Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 15/08/2019, 12:38 PM

Báo Đuốc Tuệ đã 'tuyên chiến' với hủ tục đốt vàng mã như thế nào?

Với 12 bài viết về việc bỏ tục đốt vàng mã trên tổng số 258 số Đuốc Tuệ ra từ 10 tháng 12 năm 1935 đến 15 tháng 8 năm 1945 đủ thấy Hội Phật giáo Bắc Kỳ rất quan tâm đến vấn đề này.

>>Những giáo lý Phật giáo nên đọc

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bài liên quan

Khởi đầu là bài của Thượng tọa Trí Hải viết khi còn đang du học ở Trung Quốc, đăng trên báo Đuốc Tuệ số 75 và 76 ngày 15-12-1937 và 01- 01-1938, trong có đoạn: “Chính trong kinh Phật chỉ thấy chỗ nào cũng nói cấm đốt vàng mã. Như trong kinh Dược Sư là bộ kinh rất nhiều người tụng, có nói: … Đốt tiền và các thứ vàng mã cũng là giết chóc chúng sinh để tế bái quỷ thần, chỉ những thêm tội nghiệp và chóng chết mà thôi chứ không ích lợi chi cả. Trong các Kinh, Luật, Luận còn nhiều chỗ nói cấm sự đó lắm”. 

Ngài vạch rõ thủ phạm của nạn đốt vàng mã là mấy tên làm đồ giấy lập kế để thu lợi riêng và bọn bá đạo mê tín quỷ thần lợi dụng lòng mê tín của người đời mà bịa đặt ra sách này, kinh nọ viết những sự nhảm nhí nào trả nợ Táo Quân, nào ký kho âm phủ … khiến những người kém hiểu biết nhắm mắt làm theo, lâu ngày thành tập quán.

Cho nên trong Luật Sa di, các cụ tổ đã phải cấm đọc mấy bộ kinh ấy, chúng đều là ma nói chứ không phải lời Phật. Do đang học ở Trung Quốc nên ngài Trí Hải đã tìm hiểu và được biết sự đốt vàng mã là ở Trung Quốc mà ra chứ không có dính dáng gì với đạo Phật cả; dân ta bắt chước người Trung Quốc nên mới có tệ ấy. Cuối cùng, ngài khuyên: chúng ta nên đem số tiền đốt vàng mã góp lại, giao cho Hội Phật giáo dùng làm việc từ thiện. Thật là một lời khuyên chí tình, chí lý!

Nói đến nguyên nhân sự đốt mã:

1. Chính thủ phạm là mấy tên làm đồ giấy lập kế làm cho hàng của chúng tiêu thụ, để thu lợi riêng, chứ không hề nghĩ đến sự tai hại cho công chúng đời đời, truyện này trong bản báo đã tường thuật chắc các độc giả còn nhớ.

2. Bọn bá đạo phần thì quá ư mê tín quỉ thần, phần thì lợi dụng lòng mê tín của bọn ngu phu, ngu phụ bịa đặt ra kinh nọ kinh kia, sách này sách khác, nói những sự nhảm nhí nào giả nợ Táo Quân, nào ký kho âm phủ, các người kém tri thức nào có suy nghĩ gì cứ nhắm mắt theo càn, lâu ngày tập dở thành hay, không mấy đã thành tập quán, nên trong luật Sa Di các cụ tổ phải cấm mấy bộ kinh không được đọc, do các kinh đó đều là ma nói chứ không phải lời Phật.

3. Sau nữa chết về các nhà viết tiểu thuyết phụ họa chức thuyết thêm mãi ra, lại càng dễ dắt người vào chỗ mê muội nữa, đó là nói ở Trung Quốc, còn như ở nước Ta chẳng qua cũng chỉ là thấy người ta làm sao thì bào hao làm vậy, chứ có kịp suy nghĩ gì đâu, nên đã có nhiều người nói: “An Nam chỉ được cái tài bắt chước”chứ đúng như lời Phật dạy thì cần nhất là nghe thấy cho hiểu thấu, rồi suy xét cho kỹ càng mọi lẽ phải điều hay, mà làm theo thì mới tránh khỏi những sự sai lầm, mà hưởng phàn lợi ích, chớ có dạy người ta thấy đâu âu đấy, gặp sao hay vậy đâu?

