Chủ nhật, 26/02/2012, 14:15 PM

Báo cáo hoạt động Phật giáo Quốc tế nhiệm kỳ III của Hội đồng Trị sự GHPGVN

Trong niềm tin tưởng ở trí tuệ, từ bi, vô uý và tinh tấn, ở tinh thần yêu nước, đoàn kết hòa hợp của Phật giáo và nhân dân Việt Nam, Giáo hội sẽ làm hết sức để các hoạt động quốc tế của Giáo hội ngày càng mang lại những thành quả tốt hơn 

Kính thưa Đoàn Chủ toạ

Kính thưa Quý vị Đại biểu, Quý vị Khách quý

Kính thưa Đại hội,

Trong nhiệm kỳ III (1992-1997) vừa qua  hoạt động quốc tế dù còn những  khó khăn tồn đọng và những khó khăn mới, nhưng cũng đạt được kế hoạch đề ra và thu được một số thành quả khả quan. Sở dĩ được như vậy là do ngoài nỗ lực tự thân, Giáo  hội còn nương vào các thuận duyên của giai đoạn phát triển mới của đất nước trong xu thế của thời đại và những thành tựu lớn lao của đất nước, nhân dân ta.

Bản báo cáo này sẽ nêu lên bối cảnh hoạt động, kế đó miêu tả những nét  hoạt động cơ bản được sắp xếp theo ba mặt: Liên hệ quốc tế bằng văn thư, bằng các cuộc tiếp xúc trong nước và bằng các lần xuất ngoại của các thành viên đại diện Giáo hội. Bản báo cáo cũng dành một phần nhỏ để nói đến nỗ lực phổ biến văn hoá, Hòa thượng và tin tức về sinh hoạt cũng như cơ cấu tổ chức, tôn chỉ của Giáo hội vốn là những tư liệu rất cần thiết trong hoạt động quốc tế. Phần nhận định cũng được xem là phần quan trọng của báo cáo, như là những kinh nghiệm cụ thể, từ đó nêu lên phương hướng hoạt động  Phật giáo quốc tế trong nhiệm kỳ IV.

I.  BỐI CẢNH HOẠT ĐỘNG

Từ năm 1992, hiệu năng của chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta đã được triển khai mạnh mẽ. Thắng lợi về kinh tế, chính trị cũng như những thành quả về các mặt xây dựng và phát triển đất nước, trong đó có sự đóng góp tích cực của Giáo  hội Phật giáo Việt Nam, càng chứng tỏ sự đồng tâm nhất trí giữa nhân dân và Nhà nước, đồng thời cũng nêu cao uy tín của Giáo hội. Mặt khác, chính sách mở rộng ngoại giáo với các nước trên thế giới, sự đoàn kết, hợp tác với các nước trong khu vực, cụ thể là khối ASEAN mà Việt Nam là thành viên, ngày càng tốt đẹp. Tất cả những yếu tố đó là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động Phật giáo quốc tế của Giáo hội.

Mặt khác, bên cạnh những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nếp sống tiện nghi, hưởng thụ tại một số nước ngày càng cao, thì nhiều vùng còn nghèo đối vì chiến tranh, vì thiên tai. Sự ô nhiễm môi sinh, sự suy thoái đạo đức, tệ nạn phân biệt chủng tộc và tôn giáo, bạo lực và tranh chấp, những thành kiến và mọi biểu hiện Tham-Sân-Si v.v... diễn ra nhiều nơi. Tình trạng đó làm cho sự phát triển và cuộc sống của thế giới trở nên mất quân bình, thiếu ổn định. Trong lúc đó, giới Tăng, Ni, Phật tử người Việt ta ở nước ngoài chưa thực sự là một khối thống nhất, một số còn dễ lung lạc vì những âm mưu của những kẻ xấu. Tại một số nơi có đông người Việt đang sinh sống như ở Mỹ, Úc...tiếng nói của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa có ảnh hưởng sâu rộng, còn thiếu những cơ sở để thông tin, liên lạc và quy tụ số đông người Việt có lòng yêu quê hương, yêu Đạo Pháp. Thậm chí, một số Tăng, Ni, Phật tử còn chưa hiểu hoặc hiểu sai về tổ chức, đường lối cũng như những thành tựu tốt đẹp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong bối cảnh nói trên, hoạt động quốc tế của Giáo hội nhằm tăng cường thông tin, tạo sự hiểu biết đầy đủ, chính xác và mở rộng giao lưu vì giáo lý tối thượng của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và lợi ích của Tổ quốc, thể hiện tinh thần đồng đạo của những người con Phật và tinh thần yêu hòa bình, hợp tác, hữu nghị với Phật giáo và nhân dân các nước bạn, đoàn kết gắn bó giữa Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước vì lợi ích của Đất nước và của Giáo  hội.

