Bài thơ kính tiễn Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ về cõi Phật
“105 năm – đến giữa đời. 85 năm hạ lạp – sáng ngời chân như. Tháng 10 mây trắng tiễn đưa. Hiu hiu ngọn gió khẽ lùa mắt cay…”. Đó là những câu thơ da diết trong một bài thơ của Phật tử Lương Đình Khoa vừa viết ra khi nghe tin Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã về cõi Phật.
Thông tin căn bản về hành trạng Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ
Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã viên tịch vào lúc 3h22 ngày 21/10 tại Viên Minh cổ tự (Chùa Ráng) sau hơn 85 năm hạ lạp, hưởng thọ 105 tuổi.
Từ những dữ liệu về cuộc đời thanh bạch đã cống hiến trọn vẹn cho Phật pháp và nhân dân của Ngài, nhà thơ Phật tử Lương Đình Khoa đã viết nên bài thơ: “Viên Minh chùa tổ tìm về tái sinh” với tâm nguyện như một nén nhang thơm kính tiễn đưa Đại lão Hòa thượng về cõi Phật.
Viên Minh chùa tổ tìm về tái sinh
Hẹn thề muôn kiếp nhân gian
Rồi Người trở lại Khánh Tiên một ngày (1)
Ninh Bình bữa ấy mây bay
Trắng như câu hát đã đầy chân như
6 tuổi tìm chốn xuất gia
Đến năm 8 tuổi đã là sa di (2)
Y vàng ấm bước chân đi
Người mang tâm Phật từ bi độ đời
Chiến tranh loạn khắp muôn nơi
Vững tâm theo gót Như Lai một lòng
Sống đời thanh bạch như trăng
Thảnh thơi tu giữa hồng trần phù du
Chẳng màng cảnh lớn chùa to
Một mái chùa Ráng nắng mưa tu hành
Xắn tay cày cấy nuôi thân
Kiên trì tự học nên phần uyên thâm (3)
Người dịch: “Bát nhã dư âm”
“Kinh Bách dụ”, “Luật Tứ phần” dựng xây
“Đại Từ điển Phật học” còn đây
Pháp Hoa kinh đó viết dày đề cương
Lại thêm “Phật Tổ tam kinh”
“Phật học là tuệ học” thắm tình Như Lai (4)
Chỉ mong niệm Phật một đời
Cầu kinh lặng sống trong ngôi chùa làng (5)
Vô thường là lẽ nhân gian
Khi chưa viên tịch đã toan dặn dò:
“Mai này Phật đón tôi đi
Xin đừng tổ chức lễ nghi linh đình
Không tuyên tiểu sử dài dòng
Không vòng hoa phúng, chỉ cần giản đơn:
Niệm Phật, tụng một thời kinh
Xin cho thế giới hòa bình… Thế thôi!” (6)
105 năm – đến giữa đời
85 năm hạ lạp – sáng ngời chân như (7)
Tháng 10 mây trắng tiễn đưa
Hiu hiu ngọn gió khẽ lùa mắt cay
Nguyện cho cõi thế gian này
Chúng sinh an lạc như thầy hằng mong
Lục hòa khắp chốn già lam
Tựa thầy đã sống – làm gương giữa đời.
Nam mô cực lạc đón người
Nguyện xin lại mọc giữa trời buổi mai
Một vì sao sáng muôn loài
Vì sao chỉ lối ra ngoài u mê
Còn vương lời hẹn câu thề
Viên Minh chùa tổ tìm về… Thầy ơi!
Lễ nhập kim quan Đức Pháp chủ GHPGVN – Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ
Chú thích của tác giả:
(1), (2): Đức Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ sinh năm 1917, tại xã Khánh Tiên, (Yên Khánh, Ninh Bình). Năm 6 tuổi, Trưởng lão Hoà thượng xuất gia tại chùa Quán (xã Khánh Phú, Yên Khánh, Ninh Bình). Khi 8 tuổi, ngài thụ Sa di giới.
