhân vật điển hình. Đây là một trong những chỉ dấu quan trọng về sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với truyện thiếu nhi Võ Hồng, nhìn trên phương diện nghệ thuật lựa chọn và xây dựng nhân vật.
Một dấu ấn khác của Đạo Phật trong truyện thiếu nhi Võ Hồng là những sinh hoạt văn hóa Phật giáo được tác giả thể hiện khá sinh động, chân thực trong nhiều tác phẩm. Chẳng hạn, ở truyện Một ngày cho mẹ, lễ Vu Lan với điểm nhấn là những bông hồng cài áo cùng thông điệp về đạo hiếu, ơn đức sinh thành được miêu tả thật cảm động: “Bông hồng cài áo! Mùa Vu Lan là mùa báo hiếu. Báo hiếu trước hết cho Mẹ, cho Cha rồi cho Ông bà, Tổ tiên. Ai mừng vì Mẹ còn tại thế thì xin cài một đóa hoa hồng. Ai xót xa vì Mẹ đã qua đời xin cài lên đóa hoa màu trắng”. Vai trò của nhà chùa trong đời sống văn hóa người Việt, nhất là các vùng nông thôn được thể hiện đậm nét trong truyện Mái chùa xưa: “Khi có niềm đau, nỗi buồn quá sức giải quyết của người thì về chùa tìm sự an ủi và hy vọng. Nhà có tang mời thầy tụng kinh siêu độ, nhà có người đau ốm trầm kha mời thầy tụng kinh cầu an. Mười năm một lần, Ban Trị sự ấp tổ chức đàn tràng mời thầy hành lễ, làm chay múa lục cúng suốt ba ngày ba đêm để cầu an cho dân chúng cả ấp”. Dưới góc nhìn văn hóa, có thể thấy văn hóa Phật giáo không chỉ để lại nhiều dấu ấn trực tiếp mà còn là một trong những nguồn tư tưởng của truyện thiếu nhi Võ Hồng. Giá trị nhân văn của truyện thiếu nhi Võ Hồng cũng khởi đi từ suối nguồn này.
Một phương diện khác cho thấy những ảnh hưởng sâu sắc của Đạo Phật đối với văn chương Võ Hồng là những suy nghiệm, bàn luận về tư tưởng, đạo lý nhà Phật của tác giả. Xen vào mạch kể chuyện, nhà văn thường có những đoạn suy nghiệm về Đạo Phật, có khi thông qua ngôn ngữ, dòng tâm trạng của nhân vật, cũng có khi bằng chính lời của người kể chuyện. Chẳng hạn, ở truyện Mái chùa xưa, từ câu chuyện trẻ con trộm ớt của nhà chùa, tác giả triết lý về lẽ bao dung, hỷ xả một cách sâu sắc: “Bước qua vại nước thấy có ớt chín thì lén hái một hai trái để lên giã chung với muối. Nếu thầy trụ trì hay chú Điệu bắt gặp thì cũng chỉ “Ê! Ê!” vài tiếng và người phạm lỗi rút tay ra, bẽn lẽn cười rồi đi luôn. Không ai nỡ nghĩ rằng đó là một sự ăn cắp. Không khí tịch mịch bao dung nuôi dưỡng lòng hỷ xả”. Trong truyện Ông ngoại của bạn tôi, từ hồi ức của nhân vật ông ngoại về chiếc bánh tét ở quê, nhà văn nói về vấn đề ăn chay: “Rồi bày bánh tét nhân chay, nghĩa là chỉ có đậu xanh, không thịt. Ăn chay không đã, nhưng được Phật thương. Biết đâu Ngài chẳng phù hộ, dẫn mình luôn về cõi Niết bàn, vì mình rõ ràng ăn chay, không sát sanh”. Cũng trong truyện này, từ kỷ niệm về những đoạn thơ trong cuốn Bạch Vân Tôn Các đọc từ năm 1953 tại nhà một người quen, nhân vật ông ngoại có những nhận định hóm hỉnh về vị Sư ông trong tác phẩm: “Cả ngay ông Sư vừa đắc quả thành Phật”:
“Bồ đề chuỗi hột treo dây
Áo tràng dắt đó vắng thầy sư ông
Trong chùa ứng tiếng thinh không
Ta đà thành Phật còn trông làm gì
Hương đèn trả quả lễ nghi
Của người đem cúng ta thì chứng cho
Một ông Phật bình dân hết cỡ!”.
Ở truyện Công chúa lạc loài, triết lý nhân quả được người cha diễn giải thông qua câu ngạn ngữ “tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác”. Nhìn chung, truyện thiếu nhi Võ Hồng không đậm màu sắc triết lý mà thiên về tính chất gần gũi, giản dị. Tuy nhiên, chịu ảnh hưởng từ Đạo Phật, nhà văn thường chiêm nghiệm về Đạo Phật bằng nhiều hình thức khác nhau. Có khi bằng lời trực tiếp, cũng có khi bằng những hình tượng, ẩn dụ. Nhưng tất cả đều thể hiện ở nhà văn một sự am hiểu sâu sắc cũng như tình cảm tốt đẹp đối với Đạo Phật.