II.    CÁC HOẠT ĐỘNG QUỐC TẾ

Các hoạt động quốc tế đã tiến hành trong  nhiệm kỳ III có thể được chia làm 4 mặt chính:

1. Trao đổi văn thư hữu nghị, hợp tác và tài liệu nghiên cứu, thông tin.

2.  Đón tiếp các đại diện  tổ chức Phật giáo hay  tổ chức thân hữu hoặc các Tăng, Ni Phật tử ở nước ngoài.

3.  Viếng thăm hữu nghị và tham dự Đại hội, hội thảo Phật giáo quốc tế.

4.  In ấn, phổ biến tài liệu, báo chí, tác phẩm Phật học ra ngước ngoài.

1. Trao đổi các thông tin, tài liệu, văn thư hữu nghị 

Liên hệ với Trung tâm Quốc tế ABCP và các Trung tâm Quốc gia ABCP như Nhật, Nga, Mông Cổ, Sri Lanka...bàn thảo, góp ý về cơ cấu tổ chức, chương trình hoạt động, thông tin Phật sự, đóng góp các tài liệu, bài viết về hòa bình, chống chiến tranh hạt nhân, giải trừ quân bị, đạo đức xã hội, đạo đức môi sinh...

-  Thư từ hữu nghị với Hội Phật Quang Sơn, Hội Phật giáo Đồng tu ở Đài Loan để trao đổi kế hoạch  đào tạo Tăng, Ni, về khả năng hợp tác  giáo dục Phật giáo .

-  Thư từ hữu nghị với Đại học Delhi Ấn Độ về việc du học các cấp Cao học, Tiến sĩ của Tăng, Ni sinh Việt Nam tại Ấn Độ (đến nay đã gần 80 vị). Các văn thư chỉ đạo về học tập, sinh hoạt được gửi đến đều đặn cho các Tăng, Ni nghiên cứu sinh Việt Nam ở Ấn Độ.

-   Văn thư hữu nghị với Phật giáo Sri Lanka, cụ thể là Trung tâm ABCP quốc gia Sri Lanka, Hội Phật tử thế giới của đức Như Lai Tối Thắng (WBSTF) và Hội Phật giáo châu Á.

-   Văn thư hữu nghị, trao đổi ý kiến, sách báo Phật học với Trung tâm ABCP Nhật Bản, với Đại học Aichi (Nagoya), với Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Văn hoá Nanjan ở Nagoya.

-  Văn thư hữu nghị, bàn thảo chương trình Hòa thượng với Đại học Mahachulalongkorn ở Băngkok, Thái Lan, Hệ phái Bắc tông gốc Việt Nam ở Thái Lan, Hệ phái Anamikaya - một Hệ phái có sinh hoạt và tổ chức khá tốt với 13 ngôi chùa đều có gốc sáng lập là các nhà sư Việt Nam.

-  Văn thư hữu nghị, trao đổi ý kiến, tài liệu thông tin Phật giáo với các Đại học Gotigen, Dussendorf ở Đức, bàn về bảo vệ môi sinh, về tổ chức sinh thái tại các chùa ở xa thành phố, về đạo đức môi sinh....

- Văn thư liên lạc, Hòa thượng với một số cơ sở Phật giáo  tại Pháp như Thiền viện Trúc Lâm - Paris, Hội Phật tử người Việt và một số Việt kiều là các nhà Trí thức, Giáo sư, Học giả, Nhà văn...

-  Văn thư hữu nghị với Hội Phật tử Thiền tông ở New York, Hoa Kỳ.

-  Đóng góp bài cho Đại hội “Tiến đến một nền Đạo đức môi sinh” do Phật giáo Campuchia tổ chức.