Bài liên quan

Trong sách còn nói: “Nếu trong ba tạng và mười hai phần (bộ) kinh hay một vị Phật nào hiện thân, hoặc tái sinh nào nói có một câu gì mà không hợp lý ta cũng không nên theo”. Vì thế mà trong đạo Phật chú trọng nhất môn Thiền định vì có Thiền định mới phát ra trí tuệ, có trí tuệ mới biết suốt được hoàn toàn mọi lẽ, mới phân biệt được đường tà nẻo chính, nên tin Phật thật là chính tín chớ không phải là mê tín, nay còn nhiều người hiểu lầm sự đốt mã là ở trong đạo Phật bèn cho đạo Phật là mê tín, nhân đó mà đem lòng bỉ báng đạo Phật, lại khuyên người bỉ báng, thật là mình lầm lại làm nhầm cả người, thành ra anh xẩm dắt người mù tự khoe là mình tỉnh, chế mặt trời không có ánh sáng, cười người lành không biết lối đi, chứ đạo Phật từ xưa tới nay khắp thế giới, người nào không biết thì thôi, còn người nào đã hiểu thấu được chút nghĩa lý tinh vi của đạo Phật, cũng đều phải khâm phục là một đạo rất chân chính cao siêu, không đạo nào sánh kịp, chứ chẳng qua sự đốt mã đó là một sự người đời hiểu nhầm đó mà thôi, chứ có can gì đến đạo Phật. Nay muốn biết rõ sự đốt mã nên dung hay không nên dung cứ theo như Phật dậy là “cần phải suy xét” rồi tự hỏi ngay mình có thể rõ được, không cần phải hỏi ai cả. Vậy tôi xin lập những câu hỏi sau đây để các độc giả thử nghĩ xem có phải không? Và các nhà đốt mã nghĩ xem thế nào là phải.

Mẫn Trai trên Đuốc Tuệ số 93 ra ngày 15 tháng 9 năm 1938 kể về một việc cải cách lớn ở Chi hội Phật giáo tỉnh Hải Dương do Tuần phủ hưu trí Trần Văn Đại – Chánh Đại lý chi hội tiến hành là bỏ vàng mã ngày rằm tháng bảy năm 1938. Buổi lễ diễn ra theo trình tự: 7 giờ làm lễ phóng sinh, phóng đăng; 9 giờ lên đàn Mông Sơn; 11 giờ cấp điệp; 12 giờ bắt đầu bố thí. Trước đây thì đàn Mông Sơn này nào mã nào vàng, tiền giấy, quần áo giấy, các quả trái lặt vặt… cúng lục đạo chúng sinh, xong, phát cho kẻ khó, gọi là bố thí chúng sinh dẫn đến cãi cọ tranh dành nhau, không những các thứ ấy không thể nào no cho kẻ nghèo đói được mà trông thấy lại thương tâm thêm. Năm nay, ông Chánh Đại lý bỏ hết vàng mã và cho nắm chừng ba bốn trăm nắm cơm, mỗi nắm to bằng quả bưởi nhỏ, trông rất sạch sẽ ngon lành đựng đầy trong 5 thúng cái to, xếp lên một cái bàn lớn để ở cổng chùa. Cắt một người đứng dẫn thí, cứ mỗi lượt 5 người, đưa tay cho từng người một, mỗi người một nắm cơm, lĩnh xong ra hẳn mà về. không cần phải có lính canh mà không có một tiếng ồn ào cãi cọ nhau nào. Ai ai cũng tỏ ý vui mừng về việc cải cách này, tỏ rõ Phật giáo giúp ích cho xã hội, tác giả mong muốn đâu đâu các giáo hữu cũng giác ngộ mà đem thực hành việc cải cách về tình thần ấy – là việc bỏ vàng mã thì tiền đồ Phật giáo nước nhà không biết đâu mà lường được vậy.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phạm Văn Phụng trong bài diễn giảng hôm Rằm tháng 9 năm Đinh Sửu (1937) tại chùa Vẻn, Hải Phòng sau khi phân tích sự bất hợp lý của tục đốt vàng mã và nêu rõ nguyên nhân sự đốt vàng mã, ông kết luận: Sự đốt vàng mã có phải là bản lĩnh của Phật giáo đâu? Chẳng qua chỉ là một dị đoan mà người ta đã làm lộn vào đấy. Ngoài nước ta và nước Trung Quốc ra, trong hoàn cầu còn nhiều nước theo đạo Phật, nhất là tại Ấn Độ là nơi Phật tổ giáng sinh, người ta có dùng đồ mã bao giờ. Và ông khuyên các đạo hữu: “như thế thì chúng ta có nên sám hối về cái lối si mà chúng ta đã trót phạm từ xưa, và phát nguyện trước cửa Tam bảo từ nay xin chừa đi không?”.

Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật qua hai bài “Nhà tôi với tục đốt vàng mã” và “Đã là người tin đạo Phật phải quyết liệt bỏ vàng mã” cho biết (1): Khi ông dạy học ở một nhà họ Trần ở huyện Chí Linh, Hải Dương thấy nhà ấy cũng không đốt vàng mã, hỏi ra đó là do lời Tổ huấn đã lâu đời. Đọc gia phả của dòng họ này được biết Tứ Diệu công Trần Cảnh đời Lê Cảnh Hưng là một vị Nho thần lập nhiều công lớn trong dẹp loạn, bình sinh cụ không đốt vàng mã và ghi vào trong liên phả dặn con cháu ngày sau không được đốt vàng mã. Nhà văn xứ Đông kể rằng bố ông kịch liệt công kích tục đốt vàng mã là tục mê tín một cách vô lý và đã bỏ hẳn tục ấy. Ông cho biết trước nhà ông, ở xứ Đông đã có một cự tộc không đốt vàng mã từ rất lâu rồi. Tuy nhiên việc bỏ tục đốt vàng mã không hề đơn giản chút nào, như lời bạn của Đồ Nam Tử nói với ông: “như nhà (vợ) tôi thì còn bảo được, chứ bà cụ (mẹ) tôi thì các cụ cố chấp lắm. Hễ bà cụ tôi qui Phật rồi thì tôi sẽ bỏ cái tục đốt vàng mã ở trong nhà được ngay”. Đồ Nam Tử phê phán ông bạn: như thế là ông chưa nhận chân cái tục đốt vàng mã là hủ bại và tệ hại, nếu ông mà nhận chân được thì ông sẽ trừ bỏ nó được ngay và ông sẽ thi hành một cách mà các cụ phải vui lòng. Ông vạch rõ: nay ông tin đạo Phật mà lại cứ đốt vàng mã là cái tục hủ bại với đạo chính giác của Phật, thế là ông không thực tin đạo Phật. Đem tục hủ bại để thờ tổ tiên thế là không thành tâm cung kính tổ tiên. Biết nó là hủ bại mà không khuyên giải cho đấng tôn thân minh cũng biết thì chưa phải là hiếu thực. Nguyễn Trọng Thuật cho rằng với việc bỏ vàng mã trong Hội Phật giáo ngày nay không phải là cái thời kỳ lý luận nữa rồi. Nó chính là cái thời kỳ quyết liệt thực hành rồi. Và Đồ Nam Tử kêu gọi Đã là người tin đạo Phật phải quyết liệt bỏ vàng mã.

Nhàn Văn Đình Trần Duy Vôn trong bài Đồ mã, (2) trích cuốn Đường Thư cho biết: “từ đời Hán trong việc tang ma vẫn còn dùng tiền thật chôn với người chết, tới nay Vương Dư mới dùng tiền giấy.” tiền giấy đã có, thì thằng quít con sen bằng giấy cũng có, đấy là món thay cho người gỗ hay người sống mà gọi “hình nhân thế mạng”. Không những thế, lại trăm nghìn vật khác bằng giấy cũng gọi là Minh khí mà đồng thời xuất hiện. mê man, thành thử toàn thể dân Tầu đua chuộng đồ mã. Lúc đó Phật giáo đương thịnh hành ở Tầu, người Tầu tìm cách lợi dụng cho mã được phổ cập. nhân ngày tự tứ là 15/7, tục nước lễ Trung nguyên, nhà sư là Đạo Tạng vào yết kiến vua Đường Đại Tông (762) mà rằng: “Tôi nghe hôm nay là ngày vua Diêm Vương ở Âm giới xét định họa phúc cho các tội phạm, xin bệ hạ thông sức dân gian phải dùng Minh cụ là các đồ mã, khấn rồi đốt đi để vong nhân dùng (Kinh Đạo Tạng). thế là đồ mã chiến thắng cả hai tôn giáo mà đưa chân lý vùi sâu xuống vực sâu vô để (không đáy) vậy.