(3) Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay, trên đường tu học, dấu chân của Hoà thượng trải khắp các tổ đình vùng châu thổ sông Hồng. Trải qua những ngày quê hương bị giặc Pháp chiếm đóng, làng mạc điêu tàn, chùa chiền sụp đổ, Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ vẫn một lòng son sắt với cửa Phật.
Đức Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ chưa từng học qua một trường lớp chính quy nào. Tất thảy vốn kiến thức có được đều nhờ kiên trì tự học và là vị giáo phẩm nổi tiếng uyên thâm về Phật học và Hán học. Ngài từng nói: “Chùa to, cảnh lớn, giảng đường đẹp, phòng ốc sang dù sao cũng chỉ là phương tiện. Linh hồn của nó là thầy và trò trong quan hệ tu tập và hành trì”.
(4) Sự nghiệp phiên dịch kinh sách, trước tác của Đức Trưởng lão Hoà thượng nổi bật với các tác phẩm: Kinh Bách dụ, Phật Tổ tam kinh, Bát nhã dư âm, Đại từ điển Phật học, Đề cương kinh Pháp hoa, Phật học là tuệ học, biên tập, Đại tạng kinh Việt Nam, phiên dịch và hiệu đính Luật Tứ phần…
(5) Lời chia sẻ của Đại Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ: “Suốt đời tôi chỉ mong được niệm Phật, cầu kinh, không mong cầu danh lợi... Xin các vị đừng gọi tôi là Pháp chủ mà hãy cứ nhìn tôi như một lão tăng thanh bần sống trong ngôi chùa làng là tôi mãn nguyện”.
(6) Lúc sinh tiền, Đại Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã khẩu dụ: "Sau khi tôi theo hầu Phật Tổ thì không được tổ chức tang lễ linh đình, nghi lễ hết sức giản đơn, ngắn ngày theo truyền thống đạo Phật và tổ chức tại chùa Viên Minh. Đề nghị không vòng hoa phúng điếu, không tiểu sử dài dòng, không tiêu tốn thời gian và tổn hại công đức của Tăng Ni và Phật tử. Nếu quý vị tưởng nhớ tới tôi thì niệm danh hiệu Phật và tụng thời kinh tại trụ xứ của mình hồi hướng công đức cho thế giới hoà bình, nhân sinh an lạc".
(7): Đại Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ viên tịch lúc 3h22 ngày 21/10 tại Viên Minh cổ tự (Chùa Ráng) sau hơn 85 năm hạ lạp, hưởng thọ 105 tuổi.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chuyến độc hành của một nhà sư Ấn Độ
Media 13:29 19/11/2024Triển lãm "Solivagant" (Độc hành) trưng bày những tác phẩm được thực hiện bởi nhà sư, học giả Phật giáo Venerable Tenzin Priyadarshi Rinpoche trong những chuyến đi khắp thế giới.
TP.HCM: Hội thi giáo lý Phật tử cấp quận huyện năm 2024 diễn ra thành công
Media 21:23 17/11/2024Như Phatgiao.org.vn đã đưa tin, hôm nay, 17/11, gần 6.000 Phật tử các quận huyện và TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM đã dự Hội thi giáo lý năm 2024.
Khám phá chùa Khmer có tượng Phật nằm “khổng lồ” ở Sóc Trăng
Media 16:00 14/11/2024Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong hay thường gọi là chùa Som Rong với điểm nhấn tượng Phật nằm khổng lồ trở thành điểm điểm đến yêu thích của nhiều du khách khi đến thành phố Sóc Trăng.
Đức Pháp chủ cùng chư Tăng thính giới trong Lễ bố-tát tại Việt Nam Quốc Tự
Media 15:40 14/11/2024Sáng nay, 14/10-Giáp Thìn (14/11/2024), Đức Pháp chủ GHPGVN và chư vị Trưởng lão Hội đồng Chứng minh quang lâm Việt Nam Quốc Tự, cùng chư Tăng thành viên Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự GHPGVN TP.Thủ Đức, 21 quận, huyện thực hiện Bố-tát, thính giới chung.
Xem thêm