2. Đón tiếp các đoàn khách nước ngoài, các đại diện  tổ chức Phật giáo  thân hữu và các  Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam đang ở nước ngoài

Trong nhiệm kỳ III, số lượng những lần đón tiếp khách nước ngoài, các đại diện  tổ chức ban ngành thân hữu của Phật giáo  các nước bạn, các Tăng, Ni, Phật tử người Việt Nam ở nước ngoài đã tăng lên rất nhiều so với trước. Những cuộc viếng thăm và làm việc của các đoàn khách tại các cơ sở của Giáo hội tập trung ở các cơ sở Từ thiện (như các trường nuôi dạy trẻ, các lớp tình thương, các Tuệ Tĩnh đường), các danh lam, văn phòng Trung ương Giáo hội, Học viện Phật giáo Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, các Trung tâm Thiền học...sau đây là một số trường hợp tiêu biểu:

 - Các đoàn  Phật tử Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, Đức, Pháp cũng như nhiều  Phật tử người Việt ở những nơi này chiếm đa số trong các cuộc viếng thăm. Trong đó, phần lớn là các du khách, phần còn lại là những người nước ngoài hoặc Việt kiều quan tâm tới Đất nước, Giáo hội ta. Nhiều vị là sư Trụ trì hay chức sắc của  tổ

chức, đoàn thể Phật giáo bạn đã đến thăm các cơ sở của Giáo  hội, nhất là các vị sư Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản.

- Đoàn Phật tử Hội Phật giáo Đồng tu Đài Bắc thường đến thăm các cơ sở của Giáo  hội và đặc biệt thăm các Học viện Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam khá đều đặn, mỗi năm hai hoặc ba lần. Đoàn còn đóng góp vào việc xây dựng cơ sở của các Học viện Phật giáo Việt Nam, một số Trường Cơ bản Phật học và một số Tự, Viện. Sự đóng góp này trong tình hình tài chính của Giáo hội còn hạn hẹp là một biểu hiện cụ thể của tình hữu nghị Phật giáo quốc tế.

- Đại diện các trường Đại học Gotigen, Dussendorf ở Đức thường viếng thăm Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam bàn hợp tác nghiên cứu về đạo đức, môi sinh, về các đặc điểm văn hoá dân tộc và văn hoá Phật giáo .

- Đại diện tổ chức Heinrich Boll Foundation Đức quốc, cơ quan Di trú của Bỉ, Viện Nghiên cứu Tôn giáo và văn hoá Nhật Bản, Hội đồng khoa học Nhật Bản... cũng đã đến làm việc với Ban Phật giáo quốc tế và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, thảo luận về văn hoá Phật giáo, văn hoá lịch sử Việt Nam, vấn đề nghiên cứu Phật học, vấn đề Phật tử Việt Nam ở nước ngoài. Tổ chức Heinrich Boll Foundation trong 2 năm qua vẫn viếng thăm đều đặn Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và tài trợ cho chi phí in ấn và nghiên cứu của Viện.

- Đoàn đi bộ Quốc tế vì hòa bình, chống chiến tranh đã nhiều lần đến và làm việc với Giáo hội để tiếp nhận ý kiến đóng góp về việc tổ chức sinh hoạt của Đoàn trong thời gian Đoàn từ Campuchia đến Việt Nam, và đã ở lại Việt Nam trước khi sang Nhật.

- Mới đây, phái đoàn Cục Tôn giáo Quốc vụ viện Trung Quốc, nhân dịp sang nghiên cứu ở Việt Nam, đã viếng thăm hữu nghị Văn phòng Trung ương Giáo hội và một số cơ sở Phật giáo tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một cơ duyên thuận lợi để thắt chặt mối liên hệ thân hữu giữa Phật giáo hai nước.

Qua các cuộc tiếp xúc, một số nhân vật có tầm mức quốc tế đã trở thành những người bạn của Phật giáo  Việt Nam như các Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê, Phan Văn Tâm, Thái Kim Lan, Bác sĩ Đặng Đình Hỷ...Giáo sư Despande của Viện Khảo cổ Ấn Độ, Giáo sư Brian Hersler, Giáo sư Jamme Heisige người Mỹ, Hòa thượng Nakano, Hòa thượng Yamada người Nhật, Hòa thượng Wilpulasara người Tích Lan, Tiến sĩ Hema Goonatilake người Tích Lan, Tiến sĩ Loeshmann người Đức v.v... Hy vọng Phật giáo Việt Nam sẽ thu hút cảm tình và sự ủng hộ nhiều hơn nữa của các học giả, văn sĩ, giáo sư và nhiều danh gia trong lĩnh vực hoạt động quốc tế. 