Bên cạnh những phương diện trên bề nổi như sự xuất hiện của không gian chùa, kiểu nhân vật nhà Sư, chú tiểu, Phật tử, các nét văn hóa Phật giáo đặc trưng, lớp từ ngữ nhà Phật…, Đạo Phật còn ảnh hưởng đến truyện thiếu nhi Võ Hồng ở chiều sâu, ở những tầng vỉa khác nhau. Đây chính là phần chìm của tảng băng trôi. Trong truyện thiếu nhi Võ Hồng, nhiều tư tưởng, triết lý của Đạo Phật thấm nhuần, lắng sâu vào những mạch nguồn giá trị, làm nên vẻ đẹp nhân văn của tác phẩm. Các nhân vật của truyện Võ Hồng thường được khắc họa ở những phẩm chất mang Phật tính: Giàu lòng bao dung, đầy tình yêu thương, mang tinh thần hiếu sinh sâu sắc. Họ yêu thương cỏ cây muôn loài. Trong truyện Công chúa lạc loài, nhân vật “tôi” “thương những trái chuối như thương những con vật nhỏ”. Trong truyện Ngôi sao khiêm tốn, các em học trò vừa vẽ tranh loài vật “vừa cảm thấy thêm yêu thương các con vật”. Người mẹ trong truyện Người anh vắng mặt “thương con vật, nhất là con vật còn thơ dại như chính con mình”. Chính bởi lòng từ bi, hiếu sinh mà nhân vật trong truyện thiếu nhi Võ Hồng thường xuyên rơi vào trạng thái dằn vặt, đau đớn, với mặc cảm tội lỗi, sám hối khi buộc lòng phải tổn hại, tước đoạt sinh mạng của loài vật. Ở truyện Vĩnh biệt cây trứng cá, nhân vật người cha luôn bị day dứt, ám ảnh, đau xót khi phải chặt bỏ cây trứng cá trước nhà đã héo khô sau khi tìm mọi phương cách cứu chữa không thành. Trong truyện Người anh vắng mặt, người mẹ vì chạy chữa cho con mà đành lòng phải sát sanh trong nước mắt đớn đau, tội lỗi: “Thương anh ốm o, có người bày làm thịt chó cho anh ăn. Má nghe theo, vừa cạo lông con chó vừa khóc”. Làm thịt con rùa để chữa bệnh cho con, người mẹ nhân từ ấy khi “thấy trái tim rùa cứ đập đều đặn như nó vẫn còn ở trong lồng ngực, má òa ra khóc”. Trong nỗi dằn vặt, bà tìm đến Đức Phật để sám hối, nương nhờ: “Lòng thương con vật […], khiến lúc đó má nghĩ đến tội sát sanh, má nghĩ đến ông Phật. Má không nỡ lý luận theo kiểu “vật dưỡng nhân”, má lẩm bẩm “Nam mô””. Các nhân vật của Võ Hồng, đặc biệt là trẻ em, còn là những người giàu lòng yêu thương, bao dung, biết sẻ chia với nỗi bất hạnh của người khác. Hầu hết các nhân vật của ông đều là những sứ giả mang thông điệp của lòng từ bi, lòng nhân từ thấm đẫm tinh thần Đạo Phật.
Như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, một trong những giá trị quan trọng của truyện thiếu nhi mà tác giả khi sáng tác không thể không quan tâm đến là giá trị giáo dục. Truyện thiếu nhi thường gửi đi những thông điệp cuộc sống, những bài học nhân sinh bằng những hình thức đáng yêu, hài hước, gần gũi với lứa tuổi trẻ em. Truyện thiếu nhi Võ Hồng không đi ngoài đặc điểm này. Tuy nhiên, một trong những nét riêng của nhà văn quê Phú Yên là ông đã vận dụng một cách tự nhiên, linh hoạt, giản dị mà sâu sắc những bài học cuộc sống từ nhân sinh quan Phật giáo để gửi đến bạn đọc nhỏ tuổi. Bài học giáo dục của truyện Võ Hồng vì thế trở nên gần gũi, giản dị mà sâu sắc, lắng sâu. Đây là một trong những yếu tố làm nên giá trị của truyện thiếu nhi Võ Hồng.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Founder công nghệ dầu khí Lâm Thành Đức: “Thiền định giúp tôi cân bằng tâm trí”
Phật giáo và người trẻ 13:49 05/11/2024Đam mê và thiền là yếu tố giúp Founder Lâm Thành Đức chinh phục những cột mốc mới, gần nhất là chuyển nhượng thành công công nghệ của USI Technology.
Ra đi để biết nẻo về
Phật giáo và người trẻ 13:50 01/11/2024Có một cô bé vì làm quấy nên bị mẹ quở mắng, cô cãi lại mẹ rồi tức giận bỏ nhà ra đi. Cô đi lang thang từ sáng đến tối mà chẳng biết về đâu, bụng đói meo vì không có gì bỏ vào cả, trong túi của cô cũng chẳng có tiền.
“Thành tâm niệm Phật đi, sẽ có những điều mầu nhiệm”
Phật giáo và người trẻ 13:55 31/10/2024Lúc còn nhỏ, không hiểu vì lý do gì mà đột nhiên tôi có khối u ở cổ, ăn uống chẳng được, cơ thể mệt mỏi, đau nhức lắm. Lúc đầu bác sĩ ở tỉnh tưởng là viêm tuyến giáp nên cho uống thuốc kháng sinh, uống được một tuần nhưng khối u càng lúc càng to.
Nhớ lại bốn kiếp luân hồi, thấm thía sự công bằng của nhân quả
Phật giáo và người trẻ 13:00 30/10/2024Chịu những quả báo bệnh tật, tai ương, tôi không còn oán thán, than trời trách đất, mà bình thản lãnh chịu. Dù cho đau khổ có gấp nhiều lần hơn thế nữa, thì cũng là nhân quả công bằng, mình làm mình chịu.
Xem thêm