Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 06/07/2014, 15:03 PM

Báo đáp ơn cha, nghĩa mẹ

Người con Phật hiếu đạo luôn phụng dưỡng và kính thuận cha mẹ trong hiện đời nhưng cũng không quên tạo dựng hành trang an lành cho cha mẹ khi giả từ cuộc thế, để tái sinh vào cõi lành. Hành trang đó chính là tín, giới, thí và tuệ.

Một thời, Thế Tôn ở Sàvatthi, tại vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: 

1. Này các Tỷ-kheo, ta sẽ giảng cho các Thầy về địa vị bậc không phải Chân nhân và địa vị bậc Chân nhân. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng. 

Thưa vâng, bạch Thế Tôn. 

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 

Này các Tỷ-kheo, thế nào là địa vị bậc không phải Chân nhân? Người không phải Chân nhân, này các Tỷ-kheo, không biết ơn, không nhớ ơn. Ðối với những người độc ác, đây là đặc tánh của họ được biết đến, này các Tỷ-kheo, tức là không biết ơn, không nhớ ơn. Ðây hoàn toàn là địa vị kẻ không Chân nhân, này các Tỷ-kheo, tức là không biết ơn, không nhớ ơn. Còn bậc Chân nhân, này các Tỷ-kheo, là biết ơn, là nhớ ơn. Ðối với những thiện nhân, đây là đặc tánh của họ được biết đến, này các Tỷ-kheo, tức là biết ơn, nhớ ơn. Ðây hoàn toàn là địa vị bậc Chân nhân, này các Tỷ-kheo, tức là biết ơn, nhớ ơn. 

2. Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỷ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này. Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha. 

(Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Tâm thăng bằng, phần Đất) 
 
SUY NGHIỆM: 

Sống ở đời, biết ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ để hiếu kính đã là điều khó. Nhưng để trở thành người con có hiếu đúng nghĩa, tâm hiếu và hạnh hiếu vẹn toàn lại càng khó khăn hơn. Trong nhiều kinh điển, Thế Tôn thường nói đến công ơn cha mẹ bao la như trời biển, dù chúng ta có hiếu thảo đến mấy vẫn khó có thể đáp đền. Tuy vậy, pháp thoại này Thế Tôn đã chỉ bày một phương thức báo hiếu khác với lệ thường, đó là hướng dẫn cha mẹ tu học, chuyển hóa ba ác nghiệp, mà theo Ngài là “trả ơn đủ cho mẹ và cha”. 

Trước hết, Thế Tôn xác quyết rằng, biết ơn và nhớ ơn là đặc tính của bậc chân nhân, của bậc thiện nhân. Khi một người không có hay đã đánh mất đặc tính biết ơn và nhớ ơn thì chắc chắn đó là người độc ác, là kẻ bất nhân, bất chính. 

Thế nhưng, dù là bậc chân nhân, là người hiền thiện biết hiếu thảo đến mấy đi nữa vẫn chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho mẹ và cha. Ngay cả những bậc giàu sang, uy quyền tột bậc trên thế gian, một lòng cung phụng song thân thì vẫn không đủ, vì ân đức cha mẹ sinh dưỡng, tác thành cho con cái nên người quá lớn, đến độ không thể nghĩ bàn. 

Theo Thế Tôn, hiếu dưỡng trong ý nghĩa thông thường thì dù chu toàn, tận hiếu cũng vẫn chưa đủ. Nên song hành với phụng dưỡng vật chất, kính thuận, người con Phật chí hiếu phải biết khuyến hóa cha mẹ tin tưởng Tam bảo sâu sắc, an trú vào thiện giới, biết bố thí cúng dường, luôn sống với sự soi sáng của tuệ giác. Làm được như thế tức là đã làm đủ, trả ơn đủ cho mẹ và cha. 

Rõ ràng, Thế Tôn rất chú trọng đến sự chuyển hóa nghiệp lực cho cha mẹ để mong đời sau cha mẹ tái sanh vào cảnh giới tốt đẹp hơn. Vì đời sống hiện tại vốn hữu hạn và vô thường. Sau đời sống này còn vô số kiếp sống khác nữa. Nếu thương cha mẹ mà thiếu trí tuệ, có thể tạo thêm nghiệp cho cha mẹ mà không tích lũy được phước báo nào cả thì chưa thể gọi đó là thương, là hiếu đúng nghĩa và trọn vẹn nhất. 

Vì thế, người con Phật hiếu đạo luôn phụng dưỡng và kính thuận cha mẹ trong hiện đời nhưng cũng không quên tạo dựng hành trang an lành cho cha mẹ khi giả từ cuộc thế, để tái sinh vào cõi lành. Hành trang đó chính là tín, giới, thí và tuệ. Điều này có nghĩa là đời này và đời sau cha mẹ đều hạnh phúc. Vì thế mà Thế Tôn khẳng định là đã làm đủ và trả ơn đủ cho mẹ và cha.

Thích Quảng Tánh
Chú thích: Bài đã được đăng trên một số trang cá nhân trên mạng Internet, đăng trên phatgiao.org.vn với sự cho phép của tác giả
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Đang ăn chơi hưởng thụ thì đủ duyên gặp Phật liền giác ngộ

Lời Phật dạy 11:48 26/04/2024

Đến với đạo sớm hay muộn là nhân duyên, đi trước chưa chắc là sẽ đến trước và đi sau cũng chưa hẳn sẽ về sau.

Nếu có 5 đức này, người tu ở đâu cũng lợi ích

Lời Phật dạy 19:30 23/04/2024

Một thời, Thế Tôn trú ở Kimbilà, tại Veluvana, dạy các Tỷ kheo: Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo trú tại chỗ giúp đỡ rất nhiều cho trú xứ ấy. Thế nào là năm?

Hóa ra, ta thật ít thương yêu

Lời Phật dạy 15:30 23/04/2024

Ngày nay khi xung đột, bạo động và nguy cơ chiến tranh hủy diệt trên thế giới ngày càng cao làm cho nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới càng quan tâm hơn về giáo lý từ bi của đạo Phật.

Pháp sư là vị nói Pháp khiến sinh ly dục và tịch tĩnh

Lời Phật dạy 13:30 22/04/2024

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo kia, đến chỗ Phật, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật rằng: Như Thế Tôn nói pháp sư. Vậy thế nào gọi là pháp sư?

Xem thêm