2.   Các cuộc viếng thăm hữu nghị và tham dự hội thảo, Đại hội của các phái đoàn Phật giáo Việt Nam tại nước ngoài

Một số thành viên của Giáo hội hay do Giáo hội trong nước đề cử hoặc do các cơ sở, tổ chức, hội đoàn Phật giáo ở nước ngoài mời, đã thực hiện những cuộc viếng thăm hữu nghị, tham dự hội thảo, Đại hội và nhân các dịp này đã trình bày về tình hình tốt đẹp của đất nước và của Phật giáo Việt Nam, nêu rõ mục tiêu, tôn chỉ, những hoạt động của Giáo  hội. Qua những cuộc gặp gỡ với Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, các đại diện của Giáo hội đã gây niềm tin tưởng cho các vị, đã khích lệ nỗ lực đoàn kết tương thân giữa giới Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước vì lợi ích của đất nước, của Giáo hội. Sau đây là một số hoạt động tiêu biểu:

Tham dự Đại hội hàng năm của tổ chức Phật giáo châu Á vì Hòa bình ABCP tại Mông Cổ, Nhật... Qua đó Phật giáo Việt Nam đã đóng góp ý kiến về  tổ chức, sinh hoạt, minh định lập trường hòa bình, vì hạnh phúc của loài người, chống chiến tranh, bạo lực...của Giáo  hội.

- Giáo hội đã hợp tác tổ chức Đại hội ABCP về hòa bình, giải trừ quân bị tại Hà Nội 1993.

- Tham dự Đại hội của Hội Phật Quang Sơn tại Canada, Pháp (1994, 1995, 1996).

- Tham dự các Hội thảo về đạo đức, Phật học, Giáo dục được tổ chức hàng năm tại Thiền viện Trúc Lâm, Paris.

- Viếng thăm và làm việc với Hội Phật giáo Đồng tu, Hội Phật Quang Sơn Đài Bắc, Đài Loan (1995).

- Viếng thăm và trao đổi ý kiến về hợp tác nghiên cứu văn hoá và học thuật Phật giáo với Phật giáo Thái Lan (Viện Đại học Mahachulalongkom) với Hệ phái Bắc tông gốc Việt Nam tại Thái Lan Anamikaya (1996 và 1997).

- Thuyết trình về Giáo  hội Phật giáo Việt Nam, vai trò của người Tu sĩ, giáo dục Tăng, Ni tại Việt Nam, tại Nhà Việt Nam (Maison du Vietnam), Paris (1996).

- Viếng thăm Tăng  Ni nghiên cứu sinh Việt Nam tại Ấn Độ (1995).

- Viếng thăm và làm việc, trao đổi  tài liệu Phật học với Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Văn hoá Nanzan, Nagoya, Nhật Bản, đồng thời viếng thăm một số trường Đại học Nhật Bản tại Nagoya, Kyoto, Tokyo... (1996)

- Dự Đại hội “Hòa bình Thế giới thông qua Phật giáo ” được Hội Phật tử Thế giới của đức Như Lai Tối Thắng” (WBSTF)  tổ chức (1997).

- Tham dự Hội thảo “Tiến lên một nền Đạo đức môi sinh” do Phật giáo  Campuchia tổ chức tại Phnôm pênh (tháng 11/1997).

Nhìn chung, những cuộc viếng thăm hữu nghị, tham dự hội thảo, Đại hội ở nước ngoài của Giáo  hội tuy không nhiều do bởi ngân sách hạn chế, Giáo  hội cũng đạt được mục đích đề ra như đã nói ở trên. Những cuộc viếng thăm, làm việc tại nước ngoài của Giáo hội phần lớn là do các tổ chức, cơ quan của bạn tài trợ. Nếu chúng ta có đủ tài chính để chủ động lập chủ trình hoạt động, chủ động thực hiện kế hoạch thì chất lượng thành quả hẳn còn cao hơn nhiều.