Bài liên quan

Không lâu, người Trung Quốc có ý chán đồ mã, hàng mã không tiêu mấy, cái nghề gia truyền của họ Vương gần bị thất nghiệp. Bởi đó con cháu họ Vương ra sức chấn hưng. Vương Luân dòng dõi Vương Dư là nhà làm đồ mã đời Ẩn Đế (nhà Tùy, 948) đã thông mưu với một người bạn giả chết vào trong quan tài có lỗ trống để thở và đưa cơm ăn nước uống. Gần ngày cất đám, Vương Luân đưa mang vàng bạc mũ mã và hình nhân đến lễ Tam phủ cầu cho người bạn hoàn hồn sống lại. quan tài tự nhiên rung động, làm cho ai nấy mười mắt trông một. mở ra người bạn quả lại sống. Cám ơn Vương Luân, người ấy thuật lại cho công chúng biết là chư vị âm thần đã nhận được đồ mã, rồi liền thả ba hồn bảy vía cho về. từ đó đồ mã lại thêm nức tiếng.

Trần Duy Vôn cho rằng đó là tập tục nước Trung Quốc, song nước ta từ đời họ Khúc (906) về trước thuộc quyền đô hộ của họ, vì thế phong tục Trung Quốc những gì, bất biện hay dở phải trái ta cũng đua theo miễn cưỡng bó buộc. nhưng nay thời thế đổi thay, phong hội có khác, có các nhà trí thức đứng ra hô hào chúng ta còn do dự chi mà chẳng cùng nhau hưởng ứng, thôi hẳn cái hủ tục dùng đồ mã ấy đi.

Trong phiên Đại Hội Đồng Hội Phật giáo Bắc Kỳ (9-1942) tại chùa Quán Sứ, có một đại biểu đề nghị Hội đồng ban phát ra một mệnh lệnh cấm giới những điều mê tín dị đoan, nhất là việc đốt vàng mã thì có một vị khác đứng dậy phản bác, xin đừng đụng chạm đến việc vàng mã ông cho là việc cần để phụng sự thần minh, báo hiếu tiên tổ. Phạm Văn Phụng trong bài Vàng mã nên bỏ hay nên để cực lực phản đối điều này(3): “ta bảo để phụng sự Thần minh, nhưng kỳ thực ta ngạo mạn Thần minh thì có. Kia những tờ giấy mỏng tang màu sắc nhờn nhợt, chỉ đáng để lau chùi bọc gói, có người đem phết một ít nước vang hay tí thiếc vuông vuông vào giữa, một nắm nan nứa ngâm sặc mùi hôi thối, có kẻ đem quấn giấy màu vàng, đôi khi lại dán cả giấy nhật trình cũ nữa, thế mà mình cũng công nhận là vàng là bạc mà đem cúng lễ thì có đáng tức cười không? Voi ngựa không lục phủ, ngũ tạng thì sống làm sao được, ô tô không máy móc, động cơ thì chạy thế nào? Đáy thuyền lại thêm 4 chân, vó ngựa lại không đầu gối. Đốt thằng hình nhân, tin là để dưới âm có người hầu hạ, thế sao lại đốt hình chúa ôn, định để tăng số chúa ôn lên chăng?”. Ông kêu gọi: Vậy trừ ra ta không muốn một ngày một hay thêm, trừ ra Hội ta không muốn chấn hưng Phật giáo nữa thì thôi; không thế thì ta phải dũng mãnh tinh tiến mà kíp bài trừ cái hủ tục ấy đi, để giấy mà in kinh, in sách, nhất là đang thời buổi giấy má rất khan này.”

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bài liên quan

Theo bài Khảo về nguyên do sự đốt vàng mã do Thanh Đương dịch từ Hải Triều Âm thì: “xét các lời vàng ngọc trong Phật giáo, còn ghi trong ba tạng Kinh, Luật, Luận, hiện có 3 tạng kinh hơn 7000 bộ, chưa từng thấy bộ nào chép đốt vàng mã cả, ở trong kinh Phật và các nghi thức lễ bái, chỉ thấy nói lấy hương, hoa, trà, quả, đèn, nến, hoặc khai thêm các thức ăn của báu, áo mặc gọi là 10 thứ cúng dàng mà dâng cúng Phật. Cứ xét cái tục đốt vàng mã do tập quán của dân chúng đang lưu hành bây giờ là do bộ Minh Báo Ký của quan Thượng thư bộ Lại nhà Đường tên là Đường Lâm (4) ra đời rồi mới có cái tục ấy, đến nay đã hơn 1000 năm rồi, mà không thấy ai cải chính chỗ sai đó, thật cũng là sự lạ lắm thay! Người đời không biết lấy thế mà đổ tội cho Phật giáo thật là oan uổng lắm!