4. Việc phổ biến sách vở, báo chí, tài liệu Phật học, tài liệu về Giáo  hội tại nước ngoài

 Để phục vụ cho việc thông tin, kết hợp với việc phổ biến văn hoá Phật giáo , tạo sự hiểu biết đúng đắn về vai trò, thành quả của Giáo hội, Ban Phật giáo quốc tế, với sự đóng góp của Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội cũng như các Ban Ngành có liên hệ, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, đã tăng cường, mở rộng hoạt động của mình bằng cách gửi tặng các tài liệu sách báo Phật giáo trong nước đến các đoàn khách đến Việt Nam cũng như các tổ chức, cơ sở Phật giáo bạn hoặc chư Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam ở nước ngoài.

Số lượng này gồm Đại Tạng Kinh Việt Nam, đến nây đã được 27 tập. Báo Giác Ngộ, Tập Văn của Ban Văn hoá, các tập Kỷ yếu, các kinh Phật giáo và các tài liệu khác được in ấn trong nước.

Về sách ngoại ngữ, Giáo  hội cũng đã phổ biến các tác phẩm “Vietnam Buddhist Sangha and ist Actities for Peace”, “Some teachings ò Lord Buddha on Peace, Harmony and Human Dig Nity” của  Hòa thượng Thích Minh Châu và “The Literature ò the personalists ò Early Buddhism”, “Êetre Buddhiste” của  Hòa thượng Thích Thiện Châu, các bài diễn văn, tham luận của một số thành viên của Giáo hội đóng góp trong các đại hội, hội thảo quốc tế...

Một số sách tiếng Việt có kèm tiếng nước ngoài cũng đã được phổ biến như “Việt Nam danh lam cổ tự”, bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa ngữ, “Những ngôi chùa nổi tiếng ở Việt Nam” của Võ Văn Tường. “Danh lam nước Việt” của Võ Văn Tường và Huỳnh Như Phương, “Pháp Hiền, nhà chiêm bái” của  Hòa thượng Thích Minh Châu, “Kinh Pháp Cú” (Việt Hán) bản dịch của  Hòa thượng Thích Thiện Siêu.

Thiền viện Trúc Lâm Paris là nơi phát hành báo từ Việt Nam gửi sang, đã hoạt động rất tốt, quy tụ được số lượng khá lớn các độc giả người Việt, người Pháp, cũng như nhiều đồng bào Phật tử và các thân hữu người nước ngoài ở châu Âu. Số tác phẩm, sách báo và tài liệu kể trên cũng được gửi sang Mỹ, Đức, Nhật, Đài Loan, Sri Lanka, Úc nhưng số lượng chưa nhiều.

III. Một số nhận định về công tác Phật giáo quốc tế

Sau đây là một số nhận định xem như là rút tỉa được về hoạt động Phật giáo quốc tế trong nhiệm kỳ qua, từ đó Giáo  hội lập phương hướng cho nhiệm kỳ tới. Nhận định này tập trung nêu ra những khó khăn tồn tại trong quá trình hoạt động, trong đó nổi bật về cơ bản là sự yếu kém về tổ chức, hành chính, nhân sự và cơ sở vật chất, tài chính.

-  Các hoạt động Phật giáo có tính quốc tế ở địa phương chưa được báo cáo rõ để các Ban Trị sự tỉnh, Thành hội Phật giáo biết: ví dụ một số cuộc viếng thăm, hoạt động Phật sự ở nước ngoài, một số chương trình Hòa thượng, hoặc nguồn tài trợ từ bên ngoài v.v... Các Ban, Ngành cũng ít khi báo cáo đến Trung ương Giáo hội về các hoạt động quốc tế.

-  Các cơ sở và Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương chưa có quỹ riêng để đón tiếp các đoàn khách từ nước ngoài đến thăm. Số lượng sách báo, tài liệu, số kỷ vật của từng cơ sở còn quá ít, hoặc không có để tặng khách. Đó là chưa nói đến tiền đài thọ cho các thành viên công tác Phật sự ở nước ngoài vì các mục tiêu cần thiết của Giáo  hội.

-  Nhân sự trong Ban Phật giáo Quốc tế tuy được thiết lập đẩy đủ, nhưng có nhiều vị do có hoàn cảnh riêng nên rất ít hoạt động hoặc hầu như không tham gia hoạt động. Giáo  hội cũng chưa có các nhóm chuyên môn để nghiên cứu tình hình Phật giáo trong và ngoài nước. Sự hiểu biết các tổ chức Phật giáo bạn còn hời hợt. Các vấn đề thời sự có liên quan đến Phật giáo cũng chưa có người nghiên cứu đầy đủ, như vấn đề đạo đức môi sinh, xã hội, giáo dục, văn hoá  v.v... để Giáo hội có thể tham khảo, lập kế hoạch trong sinh hoạt quốc tế. Số thành viên có kiến thức về Giáo hội, về tổ chức sinh hoạt, về các vấn đề thời sự và có khả năng sinh ngữ trong giáo tiếp với đoàn bạn còn quá ít, khiến chất lượng hoạt động quốc tế của Giáo  hội có phần hạn chế.

-  Số sách báo, trong đó quan trọng là  Đại Tạng Kinh Việt Nam, đã được xuất bản ngày càng nhiều, số lượng và chất lượng rất khả quan so với trước đây, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu học tập, nghiên cứu của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam ở nước ngoài. Một bộ phận thông tin,  Văn hoá, văn nghệ khác là băng từ ghi các bài thuyết pháp, kinh tụng, nhạc Phật giáo, băng video giới thiệu Phật giáo Việt Nam, ca kịch Phật giáo v.v... vốn được thực hiện không nhiều, lại khó lưu hành trong nước vì những lý do khách quan ngoài ý muốn, và vì vậy việc gửi ra nước ngoài lại càng khó khăn hơn nữa. Về phía các cơ quan chức năng Nhà nước cũng chưa có sự phối hợp chặt chẽ với Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội nên việc cấp giấy phép lưu hành các thể loại trên chưa thuận tiện, kịp thời.

-  Về địa bàn hoạt động quốc tế của Giáo hội, sự phấn bố chưa đều, chủ yếu mới chỉ ở một số nơi như Pháp, Nhật, Mông Cổ, Đài Loan, Thái Lan, Sri Lanka, Ấn Độ, trong đó, tầm mức hoạt động cũng chưa đủ mạnh. Như đã nói, tại Hoa Kỳ, Úc là nơi có Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam khá đông. Giáo hội chưa có trụ sở liên lạc, chưa có kế hoạch cụ thể để hoạt động cụ thể tại đấy. Đặc biệt Phật giáo Trung Quốc và Phật giáo Việt Nam vốn có liên hệ lâu đời, Trung Quốc có nhiều di tích, tài liệu Phật giáo quan trọng, Giáo hội đang nghiên cứu để có kế hoạch thực hiện các hợp tác hữu nghị.

-  Thủ tục xin xuất cảnh để viếng thăm hữu nghị, tham quan, dự Đại hội...tại nước ngoài đối với Tăng, Ni của Giáo  hội còn rườm rà, phải mất nhiều thời gian, nên dễ bị trễ thời gian cụ thể.

Những khó khăn hoặc thiếu sót nói trên là những trở ngại cơ bản kéo dài trong hơn 15 năm qua, tức suốt ba nhiệm kỳ, tuy mức độ có giảm theo với một số nỗ lực tạm thời. Thành quả về hoạt động quốc tế trong năm qua đã chứng tỏ về lĩnh vực này, Giáo  hội có những bước tiến mới, nhưng nhìn một cách khách quan, muốn khắc phục những khó khán này cần phải mất nhiều năm nữa và cần có những thuận duyên mới. Để được như vậy, Giáo hội cần vận động để tăng cường sự ủng hộ từ Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước. Riêng về các Tăng, Ni, Phật tử ở ngoài nước, sự ủng hộ chỉ gia tăng khi công tác Phật giáo quốc tế có sự gia tăng về những thành tựu. Như thế, sự ủng hộ từ bên ngoài và những thành tựu trong hoạt động vẫn là hai yếu tố luôn luôn gắn bó với nhau, cho nên khó đòi hỏi sự ủng hộ để được thành quả tốt nếu như không tạo được những thành quả tốt. Ngoài ra cần có một kế hoạch cụ thể từng năm trong một phương hướng hoạt động khả thi cho suốt cả nhiệm kỳ sắp tới để đảm bảo thành quả hoạt động quốc tế của Giáo  hội.

IV. PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG CỦA NHIỆM KỲ IV

1. Củng cố và ổn định Ban Phật giáo quốc tế về nhân sự và phương thức sinh hoạt, có biện pháp để theo dõi các hoạt động quốc tế Phật giáo của địa phương và của các Ban, Ngành, Viện.