Cái tục đốt vàng mã ở dân nước ta tích tập đã lâu, muốn bỏ ngay đi không phải là dễ. Đem dâng cúng quỉ thần, tình ấy có thể thứ được, nhưng đối với lý thì khó thông. Phật nói: sự thiện ác của nhân sinh, luân hồi lục đạo, tùy nghiệp mà chịu báo, có lẽ nào sống làm người giàu, chết cũng được làm quỉ giàu ư? Nếu đem dâng cúng Phật lại càng trái lẽ lắm, vì Phật là một đấng Pháp Vương, dứt bỏ ngôi tôn quí, đi xuất gia, tu 8 đạo chính, thành đạo Vô thượng Bồ đề, trở lại với nhân gian, đi xin ăn mà giáo hóa cho chúng sinh. Thế mà lại dùng tiền giấy, bạc giấy mà đút lót với Phật, mong Phật ứng chỗ mình cần, ông quan thanh liêm ở đời còn không lấy của đút, nữa là Phật ru! Người đời không biết, đem đốt tiền giấy cúng Phật, thế lại thành ra báng Phật, các người Phật tử chân chính tất phải cấm tuyệt đối mới phải. Cứ theo lời chân chính Phật dạy mà tin kính, dùng hương hoa đèn nến cung kính cúng dàng, mà không tham cầu gì cả, thì được công đức vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn được.

Kết luận

Nạn đốt vàng mã khi cúng lễ vong linh người đã qua đời là một trong các biểu hiện mê tín trong nghi lễ Phật giáo. Tệ nạn này vừa lãng phí tiền của vừa làm mất đi tính chất thiêng liêng cao quý của Phật giáo chân chính. Vàng mã là những thứ làm bằng giấy để đốt đi, coi như thứ cúng cho người chết; đây là một phong tục mê tín coi người chết cũng cần các đồ dùng như người sống. Đạo Phật cho rằng mọi sinh linh đều ở trong vòng luân hồi siêu thoát sinh tử; đều dựa vào quan hệ nhân quả mà lưu chuyển trong ba kiếp là kiếp trước, kiếp hiện nay và kiếp vị lai. Phật giáo đề xuất “Diệt Đế” (trong “Tứ Đế”) là mục tiêu cuối cùng của sự tu hành, là cõi lý tưởng mà các sinh linh đạt được sau khi đã diệt trừ hết mọi thống khổ và phiền não. Cõi tinh thần ấy gọi là “Niết Bàn” tức nơi cực lạc, vĩnh hằng, yên tĩnh, không có khổ đau và phiền muộn.

CHÚ THÍCH:

1. Đuốc Tuệ số 102 và 104 ra tháng 2 và tháng 3 năm 1939.

2. Đuốc Tuệ số 103 ra tháng 2 năm 1939.

3. Báo Đuốc Tuệ số 188-189 ra tháng 9, 10 năm 1942.

4. Đường Lâm quê ở kinh thành Tràng An, từ nhỏ đã nổi tiếng là người giỏi. ông là người đã dâng kế dẹp giặc Vương Thế Sung năm Vũ Đức thứ nhất. Đời vua Cao Tông nhà Đường làm quan đến Hình bộ Thượng thư tước Tử Kim Quang lộc đại phu. Lại qua 3 chức Thượng thư nữa là Binh bộ, Lễ bộ, Lại bộ. năm Hiển Khánh thứ 4, bị giáng chức xuống làm quan Thứ sử ở Triều Châu, mất năm 60 tuổi. Ông có soạn ra hai quyển Minh Báo lưu hành ở đời.

(Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 7/2019).

 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa

Tư liệu 13:32 21/11/2024

“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.

Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tư liệu 14:05 20/11/2024

Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân l‎ý.

Tiếc là con người chỉ có hai tay

Tư liệu 08:20 19/11/2024

Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.

Bay qua miền hạnh phúc

Tư liệu 17:30 18/11/2024

Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.

Xem thêm