2. Các Ban, Ngành, Viện. Trung ương, đặc biệt là Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, các Học viện Phật giáo Việt Nam cần tìm hiểu và giới thiệu các nhà chuyên môn để nghiên cứu tình hình Phật giáo các nước, các vấn đề thời sự, các khảo luận Phật học nổi tiếng v.v...

3. Tìm các nguồn gây quỹ sinh hoạt Phật giáo quốc tế để tài trợ cho các công trình nghiên cứu liên hệ đến Phật giáo quốc tế, các chi phí tiếp đón khách hoặc xuất ngoại vì công tác Phật sự.

4. Củng cố và phát triển liên hệ hợp tác hữu nghị với các tổ chức, cơ sở, hoạt động Phật giáo các nước bạn. Tăng cường giáo thiệp bằng văn thư, trao đổi tài liệu nghiên cứu, tăng cường việc tham gia các Đại hội, hội thảo quốc tế...

5. Từng bước tìm được các cơ sở hoặc đóng góp xây dựng các cơ sở Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện và khích lệ các Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam hội tụ để tu học, phát huy tinh thần yêu nước, yêu đạo của chư vị, khuyến khích chư vị về thăm quê nhà, thăm các cơ sở của Giáo hội. Đặc biệt chú trọng việc tăng cường mối liên hệ với các Tăng, Ni, Phật tử người Việt Nam tại Pháp, Hoa Kỳ và Úc.

6. Liên hệ với Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo của các Tỉnh, Thành và với cơ quan chức trách để nhờ giúp đỡ, tạo điều kiện tốt cho việc phổ biến các tác phẩm Phật giáo từ trong nước ra nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên của Giáo hội được xuất cảnh vì công tác Phật sự cũng như Tăng, Ni, Phật tử người Việt Nam ở nước ngoài được dễ dàng thăm các cơ sở Phật giáo hay dự đại hội, hội thảo do Giáo  hội tổ chức.

V. KẾT LUẬN

Qua chính sách đổi mới, mở cửa của Đảng và Nhà nước ta, đất nước ta đã và đang thu được những thành quả tốt đẹp. Việc mở rộng bang giao quốc tế, hợp tác hữu nghị phải có tính chất đồng bộ trong từng tổ chức và phải có kế hoạch, hệ thống. Công tác Phật giáo quốc tế cũng phải mang tính chất đó. Chúng ta dứt khoát không chấp nhận mọi phóng tứ, riêng tư, tuỳ tiện trong mọi liên hệ có tính quốc tế, không để bị lợi dụng danh nghĩa, kiên quyết không để bất kỳ mưu đồ xấu nào có thể len lỏi vào sinh hoạt của Giáo hội ở trong và ngoài nước.

Trong niềm tin tưởng ở trí tuệ, từ bi, vô uý và tinh tấn, ở tinh thần yêu nước, đoàn kết hòa hợp của Phật giáo và nhân dân Việt Nam, Giáo hội sẽ làm hết sức để các hoạt động quốc tế của Giáo hội ngày càng mang lại những thành quả tốt hơn như ba nhiệm kỳ vừa qua đã chứng tỏ.

Xin cảm ơn Đại hội.


Trích theo tài liệu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012) - Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng - Nhà xuất bản Tôn giáo 2012.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

  • Tags:
Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Thông báo: Chấp thuận Hiến chương sửa đổi và nhân sự mới của Trung ương GHPGVN

Kỳ IV 15:37 14/03/2012

Thủ tướng Chính phủ chấp nhận Hiến chương sửa đổi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhân sự Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Đại hội suy tôn, suy cử và đề nghị của Giáo hội

Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Kỳ IV 15:31 14/03/2012

Hiến chương này gồm có 11 chương và 48 điều được Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam cả nước soạn, duyệt, nhất trí thông qua và biểu quyết năm 1981

Thư của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV gửi Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước

Kỳ IV 14:46 13/03/2012

Giáo hội kêu gọi Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước, báo đáp Phật ân, đồng tâm hiệp lực xây dựng Giáo hội, quyết chí ủng hộ các công tác của Hội đồng Phiên dịch và Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam

Thư của Đại hội gửi Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Kỳ IV 14:43 13/03/2012

Đại hội đã thành công tốt đẹp về mặt tổ chức và nội dung. Thành tựu này một lần nữa, chứng tỏ Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức Phật giáo ở trong lòng Đất nước và dân tộc, được Nhà nước và quần chúng nhân dân ủng hộ

Xem thêm